Thấy gì từ chuyện cô giáo không giảng bài suốt học kỳ? - Dân Làm Báo

Thấy gì từ chuyện cô giáo không giảng bài suốt học kỳ?

Lê Thiên (Danlambao) - Đọc báo Lao Động Online của CSVN ngày 28/3/2018, bất chợt gặp thấy bài “cô giáo ‘quyền lực’ không giảng bài: Cần loại những giáo viên ‘cá biệt’ khỏi ngành.” Hàng loạt báo lề đảng khác như Tuổi Trẻ, Giáo Dục Việt Nam, VNExpress, Thanh Niên, Người Lao Động… cũng ồn ào “vào cuộc”.

Nội dung câu truyện. 

Báo Lao Đông ngày 28/3/2018 tường thuật: “Ngày 23.3, tại chương trình gặp gỡ giữa lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM (Thành phố Sài Gòn) với học sinh tiêu biểu năm 2018, em Phạm Song Toàn (THPT Long Thới, Nhà Bè) đã bật khóc tức tưởi. Em kể về nhà giáo quyền lực không giảng bài, cô giáo dạy Toán, khi lên bục giảng ‘không nói gì với chúng con cả, cô không dạy, cô chỉ viết bài lên bảng và cả lớp chép, làm bài tập’."

Tác giả bài báo tiết lộ: “Tình trạng này đã diễn ra hơn một học kỳ, không học sinh nào dám phản ánh. Cô giáo chủ nhiệm cũng cố gắng giải quyết nhưng không thành công, vì cô giáo đó ‘khá quyền lực’. Và nhận xét: “Tình trạng này đã diễn ra hơn một học kỳ, không học sinh nào dám phản ánh. Cô giáo chủ nhiệm cũng cố gắng giải quyết nhưng không thành công, vì cô giáo đó ‘khá quyền lực’”. Rồi lại bình luận: “Chuyện nói trên, kỳ lạ đến mức không thể tin nổi, có lẽ chưa từng xảy ra trong lịch sử giáo dục Việt Nam cũng như thế giới. Nhưng chúng ta vẫn phải tin, tin vào sự trung thực của em HS tiêu biểu tại một diễn đàn quan trọng, tin vào những giọt nước mắt tức tưởi của em.”

Tác giả bài báo có tên Hải Đăng tố giác thêm: “Sự việc càng nghiêm trọng hơn, khi qua tìm hiểu cho biết, cô giáo ‘cá biệt’ nói trên đã từng có ‘tỳ vết’ vi phạm kỷ luật, xúc phạm HS, bị kỷ luật cảnh cáo, cho chuyển trường.” Rồi ông (hay bà) nhà báo làm một cú “mô-ran” (moral) và hiến kế: “Nếu thực sự tôn trọng, thương yêu HS, vì thế hệ trẻ, thì cần phải kỷ luật ‘ngay và luôn’ những GV trên ở mức cao nhất là chấm dứt hợp đồng, cho ra khỏi ngành giáo dục… Bởi những ‘con sâu’ như vậy, không chỉ làm ảnh hưởng uy tín đội ngũ nhà giáo, mà quan trọng hơn là làm hỏng thế hệ tương lai.”

Tác giả bài báo lý giải: “Mục đích của giáo dục, chung quy cũng chỉ vì thế hệ trẻ. Vì vậy chúng ta cần phải kiên quyết loại bỏ những yếu tố, kể cả GV, nếu tác hại đến trẻ” để rồi đi tới kết luận: “Hiện tượng GV ‘cá biệt’ như trên cũng là ‘sản phẩm’ của kiểu ứng xử du di, bao che của cán bộ quản lý giáo dục.” Rồi tác giả phê phán: “Đúng ra với những vi phạm trước đây, GV đó đã bị kỷ luật buộc thôi việc, hoặc không cho trực tiếp đứng lớp. Nhưng vì ‘nể nang’, nương nhẹ, duy tình… nên chỉ xử lý cảnh cáo, rồi cho chuyển trường, tiếp tục đưa những HS khác ra làm ‘nạn nhân’”. Tác giả Hải Đăng lên lớp tiếp: “Làm vậy là ‘thương’ GV nhưng lại làm hại HS, nghĩa là đi ngược lại nguyên lý giáo dục, để lại những hệ lụy vô cùng lớn”.

Đối với Ban giám hiệu trường THPT Long Thới, Nhà Bè [Trường của Cô giáo], tác giả cũng kết tội và đòi kỷ luật: “Cũng cần phải xem xét kỷ luật, vì đã thiếu sâu sát, buông lỏng quản lý trước vi phạm nghiêm trọng của GV. Cần xác định rõ nguyên nhân vụ việc, và cách chức những cán bộ quản lý vô trách nhiệm”.

Thử tìm hiểu nguyên nhân nội vụ: Sự thống trị của Đảng ủy.

Theo thiển ý, những nhận xét về lỗi phạm của cô giáo, về những sai sót của nhà trường, của cơ chế giáo dục, của hệ thống điều hành tổ chức, quản trị nhà nước và của tình trạng con ông cháu cha, bao che cho nhau mà tác giả chỉ ra đều là chính xác. Nhưng việc “cô giáo không giảng bài” nêu ra ở đây cũng như các tình trạng tiêu cực khác trong ngành giáo dục hay bất cứ ngành quản lý nào trong cơ chế nhà nước xhcn cũng đều có nhiều nguyên nhân mà nguyên nhân chính yếu là cơ chế quyền lực! Nói rõ hơn, đó là Quyền lực Đảng trị. 

Chính cơ chế Đảng trị đã và đang làm cho thần dân trong nước, đặc biệt là thành phần công bộc đảng và nhà nước dầu đang sinh hoạt ở bất cứ cơ quan đảng quyền hay chính quyền nào cũng đều có hai thái độ đối lập: co ro khép nép hoặc ngược lại, tự tung tự tác.

Chỉ nhìn vào các cơ quan thuộc ngành giáo dục thôi, người ta thấy ngay Đảng quyền thống trị như thế nào và tới mức nào. 

Từ Bộ xuống Cục, Sở, Phòng, Ban…, đâu đâu cũng thấy ngự trị cái CƠ CẤU ĐẢNG ỦY quyền uy tuyệt đối – quyền khống chế, quyền bịt miệng, đứng trên cao, đè bẹp các cơ cấu mang tính hành chánh! Cả trong các doanh nghiệp Nhà nước (doanh nghiệp quốc doanh), các Tổng giám đốc, Giám đốc hầu hết chỉ là những hình nộm đứng che chắn cả một dàn CẤP ỦY, quyền uy lẫy lừng mà các BÍ THƯ/PHÓ BÍ THƯ là kẻ cầm cần nẩy mực! Các vụ án kinh tế gần đây đã để lộ hàng loạt Bí thư/Phó Bí Thư Đảng ủy là đại hạm!

Lại nhớ vụ FORMOSA Hà Tĩnh. Khi nổ ra vụ xả thải gây cá chết từ nhà máy Formosa, sự xuất hiện uy nghi bất thần của Tổng Bí Thư CSVN Nguyễn Phú Trọng ở Formosa rõ ràng là tín hiệu xác lập sức mạnh của Formosa dù Formosa chỉ là một doanh nghiệp nước ngoài! Phải chăng ở đó có một ẩn số mà người dân không nhận ra hay dẫu có nhận thấy thì cũng đành câm lặng. Người ta nói: Bên trong Formosa có mặt cùng lúc tới hai đảng ủy: CSVN và CSTQ! Thế nên, đụng đến Formosa là đụng tới Đảng, vi phạm nghiêm trọng điều 4 Hiến Pháp CSVN! 

Người Miền Nam Việt Nam cũng chưa quên: Sau 30/4/1975 là thời kỳ đỉnh cao của Cộng sản chuyên chế (bao cấp). Trong nhà trường hồi đó dù chỉ ở một lớp học trường làng đã nảy sinh quyền đảng trị quyền uy ghê gớm: Mỗi một cậu học sinh “Chi đoàn” thôi – chi đoàn thiếu nhi CS/HCM” cũng đủ sức chuyên quyền làm chao đảo cả lớp học. Nó chỉ cần một mảnh giấy nhó “báo cáo” là có chuyện! Hoặc báo cáo về một học sinh “chây lười tránh né lao động” hay tố cáo một bạn không đóng góp “kế hoạch nhỏ” hay có lời lẽ “phản động” là … nạn nhân bị báo cáo hết đường sống! Nói chi tới các ông bà đảng ủy Bí thư/Phó Bí Thư các cấp, quyền uy ở mỗi cấp mỗi khác! Theo kiểu nói dân gian, họ hét ra lửa đấy! 

Giáo dục mục ruỗng! Vì sao?

Trở lại chuyện cô giáo “quyền lực”, chúng ta thấy gì? Trước hết, dường như cô giáo không biết cách khai thác và củng cố “quyền lực” của mình, nên thay vì lên lớp hò hét đao to búa lớn, dọa dẫm linh tinh tỏ rõ “quyền lực”, cô ta lại cặm cụi viết bài suốt tiết dạy, và kiên trì như vậy cả một học kỳ! Chuyện lạ! Thế nên chẳng hiểu cô giáo đang chịu đè nén bởi một áp lực tâm lý nào hay chính “quyền lực” của cô xui khiến cô “dại dột” tưởng im lặng là vàng? Môn toán là môn học chính, một tuần lễ ít nhất cũng vài ba tiết học (đocbao.vn ngày 28/3/2018 ghi nhận gần 50 tiết học), một môn học cần nhiều tới LỜI GIẢI của người dạy! Vậy mà cô giáo cứ im lặng, không giảng, không giải! Viên phấn cạch cạch trên bảng thay cho tiếng nói của cô chăng? Học trò cặm cụi chép! Lớp 11, đầu có sỏi cả, im lặng chịu đựng lâu dài không phản ứng, kiên nhẫn thật! Hay là các em đã quen chịu đựng rồi! Đến cái tập thể của nhà trường - ít ra ban giám hiệu và hội đồng giáo viên cũng im tiếng là làm sao? Rồi Thanh tra giáo dục đâu, cũng giả ngơ? Hay đã được dàn xếp? Cho tới khi có một học sinh bật khóc giữa đám đông, qua máy vi âm công khai tố cáo, nhân cuộc “đối thoại giữa học sinh và lãnh đạo ngành giáo dục thành phố (Sài Gòn)” thì sự việc mới nổ tung, ồn ào (có tin em học sinh này đang xin chuyển trường)! 

Như vậy, bản thân nền giáo dục tại Việt Nam đã có vấn đề: Căn bệnh bất trị, bệnh liệt kháng đạo đức học đường! Bệnh liệt kháng đạo đức này chẳng những làm băng hoại sức sống tuổi trẻ Việt Nam mà còn hủy diệt các giềng mọi mối tốt đẹp đã từng có tại Miền Nam Việt Nam, nhất là Sài Gòn trước năm 1975 từ gia đình tới học đường rồi xã hội! Tin còn cho biết, cô giáo “quyền lực” kia phụ trách nhiều lớp, cô đều “mở miệng” giảng bài, trừ cái lớp 11 này!

Gia đình mất tôn ti. Trường học hỗn loạn. Loạn giữa thầy cô với nhau. Loạn giữa thầy cô với phụ huynh. Loạn giữa thầy cô với học trò. Và giữa học trò với học trò cả nam lẫn nữ chửi nhau, đánh nhau loạn xạ từ trong khuôn viên học đường, ra tận đường phố, thậm chí giữa con gái lột quần lột áo nhau cho thiên hạ chiêm ngưỡng vỗ tay tán thưởng! Xử nhau bằng luật đường phố, luật giang hồ! Hỗn loạn chồng chất trong khi quan chức thì cứ ung dung đua nhau vơ vét, tranh nhau khoa trương biệt thự, biệt phủ, biệt cung, dinh thự “hoành tráng” và tài sản “khủng”! 

Tất cả những hỗn loạn trong phạm vi học đường ngày nay tại Việt Nam xin đừng trút lên đầu các thầy cô, đừng đổ lỗi cho phụ huynh, đừng gán tội cho học sinh! Cũng xin đừng bất nhẫn đổ lỗi cho cô giáo “quyền lực”! Lỗi ấy chính là lỗi hệ thống! Lỗi cơ chế! Hệ thống đảng trị! Cơ chế đảng quyền! Chính sách bịt miệng! 

Độc ác hơn nữa là có những người đã không ngại vạch lá tìm sâu, săn tìm cho được những lỗi phạm của cô giáo để tăng tội, lôi cô ra “tố khổ” tới nơi! Cụ thể báo Giáo Dục Việt Nam ngày 28/3/2018 tố “cô Châu [cô giáo trong cuộc] bị phụ huynh, học sinh phản ánh là sử dụng những lời lẽ phản sư phạm, có tính xúc phạm như “mày về uống thuốc thần kinh đi”, “ai sủa trong lớp vậy?” Lại cũng báo GDVN ngày 30/3/2018 còn chạy cái tít Cô giáo ‘không nói gì’ trong lớp còn hay làm lớp học căng thẳng”. 

Những hiện tượng như trên rõ ràng có phần trách nhiệm của phía có thẩm quyền CSVN (ít ra trong ngành Giáo dục), sao lại làm ngơ để mặc cô giáo tự bịt miệng mình cả một học kỳ (3 tháng hay hơn), rồi dựa vào lời tố cáo với tiếng khóc của một nữ sinh lớp 11, mà xúm vào… bề hội đồng? Chúng tôi không lên tiếng cho một cá nhân, kể cả cô giáo trong cuộc. Chúng tôi chỉ nói tới cơ chế trong chế độ CSVN!

Kết luận

Thiết tưởng, để bảo đảm kỷ cương học đường, kỷ cương xã hội, chỉ có một giải pháp duy nhất: Giải thể chế độ đảng trị! Triệt tiêu đảng quyền! Nhưng trước tiên, toàn dân hãy cùng một lòng vạch ra sự lũng đoạn của đám cầm quyền CSVN dựa vào Điều 4 Hiến pháp 2013 mà chính nhà cầm quyền CSVN đẻ ra bất chấp sự phản kháng mạnh mẽ của toàn dân. Sự ổn định xã hội chỉ đạt được bao lâu sự minh bạch, công bằng và dân chủ trong các định chế xã hội được tôn trọng và thực thi đúng đắn. Quyết liệt loại bỏ cái Điều 4 quái gở này là giải pháp duy nhất cho mọi sự ổn định của đất nước!

(04/4/2018)



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo