Đỗ Trường (Danlambao) - (Viết nhân ngày mất thứ 54 của nhà thơ)
Có thể nói, chưa khi nào dòng sông Thu (Bồn) đã vật mình sinh cho xứ Quảng nhiều thi nhân, văn sĩ như những thập niên đầu của thế kỷ hai mươi. Nhưng khi nhà thơ trẻ Phạm Hầu đột ngột rời bỏ cõi tạm, với thời gian hai mươi năm dài đằng đẵng ấy, tưởng chừng nỗi đau đã được khép lại. Thế rồi, ngôi sao Mai Nguyễn Nho Sa Mạc chợt vụt tắt, thì dòng sông Thu như một dải khăn trắng vấn lên vòm trời thi ca xứ Quảng.
Nhà thơ Nguyễn Nho Sa Mạc |
Tuy không bộc lộ cái thiên tài như Điêu Tàn của chàng thiếu niên Chế Lan Viên, hay hồn nhiên, trong trẻo như Nghẹn Ngào ở tuổi mười bảy của Tế Hanh, nhưng cùng với thi tập Vàng Lạnh, người học trò trung học Nguyễn Nho Sa Mạc đã gây sửng sốt cho người đọc. Bởi, hai mươi năm ngắn ngủi của cuộc đời, và chỉ vỏn vẹn hai mươi bốn bài thơ, nhưng Nguyễn Nho Sa Mạc để lại dấu ấn thật rõ ràng. Thơ Nguyễn Nho Sa Mạc già dặn, có thể nói, chín sớm, vượt rất xa cái tuổi học trò của mình. Tình yêu và khát vọng, gắn liền với nỗi đau của đất nước, thân phận con người là tư tưởng, bộc lộ rõ nét trong thơ ông. Có thể nói, Nguyễn Nho Sa Mạc là hiện tượng đặc biệt trong văn học sử Việt Nam.
Nguyễn Nho Sa Mạc tên thật là Nguyễn Nho Bửu, sinh năm 1944 trong một gia đình có truyền thống hiếu học và yêu văn học, nghệ thuật ở Điện Bàn, Quảng Nam. Nơi đây là một trong những chiếc nôi của văn học Việt Nam. Cùng với bài thơ Vàng Lạnh, năm 1962, (dưới cái tên Nguyễn Thị Liên Phượng) trên tạp chí Mai, Nguyễn Nho Sa Mạc đĩnh đạc bước thẳng vào làng văn. Trong lúc văn học miền Nam đang loay hoay tìm tòi, đổi mới thi pháp sáng tác, thì Vàng Lạnh như một luồng gió lạ, thổi vào tâm hồn người đọc.
Năm 1964 đang học năm cuối trung học, Nguyễn Nho Sa Mạc đột ngột qua đời tại Đà Nẵng, ở cái tuổi hai mươi. Ông mất đi, không chỉ để lại nỗi đau cho gia đình, bạn bè, mà còn là sự mất mát của văn học miền Nam, cũng như sự tiếc nuối của người đọc.
* Tình yêu và khát vọng.
Tình yêu là mốc điểm cho cuộc hành trình kiếm tìm trong thi ca Nguyễn Nho Sa Mạc. Con đường, mốc điểm ấy, thoáng bóng người qua, nhưng dường như người thi sĩ vẫn thấy cô độc, và hoang vu: “thương những chiều đại lộ bóng người sang/ em đứng đấy với môi hồng má thắm/ nhìn phố dài bỗng chốc biến rừng hoang...”. Do vậy, buộc thi nhân quay về ẩn náu chính trong tâm hồn mình. Với cái nhìn đầu đời, tuy nhẹ nhàng, lãng mạn, nhưng sự phân ly, tan vỡ ấy luôn làm cho lời thơ Nguyễn Nho Sa Mạc cay đắng và buồn thảm. Cũng như (người kể chuyện bằng thơ) Luân Hoán, tự sự là thủ pháp nghệ thuật đặc trưng nhất trong thơ Nguyễn Nho Sa Mạc. Có thể nói, Vàng Lạnh, và Vàng Lạnh 2 là những bài thơ điển hình cho thi pháp này của ông. Nếu Vàng Lạnh sự phũ phàng, hoang lạnh xé nát niềm hy vọng trong em, thì đến với Vàng Lạnh 2, sự đổ vỡ ấy buộc anh phải trốn chạy, kiếm tìm, rồi cuộn mình trong cái cô độc của linh hồn:
“...Mới hôm nao người và em gặp gỡ
chiều Quảng Nam còn khép kín chân em
người bước đi qua con đường phố nhỏ
trời mùa xuân em đứng đón bên thềm
Em thầm bảo em thương người ấy lắm
thương những chiều đại lộ bóng người sang
em đứng đấy với môi hồng má thắm
nhìn phố dài bỗng chốc biến rừng hoang..."(Vàng lạnh)
-----
"Đừng nói nữa bài thơ vàng lạnh ấy
tình ngày xưa xin trả lại cho người
kỷ niệm buồn vui một thuở xa xuôi
chợt đứng dậy đi lần vào thương nhớ
Anh bỏ đi tìm tình yêu thành phố
những khi buồn muốn nhắc lại tên em
đếm những vì sao rơi rụng bên thềm
chợt thức giấc thấy đời mình cô độc...” (Vàng lạnh 2)
Mùa xuân đất trời, và cái mùa xuân của tuổi trẻ ấy, dường như cũng không làm vơi đi nỗi cô đơn, buồn thăm thẳm trong thơ Nguyễn Nho Sa Mạc: “ngón tay nhỏ lần đan sầu cô độc/ tưởng chừng như tuổi trẻ bỏ đi xa”. Mùa Xuân Của Em là một bài thơ như vậy. Nhà thơ đã dùng sân ga và những chuyến tàu để hình tượng hóa tâm trạng em, tâm trạng của con người. Có thể nói, những bài hay của Nguyễn Nho Sa Mạc thường thuộc về những thể thơ thất ngôn, và bát ngôn. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, tâm trạng buồn, nhưng có hình ảnh, và lời thơ tuyệt đẹp:
“...em đứng dậy xem mây chiều xuống thấp
trời tháng giêng mưa lạnh thấm vai chùng
sân ga nhỏ con tàu không dừng lại
đôi sao buồn ngủ giữa không trung...”
Với tôi, Sinh Nhật là một bài thơ thất ngôn hay nhất của Nguyễn Nho Sa Mạc. Nói như câu chuyện vui văn học: Chỉ cần tác phẩm này, và thi phẩm Mùa Xuân Của Một Người, Văn học miền Nam có thể đặt Nguyễn Nho Sa Mạc ngồi cùng mâm, khật khừ, nhấc lên nhấc xuống với các cụ Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Bùi Giáng... rồi. Bài thơ này, được Nguyễn Nho Sa Mạc viết vào tháng 1-1964, trước ngày ông mất. Bài thơ như một lời than, vọng lên lần cuối, được vắt ra từ trí tuệ, tâm can với tận cùng nỗi đau thương quằn quại của người thi sĩ. Sự đan xen tâm trạng, hình ảnh mang đậm nét hiện sinh, làm cho ta không khỏi bùi ngùi, xúc động. Mỗi khổ thơ như là một bài thất ngôn tứ tuyệt, tưởng chừng có thể tách ra, khi trích dẫn, nhưng thật khó. Khó, không phải cấu trúc chặt chẽ của bài thơ, mà bởi mạch chảy từ thấp đến cao của cảm xúc. Nếu ta không đọc trọn bài, thì không thấy được cái hay đến rợn người của lời hai câu: “hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ/ ta muốn đi cho trọn kiếp người”. Vâng, đó là câu kết của bài thơ, hay câu kết chính cuộc đời mình của thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc:
“Bằng đôi tay ôm kín nỗi buồn
ta đi trong trời đất hoàng hôn
mà nghe sữa mẹ chan hoà chảy
máu ở buồng tim cũng loạn cuồng
Ta xiết hình em trong tiếng hôn
im nghe da thịt và linh hồn
giữa không gian rộng ta chồm dậy
cuộc sống quay vòng quanh áo cơm
Ôi giữa cuộc đời ta đảo điên
đêm nằm ru giấc ngủ cô miên
hai mươi tuổi trong hồ phiêu lãng(*)
ngửa mặt nhìn trời đi ngả nghiêng
Ta hát và ca giữa cuộc đời
nhìn xương với máu chiến trường phơi
những người đi trước về trong đất
lịch sử đầy sao chiếu rạng ngời
Sông hỡi là sông rừng hỡi rừng!
Trăng lên từ thuở có mùa xuân
rủ mây nguyên thuỷ về sinh nhật
ta uống cùng em chén rượu mừng
Chân dẫm lên hàng vạn núi cao
để về trong thế giới chiêm bao
những người đi trước sầu ngơ ngác
những người đi sau hồn xanh xao
Bằng đôi tay ôm cả mặt trời
ta và em một khối sinh đôi
hỡi ơi khi ở trong lòng mẹ
ta muốn đi cho trọn kiếp người”
Với nhịp 3/2, bài thơ ngũ ngôn Trăng Chết đẹp đến trong veo. Và Nguyễn Nho Sa Mạc cho ta bồi hồi, trở về với ban đầu, cái thuở học trò ấy. Đọc nó, làm tôi nhớ lại những câu thơ tình nảy nở theo qui luật tuần hoàn của vũ trụ, của tâm sinh lý con người. Những câu thơ này, tôi đã tìm đọc trong đống sách văn học miền Nam bị màng nhện chăng ở góc phòng, vào khoảng 40 năm trước ở trường Sư phạm Cao Nguyên: "Dạo mười sáu chỉ mê màu đỏ/ Mười tám buồn thích màu tím tương tư/ Và hai mươi cho đến mãi bây giờ/ Yêu duy nhất một màu đen đôn hậu/ Ta yêu nhau mùa xuân/ Giận hờn nhau mùa hạ/ Ly biệt nhau mùa thu/ Trời tỏa xuống sương mù/ Anh không là chinh phu/ Em không là cô phụ/ Mang mối sầu thiên thu". Có thể nói, bài thơ này, đã trả Nguyễn Nho Sa Mạc về với cái tươi trẻ, hồn nhiên của mình. Tuy nhiên, cái sự hoang mang, cô độc (nói như các nhà phê bình là không có lối thoát) dường như vẫn đeo bám tâm hồn thi nhân: “sợ mai này mất trăng/ trên lối về cô độc/ biết anh còn nhớ chăng?”. Tuy không thuộc nhóm bài thơ hay trong thi tập Vàng Lạnh, nhưng có một câu tôi rất thích. Bởi, câu thơ so sánh ẩn dụ tạo nên hình tượng mới lạ, rất hay: “tóc em lúa vừa non”. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây, để thấy rõ điều đó:
ta hằng khen em đẹp
khuôn mặt như trăng rằm
em nhìn ta khép nép
rồi mười sáu trăng tròn
ta còn hôn lên mắt
tóc em lúa vừa non
cho mặn mà nhan sắc
hôm mười bảy trăng lên
đi qua phố không đèn
nhìn ta em muốn khóc...”
Nếu chỉ nhắc đến sự bế tắc, chán chường buồn thảm trong thơ tình Nguyễn Nho Sa Mạc, dường như còn chưa đủ. Từ một góc nhìn khác, ta có thể thấy, nỗi khát vọng tình yêu, khát vọng của con người đầy ăm ắp trong thơ ông. Mùa Hạ là một trong những bài thơ như vậy. Có thể nói, đây là một trong những bài thơ hay của Nguyễn Nho Sa Mạc, cũng như thơ ca Việt. Tuy không phải là nhạc sỹ, nhưng đọc nó, tôi cứ thấy những nét nhạc nhảy múa trong đầu, và mỗi đoạn thơ là một điệp khúc của lời ca vậy. Vẫn mượn cái qui luật tuần hoàn của thiên nhiên, của vũ trụ để giãi bày, hàn gắn đổ vỡ, nhưng những khát vọng ấy của người thi sĩ, dường như vẫn chưa tìm ra điểm hẹn. Bởi, hạ đã đến, nắng đã khô, và chúng ta cũng đã lạc mất linh hồn:
“Sao không phải là thu cho trời bớt nắng
Mây lưng trời từng buổi sáng đong đưa
Dòng sông xanh đến vô cùng yên lặng
Em trở về qua lối nhỏ ngày xưa
Sao không phải là đông để anh rời thành phố
Buổi trưa buổi chiều nối với sân ga
Chuyến tàu đi chôn sâu kỷ niệm
Những hoang tàn đổ vỡ tuổi niên hoa
Sao không phải là xuân cho trời cứ đẹp
Cho loài người ca tụng mãi thiên nhiên
Để muôn triệu mảnh hồn còn đóng khép
Theo chúng mình ôm hát khúc thiêng liêng...
Là mùa hạ nắng khô rồi anh ơi
Hai người yêu nhau không tìm ra chỗ hẹn
Lạc tinh cầu theo gió mát mây trôi...
Hai đứa nhìn nhau không biết cười hay thẹn”
Tôi nghĩ, thơ ca, con người Nguyễn Nho Sa Mạc như một rẻo quặng, và dường như ít được các nhà khảo cổ, địa chất tìm kiếm, khai quật. Mãi đến những năm gần đây, Thư Quán, một trung tâm lưu trữ văn học miền Nam ở Hoa Kỳ mới in ấn Vàng Lạnh, và lưu hành. Tuy muộn màng, nhưng nó đã trả tác giả, tác phẩm về đúng giá trị thực của mình.
*Nỗi đau đất nước, thân phận con người.
Nhát dao cắt ngang hình đất nước, như bổ đôi tâm hồn thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc. Không chỉ trong tình yêu đôi lứa, mà trong tình yêu Tổ Quốc người học trò Nguyễn Nho Sa Mạc đã có ý thức rõ ràng. Do vậy, ngay từ buổi đầu, thơ ông lặc lè vác nặng kiếp nhân sinh. Là thế hệ sau ông rất xa, do vậy, cái nhận thức, tư tưởng, tình yêu đất nước, con người ấy, đến rất sớm với Nguyễn Nho Sa Mạc, dường như tôi chỉ có thể đọc, lý giải trên những trang thơ của ông.
Thật vậy, Cuộc Đời là bài thơ ngũ ngôn, khẩu ngữ mộc mạc, nhưng nó đã bóc dần ra cho ta thấy, truyền thống gia đình ảnh hưởng rất lớn đến Nguyễn Nho Sa Mạc. Đầu những năm 1960, dường như chiến tranh đã cháy lên, người anh cầm súng đánh giặc, tác động trực tiếp đến tư tưởng, suy nghĩ ông:
“...Người anh đi đánh giặc ...
Nhớ nhà mòn con mắt
Mẹ dạy tôi làm người
Phải yêu thương đồng loại
Nhưng bức tường ô nhục
Còn mọc lên khắp nơi
Nên tôi buồn biết mấy
Làm người dân Việt Nam
Hằn vết thương chia cắt
Đớn đau mầu da vàng.”
Chia cắt, chiến tranh là nỗi đau thường trực trong lòng Nguyễn Nho Sa Mạc. Để giảm bớt đi nỗi đau ấy, buộc người thi sĩ phải ủ nó vào những trang thơ của mình. Tình Khúc “Của Một Người” là một bài thơ điển hình như vậy. Nó cũng là một trong những bài thơ hay nhất viết về chiến tranh và đất nước của thi ca Việt. Khói lửa binh đao ấy, đã được Nguyễn Nho Sa Mạc hình tượng hóa một cách độc đáo: "que diêm cháy trong đêm dài vô vọng". Làm cho ta cũng phải khắc khoải với cái đen tối, tịt đường, tắc lối của đất nước và con người:
“...xã hội vẫn chồng cao từng đống rác
đất nước mình khói lửa ngót nhiều năm
cần nhũng bàn tay giữ giống da vàng
cần những tâm hồn biết thương biết khóc...
đứa trẻ đi giữa cuộc đời kiêu ngạo
hai bàn tay và máu của người cha
xứ sở thân yêu sau rặng tre già
que diêm cháy trong đêm dài vô vọng...
lịch sử chạy vòng theo từng con sông nhỏ
máu của người hằn sâu trong đất đỏ
cuộc chiến tranh dần tiêu diệt giống nòi
trời miền Nam lửa bốc cháy trong tôi.”
Ngay từ lúc cầm bút, Nguyễn Nho Sa Mạc đã tìm tòi, khám phá nghệ thuật sáng tạo, và ý đồ chuyển tải. Ta có thể thấy, những bài viết về chiến tranh, thân phận con người, hầu như Nguyễn Nho Sa Mạc sử dụng thơ ngũ ngôn. Một thể thơ có nhịp cũng như ngôn từ gần gũi với câu nói thường nhật, nên dễ nhớ, dễ thuộc đi vào lòng người, kể cả những đề tài khô khan như thời sự, xã hội. Tuy nhiên, do những đặc điểm như vậy, nên giữa thơ và vè luôn có khoảng cách rất mong manh, nếu nhà thơ thật sự không có tài. Nhưng đọc Nguyễn Nho Sa Mạc, ta có thể thấy, ông thực sự có tài sử dụng từ ngữ. Thi phẩm Đêm Vĩnh Điện là một trong những minh chứng như vậy. Tuy khẩu ngữ, và câu chuyện có tính thời sự, vẫn làm xúc động lòng người: “tiếp thêm ngàn đóm lửa/ đốt đuốc tìm quê hương/ mình cầm tay muốn khóc/ thương những người đi sau/trời Việt Nam giá lạnh/ màu chiến chinh thêm sầu”. Và chiến tranh không chỉ giết chết thể xác, mà còn giết chết linh hồn của con người, của dân tộc. Vẫn nhịp 3/2, bài thơ ngũ ngôn “Sa Mù Việt Nam” nhanh như một mũi tên xuyên thấu vào lòng người:
“Trong sa mù Việt Nam
Những linh hồn ngã gục
Những viên đạn tàn bạo
Những trái tim xé nát
Tàn rửa vào không gian...”
Nếu bịt tên tác, có lẽ, không ai nghĩ bài thơ “Mùa Xuân Của Một Người” của học sinh trung học Nguyễn Nho Sa Mạc. Bởi, lời thơ, hình ảnh rất sâu sắc và già dặn. Đọc nó, làm tôi nghĩ đến cái chất cổ thi của Vũ Hoàng Chương và Phạm Ngọc Lư. “Mùa Xuân Của Một Người” tôi nghĩ, là một trong những bài thơ hay, điển hình nhất về thân phận tuổi trẻ trong thời chiến, không chỉ cho riêng thi ca miền Nam. Trước sự bế tắc ấy, với tính nhạy cảm của người thi sĩ, dường như đã nhận ra số phận mình, số phận cả thế hệ đã được định đoạt. Thành thật mà nói, cùng thế hệ Nguyễn Nho Sa Mạc, rất ít nhà thơ có những hình ảnh, hình tượng mới và lời thơ đẹp như ông. Đoạn trích dưới đây, sẽ chứng minh cho điều đó:
“chiều cuối năm ngồi trên tầng phố cũ
trời quê hương nhiều mây trắng sa mù
hai mươi tuổi những ngày nuôi mộng nhỏ
đã xanh rồi cây trái mọc suy tư
thân với máu xin thắp làm sương khói
giữa thời gian tìm vóc dáng con người
vùng tóc đó tháng ngày qua cỏ úa
lửa của trời thiêu đốt tuổi hai mươi...”
Sự buông xuôi, và chán chường ấy của Nguyễn Nho Sa Mạc, cũng là tâm lý chung của cả một thế hệ. Tâm trạng này ta đã bắt gặp trong thơ, cũng như trong cuộc sống của nhà thơ đồng thế hệ Nguyễn Bắc Sơn. Nếu những lời thán ca như xát vào vết thương đang rỉ máu của Nguyễn Bắc Sơn: “Lũ chúng ta sống một đời vô vị“ thì tiếng tự ru, tự phế mình của Nguyễn Nho Sa Mạc còn bi thảm hơn thế nữa:
“Tôi ôm tôi nằm ngủ
Giữa buổi chiều trống không
Tóc dài hoang rừng rú
Điệu thở buồn không trung.
Cỏ mọc đầy thân thể
Rêu phủ đầy dung nhan
Tôi trở thành nấm mộ
Đi hết khoảng thời gian...” (Trống Không)
Tình yêu, và khao khát sống, khao khát hòa bình dường như đã hạ gục sự buông xuôi chán chường trong tâm lý người thi sĩ. Nghị lực ấy đã cho Nguyễn Nho Sa Mạc viết “Còn Ở Đó”. Một bài thơ, có thể nói, vô cùng cảm động về đất nước và con người. Nỗi đau sự chia cắt đó, khi đọc, tôi cảm tưởng, vượt quá sức chịu đựng của người học trò Nguyễn Nho Sa Mạc. Nếu thơ ngũ ngôn Nguyễn Nho Sa Mạc nhanh như mũi dao thọc thẳng vào nỗi đau, thì bát ngôn thơ của ông chầm chậm, dai dẳng nén rút nỗi đau, rồi bất chợt vỡ òa ra.
Tôi không hiểu, “Còn Ở Đó” là một bài thơ tình yêu trong sáng, có trách nhiệm trước đất nước của tuổi trẻ, nhưng khi biên tập in, Nhà xuất bản văn học trong nước loại bỏ bài thơ này. Đọc đi đọc lại, tôi không thể tìm ra một câu, một chữ nào có vấn đề “phạm húy” ở trong đó. Có lẽ, trình độ biên tập có vấn đề, hay còn một lý do nào khác? Vâng! Độc quyền yêu nước, độc quyền chân lý là hủy hoại văn hóa, văn học nghệ thuật của con người. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên đọc lại toàn bộ bài thơ này, để không chỉ thấy tài năng, mà còn thấy tình yêu hoàn toàn trong sáng của của thi sĩ, học trò Nguyễn Nho Sa Mạc đối với đất nước và con người:
“còn ở đó màu da vàng thượng cổ
tổ tiên tôi từ sơ thủy vốn buồn
hai bàn tay đã đào sâu lòng đất
trồng muôn ngàn cây sây trái tình thương
với nước mắt đã ươm từng ngọn lúa
thêm mồ hôi thêm mạch sống quê hương
tôi đã thấy ngày Trường Sơn quằn quại
ôm cánh tay Việt Bắc khóc đau thương
còn ở đó lời phong dao tình ái
bốn nghìn năm lịch sử chảy trong hồn
đứa trẻ níu vành nôi kêu má má
hình ảnh nào hơn cảnh mẹ ru con
tôi khôn lớn nhìn nỗi buồn đất nước
một giòng sông biên giới hai loài người
nỗi đau đớn chất chồng cao bằng núi
ôi Sài Gòn – Hà Nội cháy trong tôi"
Có thể nói, Vàng Lạnh là một trong những tập thơ toàn bích nhất, từ trước đến nay, mà tôi đã được đọc. Tuy ở những cung bậc khác nhau, nhưng bài nào cũng gây cho tôi cảm xúc sâu sắc khi đọc. Hai mươi năm, cuộc sống tuy ngắn ngủi, nhưng Nguyễn Nho Sa Mạc đã kịp ghi lại một giai đoạn lịch sử tang thương của đất nước, bằng những trang thơ của mình. Hiện thực ấy, không chỉ có giá trị về nội dung, mà còn mang tính nghệ thuật cao.
Và cũng với những bài thơ, trang giấy đó, như một chiếc đinh, nhát búa cuối cùng Nguyễn Nho Sa Mạc đã tự đóng cuộc sống của mình, vào trong ngôi mộ lạnh băng:
“Tôi gọi nhỏ tên mình sa nước mắt
sống trên đời vừa đúng hai mươi năm
máu sẽ khô xin tim này đừng rụng
giữa hư vô phần mộ nhỏ yên nằm” (Mùa Xuân Của Một Người)
Leipzig ngày 18-12- 2017