Tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư Việt Nam-Hiện trạng và khả năng thực tế - Dân Làm Báo

Tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư Việt Nam-Hiện trạng và khả năng thực tế

Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Theo số liệu chính thức do ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản Việt Nam tổng kết và đưa ra trong năm 2013, tính trên toàn quốc Việt Nam đã có 4,28 triệu người có trình độ học vấn từ bậc cao đẳng, hay đại học trở lên, trong đó có hơn 24.300 tiến sĩ, tức Doctor’s degree, hay Ph.D tức Doctor of Philosophy và 101.000 thạc sĩ, tức Master’s degree, như MA (Master of Art ), hay MS (Master of Science), hoặc MBA (Master of Business Administration)… tùy ngành học.

Số lượng giáo sư, phó giáo sư sau 25 đợt chính phủ cộng sản Việt Nam tổ chức xét tuyển và phong cấp chức danh từ 1980 đến 2016, đã có 10.774 người trong tổng số các tiến sĩ nói trên, được cấp chức danh giáo sư (Professor), hoặc phó giáo sư (Associate Professor), trong đó có 1.715 giáo sư và 9.059 phó giáo sư.

Kết quả nghiên cứu công bố năm 2015 của diễn đàn kinh tế thế giới WEF (World Economic Forum) cũng cho thấy Việt Nam là một trong 10 quốc gia hàng đầu thế giới có số kỹ sư rất lớn. Tuy báo cáo không đề cập tới Trung cộng và Ấn Độ, nhưng về tổng thể Việt Nam chỉ đứng sau Nga, Hoa Kỳ, Iran, Japan, South Korea, Indonesia, Ukraine, Mexico và Pháp với nhịp độ đào tạo, cung ứng vào thị trường nhân lực 100.390 kỹ sư tốt nghiệp trong năm nghiên cứu.

Nhìn những con số rực rỡ trên đây người ta dễ lóa mắt trước các thành tựu trồng người, đào tạo nhân tài cho xứ sở của hệ thống giáo dục nhà nước cộng sản Việt Nam, nếu thỉnh thoảng không có một vài tiếng sét kinh hoàng bất ngờ xẹt ngang giữa bầu trời êm ả, nhưng lại có sức công phá khủng khiếp, xé toạc màn đêm dối trá, danh giá hảo, với những tiến sĩ giấy, những phỗng giáo sư và các thành tích là sự thật trần trụi đến mức vô duyên, không thể hiểu nổi.

1/ Không có khả năng nghiên cứu, hay phát minh: Trong tổng số 24.300 tiến sĩ và với gần 11.000 chức danh giáo sư, phó giáo sư ở Việt Nam, chỉ có 8.869 tiến sĩ (36%) hay 4.900 người có chức danh giáo sư, phó giáo sư (44%) đang giảng dạy, hay tham gia vào các lãnh vực nghiên cứu khoa học ở các trường đại học. Nếu tính chung luôn với các nhà khoa học làm việc ở các viện nghiên cứu thì chỉ có tổng cộng 9.328/24.300 tiến sĩ có tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. Trong số đó, có một số có công bố kết quả nghiên cứu lên các tạp chí, chuyên san khoa học quốc tế, trong danh sách được bình duyệt, chấp nhận bởi cơ sở dữ liệu trắc lượng khoa học ISI, hay Scopus.

Việc công bố kết quả đề tài nghiên cứu trên các tạp chí, chuyên san khoa học có uy tín, là một yêu cầu căn bản có tính bắt buộc, vì có qua đó mới khảo nghiệm được ảnh hưởng từ một đề tài nghiên cứu của các cá nhân, hay các tổ chức nghiên cứu khoa học lên cộng đồng khoa học thế giới, dựa vào chỉ số IF (Impact Factor) là số lần trích dẫn các bài trong tạp chí đó và chỉ số H-Index là ảnh hưởng cá nhân, biểu hiện bằng số lần trích dẫn bài viết, hay đề tài nghiên cứu của người đó. Do có quá nhiều tạp chí khoa học trên thế giới, nên chỉ có các tạp chí được Viện Thông tin Khoa học Hoa Kỳ (Institute for Scientific Information – ISI) khởi sự đánh giá từ năm 1960 và nhà xuất bản Elsevier của Hòa Lan với hệ thống Scopus bắt đầu đánh giá từ năm 2004 công nhận, mới được cộng đồng khoa học thế giới chấp nhận về mức độ uy tín, trong đó ISI có giá trị vượt trội.

Trong vòng 10 năm, từ 1996 tới 2005, các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam chỉ công bố vỏn vẹn được 3.456 đề tài nghiên cứu khoa học, lên các chuyên san quốc tế thuộc hệ thống ISI, bằng 1/3 so với Malaysia, 1/5 so với Thailand và 1/14 so với Singapore.

Chỉ tính riêng năm 2004, trong tổng số 1.600 tổ chức khoa học, công nghệ trên cả nước, gồm luôn hai viện nghiên cứu cấp quốc gia và 207 trường đại học, cũng chỉ có tất cả 403 đề tài nghiên cứu khoa học được công bố quốc tế, trong đó có 83 đề tài thuộc 4 trường đại học hàng đầu và 82 đề tài của viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, so với cùng thời kỳ 2 trường đại học Thailand là Chulalongkorn công bố 416 đề tài và trường đại học Mahidol công bố 465 đề tài. Số lượng đã ít, phẩm chất các đề tài do Việt Nam công bố lại càng thê thảm hơn. Số lần các đề tài nghiên cứu Việt Nam được các tác giả khác trích dẩn trung bình là 6,8 lần, so với số lần trích dẫn những đề tài do Thailand công bố trung bình là 12,95 lần. Không hiểu tình trạng này xảy ra là vì trình độ nghiên cứu non kém, hay khả năng của giới khoa học Việt Nam cũng chưa thoát ra khỏi sự ngớ ngẩn khi chọn đề tài, như trường hợp phi hành gia Phạm Tuân và chuyến bay hữu nghị Việt – Xô vào vũ trụ trong tháng 7/1980, cũng đem bèo hoa dâu lên không gian để thực hiện nghiên cứu (?).

Bên cạnh sự kém cỏi của vấn đề công bố quốc tế về khoa học, những diễn tiến về cầu chứng bằng phát minh - được coi là thước đo đẳng cấp công nghệ, kỹ thuật của một nước, thì trong thời gian từ năm 2006 đến 2010, giới khoa học công nghệ Việt Nam cũng chỉ cầu chứng được 5 bằng phát minh tại Hoaky. Năm 2011 lại không có cầu chứng bằng sáng chế nào mới, so với Singapore có 647 bằng, Malaysia có 161, Thailand có 53 bằng, Philippines có 27, Indonesia có 7 và Brunei có 1 bằng sáng chế cầu chứng năm 2011 tại Hoaky. Tổng cộng số lượng bằng sáng chế do chính Việt Nam cấp theo tiêu chuẩn nội địa, cũng chỉ bằng 1/3 so với Thailand, 1/11 so Malaysia, 1/30 so Singapore, 1/1.214 so Nam Hàn và 1/3.170 so Trung cộng.

2/ Nhiều tiến sĩ, đông đảo kỹ sư nhưng không sản xuất nổi con ốc vít: Trong cuộc hội thảo "Chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ cho Việt Nam", tổ chức tháng 9/2014 tại Hà Nội, tổng giám đốc Shim Won Hwan của đại công ty điện tử Samsung tiết lộ trong tổng số 120 triệu điện thoại thông minh (smart phone) do nhà máy Samsung ở Bắc Ninh sản xuất hàng năm, đóng góp nội hóa của kỹ nghệ Việt Nam chỉ có phần in ấn và bao bì cho sản phẩm. Samsung đã đưa ra danh sách 170 loại phụ tùng rời cần thiết cho smart phone, để đề nghị các cơ sở sản xuất Việt Nam tham gia sản xuất, cung ứng, nhưng đều không được đáp ứng vì không đủ khả năng, dù chỉ là những phụ tùng rất đơn giản, như ốc vít (screws), sạc pin (battery charger), USB cable, tai nghe (headphones), hay vỏ nhựa… Qua các lần hội thảo, triển lãm công nghiệp phụ trợ trong tháng 7/2015 và vào tháng 6/2016, sự bết bát trước yêu cầu tăng tỷ lệ nội hóa trong sản phẩm của Samsung vẫn không được cải thiện, phần đóng góp của Việt Nam vẫn chỉ là bao bì, in ấn, dù theo lời Han Myoung Sup, tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam, họ luôn mong mỏi những doanh nghiệp Việt Nam tham gia nhiều hơn nữa vào chuỗi cung cấp phụ tùng rời cho sản phẩm và khẳng định Samsung vẫn tiếp tục tìm kiếm các đơn vị cung cấp từ phía Việt Nam có đủ khả năng đáp ứng, nhưng vẫn chưa tìm thấy?!!.

Vì đâu nên nỗi:

1/ Văn bằng dỏm xã hội chủ nghĩa: Cho đến thập niên 90 của thế kỷ 20, do khả năng và trình độ chuyên môn của các trường đại học quá kém, nên tất cả tiến sĩ ở miền bắc Việt Nam, đều chỉ được cấp và công nhận học vị tiến sĩ qua ngã làm nghiên cứu sinh tại các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, như Lienxo, Đông Đức, Ba Lan, Tiệp Khắc. Đây là thành phần được chế độ ưu đãi, có lý lịch tốt, thậm chí là con dòng, cháu giống của các đại công thần được đưa đi… tỵ nạn chiến tranh, nên trình độ học vấn căn bản không đồng đều. Nhiều người ra tới ngoại quốc dành thời gian cho việc học, hay nghiên cứu thì ít, chỉ lo buôn bán kiếm tiền, hay sa đà chuyện ăn chơi, hưởng thụ trong suốt thời gian học tập chuyên môn (không kể thời gian học ngoại ngữ), đến khi phải trình luận án tốt nghiệp thì nhờ người khác viết giúp, để học thuộc lòng và cầu cạnh, quà cáp cho giáo sư hướng dẫn, để nhờ giúp đỡ. Do khuynh hướng hữu nghị xã hội chủ nghĩa, tâm lý đồng cảm Việt Nam còn chiến tranh và cả ý thức coi thường chư hầu nên mọi việc cũng đều ổn thỏa, phần lớn ai cũng bảo vệ thành công học vị tiến sĩ, người kém lắm cũng được công nhận là phó tiến sĩ (Candidate of Sciece), khiến một người trong cuộc là tiến sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cựu viện trưởng viện khoa học Việt Nam, đã phải ví von "cứ dắt một con bò qua Nga, thì khi trở về là có một phó tiến sĩ" và dân gian giễu cợt tấm bằng PTS viết tắt là bằng "Phun Thuốc Sâu".

Từ sau năm 1998 trở đi văn bằng phó tiến sĩ được đồng hóa tương đương với học vị tiến sĩ quốc tế hiện hành. Các phó tiến sĩ "con bò" hay "Phun Thuốc Sâu" sau một đêm ngũ dậy, cũng ngang nhiên vươn vai và hãnh diện trở thành… tiến sĩ!!!.

Bên cạnh đó, việc trình và công nhận luận án tiến sĩ cũng bắt đầu được thực hiện tại một số trường đại học, học viện Việt Nam, đưa đến hàng loạt sai phạm nặng nề, thậm chí đã để xảy ra các trớ trêu như những câu chuyện đùa.

Chương trình đào tạo tiến sĩ trong hệ thống giáo dục quốc tế, nhắm đến mục đích cung cấp cho xã hội những nhà khoa học chuyên nghiệp, có đủ khả năng phát hiện, đặt vấn đề nghiên cứu, thí nghiệm, phân tích, đối chiếu và diễn giải một chuyên đề khoa học theo chuyên ngành, tương thích và có ảnh hưởng thiết thực lên công cuộc phát triển quốc gia, hay cho toàn cộng đồng xã hội, thì xu hướng chung của các cơ sở đào tạo tiến sĩ của Việt Nam lại nhằm để phục vụ cho mưu đồ của một tổ chức chính trị, hay tệ hơn chỉ để đáp ứng cho nhu cầu hám danh, trục lợi, giữa người học lẫn người dạy.

Việt Nam là quốc gia hiếm hoi thiết lập hẳn một hệ thống trường đại học cấp quốc gia là học viện chính trị quốc gia Hồ chí Minh, có nhiều học viện phụ thuộc, như học viện báo chí và tuyên truyền, các học viện chính trị khu vực, nhằm mục tiêu duy nhất là đào tạo ra các thạc sĩ, tiến sĩ, phục vụ cho một tổ chức duy nhất là đảng cộng sản Việt Nam, với các chuyên ngành học không giống ai!!!, như tiến sĩ triết học Mác - Lênin, tiến sĩ xây dựng đảng… mà các tiến sĩ tiêu biểu bảo vệ thành công luận án nói lên được khả năng tri thức của họ, như Nguyễn Phú Trọng, đương nhiệm tổng bí thư đảng cộng sản, Tô Huy Rứa, trưởng ban tổ chức trung ương đảng, Phạm Quang Nghị, bí thư thành ủy Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch ủy ban thành phố Hà Nội, hay Vũ Văn Hiền, tổng giám đốc hệ thống phát thanh quốc gia.

Kinh khủng hơn, chỉ trong thời gian ba năm, từ 2015 đến 2017, học viện khoa học xã hội, trực thuộc viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, đã đào tạo được hơn 1.100 tiến sĩ thuộc 36 chuyên ngành, tức trung bình một ngày sản xuất được hơn 1 tiến sĩ, với các luận án bị xã hội hóa đến mức ngô nghê, có một không hai và giả khoa học đến mức không thể coi là đề tài nghiên cứu thích đáng, nghiêm chỉnh cho học vị tiến sĩ, dù là tiến sĩ khoa xã hội học và thuần túy nội địa như "Đặc điểm giao tiếp với dân của chủ tịch xã" hay "Hành vi nịnh trong tiếng Việt", hoặc "Hành vi tham gia giao thông đường bộ của thanh niên" và "Thần thoại mặt trời ở Việt Nam". Có nghiên cứu sinh ngành này, được hướng dẫn bởi một chuyên viên ngành khác, như ngành kinh tế đi hướng dẫn cho ngành giáo dục? một số giáo trình bậc tiến sĩ được soạn chung cho 4, 5 ngành đào tạo khác nhau? hơn nữa các chuyên viên của viện lại ôm đồm trong một lúc rất nhiều nghiên cứu sinh, lên tới mức gần 50 người trong một học kỳ, hầu thu được nhiều tiền hơn!!!. Chỉ tính chương trình đào tạo thạc sĩ trong hai năm của học viện, mỗi học viên phải đóng 15 triệu VNĐ học phí một năm và hàng chục loại phí không có biên lai thanh toán, như tiền hỗ trợ đào tạo, tiền vớt điểm bài thi, tiền vớt điểm bộ môn, tiền bồi dưỡng hội đồng coi thi… tổng cộng lên tới khoảng hơn 100 triệu đồng phí ngoài lề, đối với một học viên bậc tiến sĩ thì còn phải đóng cao hơn (1). Với các thành tích này, dư luận xã hội Việt Nam đã gọi học viện khoa học xã hội Việt Nam là lò ấp tiến sĩ.

2/ Văn bằng giả đại học quốc tế và tiến sĩ đào tạo từ xa: Dốt thì ưa khoa trương, hay phú quý sinh lễ nghĩa gần như là đặc điểm tất yếu của con người. Trong trường hợp đảng cộng sản Việt Nam thoát thai từ hạng cùng đinh, côn đồ thời Pháp thuộc, phối hợp với sự cám dỗ bịp bợm, cổ võ, thúc đẩy giai cấp bần cố nông đang khao khát thoát khỏi cảnh nghèo khó, cùng nổi lên cướp chính quyền, xây dựng và nắm giữ chính quyền bằng bạo lực với đa số quan chức cộng sự, đồng đảng đều không có nền tảng tri thức căn bản của một nền giáo dục khả tín. Khi đã leo lên tới đỉnh cao danh vọng và quyền lực, đồng thời diễn biến thời cuộc không còn cho phép mãi náu mình, tự tung tự tác sau bức màn sắt, phải ra trước ánh sáng công luận của cộng đồng thế giới, thì yếu tố cần phải khoác cho giới cầm quyền một ngoại hình sáng sủa, một ít vốn liếng tri thức giả cầy, phù phiếm để khoe mẽ, hầu che đậy cho thực tế dốt nát của cán bộ và sự hắc ám, tối tăm của một chế độ chính trị công an trị, đã làm nẩy sinh ra nhu cầu phải có được những loại vỏ bọc vừa có giá trị biểu hiện cụ thể, vừa đồng thời phải dể thủ đắc nhất trong xã hội vô pháp, độc tài, thông qua việc xử dụng nhiều giải pháp tồi tệ nhất trong lãnh vực giáo dục để cố giành giật lấy một mảnh bằng, một tước vị học vị, một chức danh học hàm, đáp ứng cho nhu cầu chính trường và cá nhân quan chức kiếm chác danh lợi.

Quan chức cộng sản Việt Nam ngoài mớ lý luận chính trị được đảng trang bị, phần lớn tri thức chỉ là con số không, mặc cảm sút kém văn hóa khiến họ trở nên ưa đeo kính trắng và đua nhau lấy mác tiến sĩ, gắn vào chức danh của mình, vừa để thỏa mãn thói háo danh, sĩ diện hão, vừa được coi như thứ bùa hộ mạng, hay là giấy thông hành giúp họ leo cao, chui sâu hơn vào các bậc thang quyền chức của chế độ, nên trào lưu xài văn bằng giả, tự trang bị cho cá nhân những mảnh bằng tiến sĩ dỏm đủ ngành nghề mua từ các xưởng sản xuất văn bằng (Diploma Mill, hoặc Degree Mill), ngụy trang dưới những danh xưng như đại học quốc tế chi nhánh tại Việt Nam, đại học Việt Nam liên kết đào tạo tiến sĩ với đại học ngoại quốc, hay chương trình đào tạo tiến sĩ từ xa… mà chẳng cần phải học ngày nào trở nên phổ biến, tràn lan trong xã hội Việt Nam.

Kết quả điều tra trong các năm 2011, 2012, do tiến sĩ Mark A. Ashwill của hãng cố vấn giáo dục Capstone Việt Nam, cho thấy có đến 22 trường đại học có nguồn gốc Hoaky, nhưng không được công nhận tại Hoaky, hầu hết là những trường đại học hàm thụ qua mạng internet, tức học online, trong đó có một số lớn đã được xác định chỉ là xưởng sản xuất văn bằng, không được ngành giáo dục của chính phủ liên quan kiểm soát, là nơi thu nhận học viên mà không cần, hay có rất ít yêu cầu về khả năng học vấn của học viên, đã và đang tham gia khai thác thị trường giáo dục bát nháo và hỗn loạn tại Việt Nam (2).

Trong thời gian 9 năm, từ 1998 đến 2007, trường đại học bách khoa Hà Nội đã liên kết với trường đại học Southern California University for Proffesional Studies (SCUPS) để đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam. Đây là một trường đại học dỏm, có địa chỉ tại Santa Ana thuộc tiểu bang California với cơ ngơi không bảng hiệu, một parking lot chỉ đủ chỗ cho 8 chiếc xe đậu và con số tiến sĩ đã được xuất xưởng đang là một thứ "bí mật quốc gia", không thể biết đang chiếm bao nhiêu phần trăm trong hơn 24.000 tiến sĩ của Việt Nam.

Trường SCUPS cũng là nơi Nguyễn Xuân Anh, bí thư thành ủy Đà Nẵng lần lượt tốt nghiệp các bậc học thạc sĩ và tiến sĩ, chỉ trong 4 năm học online từ 2002 – 2006, với giá không dưới 30.000USD mỗi năm. Qua năm 2007, Nguyễn Tấn Bình, phó hiệu trưởng của trường đại học Văn Hiến – Sài Gòn cũng mua của trường SCUPS tấm bằng tiến sĩ quản trị kinh doanh DBA (Doctor of Business Administration) với giá 6.500USD, khi trường đã bị đổi qua tên mới là California Southern University – CSU (3).

Tâm thư trong ngày nhà giáo 20/11/2006 của bộ trưởng giáo dục Nguyễn Thiện Nhân cho biết bộ sẽ khai triển một chương trình kéo dài đến năm 2015, nhằm đào tạo ra 20.000 tiến sĩ cho đất nước, được cụ thể hóa bằng quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự trù đến năm 2020 sẽ đào tạo và bổ sung 23.000 tiến sĩ vào thị trường nhân lực cao cấp, trong đó có 10.000 tiến sĩ đào tạo trong nước, 10.000 tiến sĩ đào tạo ở ngoại quốc và 3.000 tiến sĩ còn lại đào tạo theo hình thức phối hợp liên kết, khiến phong trào người người học tiến sĩ bùng phát và môi trường giáo dục Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường béo bở cho mọi trường đại học ở trong nước, cũng như ngoài nước, dỏm cũng như thật, nhảy vào chia chác.

Trong hai năm 2010 – 2011, hai trường đại học quốc tế là trường Irvine University (IU) ở tiểu bang California và trường Adam International University (AIU) ở tiểu bang Georgia, đều nằm trong danh sách đại học ma do hãng Capstone công bố, đã liên kết với khoa quản trị kinh doanh của trường đại học quốc gia Hà Nội và một cơ sở giáo dục khác tại Sài Gòn để đào tạo cho Việt Nam 800 thạc sĩ và 200 tiến sĩ, dù cơ ngơi thực sự ở Hoaky của IU chỉ có nhân sự 5 người, một phòng mướn trong building cho thuê và một chương trình đào tạo online văn bằng thạc sĩ giá 6.000USD, chỉ cần 90 credit học trọn khóa, so với đòi hỏi gần 130 credit của chương trình học cử nhân chính quy tại Hoaky.

Các chương trình đào tạo tiến sĩ từ xa của các trường đại học của Philippines như Tarlac State University (TSU), Ifugao State University (IFSU), Nueva Ecija University of Science and Technology (NEUST) hay Bulacan State University (BSU), còn đưa ra nhiều chương trình rất thoải mái cho người học vẫn giữ chức vụ, vẫn làm việc tại Việt Nam, dễ dàng về trình độ học vấn và khả năng Anh ngữ, chỉ cần nộp đủ tiền và 10 đến 16 ngày đi học lẫn du lịch qua Hongkong, Malaysia, hay Philippines là đủ để hoàn tất khóa học dài 2 năm trên danh nghĩa, tức tiến sĩ học giả, nhưng văn bằng thật và do trường thật cấp. Dịch vụ này bắt đầu khoảng năm 2011, đến năm 2013 thì nở rộ khắp nơi do chi phí khá nhẹ nhàng, trọn khóa học chỉ tốn khoảng 200 – 300 triệu VNĐ và đến năm 2015 các lứa tiến sĩ đầu tiên đã được cấp bằng. Lê Kim Toàn, phó bí thư thường trực tỉnh Bình Định là điển hình công khai trong hàng trăm trường hợp thuộc dịch vụ này, chỉ cần học 3 tháng và 10 ngày du lịch Philippines là có bằng tiến sĩ giáo dục, do trường đại học Bulacan cấp, với giá tổng cộng là 386 triệu VNĐ lấy từ ngân sách chính phủ.

Nhiều trường hợp tiến sĩ khác, tham gia các khóa học của các cơ sở quốc tế đào tạo từ xa khác, hay cố tình nhập nhằng giữa tiến sĩ và thạc sĩ, giữa chuyên ngành này với ngành học kia, cũng đầy rẫy chuyện lố bịch và bi hài.

Học viên học hàm thụ online qua phiên dịch, hoặc với bài vở đã được chuyển ngữ chỉ trong vòng 6 tới 10 tháng như Nguyễn Ngọc Ân, giám đốc sở văn hóa thể thao du lịch tỉnh Phú Thọ, Nguyễn Văn Ngọc, phó bí thư tỉnh ủy Yên Bái, dù không hề nói được tiếng Anh, nhưng đều được trường đại học Southern Pacific University (SPU), đặt trụ sở tại Hawaii, cấp văn bằng tiến sĩ trong giai đoạn 2009 – 2010, với giá 17.000USD, hay Vũ Viết Ngoạn, đương nhiệm chủ tịch ủy ban giám sát tài chánh quốc gia, có văn bằng tiến sĩ tài chánh của trường đại học La Salle – Lousiana cấp từ năm 1999, nhưng qua năm 2001 do bị kết tội mua bán bằng giả qua hình thức đào tạo từ xa, La Salle phải đổi qua tên Orion College và bị đóng cửa năm 2002.

Nguyễn Xuân Sang, cục trưởng cục hàng hải Việt Nam khai có bằng tiến sĩ hàng hải được đào tạo từ xa trong khóa học 2 năm từ 2006 đến 2008, nhưng thực chất mới chỉ là một kỹ sư, chưa có bằng thạc sĩ, học online và qua Nga 1 tuần lễ để bảo vệ luận án bằng tiếng Việt, với thông dịch viên là được một viện công nghệ hoàn toàn không dính líu chút gì tới hàng hải là viện khoa học, nghiên cứu, thực nghiệm xe hơi, điện tử và dụng cụ điện (The Scientific and Research and Experimental Institute of Automotive Electronics and Electrical Equipment – NIIAE) cấp văn bằng tiến sĩ. Trong khi Cao Minh Quang, thứ trưởng bộ y tế, kiêm cục trưởng cục quản lý dược, mới có chứng chỉ Licentiatexamen để hội đủ điều kiện tham gia các khóa học tiến sĩ, thì đã thậm xưng khai trong lý lịch là tiến sĩ dược khoa của trường đại học Uppsala University tại Thụy Điển.

Điều đáng ngại là các phát giác trên đây chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên, có tính chất lẻ tẻ, có thể nói chỉ là những người "kém may mắn" như tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân than thở và chẳng khác gì vài hạt cát bất ngờ phải làm vật… hiến tế giữa một sa mạc đầy rẫy tiến sĩ giả, tiến sĩ dỏm ở Việt Nam, nhưng chưa có dấu hiệu muốn dừng lại.

Năm 2009 tiến sĩ Lê Anh Sắc và sở nội vụ Hà Nội đã đưa ra phác thảo "Chiến lược cán bộ, công chức khối chính quyền thành phố Hà Nội", theo đó đến năm 2020 Hà Nội sẽ hoàn tất mục tiêu 100% cán bộ do thành ủy quản lý có bằng tiến sĩ, 100% cán bộ do ủy ban thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó 50% có bằng tiến sĩ và 100% số cán bộ chủ yếu cấp phường, xã, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% có học vị trên đại học. Tháng 11/2017, Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng bộ giáo dục lại đưa ra đề án "Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, giai đoạn 2018 – 2025, tầm nhìn 2030" với kinh phí tổng cộng 12.000 tỷ VNĐ, để xuất xưởng thêm 9.000 tiến sĩ Việt Nam trước năm 2030.

3/ Gian lận chức danh giáo sư, phó giáo sư: Trong một xã hội giả dối, chạy theo hư danh tại Việt Nam ngày nay, ngoài các văn bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả, dỏm nói trên, các chức danh giáo sư, phó giáo sư – tuy thực chất chỉ là cách định danh thứ bậc vị trí giảng dạy, xét theo khả năng và kinh nghiệm dạy học trong trường đại học của từng cá nhân, nhưng cũng đã trở thành một sân chơi ngụy trá cho các kẻ háo danh, những người trục lợi chen chân dày đặc, không ngoài mục đích tìm kiếm sự thăng quan, tiến chức và đặc quyền, đặc lợi đến từ các chức danh đó, do cách quy định của chế độ coi đó như là một học hàm được nhà nước công nhận và có giá trị suốt đời.

Năm 2010 Việt Nam có 578 giáo sư, phó giáo sư và diễn tiến công nhận mới từng năm được ghi nhận gồm 2011 có 408 người, năm 2012 có 469 người, năm 2013 có 547 người, năm 2014 có 644 người, năm 2015 có 522 người, năm 2016 có 703 người và năm 2017 dự trù có thêm 1.226 người mới.

Trong tổng số lượng giáo sư, phó giáo sư nêu trên, ước lượng rộng rãi nhất cũng chỉ có chưa tới 30% có thể đáp ứng tương đối với tiêu chí quốc tế. Nếu xét theo tiêu chí bất thành văn của các trường đại học danh tiếng ở Úc, mỗi một giáo sư phải có từ 50 tới 100 công bố khoa học trên hệ thống đánh giá ISI, Scopus, thì con số giáo sư, phó giáo sư Việt Nam có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Năm 2016 có 703 người được cấp chức danh giáo sư, hay phó giáo sư, với 65 giáo sư và 638 phó giáo sư. Chỉ có 40% trong tổng số trên có 2.431 công bố khoa học theo hệ thống ISI, Scopus. Phân tích chi tiết trong 411 chức danh giáo sư, phó giáo sư mới thuộc nhóm khoa học tự nhiên, kỹ thuật và công nghệ, trung bình có 5,76 công bố khoa học cho mỗi đầu người, trong 237 giáo sư, phó giáo sư mới thuộc nhóm khoa học xã hội và nhân văn, trung bình chỉ có 0,19 công bố khoa học cho mỗi đầu người và 55 người còn lại không có một công bố khoa học ISI, hay Scopus nào.

Tháng 2/2018 hội đồng chức danh giáo sư do Phùng Xuân Nhạ, bộ trưởng giáo dục làm chủ tịch, công bố có 1.226 ứng viên đủ tiêu chuẩn cho chức danh giáo sư và phó giáo sư của năm 2017, trong đó có 85 là giáo sư, 1.141 là phó giáo sư và có 5.316 công bố khoa học ISI, hay Scopus. Phân tích chi tiết cho thấy có 1.177 công bố về vật lý, 1.027 công bố về hóa học – công nghệ thực phẩm, 674 công bố về y học, 597 công bố về sinh học, 102 công bố về kinh tế và 14 công bố về triết học, chính trị và xã hội. Có 56 người trong tổng số 85 tân giáo sư có 924 công bố ISI, Scopus, chiếm 66% và 29 tân giáo sư không có công bố khoa học nào, chiếm 34%.

Đáng chú ý là trong vai trò chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng đang phải đối mặt với nhiều gian dối cá nhân và mờ ám trong chức trách chủ tịch hội đồng chức danh mới bị đưa ra ánh sáng công luận trong thời gian gần đây.

- Phùng Xuân Nhạ làm chủ tịch hội đồng chức danh giáo sư nhiệm kỳ 2014 – 2019 lúc đang còn là phó giáo sư, ứng viên chức danh giáo sư, lại có quyền ký quyết định công nhận giáo sư cho người khác và đi xét tuyển chức danh giáo sư cho bản thân?!

- Phùng Xuân Nhạ có 2 công bố quốc tế đăng trong tạp chí Asian Social Science, thuộc danh sách Scopus năm 2014, gồm Deficiency in Investment Early Education: The Second Best Optimal Levels of Investment in Later Education and Human Capital, viết chung với Phạm Xuân Hoan và Reponse of Vietnamese Private Enterprises’ Leader under Global Financial Crisis: From Theorical to Empirical Approach, viết chung với Lê Quân, nhưng cả hai đều có các khuyết điểm trầm trọng. Bài 1 bị sai phạm nhiều lần về cú pháp Anh ngữ và có nhiều trích dẫn khống, lung tung, sai tên tác giả, sai nguyên tắc. Bài 2 chỉ là một sao chép lẫn lộn với bài Leadership in Times of Recession: An Empirical Research of Private Enterprise Leadership in Việt Nam, cũng do Phùng Xuân Nhạ viết chung với Lê Quân và công bố năm 2013 trên tạp chí VNU Journal of Science Economics and Business thuộc trường đại học Hanoi, nếu chỉ tính phần copy và paste thì có đến 48% và phân tích câu văn mới, ý tưởng cũ thì hai bài viết đã giống nhau 100% (4). Quan trọng hơn tạp chí Asian Social Science, thuộc công ty Canadian Center of Science and Education chỉ là một tạp chí chuyên đăng bài có trả tiền, giá từ 300 – 400USD mỗi bài, có mặt trong hệ thống Scopus từ 2011 đến 2015 và đã bị Scopus thải loại khỏi danh sách, sau khi phát giác ra các nhảm nhí, giả khoa học và hành vi trục lợi kinh doanh của nó.

Đất nước Việt Nam sẽ về đâu, khi các thành phần cai trị và mọi phần tử theo đóm ăn tàn trong chính quyền cộng sản Hà Nội, đều là những bọn giả hình và các đám trí thức dỏm vô liêm sỉ, nhưng vẫn còn được coi là giới tinh hoa của chế độ, giữ mọi đặc quyền, đặc lợi và ăn trên ngồi trốc trong xã hội hiện nay.

02/2018.


_____________________________________

Chú thích:

(1) TS giáo dục Lê vinh Quốc, Thị trường học vị và hệ lụy của nó, 09/2017.

(2) TS Mark A. Ashwill, US – Based or Affliated Unaccredited Institutions in Việt Nam, 02/2012.

(3) Trần bích Đăng, Thạc sĩ, Tiến sĩ dỏm tàn phá đất nước, 11/2014.

(4) TS Nguyễn Tiến Dzũng, Báo cáo phân tích sơ bộ về sự giả khoa học của ông Phùng Xuân Nhạ, 02/2018. 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo