Vì sao cộng sản đòi cấm vĩnh viễn bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” - Dân Làm Báo

Vì sao cộng sản đòi cấm vĩnh viễn bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang”

Hải Âu (Danlambao) - Cục Nghệ thuật biểu diễn của nhà nước cộng sản đang tỏ ra thách thức công chúng khi liên tiếp cấm những bản nhạc bất hủ đã đi vào lòng khán thính giả Việt Nam. Câu chuyện về 5 ca khúc nổi tiếng (Cánh thiệp đầu xuân, Con đường xưa em đi, Chuyện buồn ngày xuân, Đừng gọi anh bằng chú, Rừng xưa) đã bị cộng sản cấm sử dụng vĩnh viễn vẫn đang làm cho dư luận phẫn nộ trong những ngày qua.

Lấy lý do ca từ trong những bản nhạc đã bị sửa lời so với bản gốc, nhưng thực chất thâm ý của cộng sản là muốn giết chết nền âm nhạc vốn dĩ được hình thành và phát triển từ nét văn hóa của thời Việt Nam Cộng Hòa. Mới đây nhiều thông tin cho thấy cộng sản có thể sẽ cấm vĩnh viễn lưu hành bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng với lý do ca từ của bản nhạc đã bị sửa lời.

Bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” có nội dung nói về nỗi niềm của một người vợ nhớ chồng mỗi khi đêm về. Bản nhạc cổ được chính nhạc sĩ Sáu Lầu (Cao Văn Lầu) sáng tác trong hoàn cảnh duyên nợ trái ngang của vợ chồng ông. Năm 28 tuổi, ông Sáu Lầu buộc phải nghe lệnh mẹ thôi vợ vì lý do “tam niên vô tự bất thành thê”, (hai vợ chồng ông không có con sau ba năm chung sống). Thời ấy nếu thôi vợ thì ông phải đem trả vợ về cho cha mẹ vợ, nhưng vì quá thương vợ, ông đã âm thầm chống lại lệnh của mẹ ông khi gửi vợ đến một gia đình có tấm lòng nhân hậu. Chiều chiều ông lại đem cây đàn Kìm ra làm bạn, khi màn đêm buông xuống, phu thê ông lại phải cam chịu cảnh “đêm đông gối chiếc cô phòng”... Chính từ những cảm xúc rất tự nhiên của đời người trong câu chuyện của ông Sáu Lầu mà từ đó bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” đã ra đời.

Cũng như bao tác phẩm âm nhạc nổi tiếng khác, người nhạc sĩ cần có và phải có hoàn cảnh sống hoặc những câu chuyện đầy cảm xúc mới có thể sáng tác những ca khúc đi vào lòng người cùng những áng văn nên thơ, lãng mạn và đẹp đẽ. Nhưng đó lại là những điều mà cộng sản ngày nay không muốn thừa nhận vì lẽ đó không phải là nhạc đỏ, nhạc cách mạng. Nó khác hẳn với dòng nhạc cổ vũ chiến tranh khi “bác cùng chúng cháu hành quân” hay cổ xúy cho sự chết chóc khi “đường vinh quang xây xác quân thù”. Hơn thế nữa, những bản nhạc bất hủ trước năm 1975 lại là của những người “bên thua cuộc” sáng tác.

Chuyện sửa lời bài hát mà cộng sản mượn cớ để cấm lưu hành những ca khúc trước năm 1975 chỉ là cách biện hộ cho thói hành xử vô lối của cộng sản. Có thể những ca từ ấy được chỉnh sửa, thay đổi ca từ âu cũng là làm cho những ca khúc ấy gần gũi với công chúng nghe nhạc hơn. Tuy nhiên sau khi sửa lời thì nội dung và ca từ của những bản nhạc ấy không hề làm mất đi ý nghĩa chính của bản nhạc, cũng không gây phản cảm cho người nghe. Những người lính hay những trận chiến trong bối cảnh sáng tác những ca khúc ấy không xuyên tạc sự thật, không kích động chiến tranh, cũng chẳng thù hằn Nam, Bắc. Thế thì sao phải cấm chúng lưu hành khi những bản nhạc ấy mang lại món ăn tinh thần cho hàng triệu người từ Bắc chí Nam.

Cũng vậy, bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang” chỉ đơn thuần là một tác phẩm âm nhạc kể về sự trái ngang trong tình duyên của một xã hội còn nhiều giáo điều mang tâm thức phong kiến thời ấy. Một bản nhạc cổ đã làm rơi nước mắt của biết bao người yêu nhạc và đã tạo hứng khởi để từ đó Bạc Liêu trở thành cái nôi của dòng nhạc “Đờn ca tài tử”. Một thể loại âm nhạc được UNESCO chính thức công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 5/12/2013. Đến cuối tháng 4/2014 chính nhà nước cộng sản đã long trọng tổ chức Festival Đờn ca tài tử lần thứ nhất tại Bạc Liêu. Hầu hết các quan chức cao cấp của đảng cộng sản đều có mặt trong dịp Festival này nhằm vinh danh dòng nhạc có âm hưởng gần gũi với văn hóa và tính cách con người miền Nam. Hàng tỷ đồng đã được nhà cầm quyền chi ra để xây nhà tưởng niệm, khu trưng bày di sản của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu cùng những hạ tầng cơ sở khác để tạo nên một Festival “Đờn ca tài tử” rất Nam bộ.


Thế nhưng chỉ ba năm sau, cũng chính những kẻ “làm văn hóa” của cộng sản đảng lại hăm he sẽ cấm vĩnh viễn bản nhạc cổ “Dạ cổ hoài lang”. Cục Biểu diễn nghệ thuật của nhà nước cộng sản đưa ra lý do “chưa xác định thời điểm sáng tác ca khúc này và cho rằng có nhiều dị bản đang được lưu hành trên thị trường”. Một bản nhạc đã tạo ra cái nôi của “Đờn ca tài tử” khiến UNESCO và thế giới công nhận là di sản của nhân loại đang đứng trước nguy cơ chịu án “tù chung thân” tại Việt Nam.

Nếu cộng sản cấm những bài hát trước năm 1975 vì “bị” sửa ca từ hay vì “dính” những hình ảnh người lính và chiến trận. Vậy thử hỏi những ca từ trong bài “đồng chí” hay “năm anh em trên một chiếc xe tăng” và vô số những bài hát liên quan đến cuộc chiến Bắc Nam của “bên thắng cuộc” tại sao lại không cấm. Đất nước không còn chiến tranh, cộng sản luôn mồm kêu gọi hòa hợp dân tộc nhưng tâm địa lại luôn thù hằn những gì gắn liền với Miền Nam Việt Nam. Phải chăng cộng sản lo sợ văn hóa nghệ thuật đầy tính nhân văn và tình dân tộc của Việt Nam Cộng Hòa hồi sinh và sẽ là bước đệm nhằm giải thể cộng sản đảng độc tài?

08.04.2017



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo