Lao Động Việt - Sáng ngày 12/5/2017, tại Công ty may K+K FASHION (đóng tại xã Đức Hoà, Chương Mỹ, Hà Nội), hơn 2000 công nhân đang làm việc tại đây đã đồng loạt đình công, để phản đối lãnh đạo công ty về những thực trạng sau, một nữ công nhân tại đây đã cho Lao Động Việt biết:
- Lãnh đạo công ty đã tăng sản lượng quá cao, ép công nhân làm sản lượng quá mức để có thể đạt được doanh số của mình công nhân phải làm việc quá giờ theo quy định mãi 18h30 hàng ngày mới được ra về, và thậm chí, vì bị ép sản lượng lớn quá sức, công nhân sau khi ăn trưa xong phải làm việc ngay không có thời gian nghỉ.
- Chế độ phục vụ ăn uống quá kém, không chịu thay đổi món ăn. Nước uống đun lên có mùi thối, rau có sâu, nước canh có mùi xà phòng, một suất ăn của mỗi công nhân là 18000 VNĐ những thực chất công ty trả lại cho người nấu ăn chỉ 12000VNĐ
- Các quản lý đã không được học một khóa nào về cách thức quản lý và ứng xử với công nhân, mà quản lý hay chửi mắng, xúc phạm công nhân; giữ nhiều khoản tiền của công nhân. Ngày lễ 30/4-1/5, vừa qua công nhân đóng tiền công nhiều hơn so với năm ngoái nhưng chỉ được thưởng 2 chiếc khăn tắm/1 công nhân, trong khi năm ngoái được thưởng 500 nghìn đồng/công nhân.
Vì vậy, các công nhân đã đình công, biểu tình để yêu cầu Giám đốc công ty phải thực hiện những điều khoản sau:
- Giảm mức khoán sản phẩm phù hợp. Tăng mức tiền lương xứng đáng cho sản phẩm công nhân làm. Tăng tiền thưởng, các ngày nghỉ lễ phải được thưởng xứng đáng. Chế độ ăn uống phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Thái độ của người quản lý đối với công nhân phải thay đổi, cư xử có văn hoá chứ không được xúc phạm, xem thường. Phải trả lại các khoản tiền A-B-C (theo công nhân ghi) cho các công nhân.
Và trong ngày hôm nay, giám đốc đại diện Công ty K+K Fashion đã hứa sẽ giải quyết cho toàn thể các công nhân, đến ngày thứ 2 sẽ có câu trả lời xác đáng cho hơn 2000 công nhân. Điều đặc biệt, phía đại diện công ty nói nếu câu trả lời không thỏa đáng, thì công nhân có quyền tiếp tục đình công
Không có luật pháp giám sát ở công ty K+K FASHION này. Thức ăn, nước uống của công ty dành cho công nhân có lẽ đã vượt quá sự tưởng tượng của con người ở xã hội văn minh. Các công nhân là những người chủ chốt làm ra sản phẩm, giúp công ty duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, thế nhưng thay vì trân trọng sức lao động của công nhân và đối xử với họ thật xứng đáng với những gì họ làm ra hoặc ít nhất là đúng quy định luật pháp thì chủ doanh nghiệp lại ngược đãi, xem những người lao động như những nô lệ của mình.
Về mức khoán sản phẩm, tại sao không một công nhân nào đạt được mức khoán đó mà công ty vẫn cố ép họ? Và tại sao mức lương của họ so với 2 năm về trước không hề được tăng trong khi vật giá tăng và đời sống công nhân thì đang khốn khổ? Lãnh đạo công ty cũng như các quản lý không có thái độ trân quý công nhân khi ép họ như một cỗ máy tạo ra lợi ích cho họ, và còn xúc phạm nhân phẩm công nhân, thái độ đó là một thái độ không thể chấp nhận được trong một đại gia đình công nhân.
Công đoàn, Liên đoàn đang ở đâu khi công nhân đã bị đối xử như những nô lệ? Có còn xứng đáng là tổ chức được dựng lên để bảo vệ cho quyền lợi người lao động không?