Nguyễn Hoàng Dân (Danlambao) - Trong các ngày 23/6 đến 25/6 mưa lớn liên tục và kéo dài trên khu vực núi rừng tây bắc Bắc Phần - cụ thể là tại hai tỉnh Hà Giang và Lai Châu, vũ lượng 24 giờ đo tại các trạm quan trắc liên hệ đều ở mức từ hơn 100li đến hơn 300li, có nơi đến mức 386li như tại trạm Nậm Giàng – Lai Châu, bên cạnh các hồ đập thủy điện phía thượng nguồn đều đồng loạt xã lũ với lưu lượng cực đại, khiến trận lũ quét dữ dội và sạt lở đất đá nghiêm trọng đã xảy ra tại hai tỉnh này, gây thiệt hại nặng cả về nhân mạng lẫn vật chất cho dân chúng địa phương.
Đây không phải là thiên tai thuần túy, cũng như không phải là lần mới xảy ra đầu tiên. Yếu tố nhân họa do con người trực tiếp gây nên – cụ thể là đủ mọi tầng lớp cán bộ đảng viên cộng sản Việt Nam từ trung ương xuống đến địa phương, cấu kết với các băng nhóm lợi ích, các đại gia đỏ đục khoét, chia chác, thâu tóm mọi nguồn tài nguyên quốc gia bất kể hậu quả để bỏ túi làm của riêng, mới là nguyên nhân chính đưa đến thảm họa khi tha hồ phá hoại mọi lâm phần, khai thác cạn kiệt mọi khu rừng già nguyên sinh đầu nguồn sông suối để làm thủy điện, dưới chiêu bài chuyển đổi công năng diện tích rừng tự nhiên, trong mục đích đầy ích nước lợi nhà như vì sự phát triển của địa phương, cho sự phồn vinh của người dân sở tại, hay cao cả hơn là mang lại nguồn sáng cho những nơi địa đầu tổ quốc?? và cuối cùng rất thản nhiên khi sẵn sàng mở cửa cống đập xả lũ kinh hoàng xuống dưới hạ du để cứu đập, cứu nhà máy là tài sản thứ cấp của chúng, với một thái độ trơ lì, dửng dưng và trơ tráo cãi chày cãi cối, chối tội quanh co, bao che cho nhau không có một chút gì ý thức tự trọng, lương tâm, hay liêm sĩ, còn thua cả loài cầm thú.
1/ Thủy điện nhỏ: Thanh gươm Damocles.
Các thống kê chính thức về nguồn tài nguyên nước cho thấy Việt Nam có khoảng 2.732 con sông có chiều dài hơn 10km, trong đó 90% là thuộc loại nhỏ và một mạng phụ lưu, suối, khe, lạch, hồ, đầm chằng chịt. Đa số đều hình thành và xuất phát từ các rặng núi cao, dài và hiểm trở như cánh cung Đông Triều, Hoàng Liên Sơn (Fansifa) ở miền bắc và Trường Sơn ở miền trung, nên đều có độ dốc đầu nguồn lớn, nhiều ghềnh, thác và trong điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa, vũ lượng hàng năm cao từ 1.800 – 2.000 li đã là điều kiện thuận lợi để xây dựng và phát triển thủy điện.
Tại miền nam Việt Nam, các khảo sát tiềm năng thủy điện do công ty năng lượng Việt Nam VPC (Vietnam Power Company) của chính phủ VNCH, thực hiện dưới sự bảo trợ của USAID Việt Nam trong năm 1972 khuyến cáo dù tiềm năng rất lớn, nhưng VNCH chỉ nên thực hiện trong giới hạn tối đa là 4.015MW công suất lắp máy về thủy điện. Cụ thể chỉ khai thác thủy điện trên lưu vực các sông chính từ Thừa Thiên vào đến Phú Yên khoảng 635MW, lưu vực sông Đồng Nai cùng các phụ lưu khoảng 2.300MW và trên cao nguyên khoảng 1.080MW. Không khai thác thủy điện nhỏ do hiệu quả kinh tế kém, trung bình chi phí căn bản cho 1KW trang bị đối với thủy điện nhỏ dưới 10MW cao gấp 6 lần so với các cơ sở thủy điện lớn 300MW trở lên, cao hơn cả giá khai thác điện diesel. Hơn nữa, do phần lớn địa hình miền trung nơi tập trung hầu hết tiềm năng thủy điện lại rất hẹp bề ngang, sông suối ngắn, nhưng có độ dốc rất lớn, nên cần phải duy trì thảm thực vật rừng đầu nguồn để hạn chế cường độ lũ, lụt đổ dồn về hạ lưu trong mùa mưa.
Sau năm 1975, các khảo sát đánh giá tổng trữ năng lý thuyết về thủy điện của Việt Nam là vào khoảng 35.000MW, trữ năng kỹ thuật khoảng 31.000MW, trong đó có 60% tập trung ở miền bắc, 27% ở miền trung và 13% ở miền nam. Tại bắc vỹ tuyến 17, các lưu vực đắc địa là sông Đà khoảng 6.800MW, hệ thống các sông Lô, sông Gầm, sông Chảy khoảng 1.600MW, hệ thống sông Mã, sông Chu khoảng 760MW. Tiềm năng thủy điện nhỏ (công suất lắp máy dưới 30MW) có khoảng 3.000MW cho cả toàn quốc.
Nhu cầu ngày càng lớn về điện, sự khao khát thúc đẩy bởi việc thánh hóa quan điểm của ông tổ Lenin chủ nghĩa cộng sản là chính quyền Sô Viết cộng với điện khí hóa, sự quay lưng của Trung Cộng trong các kế hoạch xây dựng nhiệt điện chạy than trong thập niên 80 ở miền bắc, quyết định ngã hẳn về Lienxo để tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, với các viện trợ kỹ thuật, tiền bạc khá ưu ái để xây dựng thủy điện Trị An, Hòa Bình đến từ Moscow và nhất là trong điều kiện tiềm năng lớn, yêu cầu đầu tư vừa phải, có thể dể dàng lợi dụng và tập trung một lực lượng lao động không công đông đảo cho những công trường đại thủ công tiên khởi và căn bản như phá rừng, thu dọn lòng hồ, đào kinh dẫn dòng… khiến việc khai thác thủy điện trên các dòng chính ở Việt Nam đã phát triển rất mạnh trong các thập niên cuối thế kỷ 20.
Hiện nay có tổng cộng 39 nhà máy thủy điện lớn, công suất thiết kế hơn 100MW tới 2.400MW mỗi nhà máy đã xây dựng xong, hay đang được xây dựng hoàn tất, có tổng công suất thiết kế lên đến 15.838MW và do trung ương quản lý. Tiềm năng kỹ thuật và khả thi của thủy điện lớn tại Việt Nam đã được khai thác hết.
Bên cạnh đó, trong khoảng hai mươi năm trở lại đây, khi nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã biến nền kinh tế quốc dân Việt Nam thành một sân chơi hổn loạn cho chủ nghĩa tư bản hoang dã, trước nguồn lợi to lớn, dể thâu tóm, các đòi hỏi vốn đầu tư gần như bằng không, vì chỉ cần lấy mở nó rán nó (phá rừng, chặt cây và bán gỗ), cũng như quyền quy hoạch, lập dự án phát triển thủy điện nhỏ được giao về cho cấp tỉnh và sở công thương, chỉ cần có sự chuẩn thuận của ủy ban tỉnh và bộ công thương, nên hàng loạt các dự án thủy điện nhỏ đã được giới tư nhân đại gia đỏ, có sự chống lưng, hay là sân sau của giới quan chức cấp tỉnh, cấp bộ ồ ạt đầu tư thông qua các hình thức BOT (Build Operate Transfer), hoặc BOO (Build Own Operate), mà nguồn lợi nhuận khổng lồ được nhắm tới và ngay trước mắt là gỗ và cây rừng, việc xây dựng nhà máy, sản xuất và bán điện của rất nhiều cơ sở thủy điện nhỏ chỉ là phó sản của dự án.
Tính đến cuối năm 2016 trên các hệ thống sông, suối ở mọi miền Việt Nam đã có khoảng 7.500 cơ sở hồ đập thủy điện và hồ đập ngăn nước. Trong đó mạng lưới hồ tích nước thủy điện có tổng dung lượng khoảng 56 tỷ m3, chiếm tỷ lệ 86% tổng dung tích hồ chứa nước các loại.
