Phạm Thanh Nghiên (Danlambao) - Sau hôm Chiềm (2) giơ tập tài liệu lên đe dọa tôi, số lần hắn đến gặp tôi trong tù ít hẳn. Thay vào đó là Nguyễn Thành Dương, cộng sự của hắn. Tôi cũng chẳng buồn tìm hiểu lý do. Mặc kệ. Việc của mình là ở tù.
Tuy không thích Chiềm, nhưng ít ra tôi cũng không phải đề phòng hắn. Nguyễn Thành Dương khác hẳn. Anh ta nhã nhặn, lịch sự và thông minh. Làm việc với Dương, tôi thấy thoải mái hơn, tất nhiên vẻ thông minh của anh ta luôn nhắc tôi phải thận trọng.
Dương bằng tuổi tôi. Anh ta có khuôn mặt sáng, khá điển trai, trông cũng thiện. Song tôi chưa bao giờ vì vẻ bề ngoài của anh ta mà cho rằng Dương khác với tất cả các công an còn lại trên đất nước này. Tôi chỉ đơn giản nghĩ, muốn tử tế và trong sạch, muốn đứng ngoài mọi việc làm tội ác, thì không vào ngành công an. Quả là tôi không nghĩ oan cho Dương thật. Anh ta cũng đi cung một chị án kinh tế, cùng buồng tôi. Chị này chỉ hơn tôi và Dương mấy tuổi, nhưng đã có cháu ngoại. Chị ta kể, Dương xưng anh với chị ta ngọt sớt. Và ra giá chạy án rất dứt khoát, không vòng vo. Chị ta bảo: “Thằng điều tra ấy nó cứ nói trắng phớ số tiền ra như thế, mình đỡ phải mất thời gian mò mẫm. Nhưng giá ấy đắt quá, sợ lão chồng không chịu được nhiệt”.
Ngoài những lúc hỏi cung, tôi và Dương thi thoảng cũng nói chuyện phiếm. Những câu chuyện phiếm đôi khi lại là cái cớ để đả phá nhau.
Sáng tháng mười hôm ấy, trời se lạnh. Lâu rồi, kể từ ngày bị bắt tôi mới có được cảm giác thư thái, dịu nhẹ như thế len lỏi trong tâm hồn.
Dương đứng đợi tôi ở cổng khu biệt giam. Anh ta nở nụ cười chào tôi. Tôi cũng gật đầu chào lại. Tôi đi trước, thong thả để đôi chân không dép của mình cảm nhận vẻ khác lạ của nền đường đã bớt đi vẻ bỏng rát như mấy hôm trước.
Dương cũng chầm chậm bước theo sau. Chúng tôi đi qua những dãy buồng giam kín mít. Thỉnh thoảng, lại thấy một vài con chuột cống to lù lù, bò trên những xô cơm còn đặt trước cửa các buồng giam. Hôm nay phát cơm sớm, nhưng cai tù chưa mở cửa để tù xách cơm vào buồng. Tôi tự giễu thầm mình: “Mẹ kiếp, hàng ngày mình vẫn ăn thứ cơm ấy. Ăn ngon lành”.
Buồng cung nào cũng bụi bặm và bẩn thỉu. Tôi không bao giờ bắt đầu cuộc làm việc nếu chỗ ngồi không sạch sẽ. Dương biết nguyên tắc đó nên ngày nào anh ta cũng chuẩn bị cho tôi vài mẩu giấy để lau bàn ghế với một tờ phê đúp lót chỗ ngồi. Anh ta từ chối, không muốn tôi lau cả phía mặt bàn chỗ anh ta. Không biết do ngại, hay tiếc thời gian hỏi cung. Từ ấy, tôi chỉ lau phía bên mình ngồi.
Một lần, Dương khiến tôi ngạc nhiên, và hơi ngượng khi anh ta không ngần ngại lấy lại tờ giấy tôi vừa lót ngồi, gấp cẩn thận rồi cho vào cặp. Bằng thái độ rất tự nhiên, anh ta bảo “Tiết kiệm, mai tôi lại mang cho chị. Khi nào nó bẩn thì thay tờ mới”. Tôi cũng quen dần với cách xử sự đó của Dương. Và cố gắng để không nghĩ về cử chỉ ấy.
Buổi hỏi cung không có gì đặc biệt. Tôi chỉ phải đọc lại mấy bài viết từ bản in anh ta mang tới, rồi ký tên xác nhận nội dung là của tôi viết ra. Tôi nhận ra Dương thích nói chuyện ngoài lề hơn là hỏi cung. Cất tài liệu vào cặp, anh ta nhìn đồng hồ, gợi chuyện:
- Vẫn sớm.
Không thấy tôi đáp lại, anh ta tiếp tục:
- Chị thích bài thơ nào nhất của Nguyễn Bính?
- “Lỡ Bước Sang Ngang,” “Giấc Mơ Anh Lái Đò”, “Tương Tư”, “Gửi Chị Trúc”, và một số bài khác. Tôi đáp, không mấy nhiệt tình.
- Chị biết bài “Thư Gửi Thầy Mẹ” chứ?
Tôi hơi chột dạ. Bài này hình như tôi mới đọc một lần. Và không nhớ câu nào.
- Anh đọc tôi nghe xem nào? Tôi đề nghị, cố không để Dương thấy vẻ bối rối.
- Để tôi đọc cho chị nghe. Bài này rất hay mà chị lại không thuộc!
Tôi chả buồn cãi lại
Anh ta rời khỏi ghế, bắt đầu đọc:
“Ai về làng cũ hôm nay
Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.”
Rồi dừng lại đột ngột, anh ta hỏi:
- Chị có muốn chép lại không?
Tôi hơi bất ngờ trước phản ứng của anh ta. Nhưng qua hai câu thơ anh ta đọc, tôi đoán được Dương đang diễn trò gì.
Tôi cũng chuẩn bị cho mình một vai diễn:
- Anh đọc cho tôi chép nhé. Tất nhiên là anh phải cho tôi cả giấy bút nữa.
- Tôi sẽ đọc chậm cho chị chép, nhưng xong thì để tôi giữ chứ chị không được mang vào buồng đâu.
- Chép xong không được mang vào đọc cho thuộc thì chép làm gì?
Tôi làm ra vả nhiệt thành.
- Nội quy là không được mang giấy bút vào buồng giam. Chị biết điều ấy mà. Thôi cứ chép ra đọc rồi lần sau đến tôi lại đưa cho mà xem lại.
Dương vừa nói, vừa lấy giấy bút đưa cho tôi.
Anh ta đọc bằng giọng khá truyền cảm. Tôi cặm cụi ngồi chép. Thi thoảng còn làm ra vẻ nghe không rõ để yêu cầu Dương đọc lại một số chữ.
“Ai về làng cũ hôm nay,
Thư này đưa hộ cho thầy mẹ tôi.
Con đi mười mấy năm trời,
Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!"
Đọc đến đây, Dương dừng lại. Không ngước lên nhìn nhưng tôi biết anh ta đang quan sát thái độ của tôi. Tôi vẫn vô tư ghi ghi chép chép, làm như không phát hiện ra ẩn ý của bài thơ và ý đồ của anh ta.
Dương tiếp tục. Và tôi nhẫn nại chép hết bài thơ:
“Con đi năm ấy tháng tư,
Lúa chiêm xấp xỉ giỗ từ tháng ba.
Con đi quạnh cửa quạnh nhà,
Cha già đập lúa, mẹ già giữ rơm.
Cha giậm gạo, mẹ thổi cơm,
Có con, con vắng, ai làm thay cho.
Con dan díu nợ giang hồ,
Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.
Ai ngờ ngày tháng lưu niên,
Đã không gọi chút báo đền dưỡng sinh.
Lại mang ân ái vào mình,
Cái yêu làm tội làm tình cái thân.
Bó tay như kẻ hàng thần,
Chán chường như lũ tàn quân lìa thành.
Mẹ cha thì nhớ thương mình,
Mình đi mình nhớ người tình xa xôi...
Ở thư nầy thầy mẹ ơi,
Nhận cho con lấy vài lời kính thăm.
Xin thầy mẹ cứ yên tâm.
Đừng thương nhớ, một vài năm con về.
Thầy ơi đừng chặt vườn chè,
Mẹ ơi, đừng bán cây lê con trồng...
Nhớ thương thầy mẹ khôn cùng,
Lạy thầy, lạy mẹ, thấu lòng cho con”.
Tôi chợt thấy thú vị với ý nghĩ rằng Dương đã phải tốn thời gian cho việc học thuộc bài thơ để diễn trò với tôi. Anh ta chắc cũng hả hê lắm khi tưởng tượng ra cảnh mặt tên phản động cứng đầu là tôi bỗng tối sầm lại sau cú đánh trời giáng của anh ta mà không ú ớ nổi lấy một câu nào.
Bài thơ chấm dứt, anh ta tấn công luôn:
- Chị có thấy bài thơ này đặc biệt không?
Thay vì trả lời, tôi hỏi lại Dương:
- Anh thấy nó đặc biệt ở chỗ nào?
- Bài thơ rất hợp với hoàn cảnh của chị. Nhất là nhân vật người con. Tôi thấy bóng dáng của chị và mẹ chị trong ấy. Nhất là câu: “Thầy mẹ ơi thầy mẹ ơi. Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư”.
Dương trở lại vị trí ngồi đối diện với tôi. Anh ta cười, vẻ khinh khỉnh.
- Vì anh đã đọc thơ cho tôi nghe, nên tôi cũng sẽ đáp lễ anh bằng một bài thơ cho phải phép. Dương trông chờ một phản ứng khác từ tôi, chứ không phải một thái độ điềm tĩnh mỉa mai như thế.
- Bài thơ "Nhớ Rừng" của Thế Lữ, chắc anh còn nhớ chứ? Không đợi Dương kịp phản ứng, tôi đọc to:
"Gậm một khối căm hờn trong cũi sắt,
Ta nằm dài, trông ngày tháng dần qua.
Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ,
Giương mắt bé riễu oai linh rừng thẳm”.
- Chị thôi đi!
Không chịu được nữa, Dương gầm lên.
Tôi nhìn thẳng vào mắt anh ta, mặt đanh lại:
- Đấy mới là hình ảnh của tôi, anh hiểu chưa? Máu dồn lên khiến mặt tôi nóng bừng. Tôi ngẩng đầu, kiêu hãnh nhìn anh ta lúc này đã đứng bật dậy khỏi ghế. Tôi chưa thấy Dương như thế bao giờ.
Anh ta trừng mắt nhìn tôi. Tôi cũng nhìn lại, vẻ đắc thắng hơn là tức giận.
Hai bên nhìn nhau như thế mất mấy giây, cho đến khi anh ta từ từ ngồi xuống. Dương cười khẩy, vẻ đểu giả hiếm thấy. Đấy là cách anh ta chế ngự cơn giận và chủ động kết thúc không khí căng thẳng khi đối phương không có ý định dừng lại.
- Chị cũng thú vị đấy. Để xem chị sẽ còn hiên ngang được bao lâu.
- Anh thật khéo đùa. Tôi bông phèng.
Trên đường trở lại buồng cung, chẳng ai nói với ai câu nào. Luyến đã cơm nước sẵn sàng đợi tôi. Hình ảnh mấy con chuột cống bò trên xô cơm tù tôi gặp trên đường đi cung, ít nhiều khiến tôi lợm giọng.
Tôi kể chuyện ấy cho Luyến nghe, cô nàng bảo:
- Chị cứ vô tư ăn đi, bao giờ em cũng hớt phần cơm phía trên vãi ra sân cho chim ăn. Mình ăn phần dưới. Cụ bọn chuột cống cũng không mò xuống chỗ ấy được đâu.
Nghe cũng bùi tai. Với lại cơm hôm nay có món “dưa tù” đặc biệt do Luyến muối, ngon miệng, tôi chén hết bay ba bát cơm. Món dưa tù mà những ngày đầu trông Luyến làm, tôi thấy ghê ghê, giờ thì nghiện.
Hàng ngày, tôi và Luyến ngồi chụm đầu vào bát rau muống luộc, ngắt riêng phần lá ra dùng ngay cho bữa cơm. Phần cọng cho vào muối dưa. Chúng tôi hòa nước lã (làm gì có nước đun sôi mà không dùng nước lã) với một ít muối, cho mấy nhánh tỏi rồi thả phần cọng rau muống luộc vào. Đậy nắp kín chờ hai hôm sau nó chua là ăn được. Rồi cứ cái nước chua ấy, dùng để muối dưa những đợt sau. Có hôm rau ít, lơ thơ vài cọng nằm chỏng vó trong bát nước đen ngòm. Không bõ công nhặt. Nhìn chẳng buồn ăn.
Như mọi tối, nhà hàng xóm lại còi sang giao lưu. Bên ấy vẫn hai người ở, anh Long và Hùng. Suốt hơn bốn tháng ở khu biệt giam, tôi chưa thấy anh Long đi cung lần nào. Hùng thì đi một lần. Lần thứ hai thì chuyển đi hẳn. Nghe nói chuyển lên buồng chung, ở với mấy chục người tù khác.
Qua những câu chuyện mà chúng tôi phải gân cổ kể cho nhau nghe, tôi được biết anh Long sinh năm 1957. Tức là hơn tôi những hai mươi tuổi. Phải gân cổ, nói thật to thì bốn đứa tù ở hai buồng giam cạnh nhau mới nghe được.
Tôi không biết những câu chuyện cuộc đời bạn tù kể cho mình nghe có thật như thế không. Chẳng có gì để kiểm chứng. Với lại, điều ấy không cần thiết. Cái mà người tù cần, là tiếng người. Tiếng người, là thứ duy nhất dội vào tâm khảm để tôi biết mình đang sống, đang ở đâu. Không có tiếng người, tôi lại rơi vào khoảng không vô tận của im lặng. Thứ im lặng được dệt bởi âm thanh của côn trùng, và tiếng lê xiềng của người tù nào đó đi ngang qua cổng khu biệt giam.
Anh Long, tên đầy đủ là Hoàng Thanh Long. Anh từng tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp, khoa văn thì phải, tôi nhớ mang máng thế. Đi làm ở cơ quan nhà nước một thời gian, chán nên bỏ. Tôi hỏi vì sao, anh nói :“Chế độ thối, thời của những thằng đểu lên ngôi, không thích phục vụ chúng, thì bỏ. Thế thôi em”.
Anh Long bảo, cuộc đời có nhiều cái oái oăm. Oái oăm nên anh mới trở thành một tay buôn ma túy. Tôi cũng không thích cái cách anh lý luận “thà làm thằng buôn ma túy còn hơn là phục vụ cho chế độ đểu cáng này”. Với tôi, từ chối phục vụ cho chế độ đểu cáng bằng con đường làm ăn bất chính, chẳng khác nào chọn một sự đểu cáng khác. Sự hủy diệt nào cũng là hủy diệt. Nhưng tôi vẫn quý anh Long, quý cái tình người trong chốn tù ngục.
Tôi kể chuyện đọc thơ trong cuộc hỏi cung. Anh Long cười, ngẫu hứng đọc ngay bốn câu thơ tặng tôi thế này:
“Vào đông tôi gặp một khách thơ
Buồng cung khách hỏi rất ngu… ngơ:
“Thư gửi thầy u”- có gì trăn trở?”
“Nhớ Rừng”- tôi đáp, khách đành lơ”.
Anh Long còn nhắc, sau chữ “ngu” phải để dấu ba chấm rồi mới thêm chữ “ngơ” vào, ý nói thằng điều tra viên là “ngu”.
Gớm, ông bạn tù hàng xóm cũng thích chơi chữ cơ đấy.
___________________________________________
Ghi chú:
(1) Trích bút ký “Những mảnh đời sau song sắt”
(2) Khi cuốn sách này được ra mắt và phổ biến, Đinh Trọng Chiềm-một trong những nhân vật thật được tôi nhắc đến trong sách đã giữ chức Phó Thủ trưởng cơ quan An ninh Điều tra. Hắn đeo lon trung tá. Hồi bắt tôi, hắn mới đeo lon thượng uý. Việc đàn áp và bắt bớ các công dân bày tỏ quan điểm khác với nhà cầm quyền là con đường tiến thân nhanh nhất của đám công an.