Bạn đọc Danlambao - Bí thư Thành uỷ TP.HCM Đinh La Thăng vừa chính thức bị kỷ luật và cách chức uỷ viên Bộ Chính trị trong ngày làm việc thứ 3 của Hội nghị Trung ương 5.
Sau một cuộc bỏ phiếu kín diễn ra vào sáng ngày 7/5/2017, trên 90% trong tổng số 180 Uỷ viên Trung ương đảng đã biểu quyết kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Đinh La Thăng.
Đây tiếp tục được coi là một chiến thắng giòn giã của phe Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến thanh trừng đối với những thế lực tàn dư của Nguyễn Tấn Dũng.
Trước đó, các nguồn tin cho biết, tại phiên họp trù bị cho Hội nghị TƯ5 diễn ra hôm 3/5/2017, ông Đinh La Thăng đã chủ động xin từ chức Bí thư Thành uỷ TP.HCM và rút khỏi Bộ chính trị. Một động thái đầu hàng gỡ gạc danh dự vì ông Thăng biết rõ không thể đối đầu lại ông Trọng.
Truyền thông nhà nước cho hay, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chủ trì và điều hành phiên họp hôm 7/5. Ông Trần Quốc Vượng, chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương là người đọc tờ trình thi hành kỷ luật. Tiếp đến, ông Đinh La Thăng cũng được lên phát biểu ý kiến.
Sau khi xem xét và thảo luận, Ban chấp hành Trung ương đảng cho rằng những sai phạm của ông Đinh La Thăng xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam là “rất nghiêm trọng”.
“...ông đã mắc những khuyết điểm, vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và công tác cán bộ, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng và cá nhân ông, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của đảng”, thông báo viết.
Theo các quy định của đảng cộng sản, việc thi hành kỷ luật đối với đảng viên gồm các mức độ như sau: khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ. Do chưa bị khai trừ khỏi đảng, nên khó dự đoán được rằng liệu ông Đinh La Thăng sẽ bị khởi tố hình sự về khoản thất thoát lên đến 9 tỷ đô-la Mỹ tại Tập đoàn PVN hay không?
Dù trên danh nghĩa vẫn là một Uỷ viên Trung ương đảng, nhưng quyết định cách chức khỏi Bộ Chính trị cũng đồng nghĩa với việc ông Thăng cũng sẽ sớm bị loại khỏi chiếc ghế Bí thư Thành uỷ TP. HCM trong thời gian sắp tới.
Hiện nay, người thay thế ông Thăng để ngồi vào chiếc ghế Bí thư TP. HCM vẫn còn là một ẩn số. Chỉ biết chắc rằng, nhân vật được cử vào “tiếp quản” thành Hồ chắc chắn sẽ phải là một thuộc hạ thân tín của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Một số cái tên như: Võ Văn Thưởng, Trương Hoà Bình, Nguyễn Thành Phong, Nguyễn Thiện Nhân, Tô Lâm, Tòng Thị Phóng... đang được coi là ứng viên cho chiếc ghế Tân bí thư Thành uỷ TP.HCM. Trong số này, Tòng Thị Phóng hội đủ các tiêu chí do ông Trọng đề ra: Là người miền Bắc và có lý luận!
Sau khi thanh toán được Đinh La Thăng, chắc chắn Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục đánh tiếp đến cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Số phận của những tay chân thân cận với ông Dũng như Nguyễn Văn Bình, Hoàng Trung Hải cùng hai người con Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết đang ngày càng trở nên u ám.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy qua cuộc đào tẩu bất thành của cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đang gây ồn ào trên các mặt báo. Tương lai sẽ là một cuộc tháo chạy toàn diện của các quan chức cộng sản, hãy chờ xem.
7/5/2017