Năm xích lô (Danlambao) - Tự do ngôn luận được ghi rõ trong Hiến pháp CHXHCNVN chương II, Điều 25: Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định. Pháp luật có quy định ra sao cũng không thể trái với Hiến pháp (vi Hiến). Từ cá nhân cho đến tổ chức, đoàn thể, đảng phái nào đi nữa muốn chính danh không thể ngồi trên pháp luật để kết tội ai đó khi chính họ không tôn trọng những gì ban hành hoặc không chứng minh cho tội danh gán ghép.
Khi ban hành điều gì đó thì bản thân phải tôn trọng những gì đưa ra, nếu không thì chính họ tự phỉ nhổ vì chỉ bắt người khác tuân thủ trong khi họ mửa ra nhưng ép người khác quét dọn. Sự quy kết nhưng thiếu biện chứng khi khép tội một cách khiên cưỡng "tuyên truyền chống nhà nước XHCNVN" hoặc "âm mưu lật đổ nhà nước CS" là ngu xuẩn và đầy mâu thuẫn.
Một chế độ tự xưng là từ dân, do dân và vì dân mà cá nhân nhỏ bé có thể lật đổ một tập đoàn khi nhà cầm quyền vũ khí trang bị tận răng đối chọi với cá nhân tay không? Một chế độ tự xưng là dân chủ và như dẫn chứng nêu trên tại sao vu khống cho nguyện vọng người dân là "tuyên truyền chống nhà nước CS hoặc âm mưu lật đổ"? Tại sao người dân chống chế độ? Họ từng nói là "nơi nào có áp bức nơi đó có đấu tranh", vậy người dân bị ép vào đường cùng mới phải lên tiếng thì có gì không ổn trong chế độ.
Tại sao người viết cho chế độ là ngu xuẩn? Đầu tiên phải tự hỏi, đảng/nhà nước (hai trong một) có gì sai nên người ta mới lên tiếng. Sự lên tiếng chưa hẳn là chống đối và không thể nói là "tuyên truyền chống thứ gì đó" và sự "tuyên truyền hoặc âm mưu" đó ra sao, đúng hay sai? Kế đến là không có lửa làm sao có khói? Đừng ỷ vào bạo lực để trấn áp tiếng nói người dân. Tôi xin nêu lại thành ngôn "đảng nhất thời, dân vạn đại". Đất nước này có phải của riêng đảng đâu, tại sao cấm và kết tội người dân chúng tôi nói lên suy nghĩ của mình?
Một chế độ phải biết lắng nghe tiếng nói của người dân để biết mình đang ở đâu và làm gì. Chúng ta đang sống ở thế kỷ 21, thời của internet chớ không thể bưng bít như ăn lông ở lỗ hang Pắc Bó. Người dân cũng sáng mắt sáng lòng chớ không như ngày xưa để mấy ông bà bịt mắt dắt dê. Chúng tôi chỉ nói lên những gì quan tâm đến đất nước nhưng ông bà kết tội vô lý đủ nói lên tính độc tài man rợ của chế độ, đó là điều không thể biện minh vì bất kỳ lý do nào. Chế độ có gì sai chúng tôi mới lên tiếng chớ đâu rảnh hơi. Ít nhất là ông bà phải biết lắng nghe và trao đổi mới chứng tỏ những gì ông bà thường tuyên truyền thế nào là "dân chủ tập trung" (chuyên quyền). Chúng tôi là nhân dân nên có quyền biểu lộ suy tư của mình, lấy tư cách gì ông bà cấm chúng tôi theo Hiến định?
Tôi không nghĩ là ông bà sẽ đọc những lời ngang trái này, tôi nói gián tiếp với đồng bào tôi, những người có tâm huyết với đất nước mà tôi kính yêu. Tôi khẳng định một điều là chính nghĩa sẽ thắng hung tàn, chế độ này sẽ lụi tàn.
Đối với đất nước, tôi chỉ là con người bé nhỏ nhưng tôi hy vọng những tiếng nói bé nhỏ đó nếu biết kết hợp sẽ thành luồng gió xua đi độc tài CS.
Người viết xin phép tâm tình với bạn đọc.
Thưa quý bạn!
Chúng ta đều ưu tư về đất nước. Chúng ta mang hoài bão nhưng có thể một số người chưa biết phải làm sao? "Một cây làm chẳng lên non, ba cây chụm lại lên hòn núi cao". CS tồn tại và phá hoại đất nước vì chúng ta thiếu đoàn kết, sự nghi ngờ đã làm chế độ gian ác CS này tàn phá quê hương. Chúng ta hãy tự cách mạng bản thân, hãy trao niềm tin cho nhau, đừng đòi hỏi Tổ quốc làm gì cho ta mà hãy hiến dâng cho Tổ quốc.
Người viết đưa ra đề nghị ngắn gọn như sau:
Hải ngoại
Thực chất là chỉ gián tiếp nhưng có vai trò quan trọng trong thế cờ vì có khả năng yểm trợ và vận động quốc tế. Nói minh bạch là người quốc nội trông chờ nhưng hải ngoại chẳng biết phải làm sao. Điều đó cho thấy là hải ngoại không bị kềm chế của chế độ bất nhân nhưng vẫn còn nghi kỵ, thụ động hoặc e ngại nên không khai thác năng lực. Người viết đề nghị là chúng ta phải cụ thể, chẳng hạn vài vị có tiếng nói và uy tín đảm nhận trách nhiệm chớ không nói suông. Điều đó nằm trong tầm tay, tại sao lại e ngại khi mình nhận lãnh trách nhiệm với đất nước?
Quốc nội
Phải tạo tư thế cho một hai người để có tiếng nói chung, chúng ta phải xây dựng uy thế lãnh đạo. Đây là yếu tố cần thiết vì phong trào thiếu người chỉ huy sẽ không tạo được sức mạnh đối chọi với nhà cầm quyền. Đằng sau vẫn có những người có tầm chiến lược nhưng không chính thức. Chúng ta không bàn là bất hay bạo động, trong vô thức chúng ta đi vào đòn của CS, vấn nạn đất nước của chúng ta sẽ được giải quyết bằng hành động.
Tựu chung là chúng ta hãy gác nghi kỵ, đoàn kết, chung vai sát cánh vì đất nước thân yêu. Đất nước Việt là của tất cả chúng ta. Không thể chế hay đảng phái nào có thể cấm đoán lòng yêu nước và trách nhiệm của công dân trước đất nước. Tại sao bạn ngại trước bạo quyền khi mình chính đáng? Sự phối hợp giữa hải ngoại và quốc nội sẽ làm thay đổi đất nước theo mong muốn của người dân. Cá nhân không làm thay đổi được đất nước, chúng ta thì sao? "Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông"!
8/10/2017