"Tín nhiệm xã hội" của Trung cộng là một cõi địa ngục - Dân Làm Báo

"Tín nhiệm xã hội" của Trung cộng là một cõi địa ngục

Mối đe dọa khi trí tuệ nhân tạo gặp gỡ "chính trị đúng hướng" 

Joshua Philipp, Thời báo Đại Kỷ Nguyên - Đỗ Tùng (Danlambao) lược dịch - 

Trung cộng đang thúc đẩy một hình thức trật tự mới dưới hệ thống sử dụng khối dữ liệu lớn gọi là "tín nhiệm xã hội", dựa trên một hệ thống giám sát và thu thập tài liệu cực đoan để đánh giá phân loại mỗi công dân và dựa vào đó để khen thưởng hay trừng phạt họ.

"Hệ thống tín nhiệm xã hội đang được thực hiện ở Trung cộng là một cơn ác mộng khủng khiếp vì nó kết hợp sự kiểm soát của một nhà nước độc tài với các cơ sở dữ liệu nối mạng, điều này khiến mọi hoạt động kinh tế và xã hội bình thường của một công dân sẽ bị nhà cầm quyền giám sát với mục đích đánh giá xem các hoạt động đó có theo đúng hướng của nhà cầm quyền hay không", Tiến sĩ Robert J. Bunker, giáo sư nghiên cứu trợ giảng tại Học viện Nghiên cứu Chiến lược, Trường Cao đẳng Quân đội Hoa Kỳ, phát biểu.

Vào tháng 6 năm 2014, Trung cộng công bố kế hoạch cho hệ thống tín nhiệm xã hội, công khai đánh giá công dân trên một loạt các hoạt động, như mua hàng trên mạng, hành vi hàng ngày của họ và những người mà họ kết giao.

Hệ thống này dự trù sẽ hoạt động ở Trung cộng vào năm 2020, nhưng đảng Cộng sản Tàu gần đây đã thông báo rằng bắt đầu từ ngày 1 tháng 5, các công dân Tàu có điểm "tín nhiệm xã hội" kém sẽ không được phép đi lại bằng đường hàng không hoặc tàu hỏa trong vòng một năm.

Những tội có thể làm cho công dân Tàu không được sử dụng hệ thống đi lại bao gồm việc gây "rắc rối" trên máy bay, phát tán "thông tin sai lệch" về khủng bố, sử dụng vé đã hết hạn, đưa ra một lời xin lỗi "không chân thành" hoặc thậm chí dựng xe đạp trên lối đi bộ .

Bunker cho rằng hệ thống tín nhiệm xã hội giống như những gì mô tả trong cuốn tiểu thuyết "1984" của George Orwell, nhưng lưu ý rằng hệ thống thực sự này còn "xảo quyệt hơn nhiều". "Nó là một kế hoạch cải tạo xã hội khổng lồ, sử dụng công nghệ nhận dạng và trí tuệ nhân tạo (AI)," và sẽ được dùng để kiểm soát gần 1,4 tỷ người trong một hệ thống cộng sản toàn trị.

Một số người đã so sánh hệ thống tín nhiệm xã hội của ĐCSTQ với điểm tín dụng ở phương Tây, nhưng có sự khác biệt lớn giữa hai hệ thống này. Hệ thống điểm tín dụng ở phương Tây có thể hạn chế các khoản vay tài chính của một người vì khả năng quản lý tiền bạc kém cỏi của người đó, nhưng hệ thống tín nhiệm xã hội của ĐCSTQ có thể hạn chế gần như mọi hoạt động trong cuộc sống của một người, dựa trên gần như mọi hành vi của người đó.

Bunker nói thêm: "Hệ thống này khác xa sự đánh giá tín nhiệm tài chính của tư bản tân tự do ở điểm xâm phạm vào đời sống con người đến mức không thể so sánh được."

Bunker tiếp tục, "Điều này giống như là một tài xế Uber hoặc Lyft làm việc liên tục trong suốt cuộc đời và phải luôn luôn được khách hàng đánh giá tốt, nếu không thì càng ngày càng mất đi các quyền cơ bản xã hội."

Trí tuệ nhân tạo (AI) độc tài

Hệ thống tín nhiệm xã hội là một sự tiếp nối cực đoan của các biện pháp kiểm soát xã hội vốn là nền tảng của tất cả các hệ thống cộng sản.

Có hai hình thức cơ bản của trật tự: trật tự luân lý và trật tự bên ngoài. Trật tự luân lý của một người là sự kiềm chế cá nhân dựa trên tôn giáo, truyền thống và các giá trị cá nhân của họ. Trật tự bên ngoài xuất phát từ luật pháp của chính phủ hoặc của một tập thể, và không hẳn luôn luôn phù hợp với giá trị nội tại của một người.

Khi một hệ thống cộng sản lên nắm quyền, điều đầu tiên nó làm là hủy hoại trật tự luân lý của mỗi con người. Huấn lệnh này là của Karl Marx, người đã viết trong "Tuyên ngôn Cộng sản" là "chủ nghĩa cộng sản phá bỏ các chân lý vĩnh cửu, xóa bỏ mọi tôn giáo và mọi luân lý."

Với trật tự luân lý bị huỷ hoại, quyền lực sau đó được chuyển sang duy nhất cho người đứng đầu nhà nước, và nhà nước sẽ tạo ra không chỉ một hệ thống luật cho trật tự bên ngoài mà còn tạo ra hệ thống đạo đức riêng của nhà nước dựa trên chính sách xã hội.

Đây là nơi mà hệ thống đạo đức của cái gọi là "chính trị đúng hướng" xuất hiện - những ý tưởng này được đề ra vào năm 1967 trong cuốn sách đỏ của Mao Trạch Đông, cựu lãnh đạo ĐCSTQ và người chịu trách nhiệm về 50-70 triệu người bị chết.

Ý tưởng của Mao về "chính trị đúng hướng" rất đơn giản: nếu anh ủng hộ những sáng kiến ​​chính trị của nhà nước thì anh đã đi "đúng hướng" và nếu anh không ủng hộ các phong trào này thì anh có thể bị bức hại, bỏ tù, tra tấn, hoặc bị giết.

Trong hầu hết các xã hội cộng sản, khi trật tự luân lý bị hủy hoại, sự ổn định xã hội phụ thuộc vào sự đe dọa và trừng phạt của nhà nước, những đe dọa và hình phạt này chỉ áp dụng được trong phạm vi những gì chế độ cộng sản có thể kiểm soát.

Tuy nhiên với hệ thống tín nhiệm xã hội, đảng cộng sản Tàu đang cố gắng giải quyết vấn đề ổn định xã hội, nhưng không phải bằng cách khôi phục trật tự luân lý. Thay vào đó, nhà nước mở rộng tầm kiểm soát vào mọi chi tiết đời sống của mọi người dân, và tạo một hệ thống "nghiệp - karma" giả tạo do nhà nước điều khiển, từ đó nhà nước sẽ khen thưởng hoặc trừng phạt người dân, dựa trên điểm số do AI đánh giá từng hành động nhỏ của mỗi người dân.

Và khi đảng cộng sản Tàu quảng bá "mô hình Trung Quốc" cho cả thế giới, hệ thống ổn định xã hội cực kỳ độc tài này có thể thâm nhập vào các nước khác.

Bunker nói: "Tất nhiên điều đáng lo ngại là khi Trung Quốc leo thang sự thách thức siêu quyền lực đối với Hoa Kỳ và các đồng minh dân chủ của Hoa Kỳ trên toàn thế giới, TQ sẽ cung cấp hệ thống xếp hạng tín nhiệm xã hội cho các chính thể độc tài đồng minh của TQ như một phần của gói viện trợ an ninh nội bộ."

Bunker nói tiếp, "Điều này cho thấy chúng ta có thể đang ở trên bờ vực của một kiểu chiến tranh lạnh mới với công nghệ cao trong đó sự bành trướng chủ nghĩa độc tài về chính trị và kinh tế của Trung Quốc được hỗ trợ bởi hệ thống mạng, cơ sở dữ liệu và trí tuệ nhân tạo." 

 23 Tháng 3, 2018 

Lược dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo