S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – "Dân chủ không phải là sản phẩm độc quyền của phương Tây dù nó bắt đầu ở phương Tây. Cũng như internet - không phải được phát minh ở phương Đông nhưng vẫn rất được chúng ta hoan nghênh và đang làm thay đổi xã hội phương Đông." Trương Huy San
Sáng ngày 3 tháng 10 năm 2017, ông Lê Tấn Thịnh (trưởng công an xã Quảng Điền, huyện Krông Na, tỉnh Đắk Lắk) đã làm náo loạn một khu chợ chồm hổm bằng nhiều cú đá hung bạo vào thúng mẹt rau cải, tôm cá... của bạn hàng ở địa phương này.
Những ông quan be bé “múa gậy vườn hoang” là chuyện thường ngày xẩy ra ở xã nên những sự kiện tương tự không mấy khi khiến cho bất cứ ai phải bận tâm:
...
Riêng vụ ông Lê Tấn Thịnh biểu diễn quyền cước (giữa chợ) thì dư luận có hơi ồn ào chút đỉnh, sau khi báo chí đăng tải những lời tạ lỗi hết sức dễ thương (và cũng dễ nghe) của đương sự:
Sinh trưởng, và sinh hoạt tại vùng xa/vùng sâu nên một ông công an xã – ở Krông Na, Đắk Lắk – không “lường trước” được hình ảnh tả xung hữu đột (rất khó coi) của mình lại được lan truyền mau chóng khắp nơi… là điều rất nên thông cảm. Ngay ở dưới miền xuôi, cách đây chưa lâu, ông Vương Bình Thạnh (Chủ Tịch UBND Tỉnh An Giang) cũng bị “một vố không lường” gần tương tự.
Ngày 15 tháng 11 năm 2015, báo Vnexpress đi tin: “Nữ giáo viên chê chủ tịch tỉnh trên Facebook bị phạt 5 triệu đồng. Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh An Giang vừa xử phạt bà Lê Thị Thùy Trang - tổ trưởng môn Ngữ văn, trường THPT Long Xuyên, TP Long Xuyên - và ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc (nhân viên Điện lực An Giang) mỗi người 5 triệu đồng.
Động thái này được đưa ra sau khi Sở cho rằng 2 người có hành vi truyền đưa lưu trữ sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín danh dự người khác theo Điều 66/NĐCP trong lĩnh vực Bưu chính tần số viễn thông công nghệ thông tin và tần số vô tuyến.”
Tuy nhiên, chỉ năm bẩy ngày sau, báo chí trong nước lại đồng loạt loan tin khác hẳn về sự việc này:
Cũng như ông Lê Tấn Thịnh, ông Vương Bình Thạnh – nói nào ngay – chỉ là nạn nhân của buổi giao thời. Cái thời mà kỹ thuật tin học đổi thay nhanh chóng “không lường” khiến cho nhiều kẻ đã bị rơi vào tình cảnh hụt hẫng, hay lố bịch.
Babui
Nhà xã hội học William F. Ogburn gọi đây là chuyện lệch pha văn hóa, “cultural lag.” According to Ogburn, cultural lag is a common societal phenomenon due to the tendency of material culture to evolve and change rapidly and voluminously while non-material culture tends to resist change and remain fixed for a far longer period of time.” (Theo Ogburn, sự lệch pha văn hóa là một hiện tượng xã hội phổ biến do khuynh hướng văn hóa vật chất tiếp tục tiến hóa và thay đổi rất nhanh, rất lớn, trong khi văn hóa phi vật thể có xu có xu thế chống đối lại những biến đổi và vẫn còn nguyên vẹn trong một thời gian dài hơn rất nhiều. Trans. Bùi Xuân Bách).
Đặt trong bối cảnh của Việt Nam hiện tại, vấn đề được nhà báo Benjamin Ngô diễn đạt một cách bình dị, và dễ hiểu hơn:
“Ngày trước, khi mạng xã hội chưa phổ biến, điều kiện tiếp cận thông tin còn hạn chế, ở một số địa phương, cơ quan công quyền có thể phát hành văn bản trái luật, một số quan chức có thể phát ngôn tùy tiện mà không lo bị người dân phản ứng. Bây giờ tình thế đã khác xưa nhiều, người dân đã hiểu biết và nắm luật hơn nhưng vẫn còn đó một bộ phận quan chức thiếu tôn trọng và hiểu rõ vai trò của báo chí, truyền thông mạng xã hội.”
Quan chức vốn là giới người luôn luôn chậm lụt, đã đành. Ngay cả thành phần “tinh hoa” (những đại gia của đất nước) lắm vị – xem ra – cũng không được lanh lợi hay tiến bộ gì cho lắm. Xin đan cử một thí dụ nhân việc Vinschool bất ngờ tăng học phí, và phản ứng của phụ huynh học sinh, cũng như của giám đốc tập đoàn Vingroup.
Trước sự kiện này báo Cali Today, số ra ngày 4 tháng 10 năm 2017, vừa có bài viết (“Thời Vượng Xưng Vương”) với nhiều tình tiết đáng buồn:
“Chỉ một vài ngày kể từ khi làn sóng phản đối nổi lên, hàng chục phụ huynh liền bị PC50 (Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao) của công an thành phố Hà Nội ‘mời’ lên làm việc. Lối hành xử này của công an chẳng những dập tắt được làn sóng phản đối, mà nó như dầu đổ vào lửa, lại càng làm bùng lên nỗi bất bình của người dân.
Những phụ huynh có con đang học tại Vinschool cho rằng, Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup đã dùng tiền của mình để mua chuộc công an, sai khiến lực lượng này trấn áp các phụ huynh để dập tắt làn sóng phản đối việc Vinschool tăng học phí, nhằm không để ảnh hưởng đến hình ảnh của tập đoàn.
Hình ảnh của tờ giấy mời đã được lan truyền trên Internet với tốc độ chóng mặt, cùng với đó là những lời bình lên án lực lượng công an Hà Nội và trường học Vinschool, cũng như Tập đoàn Vingroup. Trước sự việc trên, đại tá CSVN Lê Hồng Sơn, Trưởng phòng PC50 của công an Hà Nội đã phải lên tiếng thanh minh. Ông Sơn khẳng định: ‘Không có chuyện cơ quan công an mời phụ huynh có ý kiến phản đối việc tăng học phí của trường Vinschool lên làm việc.’
Theo ông Sơn, việc mời các phụ huynh là để làm rõ một số người sử dụng việc phản đối tăng học phí để nói xấu cá nhân Phạm Nhật Vượng...”
Nguồn ảnh: Soha
Đại Tá Công An Lê Hồng Sơn và Đại Gia Phạm Nhật Vượng hẳn đã quên vụ “nói xấu” ông Chủ Tịch An Giang mới đây, và “nỗi khổ sở” đương sự khi bị ném đá tơi bời trên FB.
Sau những cú đá lệch pha giữa chợ Krông Na (Đắk Lắk) ông trưởng công xã Lê Tấn Thịnh đã tỏ thái độ rất “ăn năn” và vô cùng cầu thị:
Những cú đá vào túi tiền của phụ huynh học sinh của trường Vinschool, cùng việc mời công an PC 50 vào cuộc, cũng thế. Cũng “hơi quá” và cũng lệch pha thấy mẹ luôn. Trước sau gì thì ông Phạm Nhật Vượng cũng phải xin lỗi và “mong người dân bỏ qua” vì “chưa lường trước sự việc” thôi.
Thôi thì chuyện gì rồi qua qua nhưng cái mặt nạ “nhân nghĩa, phi lợi nhuận, không lợi nhuận” thì chắc chắn sẽ không thể nhặt lên và đeo vào được nữa. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là chuyện nhỏ, nào có hề chi. Chứ có vị đại gia nào ở VN hiện nay mà không thuộc loại mặt dầy, mày dạn. Xứ sở này là nơi “không có nhân cách người ta vẫn sống, thậm chí còn sống béo tốt hơn” nữa là đằng khác.