Cánh Dù lộng gió (Danlambao) - Bài này chỉ xin nhấn mạnh đến những người cho tới giờ phút này vẫn ác cảm với các anh em TPB VNCH là những người không còn gì để mất, không còn sức để mà chống đối, không còn sức để mà kháng cự.
Họ đã bỏ lại và mất đi một phần thân thể trên các chiến trường đẫm máu nhất mà những người khi tới tuổi quân dịch phải thi hành lệnh động viên của chính phủ thời đó cũng như những người Bộ Đội miền Bắc phải thi hành nghĩa vụ quân sự khi được gọi nhập ngũ. Một bên là muốn thống nhất tổ quốc, chống Mỹ cứu nước, một bên là lý tưởng bảo vệ tổ quốc khi bị xâm lấn và làm tròn trách nhiệm của một công dân trong thời chiến. Hai mục tiêu, hai lý tưởng khác nhau nhưng khi giáp mặt với nhau thì cùng có sự triệt buộc tôi không nổ súng bắn anh thì anh cũng nổ súng bắn tôi, vì thế họ không có lỗi, mà lỗi là do những kẻ đã gây ra chiến tranh đẩy họ vào vùng lửa khói.
Ở đây tác giả chỉ muốn nói cho có sự công bằng giữa 2 bên, không kết án bên nào tuy cái lẽ tự nhiên trên đời là khi không anh đòi chiếm nhà tôi một cách vô lý thì tôi bắt buộc phải tự vệ và chống trả lại anh vì chẳng còn cách nào khác.
Vì thế để tự vệ anh em TPB VNCH cũng chỉ làm hết trách nhiệm và bổn phận của mình đối với phần đất phía Nam của mình mà thôi.
Họ đã ngã gục, đã buông súng khi không còn sức chiến đấu, có người mất đi cặp mắt, có người mất 2 tay, có người cụt cả 2 chân may mắn lắm thì mất 1 cánh tay hay chỉ cụt một chân, nhẹ nhất là thương tật đầy mình tuy còn đủ các bộ phận trên cơ thể.
Sau ngày 30/04/1975 họ và gia đình bị coi như những kẻ có nợ máu, có tội ác với nhân dân và bị đối xử tàn nhẫn. Họ bị gom vào các trung tâm có tên gọi là Bảo Trợ Xã Hội. Thực chất các trung tâm này đã đối xử với họ như những người tù, hằng ngày phải lao động cật lực, ăn uống thiếu thốn, nếu vì đau mà nghỉ làm thì bị đánh đập dã man cho đến chết, có người chịu không được vì vết thương cũ tái phát còn bị đánh đập không thương tiếc sau đó đã chết trong các trại tập trung mang cái tên gọi rất nhân văn ở trên.
Khoảng 7 năm trở lại đây Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT) có tổ chức chương trình tri ân TPB VNCH để đem lại cho họ một chút tình người khi bị xã hội lãng quên mấy chục năm nay mà đáng lý ra nhà cầm quyền phải có trách nhiệm lo cho những người này với danh nghĩa là những người tàn tật mất sức lao động, ngược lại chính quyền không mảy may quan tâm hỗ trợ dù chỉ là một cái thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh cho người tàn tật, chưa nói đến những quyền lợi của gia đình họ bị phân biệt đối xử thí dụ con cái họ còn đang trên ghế nhà trường và các vấn đề an sinh xã hội khác.
DCCT đã tổ chức từng đợt tầm soát sức khoẻ (khám tổng quát) cho các anh em TPB VNCH từng đợt, thuê xe Taxi đến chở anh em đi các bệnh viện để lấy máu xét nghiệm, đo điện tâm đồ, X quang và siêu âm, khi về lại DCCT có các Bác Sỹ khám tổng quát và chẩn đoán kết quả định bệnh lần cuối cùng. Ai cần xe lăn sẽ được phát xe lăn, ai cần xe lắc sẽ được phát xe lắc, ai cần nạng sẽ cấp phát nạng, ai cần làm chân giả sẽ được dẫn đi làm chân giả, ai cần đeo kính sẽ được đó và cắt kính theo nhu cầu.
Đội ngũ Tình Nguyện Viên của DCCT rất nhiệt tình trong việc phục vụ các anh em TPB, họ ý thức được vì tình người, vì lòng bác ái với tha nhân nên họ giúp đỡ anh em khá chu đáo, thậm chí anh em chụt 2 chân họ còn ra cổng cõng hoặc ẵm vào, bữa ăn trưa thân mật nếu mù 2 con mắt không thấy đường sẽ có người đút từng muỗng cơm, cut cả 2 tay cũng thế, thật là cảm động khi nhìn thấy những cảnh tượng này.
Họ không còn gì để mất, chỉ còn mỗi mạng cùi lê lết xin ăn, bán vé số, lang thang từng tốp đi bán nhang dọc đường miễn sao sống qua ngày. Mong được sự an ủi cuối cuộc đời là có được một chút ấm áp tình người, quan tâm tới họ trước khi họ ra đi vĩnh viễn vì người nào nhỏ nhất cũng trên 60 tuổi rồi. Nếu nhà cầm quyền không thể giúp đỡ họ vì một lý do gì đó thì hãy để DCCT giúp họ đừng kiếm cách ngăn trở công tác trên vì đây là việc làm thiện nguyện đáng được khuyến khích hơn là cấm cản.
Đó là sự mong mỏi của những anh em TPB VNCH với nhà cầm quyền, xin hãy vì chút tình người trước khi anh em chúng tôi nhắm mắt giã từ kiếp sống đau đớn, khổ sở để đi vào lòng đất mẹ.
Ngày 31/10/2017