Giáo Sư Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam - Dân Làm Báo

Giáo Sư Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam

Hạt Sương Khuya (Danlambao) - Cách đây nhiều năm, tôi không còn nhớ chính xác. Qua cuộn phim Hồn Việt Quốc Kỳ Quốc Ca Việt Nam do Việt Nam Film Club thực hiện. Lần đầu tiên tôi được biết đến Giáo Sư Lê Văn Khoa qua nhạc khúc Quốc Ca Việt Nam (Sinh Viên Hành Khúc) được trình diễn bởi dàn nhạc đại hòa tấu Ukrainian National Presidential Orchestra.

Mang tâm trạng của người Việt tị nạn Cộng Sản, Quốc Kỳ và Quốc Ca Việt Nam là cái Hồn Dân Tộc còn lại sau một cuộc dâu bể mà tôi và biết bao thân phận Việt đã phải ngậm ngùi mang theo trong lòng khi rời xa Cố Quốc. Lần đầu tiên sau những năm tháng ly hương, khi nghe lại bài Quốc Ca trong một diễn đàn, nước mắt tôi tràn đầy với những cảm xúc tự hào, đau thương về một giai đoạn lịch sử khốc liệt, có biết bao người đã nằm xuống để bảo vệ vùng đất phương Nam không bị rơi vào họa Cộng Sản. Điều đáng đau buồn là cuộc chiến ấy đã phải rơi vào thuyết định mệnh mà người dân miền Nam đã không thể tránh khỏi.

Ngoài cảm xúc và tự hào qua cuốn phim, tôi không còn nghĩ gì về người giáo sư khả kính Lê Văn Khoa.

Cho đến cách đây hơn nửa năm. Nhân dịp chuyến sang Hoa Kỳ lưu diễn, tôi có được hạnh duyên hội ngộ cùng tác giả ChuLynh, một trong những người đã thực hiện rất nhiều những bộ phim có tính cách giá trị về sử liệu. Cũng từ đó mở ra cho tôi thêm một hành trình mới với những suy tư về những Người đã đóng góp để làm nên giá trị tốt đẹp của một miền Nam an khang và thịnh vượng.

Qua cuộc hạnh ngộ này, tôi được anh ChuLynh nhắc lại tên người nhạc sĩ Lê Văn Khoa. Lúc ấy tôi chỉ biết ông là người đã đưa nhạc khúc Quốc Ca Việt Nam (Sinh Viên Hành Khúc) đến với dàn nhạc đại hòa tấu Ukrainian National Presidenttial Orchestra, với lòng ngưỡng mộ và biết ơn. 

Sau khi trở lại Paris, qua quá trình thực hiện chương trình giới thiệu phim Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam. Lúc ấy tôi mới đi tìm hiểu về Ông, thú thật tôi đã không thể tưởng tượng nổi sự lạc hậu về kiến thức của mình, thật là đắc tội với một bậc tiền bối, một kẻ sĩ Phương Nam đã đóng góp quá nhiều trong sự nghiệp phát huy và giữ gìn những giá trị Văn Hóa của Dân Tộc Việt.

Đến lúc này thì tôi thật sự "tiến thoái lưỡng nan" vì thấy mình "bất xứng" với tên tuổi và giá trị của Ông. Nhưng hình như tôi sinh ra đã mang trong mình căn cốt của một người lính khi xung trận chỉ tiến chứ không lùi.

Từ: "Trò chuyện cùng Lê Văn Khoa nhân triển lãm nhiếp ảnh tại Houston", cho đến "Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam". Hay "Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa Trọn Đời Vì Nghệ Thuật" và còn nữa rất nhiều những bài viết, tư liệu nói về cuộc đời và sự nghiệp của Ông đã đóng góp cho dân sinh và xã hội.

Bài viết này tôi muốn nói về Ông như một lời xin lỗi muộn màng, bởi sự "vô tình" của cá nhân tôi, cũng như những thế hệ sau tôi, chỉ lo chạy theo thời cuộc mà quên đi những đóng góp của các bậc Cha, Chú đã dành cả cuộc đời phục vụ cho Đất Nước và Con Người.

Qua những bài viết mà tôi đọc được của nhiều tác giả nói về GS Lê Văn Khoa, trong đó đặc biệt là những bài viết của tác giả Việt Hải, đã để lại trong tôi những suy ngẫm về "Thân Phận và Con Người" miền Nam trước và sau năm 1975, nhất là trong giai đoạn hiện tại, khi mà nền giáo dục đang bị tha hóa bởi chính sách mù lòa của một con voi nằm trong tủ kính, đang kìm hãm sự phát triển của nền văn minh hiện đại, đưa con người trở ngược về thuở hồng hoang đi mở lối.

Tôi không đủ khả năng để phân tách về lĩnh vực Âm Nhạc cũng như những khả năng về Nhiếp Ảnh của GS Lê Văn Khoa, điều đó đã được chứng minh qua các giải thưởng từ Cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu và nhiều danh nhân trên thế giới khi viết và nói về Ông. Xin được trích dẫn một số thông tin sau đây, để quý vị hiểu và biết thêm về những giá trị mà GS Lê Văn Khoa đã đóng góp cho Quê Hương, và chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp của ông trong lãnh vực Âm Nhạc đã được nhiều danh nhân trên thế giới vinh danh và ngưỡng mộ. 

Trích đoạn trong bài viết của tác giả Băng Huyền:

"Năm 1970, trong buổi lễ trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, ông đã vinh dự nhận từ Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu cùng lúc hai giải thưởng Âm Nhạc và Nhiếp Ảnh. Lê Văn Khoa còn là người Việt Nam đầu tiên có ảnh được trưng bày tại Quốc Hội Hoa Kỳ và đã từng là giáo sư môn nhiếp ảnh tại Đại Học Salisbury State College, Maryland, năm 1976-1977. Ông cũng là người Việt Nam duy nhất cùng với các họa sĩ Henry Coe, George Founds, James Plum và W. Robert Tolley được Baltimore Museum of Arts (Maryland) tuyển chọn để tài trợ một cuộc triển lãm lưu động lấy tên là “Five From The Eastern Shore” kéo dài từ 1977 đến 1979.". Ngưng trích.

Xin hãy đọc trích đoạn sau đây trong bài viết của tác giả Việt Hải (Los Angeles) để mỗi người trong chúng ta cảm nhận được niềm tự hào về một Người con Đất Việt.

Trích:

"Về việc nhận định Lê Văn Khoa là ai, xin để người xứ ngoài thẩm định hay hơn ý kiến của người viết bài này. Tôi xin trích các nhận xét của giới âm nhạc rút ra vài trích đoạn từ sách "Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam" như sau: 

Trả lời cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Quốc Gia Úc, Nhạc Trưởng nổi danh của Úc Đại Lợi là Andrew Wailes nhận định về Symphony Việt Nam 1975 của Lê Văn Khoa:

"Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm rất lý thú. Đây là một tác phẩm thật hay... Như những tác phẩm giao hưởng lớn trên thế giới, nó kể một câu chuyện thật đẹp. Đây là nhạc về con người thật, về một quốc gia thật. Bắt đầu từ những bài dân nhạc diễn tả một quốc gia thanh bình, hào hùng, rồi bị cộng sản xâm chiếm. Nhạc chuyển lần sang âm thanh rất mới, diễn tả sự bất an, đầy bối rối. Người ta chia tay nhau ra đi đến đất nước mới để tìm tự do. Trong hành âm cuối "Ca Ngợi Tự Do", nhạc dàn ra một bài hợp ca thật hay. Nhạc thật lộng lẫy, đồ sộ, thật vĩ đại. Đó là một tác phẩm rất hùng tráng, hiển nhiên những ai hiểu được lịch sử và văn hóa Việt Nam thì sẽ cảm nhận nó một cách sâu sắc hơn. Đây là một sáng tác theo thể loại nhạc giao hưởng Tây phương bởi lẽ tác giả sử dụng cả dàn nhạc đại hòa tấu, sử dụng âm điệu và nhạc cụ Tây phương, nhưng lại có thêm cả âm nhạc dân tộc và nhạc cụ Việt Nam chơi chung với dàn nhạc. Tôi không biết gọi tên cho đúng nhạc cụ đó là nhạc cụ gì, đó là cây đàn một dây (độc huyền cầm, đàn bầu) của Việt Nam. Tác phẩm này hết sức hùng tráng và tôi tin chắc là mọi người sẽ thích lắm... Symphony Việt Nam 1975 là một tác phẩm lớn để thưởng thức... Điểm nhận xét đầu tiên của tôi là cái mà người Tây phương gọi là nhạc ngũ cung (pentatonic), dùng năm nốt nhạc trong một âm giai, khác với chúng tôi, chúng tôi thường dùng thất cung, bảy âm trong một âm giai. Do đó âm nhạc rất giống nhạc Nhật Bản. Trong tác phẩm này có những đoạn độc tấu rất hay, đặc biệt là sáo... là một loại nhạc của Á Châu. Có điểm rất độc đáo là âm nhạc Tây phương chúng tôi dùng bán cung. Trong nhạc phẩm này đàn violin của chúng tôi phải uốn âm thanh vào phân nửa của bán cung cho phù hợp với âm thanh độc đáo của nét nhạc dân tộc Việt Nam. Việc này thật khác thường. Tiết nhịp thì diễn tấu khá dễ dàng và hòa âm thì có nhiều hợp âm thứ. Nhạc rất hay, rất sắc xảo, tinh vi, có những đoạn thật mong manh, chúng tôi phải hết sức cẩn thận để không đàn quá mức vì sợ rằng phá vỡ không khí êm ả của nhạc... Như chúng tôi được biết thì trong lịch sử 150 năm của ban đại hòa tấu và hợp xướng Royal Melbourne Philharmonic thì đây là lần đầu tiên chúng tôi trình diễn âm nhạc Việt Nam đó là điểm thứ nhất, lần đầu tiên chúng tôi đi tiên phong trình diễn âm nhạc sáng tác tại Á Châu và chưa hề được nghe đến tại nước Úc này. Tôi biết là bản nhạc này đã được trình diễn đôi lần ở hải ngoại, và đây là một sự kiện mới mẻ cho chúng tôi. Đây cũng là lần đầu tiên ban nhạc này được một nhạc sĩ Việt Nam điều khiển, lần đầu tiên chúng tôi cùng trình diễn với ban hợp xướng người Việt, và nói chính xác thì đây là lần đầu tiên chúng tôi đệm cho một ban hợp xướng đa văn hóa. Có nhiều điều làm cho buổi trình diễn này mang ý nghĩa đặc biệt với chúng tôi. Âm nhạc cũng rất khác biệt với loại nhạc mà chúng tôi thường trình diễn... Âm nhạc thực ra là sinh ngữ quốc tế duy nhất. Điều mà tôi thích vì tôi là một nhạc sĩ, thường qua Á Châu và Âu Châu, tôi không nói được tiếng Đức, tiếng Nhật, nhưng tôi dùng tiếng nói của âm nhạc. Tôi thấy ý tưởng đem Đông sang Tây hay Tây qua Đông là ý tưởng rất hay, để tán tụng cái mà mọi người có thể có là âm nhạc, để chia sẻ tâm tình giữa các giống người trên địa cầu với nhau. Và tôi nghĩ văn hóa, nhạc, vũ là những thứ có thể đem con người đến gần nhau... Càng ngày người ta càng nghe nhiều nhạc Á Châu và Âu Châu được trình diễn tại đây (Úc), cho nên tôi nghĩ thật huyền diệu để các nhạc sĩ đến với nhau mà ca tụng âm nhạc..." 

Nhạc sĩ độc tấu Violin, William Benner của dàn nhạc NBC Symphony Orchestra, Hoa Kỳ, nhận xét về nhạc phẩm của Lê Văn Khoa:

"Cả hai nhạc phẩm Nocturne for Violin and Piano và Romance for Violin and Orchestra của Lê Văn Khoa đều đạt mức xúc cảm tột đỉnh trong lòng người."

Nhạc sĩ độc tấu Piano, Giáo Sư Andrea Bambace, (Concert Pianist, judge in major national and inter-national competitions and Professor of piano at the Conservatorio C. Moneverdi of Bolzano, Italy, since 1971), viết về tác phẩm Lê Văn Khoa soạn cho piano:

"’Beautiful Bamboo’ is very beautiful, very sweet, exotic for an Italian like me and full of sensuality. I like it."

Với Tiến sĩ Âm nhạc Ứng dụng (Applied Music) Vicki Riley, người Mỹ, sau khi nghe CD nhạc Lê Văn Khoa cho nhận xét:

"Thật tuyệt! Trong các CD của Lê Văn Khoa tôi nghĩ Memories là hay nhất. Lối viết Tây Phương kết hợp với giai điệu ngũ cung thật hài hòa. Âm thanh trữ tình, tươi mát và luôn luôn thú vị. Các nhạc sĩ Ukraine diễn tả rất đạt và đàn với tài nghệ tuyệt vời. Họ thật sự đã làm nổi bật những ấn tượng và tính chất đam mê của bài nhạc."

Còn Nhạc sĩ Cynthia Acosta nhận xét:

"Who o a a!!!

“Nghe được 30 giây tôi ngưng hết mọi việc đang làm và nhắm mắt lại để thưởng thức. Khi nhạc dứt, nước mắt đã chảy dài trên mặt tôi. Nhạc vĩ cầm cổ điển là loại nhạc ưa chuộng của tôi, và bài Nocturne của Lê Văn Khoa thật kiệt xuất".

Sau những lần bay sang thực hiện âm nhạc với giới nhạc tại Kyiv, Lê Văn Khoa được nhiều nhạc sĩ trong làng nhạc Ukraine ngưỡng mộ. Theo sự nhận định của Giáo sư dương cầm Nina Rodionova khi viết về ông như sau:

"Mỗi bài nhạc trong quyển sách của ông là một bức tranh. Khi tôi nghe nhạc của ông, tôi có thể nhìn thấy Việt Nam với tất cả trù phú thiên nhiên. Nét nhạc của ông là sự kết hợp nguyên thủy tinh túy thi phú Việt Nam và âm nhạc Âu Châu. Nhưng điều quan trọng hơn hết là tôi có thể nghe được những xúc cảm của nhà soạn nhạc, tôi có thể cảm thấu tâm hồn của ông và điều đó luôn luôn phấn kích tôi... Tôi rất biết ơn vì ông cho chúng tôi ánh sáng và nét nhạc quyên rũ của ông. Nhờ ông tôi hiện nay quan tâm đến những gì có liên hệ đến Việt Nam... Trong thư viện tỉnh của tôi có một quyển Thơ Trung Cổ và tôi thích đọc về những nhà thơ rày đây mai đó, là khách viễn phương đi xuyên suốt cuộc đời mình. Quyển thơ đắc ý của tôi là Bạch Vân Thi Tập của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ thế kỷ thứ 16... Học trò của tôi biết nhạc của ông. Chúng nó đàn bài "Remembrance" và "Dragonfly".... Thưa Nhà soạn nhạc, một lần nữa tôi xin được cám ơn ông đã giúp tôi khám phá ra Việt Nam qua nét nhạc của ông..."

Nhạc sĩ độc tấu vĩ cầm Svyatoslava Semchuk, giáo sư của Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikowsky tại Kiev, Ukraine góp ý như sau:

“Tôi rất hân hạnh được gặp Nhà Soạn Nhạc Lê Văn Khoa, được chơi nhạc xúc cảm cao độ và thật lãng mạn của ông. Nhà Soạn Nhạc Lê Văn Khoa đã phong phú hóa nhạc thế giới với những tác phẩm siêu đẳng, đầy nhân bản, ý tưởng tươi mát và tình yêu nồng ấm đối với dân tộc của ông"." Ngưng trích.


Và còn nhiều nữa, nhưng vì giới hạn của một bài viết tôi xin kèm theo Link dưới đây để quý vị có thể tìm hiểu thêm về người nhạc sĩ khả kính Lê Văn Khoa.

Tôi viết về Ông để muốn nói với thế hệ sau tôi rằng: Hãy tìm hiểu thêm về nếp sống của những người đi trước, để thấy rằng tất cả những gì chúng ta đang làm sẽ chẳng là gì so với các bậc tiền bối, với những lo xa về thế hệ tương lai. Ông quan niệm chỉ có con người tốt thì mới tạo ra được một xã hội tốt đẹp. Vì thế khi có cơ hội để phát huy tài năng và sở trường và cũng là niềm đam mê của mình, nhưng ông đã từ chối cái danh bản thân để chọn con đường giáo dục mà ta có thể tìm hiểu qua chương trình "Thế Giới Của Trẻ Em" trên đài truyền hình Việt Nam số 9 trước năm 1975.

Trích:

Ông bảo rằng: "Tôi muốn thấy và nghe tiếng cười thơ ngây trên những gương mặt hồn nhiên của các em. Bởi vì, bom đạn đã làm nụ cười của các em không tươi lên được, thì đến với chương trình, các em phải thật sự vui. Thêm vào đó, tôi muốn chia sẻ với các em những gì mình hiểu biết trong hoàn cảnh khó khăn và bất an của xã hội lúc bấy giờ. Và hơn hết, tôi muốn lấp khoảng trống trong các em, vì lúc đó có gia đình, con mất cha, vợ mất chồng vì cuộc chiến."


Viết về Người Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa, có lẽ phải cần đến thật nhiều cuốn sách thì mới chứa đựng đủ những tinh túy bao gồm Âm Nhạc, Nhiếp Ảnh, Hội Họa cùng với biết bao chương trình giáo dục do Ông đảm trách. Điều khiến tôi kính trọng Người Nhạc Sĩ đó là nhân cách sống mà ông đã được truyền thừa từ người Cha là một Mục Sư Cơ Đốc Giáo. Tôi thích nét mặt rất miền Nam của Ông, hiền hòa, sảng khoái như những cánh đồng lúa chín được mùa. Nhìn ông, tôi nuối tiếc về một quá khứ đã mất, một quá khứ với những con người chất phát, thật thà. Biết tôn Sư, trọng Đạo dựa trên Ngũ Thường mà đối nhân xử thế.

Ngày nay, đất nước đang rơi vào cảnh diệt vong. Văn Hóa mất. Dân khí lụi tàn. Ngôn ngữ cũng đang bị hủy diệt cho âm mưu hán hóa mà lũ cường quyền đang cố gắng thực hiện cho xong hiệp ước dâng đất, dâng biển cho tàu cộng để được vinh thân phì da.

Điều khiến tôi lo ngại là: Tre đã già mà măng chưa mọc. Ngày hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy sự thành công của những người trẻ khắp nơi trên thế giới. Nhưng rất khó tìm ra những trái tim ấp ủ một Tâm Thức Việt đúng nghĩa? "Đa số" mang tính hình thức chỉ để phục vụ cho cái riêng hơn là cái chung. Chính vì thiếu cái nền tảng của "Nguồn Cội", nên chúng ta dễ chạy theo sự kiện và hiện tượng, tạo cơ hội cho lũ cường quyền tung thêm những hỏa mù mà thực chất chỉ là những con chốt thí của chúng.

Biết nói sao khi mỗi người trong chúng ta đều là những thực thể riêng lẻ. Sự kết hợp quả là một điều không tưởng trong bối cảnh nhiễu nhương này. Chúng ta lại thua và thua mãi hay sao? Kết quả luôn là những sự thật đắng lòng mà chỉ những ai đang tự ru ngủ chính mình thì mới thấy được con số “thành công” nhưng thực chất là đang chốn chạy cái mặc cảm của người “thua cuộc”.

Ngẫm lại, tôi thấy thật đau đớn cho những người cả đời bỏ tâm huyết cho một nền giáo dục tốt đẹp, chỉ mới 43 năm thôi, tất cả đều bị thiêu hủy dưới ngọn cờ máu đã và đang vẫn tiếp tục phất lên nhuốm máu đồng bào bằng những cái chết không cần tốn một viên đạn. Đất nước tôi đang cùng nhau cuối đầu chờ chết, người đứng ngẩng cao đầu thì bị trù dập trong chốn lao tù. Tôi đau đớn nhìn quê hương bị bức tử bởi một nhóm người rất ít, nhưng bên cạnh đó là hằng khối người bu quanh tiếp tay cho lũ dòi bọ thực hiện kế hoạch bán nước cho tàu cộng. Họ là ai? Họ là những kẻ được hưởng lợi từ cái nhóm người rất ít này, chỉ biết sống cho bản thân và gia đình mình mà quên rằng; Một khi đất nước rơi vào tay tàu cộng thì chính họ sẽ là nạn nhân cho một chính sách diệt chủng mới, mà chúng ta có thể nhìn qua đất nước Tây Tạng ngày hôm nay để làm bài học cho mình.

Trước khi chưa thể làm được điều gì đó…chỉ cần trang bị cho mình một nếp sống tử tế, tự lập cánh sinh, không thỏa thuận với điều ác, chỉ đơn giản thế thôi, thì cái nhóm lợi ích riêng ấy làm sao có thể tồn tại một khi bị chối bỏ từ những con người tử tế. Lòng tham, hèn nhát, ngu muội là nguyên nhân nuôi dưỡng lũ dòi bọ đang thống trị đất nước này.

Tôi kính trọng những người như GS Lê Văn Khoa. Làm rất nhiều, nhưng nói rất ít. Ông khiêm nhường đến độ ít còn người Việt nào biết đến, ngoài một tầng lớp trí thức xưa cũ. Tôi nói vậy có thể do chủ quan, nhưng thật sự tôi đã khảo sát một số những người trẻ từ trong nước và hải ngoại, dù không nhiều. Nhưng kết quả cho thấy một sự thật đắng lòng. Đây là hậu quả của sự “vô ơn” bởi những người như tôi, những người chỉ biết gặt hái nhưng quên đi nhiệm vụ gieo mầm. Thể chế Việt Nam Cộng Hòa đã không còn, nhưng tinh thần Cộng Hòa sẽ không thể chết, nếu chúng ta vẫn tiếp tục nuôi dưỡng đúng cách. Tư tưởng của GS Lê Văn Khoa là tư tưởng được hấp thụ từ Đông sang Tây, được Ông gạn lọc và kết hợp qua Âm Nhạc mà chúng ta có thể nghe những danh nhân về âm nhạc trên thế giới khi nói về Ông. Chúng ta đang đứng chỗ nào trong số người “ ngoại quốc” ấy?

Tâm tình với GS Lê Văn Khoa

Thưa chú! Con mượn diễn đàn này, nơi con luôn gửi gấm tâm sự để tâm tình cùng chú. Ngày 8 tháng 4 này tại Paris, con và Đình Đại rất hân hạnh được anh ChuLynh giao phó trách nhiệm giới thiệu DVD Lê Văn Khoa: Một Người Việt Nam. Con xin chú hãy cho chúng con một bài học “Thức Tỉnh”. Hãy cho chúng con được sống lại tinh thần TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO mà hiện nay nơi quê nhà đang bị lũ cường quyền đem vất sọt rác, làm tan nát cả một hệ thống giáo dục mà chú cũng là một trong những người đã bỏ công xây dựng qua nhiều hình thức mà con đã có dịp tìm hiểu trong thời gian qua.


Lời kết:

Tôi mong rằng… chúng ta. Những người còn đang quan tâm đến vận nước, xin hãy quay về cái gốc “Cội Nguồn” của mình để làm nền tảng. Dân Chủ - Nhân Quyền tự nó sẽ được khai sáng một khi dân trí được nâng cao. Dân trí đến từ Giáo Dục. Giáo dục chỉ có thể phát triển một khi không còn sự hiện diện của lũ cường quyền. Muốn chấm dứt “tà quyền” ngoài những vận động theo cái thế chung của quốc tế, trong giai đoạn chưa có được những chiến lược cụ thể, điều mà chúng ta cần và nên làm là “BẢO TỒN VĂN HÓA VIỆT”. Muốn bảo toàn Văn Hóa Việt thì không thể quên những người đã góp phần tạo nên nền Văn Hóa tốt đẹp mà chúng ta đã được hưởng trong nhiều thập niên qua.

Hãy quay về với CỘI NGUỒN DÂN TỘC. Mong lắm thay.

30 tháng 3 năm 2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo