Một vài kinh nghiệm trong nhà tù Cộng sản - Dân Làm Báo

Một vài kinh nghiệm trong nhà tù Cộng sản

Blogger Phạm Thanh Nghiên cùng con gái

A. Tinh thần trước ngày bị bắt: 

- Điều đầu tiên cần xác quyết rằng bạn có thể bước chân vào tù bất cứ lúc nào. Và bản án bạn sẽ nhận có thể chỉ một-hai năm, nhưng cũng có thể lên đến hơn mười năm. Hãy xác định "đi hết án thì về". Và khi bị còng tay, bước chân ra khỏi ngôi nhà thân quen hãy nghĩ ngay rằng "mọi người đã quên mình rồi". Tâm lý trông chờ (hoặc hy vọng) người khác đấu tranh cho mình, nhớ đến mình thậm chí ca ngợi mình rất ít khi mang lại sức mạnh cho bạn. Tất nhiên, đấy là nếu bạn là người mạnh mẽ. Hãy nghĩ rằng mọi người ở ngoài đều bận rộn với những công việc của họ, cũng là những việc bạn vẫn làm lúc chưa bị bắt. Nên vui vì có thể bản thân bạn ít được nhớ tới nhưng lý tưởng của bạn, khát vọng của bạn vẫn luôn được đồng hành.

Nếu bạn chỉ dám vào tù vì "ở ngoài mọi người sẽ lo cho mình" thì bạn nên xét lại bản lĩnh cũng như lý tưởng của mình. Tất nhiên, bạn sẽ được ủi an và thực sự cảm động khi bạn xác định "bị quên" nhưng mọi người "vẫn nhớ" đến bạn. 

- Hãy đón nhận mọi hiểm nguy, thử thách và cả thú vị đang đợi phía trước một cách chủ động vì chính bạn chứ không phải ai khác, đã lựa chọn con đường này. Phe độc tài rất ghét, nhưng họ cũng rất "ngán" và nể những chiến sĩ dân chủ luôn giữ được thái độ điềm tĩnh trong mọi tình huống. Tất nhiên, cũng có lúc bạn nổi nóng, nhưng phải là cơn nóng giận trong sự tự chủ. 

- Những việc bạn làm ví dụ như: biểu tình ôn hoà bày tỏ lòng yêu nước; tưởng niệm các sự kiện lịch sử; chỉ trích các chính sách sai lầm của nhà cầm quyền, phản ảnh các tệ nạn xã hội, lên án tội ác của đảng cộng sản; cổ vũ cho nhân quyền và dân chủ v.v... đều không vi phạm pháp luật. Nếu bạn mang tâm lý phạm tội, bạn sẽ khó đi đến chiến thắng. Vì thế, hãy tự tin với suy nghĩ rằng: "Mình bị bắt chỉ vì dám nói lên sự thật. Mình đang tranh đấu cho chính nghĩa. Bởi vậy, hy sinh cho lẽ phải là một đặc ân số phận đã ban trao cho mình". 

B. Tinh thần trong suốt khâu điều tra: 

- Không cần căm thù hay khinh ghét công an (điều tra viên) nhưng không bao giờ được tin họ. Cảnh giác với những lời khen của họ. Khi bạn thích được nghe điều tra viên, cai tù khen tức là bạn dần đánh mất khoảng cách với phe độc tài. Điều này rất nguy hiểm. Phải tỏ thái độ một cách quyết liệt khi họ nói xấu về bạn bè hay những người đấu tranh khác. Đây cũng là một trong những cách để công an đo lường nhân cách của bạn. Thích được khen, thích được hơn người khác chỉ là biểu hiện của một con người yếm thế, đố kỵ và dễ bị đốn ngã. 

- Không bao giờ ký khống, không bao giờ ký các "bản cung" khi điều tra viên không viết đúng những gì bạn đã trình bày. - Trong các bản tường trình với cơ quan điều tra, không nhất thiết phải viết phần tiêu ngữ (Cộng hoà xã hội chủ nghĩa VN. Độc lập-tự do-hạnh phúc). Hãy nói với ĐTV rằng "pháp luật không bắt buộc điều này và lương tâm tôi không cho phép viết như thế". Tất nhiên, trong một vài tình huống không thể tuân thủ nguyên tắc này, bạn có thể viết một nửa phần tiêu ngữ, hoặc viết nguệch ngoạc thể hiện thái độ không công nhận và không tuân phục. Song, điều này cũng không quá quan trọng nên bạn không cần phải căng thẳng hay bận tâm nhiều. 

- Tối kỵ việc "tiền hậu bất nhất". Hãy tập trung cao độ nhưng không nên căng thẳng khi đối mặt với điều tra viên. Một sự việc, một bài viết, một phát ngôn hoặc một hành vi của bạn có thể sẽ bị ĐTV hỏi đi hỏi lại nhiều lần, mỗi lần có thể cách nhau vài ngày thậm chí vài tháng. Hãy nhớ những gì bạn đã "khai" hôm trước để lặp lại vào những lần sau. Nếu lời "khai" của bạn khác nhau, là bạn tự đem lại rắc rối cho mình. Đương nhiên, bạn cũng có thể lựa chọn quyền im lặng nếu bạn muốn và thấy cần thiết. 

- Đừng sợ lời đe doạ của ĐTV cũng như lời hứa của họ. Họ có thể đánh đập, ngược đãi bạn mà không cần đe doạ. Hoặc có thể đe doạ nhưng chưa chắc làm. Nếu họ "tốt" với bạn, thì đã chẳng tống bạn vào tù. Vả lại, nếu họ có cho bạn một quyền lợi hay đặc ân gì đó, cũng không sánh được mọi khổ đau bạn đã gánh chịu. - Thừa nhận hết các việc, các hành vi mình đã làm nhưng khẳng định những việc đó không phạm pháp. Thậm chí, còn cần thiết cho một xã hội tiến bộ. Tránh tranh luận dài dòng với ĐTV, kể cả những câu chuyện tưởng như không liên quan đến vụ án. Chỉ nên "khai" những gì mọi người đều biết, hoặc không ảnh hưởng đến người khác. Tất nhiên như đã nói ở trên, những việc bạn làm không vi phạm pháp luật. Nhưng công an vẫn dùng những điều ấy để kết án bạn và có thể kết án cả người khác. - Chế độ cộng sản thường hay đánh tráo khái niệm, vì thế, cần rạch ròi mọi khái niệm với họ trước khi tranh luận. Ví dụ "Nhà nước" với "đất nước". ĐTV sẽ buộc tội bạn chống lại nhà nước tức là chống lại đất nước và nhân dân. Tù nhân thường được cai tù, ĐTV rỉ tai, tuyên truyền rằng bạn là "phản động", chống đảng (tức là chống nhà nước, đất nước) cho nên họ rất ác cảm với những người như bạn. Hãy cắt nghĩa cho họ hiểu các khái niệm trên và nhiều vấn đề khác. 

C. Tinh thần ngày ra tòa: 

- Không nhất thiết phải thuê nhiều luật sư. Một hoặc tối đa hai người là đủ. Nhưng cần phải có, vì luật sư sẽ giúp bạn biết chút thông tin về gia đình. Ngược lại người thân của bạn cũng biết về tình trạng của bạn chứ không đến nỗi "bặt vô âm tín" suốt thời gian bị tạm giam. Hơn nữa, luật sư sẽ là người nói với công luận về diễn biến phiên toà cũng như thái độ của bạn khi đứng trước vành móng ngựa. Điều này rất cần thiết nhất là trong bối cảnh ở Việt Nam, các phiên toà đều được xử kín với án bỏ túi dưới vỏ bọc là "công khai". Cho nên, luật sư sẽ không có vai trò gì trong vụ án của bạn ngoài những ý nghĩa vừa nêu, trừ khi Việt Nam có dân chủ, điều kiện để có một phiên toà độc lập. 

- Hãy chuẩn bị cho mình tâm lý vững vàng khi ra toà. Nhất là hãy soạn sẵn trong đầu Lời Nói Cuối Cùng. Công luận có thể sẽ quên nhiều thứ về bạn, nhưng lời nói sau cùng đanh thép và dáng đứng hiên ngang của bạn tại toà sẽ trở thành hình ảnh điển hình của một người tranh đấu cho chính nghĩa khiến mọi người không thể nào quên và mang lại nhiều cảm xúc khi họ nhớ đến bạn. Lời Nói Cuối Cùng cũng giống như tuyên ngôn cuộc đời bạn. 

- Hạn chế hoặc tốt nhất không nên nhìn xuống. Tất nhiên, suốt mấy tiếng đồng hồ luôn phải nhìn thẳng hoặc ngẩng cao đầu sẽ khiến bạn khó chịu. Nhưng nếu bạn không muốn hình ảnh mình xuất hiện trên báo đảng với tư thế "cúi đầu" thì bạn phải cố gắng thôi. Phe độc tài không muốn bạn xuất hiện với hình ảnh hiên ngang thì bạn càng phải thực hiện cho được điều đó. 

D. Tinh thần sống giữa bạn tù: 

- Hoà đồng với bạn tù nhưng không xuề xoà, dễ dãi để nhiễm các thói xấu của bạn tù. Đừng quá khắt khe với họ. Dù họ có hút thuốc (điều bị cấm trong nhà tù) hay phơi quần áo không đúng nơi quy định khiến bạn khó chịu, cũng đừng phàn nàn với cai tù. Điều này chỉ mang lại bất lợi cho bạn vì cai tù sẽ biến bạn thành mục tiêu tấn công cho các tù nhân khác. 

- Nếu phải đấu tranh trong tù, thì nên đòi hỏi quyền lợi cho tập thể hơn là cho cá nhân nếu việc đó (đấu tranh cho một người hay bản thân bạn) không thực sự chính đáng. 

- Không nên tuân thủ tất cả các nội quy trong nhà tù. Quy định nào hợp lý thì chấp hành, quy định nào bất hợp lý thì không làm theo. 

- Nếu có thể, hãy luôn là một người tù nghiêm khắc với chính mình nhưng luôn hòa đồng, thân thiện và bao dung với bạn tù. Cần biết đùa, hài hước để luôn là người tù lạc quan và mạnh mẽ. Điều này sẽ giúp bạn vượt qua mọi khó khăn một cách dễ dàng hơn. Lúc nào cũng nghiêm túc quá sẽ dễ bị căng thẳng, như thế vừa ảnh hưởng đến sức khỏe, vừa ảnh hưởng đến công việc của bạn. 

Trên đây là vài kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ được một cách rộng rãi. Còn rất nhiều điều nữa không thể và chưa tiện nói trong một diễn đàn công khai. Cũng có thể bạn không cần đến những kinh nghiệm này của tôi vì trong một hoàn cảnh, tình huống cụ thể thì mỗi người có một cách xử sự khác nhau. Nhưng lý do chính, bạn hẳn sẽ là một người thông minh và dũng cảm hơn tôi rất nhiều. Và công bằng mà nói, không phải lúc nào bản thân tôi cũng tuân thủ được hết mọi nguyên tắc do chính mình đặt ra. Song nguyên tắc quan trọng nhất bạn phải thực hiện được, đó là "không làm gì để mình phải tự hổ thẹn với chính bản thân mình".

2/4/2018



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo