Phạm Văn (Danlambao) - Như thế, cũng có nghĩa là nhân dân Việt Nam, con người Việt Nam, giống nòi Việt Nam yêu quý đã thức tỉnh, đã trưởng thành và ngày càng trưởng thành nhanh chóng về tinh thần, xã hội và văn hóa nói chung. Ý thức hay những kêu đòi về các quyền con người, hay nói chung là về quyền làm người, trong đó đặc biệt là quyền Tự do, đã rất rõ ràng. Nhân dân của ngày hôm nay đang chứng minh chân lý: nhân dân nào thì nhà nước ấy theo một cách mới. Việc nhân dân đứng lên biểu tình-đấu tranh, trên thực tế đã chứng tỏ rằng nhân dân đang rất cần, không thể trì hoãn được nữa, một chế độ nhà nước mới của mình: Chế độ DÂN CHỦ - một chế độ thực sự của dân, do dân và vì dân. Nhân dân muốn thoát khỏi xiềng xích của chế độ độc tài-toàn trị để tự mình làm chủ cuộc sống của mình.
*
Những diễn biến sôi động, mới nhất trong đời sống xã hội Việt Nam hiện nay đang cần một sự nhận thức mới về mối liên hệ giữa nhân dân và nhà nước, để nhân dân hiểu rõ mình, nhất là “đối tượng nguy hiểm và trực tiếp” của cuộc đấu tranh mới. Có một luận điểm triết học xã hội (không phải là triết học lịch sử) rất hay cho rằng “nhân dân nào thì nhà nước ấy”. Tuy nhiên, mối liên hệ này không ngừng thay đổi trong lịch sử nhân loại. Cho đến nay đã xuất hiện, tồn tại hai kiểu mối liên hệ tương ứng phổ biến giữa nhân dân và nhà nước là “nhân dân trong chế độ quân chủ” và “nhân dân trong chế độ dân chủ” và bản chất của chúng được chỉ ra rất rõ trong một luận điểm nổi tiếng: “Trong chế độ quân chủ, nhân dân là của chế độ nhà nước, còn trong chế độ dân chủ, nhà nước là của nhân dân” (Luận điểm này được K. Marx viết trong tác phẩm “Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hegel”, theo tôi, nó là sự kế thừa tư tưởng của Montesquieu trong “Tinh thần pháp luật” và của các nhà tư tưởng khác trước K. Marx). Vậy, ở Việt Nam hiện nay rất cần phải thấy rõ thực chất mối liên hệ giữa nhân dân và nhà nước là gì. [Lưu ý: Ý tưởng của bài viết này hình thành trong một buổi thảo luận triết học liên quan đến một chủ đề quan trọng: “Con người (nhân nhân) Việt Nam đã trưởng thành hay chưa?”]
Lâu nay trong các cuộc bàn luận xoay quanh vấn đề xây dựng “nhà nước pháp quyền” (đúng ra là “nhà nước pháp trị”), tức là nhà nước hay chế độ dân chủ ở Việt Nam, thường tồn tại một loại quan niệm, ý kiến cho rằng ở Việt Nam chưa thể xây dựng nhà nước pháp trị, nhà nước dân chủ vì “trình độ dân trí thấp”. Tôi nhận thấy trong các quan niệm hay các ý kiến này tồn tại hai khuynh hướng nhận thức cơ bản: thứ nhất, là khuynh hướng chiếm số đông, là quan điểm của những người nhằm bảo vệ nhà nước hiện thời, nhà nước độc tài-toàn trị, tôi gọi là nhà nước hay chế độ Đảng “cộng sản” trị, một biến tướng của nhà nước quân chủ trong đó vua là “kẻ giấu mặt” hoặc “vua ảo” (chứ không phải “vua tập thể”); thứ hai, là khuynh hướng của những người muốn hướng đến một sự “vô tư”, “khách quan” hơn trong nhận thức và thực tiễn, tuy nhiên họ vẫn không vượt ra khỏi, lên trên thể chế hiện hành. Vì vậy, thực chất của luận điểm cho rằng chưa thể xây dựng chế độ dân chủ-pháp trị do “trình độ dân trí còn thấp”, là nhằm duy trì, bảo vệ chế độ hiện thời. Quả thực sẽ vô cùng khó khăn khi bác bỏ loại quan niệm, ý kiến khá phổ biến nói trên, nhất là khi tất cả những người tranh luận đều cùng tồn tại trong một chế độ, cùng được hưởng lương và các thu nhập khác, thậm chí cao và rất cao, đều cùng phục tùng một sự lãnh đạo-chỉ huy thống nhất từ bên trên, cùng mang tâm lý, suy nghĩ “ổn định” để sống, để phát triển v.v...
Tuy nhiên, thực tiễn đời sống đã giáng một đòn mạnh mẽ, quyết liệt, không khoan nhượng vào cuộc tranh biện ấy, khiến nó phân rã và ngày càng phân rã sâu sắc, rõ ràng. Cuộc biểu tình-xuống đường của nhân dân Việt Nam trong những ngày tháng 6 vừa qua, nhất là ngày 10 tháng 6, đã chứng minh một cách sinh động và rất hùng hồn rằng nhân dân của ngày hôm nay đã khác, khác hẳn nhân dân của ngày hôm qua. Nhân dân của ngày hôm qua là nhân dân “bốn ngàn tuổi mà vẫn không chịu lớn, bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm, trước những bất công vẫn không biết kêu đòi”. Nhân dân của ngày hôm qua là nhân dân CỦA chế độ nhà nước, là nhân dân trong guồng máy của chế độ quân chủ, cụ thể hơn, gần hơn là nhân dân TRONG, CỦA chế độ độc tài-toàn trị, chế độ Đảng “cộng sản” trị. Trong chế độ ấy nhân dân hình thành thói quen cúi đầu xuống im lặng cam chịu, khuất phục, ngẩng lên để được ban phát, bố thí (Đảng, Nhà nước “cho”, Cơ quan, Nhà trường v.v... “cho”, rồi lại cúi xuống, tiếp tục lặng lẽ, mong được yên bình. Trong cái chế độ mà nhân dân là của nhà nước, trong cái chế độ được “hưởng dân” ấy, thì nhà nước muốn làm gì thì làm với cái vật mà nó sở hữu ấy. Không có tự do: toàn bộ hệ thống, nhất là giáo dục-tương lai của đất nước, của nhân dân, bị áp đặt về tư tưởng và giá trị. Không có sự phản biện-tranh đấu: sự ngu dốt, hèn nhát, dối trá và do đó, sự tàn ác lên ngôi. Vô cảm, vô lương tâm: sai lầm, khuyết điểm, không hoàn thành, không làm đúng trách nhiệm, bổn phận v.v.., không hề biết xấu hổ, trái lại bao biện, trí trá, trơ trẽn, lì lợm. Đặc biệt, đã và sẵn sàng bán rẻ nhân dân, đất nước cho ngoại bang – Trung Cộng. Tóm lại, trong chế độ mà nhân dân thuộc quyền sở hữu của nhà nước như đã diễn ra, nhân dân đã bị tước mất quyền làm người, nhất là quyền Tự do.
Nhưng nhân dân của ngày hôm nay đã khác. Nhân dân đã ý thức được rằng mình không còn là vật phụ thuộc vào Đảng “cộng sản” và Nhà nước do Đảng cầm đầu - “lãnh đạo” nữa. Nhân dân đã đứng lên, vượt khỏi vòng tay ôm bế của Đảng và Nhà nước của Đảng. Nhân dân đã trở nên cam đảm, bước qua sự khiếp sợ, không còn cúi đầu, im lặng hoặc ngẩng lên chờ đợi sự ban phát nữa. Nhân dân đã đứng lên đối diện-đối đầu với Đảng và Nhà nước cường quyền, bạo lưc, cho dù trong tay không một tấc sắt, nhưng với một trái tim yêu nước nồng nàn, một trí tuệ phân biệt rõ phải-trái, đúng-sai, tốt-xấu trong cuộc biểu tình-đấu tranh một mất một còn: Đảng “cộng sản” còn thì nhân dân, đất nước không còn; nhân dân còn, nhân dân thắng lợi, thì đất nước còn, dân tộc Việt sẽ trường tồn và tiến về phía thế giới, loài người tiến bộ - văn minh. Lúc này Đảng đang vớt vát cái quá khứ thảm hại của mình khi tự lừa dối mình là dường như nhân dẫn vẫn là của Đảng, rằng “nhân dân, lòng yêu nước chân chính của nhân dân đã bị lợi dụng”. Nhưng trên thực tế Đảng và những kẻ ăn theo nói leo, các DLV của Đảng không thể hiểu được một sự thật chát đắng là ở nhân dân đã hình thành, nhân dân đã có một tinh thần yêu nước mới mà trong đó có nội dung cơ bản là xóa bỏ chế độ Đảng “cộng sản” trị để xây dựng chế độ Dân chủ. Vì không hiểu sự thật ấy, Đảng và các DLV của Đảng vẫn khinh thường, thậm chí xúc phạm nhân dân. Không những thế, Đảng và các DLV của Đảng dường như vẫn mơ ngủ, ngộ nhận về một bộ phận đông đảo nhân dân còn chưa đứng lên, chưa cất lên tiếng nói của mình, là nhân dân của Đảng, đang ủng hộ Đảng, rồi đồng nhất họ với các “cử tri” và các DLV được Đảng tổ chức sắp xếp gặp gỡ để tiếp tục lừa dối nhân dân. Đảng và Nhà nước ở Việt Nam (Tôi dùng từ “ở”, không dùng tính từ “Việt Nam” cạnh các danh từ “Đảng” và “Nhà nước”, vì thấy rằng “Đảng” và “Nhà nước” chắc chắn không có đủ, trái lại thiếu và rất thiếu phầm tính Việt Nam cả trong thực tế và trong các danh xưng ấy) trong cơn mơ, trong cơn mê sảng, vẫn hồ đồ, lén gọi “nhân dân ta”. Thực ra, Đảng “cộng sản” và Nhà nước (Quốc hội) ở Việt Nam chưa bao giờ là của nhân dân theo đúng nghĩa của từ này, trái lại họ luôn luôn xem nhân dân là của họ và sử dụng nhân dân như một vật, một công cụ tùy ý họ. Vì vậy, trong cơn bĩ cực này, họ không còn cơ hội trưởng thành, không có, không còn đường về vì họ không có, không còn nhân dân của mình. Họ sẽ bị xóa bỏ một cách không thương tiếc, căn bản chẳng phải vì tội lỗi của họ, vì sự căm ghét của nhân dân, mà vì sự lỗi thời và nguy hiểm của họ đối với tồn vong của nhân dân, dân tộc Việt Nam.
Như thế, cũng có nghĩa là nhân dân Việt Nam, con người Việt Nam, giống nòi Việt Nam yêu quý đã thức tỉnh, đã trưởng thành và ngày càng trưởng thành nhanh chóng về tinh thần, xã hội và văn hóa nói chung. Ý thức hay những kêu đòi về các quyền con người, hay nói chung là về quyền làm người, trong đó đặc biệt là quyền Tự do, đã rất rõ ràng. Nhân dân của ngày hôm nay đang chứng minh chân lý: nhân dân nào thì nhà nước ấy theo một cách mới. Việc nhân dân đứng lên biểu tình-đấu tranh, trên thực tế đã chứng tỏ rằng nhân dân đang rất cần, không thể trì hoãn được nữa, một chế độ nhà nước mới của mình: Chế độ DÂN CHỦ - một chế độ thực sự của dân, do dân và vì dân. Nhân dân muốn thoát khỏi xiềng xích của chế độ độc tài-toàn trị để tự mình làm chủ cuộc sống của mình. Cũng cần phải nói rằng trong cuộc đấu tranh này nhân dân xem đối tượng tranh đấu là Đảng “cộng sản”, Nhà nước “cộng sản” ở Việt Nam với tư cách là những tổ chức, và những người cố tình bảo vệ những tổ chức ấy, chứ không nhằm chống lại tất cả những đảng viên cộng sản, những thành viên riêng biệt của chế độ. Vậy là nhân dân đã biết được con đường đi của mình, đã trả lời được câu hỏi “đất nước, dân tộc Việt Nam sẽ đi về đâu?”, không còn gửi câu hỏi ấy “cho trời xanh, cho người trước và người sau” trong sự đợi chờ vô vọng nữa.
Ngày 4 tháng 7 năm 2018