Sám hối còn đâu khi thiện căn đã mất - Dân Làm Báo

Sám hối còn đâu khi thiện căn đã mất

Chingiz Aitmatov * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Liệu chúng ta có thể thật sự nói rằng nhân dân ta bây giờ tốt bụng hơn, hiền hậu hơn? Không, tôi không thể nói như thế. Ngay cả từ những gì tôi nhìn thấy trong đời thì thực trạng ngược lại mới đúng, còn theo như nếp nghĩ của dân chúng thì mọi sự càng ngày càng suy đồi. Tôi nhớ lại hồi nhỏ, thuở thiếu thời và thanh niên, rồi cố gắng so sánh những người hôm nay với những người tôi biết vào thời ấy; và sự so sánh ấy không có lợi cho những thế hệ hiện nay. Người thời nay có thể có học hơn- chứ không phải có giáo dục, chỉ có học: họ đều biết đọc biết viết, họ đều biết ngồi thoải mái trước máy truyền hình và thành thạo chọn cảnh giải trí, tiêu khiển, thú vị. Ai cũng biết lái xe, vân vân. Nhưng đấy không phải là văn hóa và cũng không chứng tỏ được gì. Người máy cũng có thể làm chính xác như vậy. Thiện căn cao quý sâu kín trong lòng người đã bị mất, thiện căn ấy đã bị mất mát quá nhiều.

Chúng ta lúc nào cũng nói ở khắp mọi nơi rằng đạo đức nên là một trong những mối quan tâm lớn của chúng ta, cùng với sinh thái. Sinh thái là thảm họa đầu tiên, còn thảm họa thứ hai là thảm họa đạo đức. Tôi nghĩ thầm: tại sao chúng ta lại không thành công trên con đường này sau khi đã vất bỏ bao thần thánh cùng tất cả giáo huấn thần học? Nói gì thì nói, tất cả giáo huấn tôn giáo đều buộc người ta xét những hành vi của họ-không chỉ hành vi mà còn cả ý nghĩ của họ-theo tiêu chuẩn là những hành vi hay ý nghĩ ấy liệu có làm Chúa hài lòng.

"Hài lòng" nghĩa là gì? Nếu ta theo quan điểm hiện thực và thực tế thì mọi sự đều có thể chấp nhận được; vì dù người ta làm bất kỳ chuyện gì chăng nữa cũng chưa từng có ai đã nếm trải bất kỳ sự trừng phạt nào từ trời cao. Nhưng khi ta hỏi thẳng ai đấy có nhận thức liệu điều nào đấy có làm hài lòng Chúa, điều ấy có nghĩa: điều ấy có làm hài lòng lương tâm ta, điều ấy có làm hài lòng đạo đức đích thực và cao quý nhất?

Mọi người dù sao cũng phải tự vấn tâm mình và xem xét lại những suy nghĩ và hành vi của họ, hay ít ra cũng kiểm tra và giám sát chúng, và cân nhắc, rồi hiểu ra chúng đúng hay sai. Và nếu những suy nghĩ và hành vi này không phải, thì ít ra trong lòng họ phải có ít nhiều sám hối. Đây chính là điều chúng ta đã hoàn toàn tước đoạt từ nhân dân Xô viết chúng ta-ý thức sám hối. Chẳng ai từng bao giờ sám hối về bất kỳ điều gì.

Là đại biểu Xô Viết tối cao, tôi tiếp rất nhiều người. Họ đến về nhiều chuyện khác nhau-phàn nàn, yêu cầu, góp ý đủ loại. Tôi đôi khi có cảm tưởng rằng những người phạm tội về sau tìm mọi cách giảm nhẹ sự dính líu của họ. Họ không sám hối. Cho nên điều này khiến tôi nghi ngờ. Điều tôi muốn nói ở đây là sự tôn thờ sám hối đã hoàn toàn không còn nữa. Sám hối phải được hồi phục, vì sám hối là một trong những đặc trưng của con người, được hình thành trên con đường tiến hóa lịch sử bao la của nhân loại.

Theo tôi thời kỳ chúng ta hiện nay đang sống, thời kỳ tái cấu trúc và glasnost, thời kỳ hồi sinh, mặc khải, và khai sáng chưa từng có-đặt tên gì cũng được- thật sự là phục hưng cho chúng ta. Giống như chúng ta nói về thế kỷ thứ 15 ở Châu Âu là thời kỳ Phục Hưng, con cháu chúng ta có thể cũng nói như thế về chúng ta. Họ có thể nói rằng có nhiều sự phục hưng khác nhau, còn đây là sự phục hưng, sự tái sinh toàn bộ lĩnh vực tôn giáo của chúng ta.

Chingiz Aitmatov (1928-2008) là nhà văn người Kyrgyzstan nổi tiếng với những tác phẩm như Một Ngày Dài Hơn Thế Kỷ, Truyện Núi Đồi Và Thảo Nguyên, Đoạn Đầu Đài.

Nguồn: Trích dịch từ bài "Thời đại Sám hối" trong tạp chí Mỹ Encounter số tháng Sáu 1989. Tựa đề tiếng Việt của người dịch.





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo