Hoàng Tất Thắng (Danlambao) - Nhân đọc hai bài viết Tiến sĩ, giáo sư và phó giáo sư Việt Nam – Hiện trạng và khả năng thực tế của tác giả Nguyễn Doàng Dân và Quả thật lại là một huyền thoại về Võ Thị Sáu của tác giả Đông Đô, xin trình bày một ít quan sát và suy luận đôi điều của cá nhân về bộ trưởng y tế cộng sản Nguyễn Thị Kim Tiến.
*
Chính trường Việt Nam dưới chế độ do đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, trong thời gian vài năm trở lại đây, ngoài sự thối nát, bết bát là bản chất vốn có của một chế độ công an trị, độc tài, đã nẩy nòi một nữ chính trị gia thuộc dòng dõi đại công thần của đảng và rất mau chóng trở thành một hiện tượng đình đám trong giới quan chức cộng sản, bởi có lắm tai (vạ) và nhiều tiếng (tăm) là đương nhiệm giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ, bộ trưởng bộ y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.
Ngày 27/2/2018, giáo sư Phạm Gia Khánh, chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư ngành y tế cho biết hồ sơ ứng viên của bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa điểm để xét duyệt chức danh giáo sư, trong đợt phong cấp 1.226 tân giáo sư và phó giáo sư năm 2017 của chính phủ Hà Nội. Cụ thể :
- Về tiêu chí giảng dạy, ứng viên Tiến đã đào tạo 3 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và đang hướng dẫn tiếp 3 nghiên cứu sinh. Với học vị tiến sĩ, bác sĩ, ứng viên Tiến tham gia giảng dạy tại trường đại học y dược Sài Gòn, kiêm chủ nhiệm 2 bộ môn giảng dạy tại viện dinh dưỡng quốc gia, đã có 2 tập chuyên khảo, 3 giáo trình, 3 sách tham khảo và 2 sách hướng dẫn.
- Về nghiên cứu khoa học, ứng viên Tiến phụ trách 2 đề tài cấp nhà nước, số đề tài cấp bộ đã hoàn tất là 6 và 15 đề tài cấp cơ sở. Ứng viên Tiến có 91 bài báo khoa học, trong đó có 14 bài đăng trong các tạp chí khoa học thuộc hệ thống ISI.
- Về uy tín cá nhân, ứng viên Tiến đã được trao tặng huân chương Bắc Đẩu bội tinh của Cộng hòa Pháp năm 2009, đồng thời cũng còn là giáo sư thỉnh giảng trong hai nhiệm kỳ ba năm tại đại học Oxford, từ 10/2013 và tái cấp từ 03/2017, trở thành người Việt Nam đầu tiên, nhận được chức danh visiting professor từ trường đại học danh tiếng này của vương quốc Anh.
Với những lời có cánh như vậy, tài năng và chức phận như vậy, hình ảnh của bộ trưởng Tiến tiếc thay chỉ thăng hoa được trong giới quan chức cộng sản Việt Nam, trong khi đối với người dân cùng khổ Việt Nam chỉ thấy thấp thoáng bóng dáng của một phù thủy, hay tệ hơn là thần chết với cái lưỡi hái truyền thống.
…Hóa ra trong xã hội này, ác nhất chưa chắc đã là đám công an, mặc dù bọn này chuyên bóp nặn, sách nhiễu dân lành và sẵn sàng bạo hành dân tới chết chỉ vì những lỗi vi phạm giao thông nhỏ nhặt, hay những vụ việc mà bằng chứng chưa rõ ràng, ngay trong lúc mới tạm giữ để điều tra, "Thành tích" của bọn này còn thua xa một mình chị Nguyễn Thị Kim Tiến, bộ trưởng bộ y tế nước nhà. Dưới thời của chị, đã từng xảy ra bao nhiêu scandal rúng động về nghiệp vụ, lẫn y đức của ngành y, bao nhiêu cái chết oan do sai sót về chuyên môn, hoặc do cẩu thả, tắc trách của bác sĩ, nhân viên y tế…(Song Chi, Lại là bà bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, RFA, 8/2017).
Sao lại có những cớ sự nghịch đảo đến 180 độ như vậy?. Trong phạm vi bài viết ngắn này, tạm thời không đề cập đến những cái tai (vạ) mà bà Tiến đã gây ra cho người dân và xã hội Việt Nam - nhiều đến độ không thể kể ra hết, chỉ tìm hiểu và lượng giá sơ khởi về khả năng thực sự của bộ trưởng y tế chính phủ cộng sản Hà Nội, thông qua nhiều tiếng (tăm) mà bằng cấp và chức phận đã và đang mang lại cho bà Nguyễn Thị Kim Tiến.
1/ Tiểu sử cá nhân: những thông tin chính thức về cán bộ của chính phủ Việt Nam và theo Wikipedia tiếng Việt (giọng Hà Nội) cho biết bà Tiến sinh năm 1959, quê xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tỉnh, cháu ngoại của Hà Huy Tập (1906 – 1941), tổng bí thư đời thứ ba của đảng cộng sản Việt Nam. Chồng bà Tiến là phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Quốc Hòa, nguyên giám đốc bệnh viện nhân dân Gia Định, nay là đương nhiệm giám đốc bệnh viện quốc tế tư nhân Vinmec Central Park – Sài Gòn, thuộc tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Con trai là Hoàng Quốc Cường hiện đang là du học sinh (?) tại Hoaky.
Đối chiếu với những thông tin chính thức khác về Hà Huy Tập thì ông ta và vợ là Nguyễn Thị Giáo chỉ có một người con gái duy nhất tên là Hà Thị Hồng (hay Hà Thị Thúy Hồng) và bà này kết hôn với Bùi Quang Hiên, có ba con gái là (Bùi) Hồng Anh, Hồng Liên và Hồng Vân (1). Lý lịch quan chức cộng sản là một mớ rối rắm có chủ ý, ở đây chỉ đưa thêm một ít chi tiết, để nhấn mạnh về sự ngụy trá trên mọi lãnh vực của Hà Nội mà thôi, không phải là chủ đề của bài viết này.
2/ Trình độ học vấn: Wikipedia tiếng Việt (giọng Hà Nội) đưa ra bảng ghi nhận quá trình học tập và công tác của bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến rất lớp lang và phong phú, xin ghi lại nguyên văn để rộng đường dư luận, trước khi phân tích, loại suy và lượng giá về giá trị, cũng như mức độ của sự thật, giả.
– Từ 10/1976 đến 10/1982: học trường đại học y Hà Nội .
– Từ 11/1982 đến 10/1985: bác sĩ nội trú, phụ trợ lý giảng dạy ở đại học y Hà Nội.
– Từ 11/1985 đến 12/1986: cán bộ giảng dạy bộ môn vệ sinh dịch tễ ở đại học y Hà Nội.
– Từ 1/1987 đến 5/1993: nghiên cứu viên phòng dịch tễ, viện Pasteur, Sài Gòn.
– Từ 1990 đến 1995: nghiên cứu sinh tại đại học y dược Sài Gòn .
– Từ 1993 đến 1994: nghiên cứu sinh chuyên sâu (D. E. A) tương đương cao học tại đại học Bordeaux – Pháp.
– Từ 6/1993 đến 11/1998: phó phòng kế hoạch tổng hợp viện Pasteur – Sài Gòn, ủy viên hội đồng khoa học.
– Tiến sĩ 1995.
– Từ 12/1998 đến 12/2001: phó viện trưởng viện Pasteur Sài Gòn, phó chủ nhiệm bộ môn vi sinh cộng đồng đại học y dược Sài Gòn.
– Từ 2000 đến 2002: học lớp chính trị cao cấp tại học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
– Từ 1/2002 đến 1/2007: phó giáo sư (2002), viện trưởng viện Pasteur Sài Gòn, ủy viên ban chấp hành đảng ủy viện, ủy viên ban chấp hành đảng bộ khối cơ sở bộ y tế, trưởng ban điều hành chương trình mục tiêu quốc gia khu vực phía nam phòng chống sốt xuất huyết, tiêm chủng mở rộng, phòng chống HIV/AIDS, phòng chống dịch đường hô hấp cấp do Virus, trưởng ban tư vấn kỹ thuật phòng chống dịch phía nam, chủ nhiệm bộ môn vi sinh cộng đồng đại học y dược Sài Gòn.
– Từ 4/2006 đến 2/2011: ủy viên dự khuyết ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa X.
– Từ 2/2007 đến 8/2011: thứ trưởng bộ y tế, đại biểu quốc hội khóa XII.
– Từ 5/2010 đến 8/2011: bí thư đảng ủy bộ y tế, thứ trưởng bộ y tế.
– Từ 1/2011 đến 1/2016: ủy viên ban chấp hành trung ương đảng cộng sản Việt Nam khóa XI.
– Từ 5/2011 đến 5/2016: đại biểu quốc hội Việt Nam khóa XIII.
– Từ 8/2011: bí thư ban cán sự đảng bộ y tế, bộ trưởng bộ y tế.
– Từ 2/2018: đủ tiêu chuẩn chức danh giáo sư năm 2017.
3/ Phân tích, loại suy và lượng giá: Bỏ qua những chức danh trong đảng cộng sản Việt Nam, căn cứ vào các kê khai trên và trong phạm vi bài viết này thử phân tích sơ khởi đường học vấn của bộ trưởng Tiến, loại suy những chi tiết mâu thuẫn và thử lượng giá những giả định thực tế hơn.
– Từ năm 1976 tới năm 1982, bộ trưởng Tiến là sinh viên theo học tại trường đại học y Hà Nội. Chi tiết đơn giản, không đề cập tới ngành học, văn bằng tốt nghiệp, nhưng nhấn mạnh về thời gian học dài 6 năm, đây là chủ ý khiến cho người Việt khi đọc sẽ dể hiểu lầm đương sự đang học bác sĩ, với văn bằng tốt nghiệp sẽ là bác sĩ y khoa (Doctor of Medicine, MD).
Chi tiết này mâu thuẫn với số tuổi đi học của bộ trưởng Tiến, bởi vì nếu năm 1976 đã vào đại học y Hà Nội, thì đương sự mới được 17 tuổi. Đây là lứa tuổi của thần đồng và nếu sự thật là như vậy, chắc chắn bản thân đương sự và tuyên giáo đảng sẽ khai thác tối đa yếu tố thần đồng và là cơ hội tốt cho đảng đánh bóng, bốc thiên tài của đảng lên tới mây xanh. Điều tuyên truyền này không xảy ra, nên cũng có nghĩa việc kê sớm năm nhập học chỉ nhắm tới mục đích gây ngộ nhận, đưa đến giả định 1 là bộ trưởng Tiến chỉ có thể nhập học vài năm sau năm 1976 và ra trường năm 1982, tức có thời gian theo học phải ít hơn 6 năm.
Lý lịch của bộ trưởng Tiến công bố trên trang Web PMAC (Prince Mahidol Award Conference) của trường đại học Mahidol – Thailand, cho biết từ 1982 – 1985 đương sự là bác sĩ nội trú, chuyên ngành dịch tễ học và y tế công cộng tại trường đại học y Hà Nội. Trích nguyên văn "Internal doctor specialized in Epidemiology and Public Health, Faculty of Medicine in Hà Nội, Việt Nam". So với các chi tiết công bố cùng thời kỳ trên Wikipedia tiếng Việt (gốc Hà Nội), đã có sự tương đối rõ ràng hơn về ngành học dịch tễ và y tế công cộng của bộ trưởng Tiến. Tuy nhiên chi tiết này lại làm nẩy sinh mâu thuẫn với chương trình đào tạo hiện hành của đại học y Hà Nội, vốn chỉ có hai bậc học bác sĩ và cử nhân. Bậc bác sĩ có 4 chuyên ngành đào tạo gồm đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt và y học dự phòng. Bậc cử nhân có 5 chuyên ngành đào tạo gồm kỹ thuật y học (xét nghiệm), điều dưỡng, y tế công cộng (trong đó bộ môn chính là dịch tễ học), dinh dưỡng và nhãn khoa. Trường đại học y Hà Nội, cũng như xu hướng chung của các trường đại học trên thế giới đều không có bậc đào tạo bác sĩ chuyên ngành dịch tễ và y tế công cộng, đưa đến giả định 2 là bộ trưởng Tiến không hề học bậc bác sĩ tại trường đại học y Hà Nội.
Kết hợp giả định 1 và 2 đưa đến giả định 3 là bước khởi đầu bậc học đại học của bộ trưởng Tiến chỉ có thể là cử nhân y tế công cộng, chuyên ngành dịch tễ học. Những chi tiết hoạt động của đương sự dẫn trong Wikipedia tiếng Việt, tính từ cuối năm 1985 đến giữa năm 1993 cũng hoàn toàn tương thích với khả năng và chuyên ngành học của bộ trưởng Tiến. Do đó cái gọi là bác sĩ y khoa nội trú trong thời kỳ 1982 đến 1985, chỉ là một sự giả danh, mạo nhận.
– Từ năm 1993 đến năm 1994, bộ trưởng Tiến là nghiên cứu sinh chuyên sâu, tương đương cao học tại đại học Bordeaux – Pháp, theo chương trình Diplôme d’Etudes Approfondies – DEA (tiếng Pháp), hay Diploma of Profound Studies – DPS (tiếng Anh) là loại đào tạo hậu đại học, chỉ có và tồn tại trong hệ thống giáo dục của Pháp và một số quốc gia nói tiếng Pháp, hay chịu ảnh hưởng của Pháp từ 1964 đến 2005, cũng tương đương bậc cao học 3 năm trước đây trong hệ thống giáo dục đại học của VNCH. Chương trình học có 1 năm học tại lớp và 1 - 2 năm nghiên cứu, viết và trình tiểu luận trước một hội đồng giáo sư thẩm quyền, để tốt nghiệp cao học, tức để lấy văn bằng Diplôme de Troisième cycle (tiếng Pháp), hay bằng tiến sĩ đệ tam cấp của VNCH. Từ năm 2006 trở đi, Pháp nhập hai chương trình hậu đại học DEA và cử nhân +1 (Maitrise Universitaire) thành bậc học 2 năm, tốt nghiệp với bằng Master, tức thạc sĩ theo cách gọi hiện nay.
Trang PMAC cho biết bộ trưởng Tiến tốt nghiệp thạc sĩ chuyên ngành dịch tễ và y tế công cộng tại trường đại học Bordeaux II (tức trường Bordeaux Segalen University, chuyên về y khoa và là một trong hệ thống ba trường đại học Bordeaux được chính phủ Pháp tái tổ chức lại từ năm 1970). Những chi tiết này hoàn toàn tương thích với bằng cử nhân y tế công cộng ở trường đại học y Hà Nội, nguyên tắc đào tạo chuyên ngành dịch tễ học, y tế công cộng của ngành y tế thế giới, cũng như phù hợp với sự công nhận của trường đại học Oxford – Anh quốc về tấm bằng MA France của bộ trưởng Tiến.
– Theo Wikipedia Hà Nội, bộ trưởng Tiến hoàn tất học vị tiến sĩ năm 1995, với năm năm làm nghiên cứu sinh ở trường đại học y dược Sài Gòn từ 1990 tới 1995. Trang PMAC cho biết đương sự là "PhD in Epidemiology, Faculty of Medicine in Hochiminh city, Việt Nam", tương thích với công nhận của trường Oxford về tấm bằng PhD Ho Chi Minh City của bộ trưởng Tiến, tức bằng tiến sĩ nội địa, tại một trường trực thuộc quyền sinh sát của bộ y tế nói chung và là lãnh vực công tác quen thuộc của đương sự nói riêng, nên chuyện giả khoa học, học chơi văn bằng thiệt dựa vào quyền lực là vấn đề hậu trường quá phổ biến trong chính trường Việt Nam thời cộng sản, một thứ… bí mật ai cũng biết (The Secret of Polichinelle).
– Từ đầu năm 2018, trước công luận xã hội xôn xao về các nghi vấn đen tối, trong đợt chính phủ cộng sản Hà Nội phong cấp rộng rãi đến 1.226 chức danh giáo sư, phó giáo sư cho năm 2017, trong đó có bộ trưởng Tiến, bộ y tế Việt Nam đã tung ra một đợt đánh bóng, thông qua việc thổi phồng chức danh giáo sư thỉnh giảng (Visiting Professor) tại trường đại học danh giá Oxford – Anh quốc của đương sự.
…Sáng nay, ngài Giles Lever, đại sứ đặc mệnh toàn quyền vương quốc Anh tại Việt Nam đã đến bộ y tế trao chức danh giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 2, giai đoạn 2016 – 2021 của đại học Oxford cho bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Đại sứ nhấn mạnh, đây chính là sự ghi nhận những đóng góp quan trọng của bộ trưởng Kim Tiến trong quá trình hợp tác, nghiên cứu khoa học trên cương vị là viện trưởng viện Pasteur thành phố HCM những năm trước đây (…). Việc trao chức danh giáo sư thỉnh giảng là điểm nhấn trong hợp tác giữa hai quốc gia, kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Vương quốc Anh. Vào tháng 10/2013 bộ trưởng Kim Tiến lần đầu được đại học Oxford trao chức danh giáo sư thỉnh giảng nhiệm kỳ 3 năm. Thời điểm đó bà là người Việt Nam đầu tiên nhận được chức danh vinh dự này, từ ngôi trường nổi tiếng thế giới. Trong lãnh vực y học, đến nay trường chỉ trao danh hiệu giáo sư thỉnh giảng cho rất ít người trên thế giới…(Thúy Hạnh, Bộ trưởng y tế tiếp tục làm giáo sư thỉnh giảng đại học Oxford, Việt Nam. net, 10/3/2017).
Theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, giáo sư tại Garvan Institute of Medical Research ở Úc… Việc bổ nhiệm chức danh visiting professor là rất bình thường đối với các trường đại học. Chức danh này thường dành cho các nhà khoa học ngoài trường đến thăm viếng và có các hỗ trợ trong việc giảng dạy, nghiên cứu (của trường). Chức danh này không có lương và thời gian (hiệu lực) thường là vài tháng đến một năm. Trong thời gian đó, đương sự có thể đến thăm trường vài tuần (…). Trong thực tế không có chuyện "thỉnh" đương sự giảng bài gì cả, đại đa số chỉ tham gia vào các seminar (hội thảo) mà thôi và tuy không có lương nhưng đương sự cũng có thể ghi vào một dòng trong lý lịch khoa học của mình, nói theo tiếng Việt là "có tiếng mà không có miếng". Trong vài trường hợp, đặc biệt là đối với các nước đang phát triển, chức danh visiting professor đôi khi chỉ là cách để trường đại học biểu tỏ sự cám ơn đương sự vì đã có những giúp đỡ gì trong quá khứ… (Dr Nguyễn Văn Tuấn, Giáo sư thỉnh giảng, 15/10/2013). Xét cho cùng, danh hiệu giáo sư thỉnh giảng cũng chỉ có thực chất hơn một chút so tước hàm tiến sĩ danh dự (Honorary PhD), được rất nhiều trường đại học, trao tặng cho rất nhiều nguyên thủ quốc gia, các chính trị gia, hay những người công chúng nổi tiếng khác (Public Persona) trên thế giới, bởi nhu cầu thuần túy ngoại giao. Trước năm 1975, chính trị gia cơ hội của VNCH là Nguyễn Cao Kỳ được một trường đại học Đại Hàn (quên tên), tháng 3/2012 thủ tướng lớp ba trường làng của CHXHCNVN Nguyễn Tấn Dũng được trường Korea University và tháng 3/2013 tiến sĩ ngành xây dựng đảng của đảng cộng sản Việt Nam là Nguyễn Phú Trọng được trường đại học Thammasat của Thailand, tặng học hàm tiến sĩ danh dự của các trường này là những điển hình.
Công báo của trường đại học Oxford (Gazette University of Oxford) số 5033, Vol 143, 7/2013, trong mục Visiting Professorship/Medical Sciences đăng tin "The Medical Sciences Board has conferred the title of Visiting Professor of Epidemiology on Nguyen thi Kim Tien, MA France, PhD Ho Chi Minh City, for period of 3 years from 1 July" tức ủy ban khoa học y khoa, đã trao tặng danh hiệu giáo sư thỉnh giảng dịch tễ học cho Nguyễn Thị Kim Tiến, thạc sĩ Pháp, tiến sĩ thành phố Hochiminh, trong thời gian 3 năm, từ ngày 1 tháng 7. Sự việc cũng đơn giản, bởi chuyện has confered the title chỉ là tặng một học hàm, không hề có thỉnh hay giảng gì ở đây, hoàn toàn phù hợp với khẳng định của đại sứ Giles Lever chỉ là sự ghi nhận các đóng góp của bộ trưởng Tiến vào quá trình hợp tác, nghiên cứu khoa học về dịch tễ học trên cương vị là viện trưởng viện Pasteur thành phố HCM trong các năm trước đó.
Theo nhận xét của tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn, việc trường đại học Oxford tặng danh hiệu giáo sư thỉnh giảng cho bộ trưởng Tiến, cũng chỉ như một hình thức cám ơn về mặt ngoại giao, do đương sự trong thời gian làm viện trưởng viện Pasteur - Sài Gòn đã tạo các điều kiện thuận tiện cho trung tâm OUCRU (Oxford University Clinical Research Unit) là trung tâm nghiên cứu lâm sàng thuộc trường đại học Oxford, được sự tài trợ bởi quỹ từ thiện Wellcome Trust của chính phủ Anh Quốc đang tham gia nghiên cứu khả năng ngăn ngừa, chẩn đoán và điều trị những loại bệnh nhiệt đới, bệnh truyền nhiễm ở Việt Nam từ năm 1991 được thuận lợi hơn.
4/ Kết luận: Đành rằng sự đánh giá một con người nói chung, hay một nhà khoa học nói riêng, không hoàn toàn chỉ là việc căn cứ trên các văn bằng, các chức danh, chức vụ…. mà quan trọng hơn là sự quan sát và thừa nhận phần đóng góp của họ cho xã hội, hay cho ngành nghề mà họ đang công tác, làm việc. Tuy nhiên trong trường hợp của hầu hết quan chức cộng sản Việt Nam hiện nay chỉ là một bọn háo danh, mua quan bán tước, tham nhũng, vơ vét làm giàu và dùng tiền của cướp được, mua bằng cấp, mua chức, giữ ghế bằng mọi cách – dù vô liêm sỉ đến cỡ nào cũng làm, nên đối với bộ trưởng Tiến là kẻ đang đứng đầu ngành y của chính quyền cộng sản Hà Nội, dù muốn, dù không, mọi quyết định hay lề lối hành xử trong công việc của đương sự, đều có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của toàn dân Việt Nam trong cộng đồng, thì việc cần phải có thêm nhiều bạch hóa rõ ràng về nhân cách, khả năng và lương tâm chức nghiệp, để hạn chế các hậu hoạn khủng khiếp cho người dân và xã hội là chuyện đương nhiên, hoàn toàn không là vấn đề đừng đánh người phụ nữ dù là với một cành hoa.
Do đó, đáng tiếc - hay đáng khinh bỉ hơn, quan lộ và các danh vọng của bộ trưởng Tiến, cũng chẳng khác gì mấy so với bọn tham quan vô lại dày đặc trong hệ thống công quyền hiện nay ở Việt Nam. Đúng là cá mè một lứa, ngưu tầm ngưu, mã tầm mã. Dù điều kiện sưu tra hạn chế do sự bưng bít chặt chẽ của chế độ, nhưng các chi tiết đã trình bày trên đây, cũng hy vọng cho thấy được phần nào bộ mặt thật của bộ trưởng Tiến, cũng hám danh, trơ tráo đánh lận bằng cấp và khoe mẽ lố bịch những sự việc không cần thiết, chỉ nhằm đến mục tiêu củng cố, bám chặt quyền lực và quyền thế. Một con người khi đã thừa vô liêm sỉ để mưu cầu danh lợi, thì đạo đức và lương tâm chỉ là một con số không. Điều này đã thể hiện trọn vẹn qua hình ảnh của bộ trưởng y tế Tiến và con số nạn nhân người Việt phải trả giá bằng chính sinh mạng của họ, của con em họ, cho chiếc ghế ngồi hiện nay của đương sự.
3/2018.
(1) Võ Minh Châu, Chuyện về người con gái duy nhất của cố TBT Hà Huy Tập, báo Tiền Phong, 28/4/2006.