Không phải chuyện đùa
“Nơi nào người ta đốt sách thì họ sẽ kết thúc bằng việc đốt sinh mạng con người.”
Mấy tuần nay, câu chuyện về cuộc cải cách tiếng Việt, chữ Việt trong nước là câu chuyện thời sự số 1 ở Việt Nam. Trong nước người thi nhau “ném đá”, ngoài nước cũng “ném”. “Đá” nhiều tới nỗi có thể “chôn sống” cả cái nhân vật chính, chủ trương cải cách, ông Bùi Hiền. Đến nước này thì không tò mò cũng không được.
Trên email, bạn bè gửi tới tấp chuyện động trời. Một ông tiến sĩ đòi sửa Tiếng Việt thành “Tiếg Việt”, “luật giáo dục” phải viết là “luật záo zụk,” “nhà nước” là “N’à nướk”… Chẳng nói chơi, mới đây, trong cuốn sách “Ngôn Ngữ ở Việt Nam – Hội Nhập và Phát Triển (tập 1)” dày 2,200 trang, do nhà xuất bản Dân Trí phát hành, nhân dịp “Hội thảo ngữ học toàn quốc” được tổ chức tại trường Đại Học Quy Nhơn, Bình Định, hồi Tháng Chín, trong bài viết “Chữ Quốc Ngữ và Hội Nhập Quốc Tế,” ông Bùi Hiền với đề nghị cải tiến chữ viết tiếng Việt gây nhiều tranh cãi kể cả trong và ngoài nước.
Theo báo Thanh Niên, Bùi Hiền là Phó Tiến Sĩ(?), cựu hiệu phó trường Đại Học Sư Phạm Ngoại Ngữ Hà Nội, cựu phó viện trưởng Viện Nội Dung và Giáo Dục Theo Phương Pháp Phổ Thông.
Theo ông Bùi Hiền, “Từ năm 1924, khi toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép dạy chữ quốc ngữ bắt buộc ở cấp tiểu học, trải qua gần một thế kỷ, đến nay chữ quốc ngữ đã bộc lộ nhiều bất hợp lý, nên cần phải cải tiến để giản tiện, dễ nhớ, dễ sử dụng, tiết kiệm thời gian, vật tư…”.
Tôi xin tóm tắt những điều cải cách mà ông đưa như sau:
1/ Loai bỏ chữ Đ và thay bằng chữ Z: thí dụ Dục thành Zục- Giáo dục thành Giáo Zục
2/ Thêm các chữ cái F, Z, W, J vào 26 chữ cái của VN. Phúc sẽ thành Fúc. Nguyễn Xuân Phúc sẽ thành Nguyễn Xuân Fúc.
3/ Thay đổi âm vị của 11 chữ cái hiện có. Và vì âm nh chưa có nên thay thế bằng chữ n. Như vậy chữ “nhà” sẽ thành “nà”.
Đề nghị cải cách này đưa ra phản ứng kịch liệt cả trong và ngoài nước. Người ta không hiểu đằng sau cải cách này có ý đồ gì? Nó không đơn thuần là ý đồ làm nổi, điên rồ,… như một số người đã phê phán.
Cải cách chữ quốc ngữ, đó không phải là ý tưởng đầu tiên. Trước đây đã có nhiều người vận động nhưng đều thất bại. Hồ Chí Minh cũng đã dung chữ K thay cho chữ C, ông Hồ viết Kách Mạng thay vì Cách Mạng, Nhân dân thành Nhân Zân... Gần đây nhất ở hải ngoai cũng có ông Trịnh Y Thư cũng đề nghị bỏ Y để thành I. Lúc đó, trên Blog Nguyễn Xuân Hoàng của VOA, có người đã đề nghị viết tên ông thành Trịnh I Thư thay vì Trịnh Y Thư thì ông im.
Ông Phạm Thanh Tòng ở Texas, cho rằng cải cách của ông Bùi Hiển nhằm ý đồ tiêu diệt cả một nền văn hóa Việt Nam. Ông viết lại bài thơ Trăng Sáng theo Phương pháp cải cách của Bùi Hiền làm ví dụ.
Trăng sáng
Sân nhà em sáng quá
Nhờ ánh trăng sáng ngời
Trăng tròn như cái đĩa
Lơ lững mà không rơi
Những hôm nào trăng khuyết
Trông giống con thuyền trôi
Em đi trăng theo bước
Như muốn cùng đi chơi.
CăQ sáQ
Sân Nà em sáq Kuá
Nờ áN Kăq sáq Qời
CăQ Còn Nư kái đĩa
Lơ lữq mà Xôq rơi
Nữq hôm nào Căq Xuyết
CôQ ZốQ con Wuyền Côi
Em đi CăQ Weo bước
Nư muốn KùQ Di Cơi.
Đọc bài thơ này người Việt nào mà không cảm thấy kinh hoàng.
Người ta có thể nói ngọng, nhưng không thể viết ngọng.
Cải cách chữ quốc ngữ, Việt Nam cũng không phải quốc gia đầu tiên. Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật,… cũng có cải cách chữ viết của họ. Một số người ủng hộ Bùi Hiền ở trong nước, cho rằng Trung Quốc cài cách được thì Việt Nam cũng làm được.
Nhưng Trung Quốc không phải là khuôn vàng thước ngọc mà Việt Nam phải răm rắp tuân theo. Các loại chữ viết của Trung, Nhật, Hàn cần phải tiết giản đường nét cho dễ học, đó là chuyện của họ. Còn cải cách của Bùi Hiền sẽ biến người Việt thành những kẻ viết ngọng. Nói ngọng là dị tật thể xác. Viết ngọng là mang dị tật của tâm hồn. Bùi Hiền và những thế lực nào đứng sau ông ta đang manh tâm bẻ quặt nền văn hóa 4,000 năm của dân tộc trở thành một nền văn hóa què quặt?
Nhiều nhà trí thức trong nước cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ. Ông Nguyễn Hữu Hoành, phó viện trưởng Viện Ngôn Ngữ Học Việt Nam, cho biết vấn đề này đã được các nhà ngôn ngữ học trao đổi, đề cập rất nhiều trong những năm qua chứ không riêng gì đề nghị của ông Bùi Hiền. “Tuy nhiên, không thể thay đổi được và cũng không nên thay đổi, vì chữ viết liên quan đến văn hóa, lịch sử và rất nhiều vấn đề khác. Ngay cả tiếng Anh, một ngôn ngữ phổ biến có nhiều chữ đọc và viết bất hợp lý mà cũng không ai nghĩ đến việc cải tiến. Đến nay, trải qua nhiều thế kỷ, tiếng Việt đã định hình và chữ quốc ngữ đã tồn tại cả thế kỷ với kho tư liệu đồ sộ từ lúc hình thành đến bây giờ,”
Còn ông Bùi Khánh Thế, phó chủ tịch Hội Đồng Khoa Học và Đào Tạo trường Đại Học Ngoại Ngữ-Tin Học Sài Gòn, cho rằng: “Có một số bất hợp lý, chẳng hạn ký tự q lại thay thế cho chữ ng, z thay gi, c thay tr, ch… Chưa kể làm vậy sẽ mất đi sự tinh tế trong cách viết, đọc và phát âm của tiếng Việt. Từ lúc hình thành cho đến nay, tiếng Việt có nhiều âm thay đổi nhưng chữ viết vẫn giữ nguyên. Đó chính là sự bền vững cần có, chỉ những gì bất hợp lý mới mất đi.”Theo ông Thế, càng đổi mới thì càng bị rối. Đó là chưa kể, sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức và kinh phí để thay đổi. Vì thế, đối với chữ quốc ngữ, nên tìm cách chú ý khắc phục những cái khó, hơn là cải tiến.
Lịch sử cho thấy để sáng tạo hệ thống chữ quốc ngữ thoạt đầu chỉ cần có vài người, nhưng sau ba trăm rưỡi năm, kể từ sau cuốn Từ điển Việt Bồ La (1651), thay đổi hệ thống này không phải là việc vài người có thể làm được.
Nhưng điều đáng nói ở đây, Bùi Hiền chỉ là con tốt nhỏ trong một cuộc cờ lớn của Trung Quốc.
Tần Thủy Hoàng đốt một số sách của Bách Gia Chư Tử để thống nhất tư tưởng chính sách chính trị của chế độ toàn trị Nhà Tần. Còn việc cải cách chữ quốc ngữ của Bùi Hiền nếu thành công thì toàn bộ một nền văn hoá, lịch sử của cả một dân tộc sẽ bị xoá sổ. Đảng sẽ đứng đâu trong vai trò này?
Đặt ra chữ viết có thể chỉ do một vài người, nhưng cải cách nó là công việc của cả một quốc gia. Trước tình hình nóng sốt hiện nay, Đảng vẫn im lặng một cách khó hiểu. Nhưng Đảng không bất động, họ đang lẳng lặng bò trườn để tới đích.
Hôm nay, cuốn sách bộ SÁC ZÁO XOA “Tiếq Việt” của BỘ ZÁO ZỤK” dành cho lớp 1 đầu tiên đã phát hành.
Đã không còn là chuyện đùa được nữa.
Đảng hành động thay cho lời nói.
Ai sẽ là người giáo viên đầu tiên?
Ai sẽ viết lại toàn bộ văn kiện Đảng? Chính Sách Đảng?
Ai sẽ viết lại toàn bộ văn thư: Thông tư, Nghị quyết, Sắc lệnh,… Giấy tạm giam, tạm tha,…? Giấy phạt vi cảnh?...
Ai sẽ đọc được những thứ giấy tờ này?
Cứ tưởng tượng cái cảnh hỗn loạn này mà giật mình.
Loại chữ “cải cách” này có thể nào đóng băng được chế độ này không ta?
Câu hỏi này không phải là hỏi chơi mà là hỏi thiệt.
12/3/2017
Cảm ơn email của các anh ĐXQ, HM, ĐMD,…