Tổng công suất thiết kế đang hoạt động của hệ thống các nhà máy thủy điện đã lên đến 17.022MW, chiếm tỷ lệ 44% trong toàn bộ công suất ngành điện, nhưng do tuyệt đại đa số hơn 90% đều là những cơ sở thủy điện nhỏ, chỉ có công suất trang bị từ 1MW – 30MW nên thủy điện hàng năm chỉ cung ứng được 35% tổng lượng điện thương phẩm, trong đó những cơ sở thủy điện nhỏ chỉ sản xuất ra được khoảng 29% điện năng trong tổng lượng điện thương phẩm của thủy điện. Cụ thể tính tới giữa năm 2017 có tất cả 713 dự án thủy điện nhỏ được quy hoạch trong toàn quốc, với tổng công suất thiết kế 7.217MW, trong đó có 411 dự án với tổng công suất 4.515MW đã xây dựng xong, hay đang xây dựng.
So với nhiệt điện than chiếm 32%, cung cấp 37% điện thương phẩm, nhiệt điện turbin khí chiếm 20%, cung cấp 26% lượng điện thương phẩm, rõ ràng nguyên nhân sâu xa và thực sự của việc phát triển vũ bão các cơ sở thủy điện nhỏ tại Việt Nam, không hề xuất phát từ yêu cầu cung cấp điện, mà chỉ là mượn tính hợp lý phát triển thủy điện để có cớ khai thác gỗ của các nhóm lợi ích, đầu nậu phá rừng.
Sự lì lợm, thói tham ăn và phi nhân tính cộng sản đã lên tới mức thượng thừa khi hội nghị về phát triển thủy điện vừa và nhỏ trong tháng 7/2017 do bộ công thương, hiệp hội năng lượng và tập đoàn điện lực của Hà Nội đã quyết định sẽ tiếp tục ưu tiên phát triển thủy điện, đưa tổng công suất thủy điện từ 17.000MW hiện nay lên 21.600MW vào năm 2020 và 24.600MW đến năm 2025. Trong đó không loại trừ việc nghiên cứu, khôi phục lại 300 – 400 dự án thủy điện nhỏ bị tạm thời đình động vì tiềm ẩn các nguy cơ hủy hoại môi sinh. Do đó rừng Việt Nam sẽ tiếp tục bị tàn phá để làm thủy điện. Trên đầu dân chúng tại các vùng hạ du liên quan sẽ tiếp tục bị treo các quả bom nước là các nhà máy thủy điện được xây dựng trong cẩu thả, vận hành trong sự tắc trách khinh thường mạng sống con người chẳng khác gì thanh gươm Damocles.
2/ Rừng đã hết.
Năm 1945 tổng diện tích rừng của Việt Nam có vào khoảng 14,3 triệu ha, bao gồm nhiều loại rừng khác nhau từ rừng rậm nguyên sinh, rừng hổn giao, rừng lá kim, rừng núi đá vôi, rừng thưa, đến rừng tràm, rừng ngập mặn ven biển, với những thảm thực vật phong phú, đa dạng, có độ che phủ đến gần 44%. Rừng Việt Nam phân bố khắp ba miền, tập trung nhiều trong các vùng tây bắc, đông bắc Bắc phần, bắc Trung phần, cao nguyên Trung phần và miền đông Nam phần, đã được con dân Việt Nam ghi nhận với niềm hãnh diện là đất nước của rừng vàng biển bạc.
Đáng tiếc và phải nói ngay ra rằng chỉ sau hơn 75 năm oằn mình dưới sự cai trị ngu dốt, nhưng đầy tham lam không đáy của cái gọi là đỉnh cao trí tuệ cộng sản Việt Nam thì tín điều tốt đẹp này đã trở thành một thứ huyền thoại dân tộc xót xa, chỉ còn lưu dấu trên các trang sách vở cũ. Núp dưới thứ chủ trương lưu manh chuyển đổI công năng của rừng để phát triển kinh tế bằng các sân golf 18 lổ, các resort du lịch sinh thái và các nhà máy thủy điện, tập đoàn cán bộ, đảng viên cộng sản mafia đỏ Hà Nội, thông qua bọn đại gia đỏ chuyên nghề nhứt phá sơn lâm, đã thẳng tay tàn phá rừng Việt Nam không ngưng nghỉ, biến đủ loại danh mộc và lâm đặc sản trở thành biệt phủ ngàn tỷ và nguồn ngoại tệ đen cất giấu ở ngoại quốc. Do đó lâm phần Việt Nam theo hướng ngược lại ngày càng tàn tạ, diện tích rừng ngày càng giảm sút nhanh chóng và nghiêm trọng, cả về khối lượng lẫn chất lượng.
Năm 1995 diện tích rừng Việt Nam chỉ còn 9,3 triệu ha, trong đó có 8,253 triệu ha rừng tự nhiên và 1, 047 triệu ha rừng trồng, với độ che phủ còn 28, 2%. Theo ước tính của ngân hàng phát triển Á Châu ADB (Asian Development Bank) trong giai đoạn 1976 đến 1990 tỷ lệ mất rừng hàng năm của Việt Nam là 185.000 ha.
Trong giai đoạn từ năm 2006 tới 2013, có 386.290 ha rừng, trong đó 78% là rừng nguyên sinh bị phá hủy, để chuyển đổi công năng sang mục đích xử dụng khác cho 2.991 dự án phát triển kinh tế. Năm 2014 có 260.880 ha rừng, trong đó có 88,76% là các khu rừng nguyên sinh cũng bị chặt hạ để chuyển đổi mục đích xử dụng sang các dự án kinh tế khác.
Năm 2016 rốn rừng Việt Nam trên vùng cao nguyên coi như bị xóa sổ. Trong các năm từ 1975 đến 2013, các tỉnh cao nguyên mất khoảng 32,8% diện tích rừng già, giảm từ 3,8 triệu ha xuống còn 2,5 triệu ha, trung bình mỗi năm mất 33.600 ha rừng và tăng lên gần 50.000 ha trong những năm tiếp theo.
Tuy nhiên từ năm 2000 trở đi, các báo cáo của chính phủ Hà Nội đều thể hiện các con số diện tích rừng và độ che phủ của rừng đã liên tục có một sự gia tăng ngoạn mục. Năm 2005 theo Hà Nội thì Việt Nam có 12,7 triệu ha rừng, với 10,2 triệu ha rừng tự nhiên và 2,5 triệu ha rừng trồng, có độ che phủ 36,7%. Năm 2015 diện tích rừng tăng lên 14,06 triệu ha, trong đó có 10,17 triệu ha rừng tự nhiên và 3,88 triệu ha rừng trồng, có độ che phủ 40,08%.
Thực chất của sự việc hiển nhiên không phải là phép lạ, mà chỉ là một nỗ lực cải thiện các con số bằng sự gian xảo có chủ ý, lộng giả thành chân và đánh tráo bản chất định nghĩa rừng của Hà Nội.
Thuật ngữ rừng tự nhiên được cộng sản Việt Nam xử dụng lươn lẹo một cách quỷ quyệt, vừa cộng dồn các loại rừng giang, tre, nứa, vầu, chổm… mới được xếp luôn vào hệ thực vật rừng từ năm 2011, vừa để chỉ loại rừng thứ cấp, rừng cây tạp (đa số chỉ cao dưới 2m) và các loại cây bụi tái sinh trên đất rừng già đã bị khai thác gỗ cạn kiệt, trở thành loại rừng nghèo không còn giá trị kinh tế, cũng như đã bị mất thảm thực vật dưới rừng, không còn giá trị giữ ẩm, hay điều tiết nguồn nước. Tương tự, các diện tích trồng cây cao su, cây đặc sản trên đất lâm nghiệp, cũng được tính luôn độ che phủ, với hệ số tương đương 1,34%, trong mục đích gia tăng tỷ lệ độ che phủ cho phù hợp với con số diện tích rừng mạo nhận, hay do Hà Nội vẽ ra. Rừng trồng còn nghèo nàn hơn, tuy có thể chủ động điều chỉnh tốc độ tăng trưởng cao hơn nhiều lần so với loại rừng thứ cấp tái sinh, nhưng do là rừng độc canh với các loại cây thứ phẩm dể trồng, mau lớn như bạc hà (bạch đàn), keo, bồ đề, thông, nên vừa tàn phá đất rừng, vừa có giá trị sinh học thấp, nếu không muốn nói thảm thực vật chân rừng không đáng kể, hay hoàn toàn không có.
Theo tổ chức FAO, năm 2010 diện tích rừng Việt Nam có khoảng 13,797 triệu ha rừng, trên tổng diện tích đất rộng khoảng 31,008 triệu ha. Trong đó có 10,205 triệu ha rừng thứ cấp tái sinh tự nhiên, chiếm 74%, rừng trồng có 3,512 triệu ha, chiếm 25% và rừng già nguyên sinh chỉ có 80.000 ha, chiếm 1%. Có nghĩa là rừng Việt Nam đã hết gỗ, các đại gia trong ngành gỗ Việt Nam như Hoàng Anh Gia Lai, tập đoàn cao su Việt Nam, công ty hợp tác kinh doanh quân khu 4… đã lấn sân, bỏ vòi sang phá rừng, khai thác gỗ tại Cambodia và Lào, dưới danh nghĩa để trồng cao su và dựa vào mối quan hệ với nhiều cấp lãnh đạo trong những chính phủ liên hệ và phương châm "không có việc gì khó, chỉ sợ tiền không nhiều".
Do đó, cùng với quyết tâm mở mang cao su, tích cực xây dựng du lịch sinh thái với hệ thống resort cao cấp, hay rèn luyện thể thao đẳng cấp với sân golf, sự phát triển thủy điện nhỏ một cách lan tràn và ồ ạt ở Việt Nam hiện nay chỉ là bình phong để che đậy cho dã tâm phá rừng.
Trung bình để sản xuất ra được 1MW thủy điện phải đổi với 10 – 30 ha rừng, hay để có 1.000 ha hồ chứa nước cũng phải cạo sạch 1.000 – 2.000 ha rừng và đất rừng phía thượng nguồn. Với 411 dự án thủy điện nhỏ, có tổng công suất 4.515MW, đã được bộ công thương và ủy ban các tỉnh, thành xây dựng xong, hay đang xây dựng, thì ước tính khiêm tốn nhất cũng phải có tối thiểu 135.471 ha rừng phải sẵn sàng làm của hiến tế cho các quan chức cộng sản.
Vài ung nhọt lộ ra trong hàng trăm ung nhọt phá rừng cao nguyên miền nam núp dưới chiêu bài thủy điện cho thấy thủy điện Dak Ble công suất 5MW, nhưng đã lấy hơn 96 ha đất, trong đó có 58,5 ha rừng tự nhiên kể luôn cả 3 ha rừng đặc dụng của lâm viên quốc gia Kon Ka Kinh. Thủy điện Krong Pa 2 có công suất 15MW, lấy 52 ha đất, trong đó có 11 ha rừng tự nhiên. Hay thủy điện Chư Pông Krông công suất 7,5MW, nhưng đã lấy hết 5,5 ha rừng đặc dụng của khu dự trữ sinh quyển Nam Ka.
Tại các tỉnh miền bắc, tình hình các tỉnh thi đua làm thủy điện để tư túi, xà xẻo lại càng nhộn nhịp hơn.
Tỉnh Hà Giang lập quy hoạch phát triển đến 72 nhà máy thủy điện nhỏ khắp các sông, suối trong tỉnh. Dày đặc nhưng tổng công suất lắp máy chỉ có 768,8MW, trong đó có đến 34 dự án có tổng công suất thiết kế 80MW, tức mỗi trạm chưa tới 2,5MW. Một con sông nhỏ như sông Miện, phụ lưu của sông Lô, hay sông Nho Quế, phụ lưu của sông Gầm, phải cỏng trên dòng chảy 3 – 6 nhà máy thủy điện cũng nhỏ là chuyện phổ biến.
Tỉnh Sơn La cấp phép xây dựng nhà máy thủy điện Xuân La, công suất chỉ 4MW, nhưng đã hào phóng cho đến 28,36 ha đất, trong đó có 16,9 ha rừng đặc dụng thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Nha.
Để xây dựng 10 nhà máy thủy điện nhỏ trong giai đoạn 2006, tỉnh Yên Bái đã hy sinh cho sự nghiệp điện khí hóa đến 176 ha rừng già tự nhiên.
Tỉnh Lai Châu tính đến hết năm 2017 đã lên sơ đồ xây dựng 62 cơ sở thủy điện nhỏ, có tổng công suất 682MW. Để phục vụ cho lợi ích điện khí hóa vùng sâu, vùng xa, Lai Châu sẽ chuyển đổi 2.437 ha rừng già, rừng phòng hộ sang mục đích xử dụng khác, dù địa hình Lai Châu có đến 60% là cao nguyên cao độ trên 1.000m và hơn 90% diện tích toàn tỉnh có độ dốc trung bình hơn 25 độ, tức điều kiện tối ưu cho lũ quét hoành hành một khi không còn rừng đầu nguồn ngăn chận.
Tóm lại, làm thủy điện nhỏ để sản xuất điện và bán điện tuy cũng quan trọng, nhưng chỉ là thứ yếu, phá rừng lấy gỗ, bán gỗ mới là đỉnh điểm kích thích mạnh nhất đối với giới con buôn cộng sản, do đó, việc xây dựng các công trình thủy điện nhỏ nhiều nơi đã xảy ra những chuyện như đùa, chà đạp lên mọi nguyên tắc an toàn và coi thường quy tắc an sinh của cộng đồng liên quan.
Thủy điện Dakrong – Quảng Trị công suất 8MW bị vỡ đập chính một đoạn rộng 20m, cao 6m trong tháng 10/2012, chỉ sau khi mới bàn giao vào sản xuất được 5 tiếng đồng hồ. Người dân sở tại cho biết họ không hề bị bất ngờ, chỉ bị hoang mang lo sợ như trứng treo đầu đẳng, vì đã thấy công ty lấy ngay cát, sỏi dưới lòng sông để đắp đập và đoạn đập bị vỡ cho thấy beton có trộn lẫn với đất và gỗ mục?!!
Tháng 11/2012 đập tràn của thủy điện Dak Mek (công suất 7,5MW) trong tỉnh Kontum, chỉ bị một xe tải chở đá va quẹt, nhưng đã bị vở nát 109m thân đập trong tổng chiều dài của đập là 165m. Lý do chỉ được phát giác khi hàng tấn beton xây đập chỉ toàn cát và đá sỏi, số sắt thép rất hiếm hoi??!
Tại tỉnh Gia Lai nhà máy thủy điện Ia Krel có công suất 5,5MW có đến hai lần bị vỡ hơn 100m thân đập. Lần đầu vào tháng 6/2013 và lần thứ hai vào 8/2014, bởi "mưa lớn và nước về hồ chứa quá nhanh"?!!
Thủy điện Sông Miện 5 tại Hà Giang có công suất 16,5MW đã xây cất vượt quá sơ đồ thiết kế, cao trình đập chính vượt 3,3m, mực nước dâng lòng hồ vượt 7,7m, cao trình đập tràn vượt 6,1m… khiến dung tích hữu ích hồ chứa tăng thêm khoảng 4,5 triệu m3 nước, qua đó nhà máy dù tăng thêm lợi nhuận bán điện khoảng 15 tỷ VNĐ mỗi năm!! nhưng Sông Miện 5 sẽ là quả bom nước cho hàng chục ngàn dân thị xã Hà Giang ở hạ du cách đó khoảng 10km.
3/ Lũ lụt và xã lũ đúng quy trình.
Nằm trong vùng gió mùa Á châu, có khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, có hệ thống núi phần lớn chạy theo hướng tây bắc – đông nam, ở miền trung núi còn ăn lan ra sát biển, nên vũ lượng trung bình hàng năm của Việt Nam khá cao - xấp xỉ 2.000 li và nhiều vùng còn hình thành ra các trung tâm mưa, vũ lượng hàng năm có thể ở mức 3.000 – 8.000 li, như tại nhiều tỉnh tây bắc, đông bắc Bắc phần, bắc Trung phần, hay cao nguyên Trung phần. Trong điều kiện rừng đã bị tàn phá đến mức hủy hoại, sự tương tác cộng hưởng của điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người đã khiến tình hình lũ, lụt, sạt lở xảy ra tại nhiều nơi ở Việt Nam ngày càng mỗi thêm trầm trọng cả về tần suất lẫn quy mô.
Theo các nhà lâm học, rừng nhiệt đới có nhiều tầng – thường là 4 đến 5 tầng, có nhiều cây cao đến 40m, 50m vượt lên trên những tầng khác và dưới chân là thảm thực vật rừng. Do đó nếu những khi lượng mưa không lớn, nước chỉ ở trên tầng các tán lá cây mà rơi rất ít xuống đất. Những khi mưa lớn, nước trên mặt đất sẽ bị các lớp thảm thực vật, cành lá cây mục giữ lại đến 80 – 90% và thẩm thấu xuống lòng đất tạo ra các mạch nước ngầm, chỉ còn lớp nước chảy trên bề mặt khoảng 10 – 20%, nên khả năng tạo ra lũ ống, lũ quét nguy hiểm cho cộng đồng cộng sinh liên quan là không đáng kể. Các loại rừng khác, như rừng trồng chỉ có tác dụng cản lũ và thẩm thấu nước chỉ bằng 20 – 50% so với rừng nguyên sinh tự nhiên.
Trong điều kiện rừng nguyên sinh tự nhiên bị chặt hạ, việc khai thác gỗ bằng các phương tiện cơ giới hạng nặng, phải làm đường cho xe be vận chuyển thường xuyên, thì đất rừng cũng bị tổn thương rất nặng nề. Do thiếu tán cây che phủ bên trên, các thảm thực vật chân rừng hư hại rất nhanh, bởi điều kiện khí hậu nhiệt đới biến thiên cực đoan nắng nóng, mưa rào đã làm quá trình bào mòn các lớp đất mặt nhanh hơn, khiến đất rừng bị feralit hóa, với lớp vỏ phong hóa dày 3-10cm, có đặc tính không thấm nước càng làm gia tăng tốc độ dòng chảy bề mặt, lại đẩy nhanh thêm sự bào mòn, ức chế hoặc làm chậm khả năng phục hồi cây rừng và giành ưu thế cho sự phát triển các cây tạp, cây bụi, hay những trảng cỏ dại.
Bởi vậy, với các tiền đề thuận lợi như dòng chảy bề mặt lớn, độ dốc cao, khoảng cách ngắn và không còn bị thảm rừng thu hút, ngăn chận, mỗi khi đầu nguồn mưa lớn là nước đổ về hồ chứa rất nhanh. Nếu tạm thời không tính những đập thủy điện lớn do coi như có độ an toàn kỹ thuật cao, thì với hơn 300 cơ sở thủy điện nhỏ, nhiều đơn vị lại bị xây dựng chụp giựt, tắc trách, không thiết kế năng lực điều tiết, cắt lũ cho hạ lưu qua hồ chứa, không bảo đảm kỹ thuật xây dựng như Dakrong, Dak Mek, Ia Krel, Sông Miện… sẽ có bao nhiêu trái bom nước treo trên đầu dân chúng vùng hạ du? Các nhà quản trị và các ông chủ đỏ chỉ còn giải pháp "xã lũ đúng quy trình" để giải quyết thảm họa vỡ đập luôn chực chờ xảy ra và nghiễm nhiên… vô tư, vô tội trước thảm nạn lũ chồng lũ đổ lên đầu người dân.
Muốn điều tiết nguồn nước cho hạ du – một trong những ưu điểm lý thuyết khi khai thác thủy điện, hồ chứa nước nhà máy thủy điện phải có khả năng tích nước vượt dung tích hữu ích khá lớn, để điều hòa lưu lượng dòng chảy xã trong mùa khô qua cửa xã đáy, trả bớt nước cho dòng chính và cắt lũ qua hồ chứa, tức phải có dự trù dung tích phòng lũ khoảng 40 – 50% tổng dung tích hồ chứa để điều tiết lũ trong mùa mưa. Các nhà máy thủy điện hiện đang hoạt động tại Việt Nam, chỉ ngoại trừ vài cơ sở lớn, nằm ở các vị trí xung yếu, như thủy điện Sơn La và Hòa Bình có nhiệm vụ cắt lũ cho Hà Nội, mới được thiết kế và xây dựng đúng bài bản, còn lại hầu hết đều bỏ qua vai trò thiết yếu này, làm lấy có, cắt xén tối đa dung tích phòng lũ (Flood Prevention Volume of Revervoir), chỉ tập trung vào mục tiêu tích nước để phát điện, nhằm vừa hạn chế tối đa vốn đầu tư ban đầu và vừa thu lợi nhuận tối đa khi khai thác.
Chỉ tính 10 nhà máy đầu nguồn sông Vu Gia – Thu Bồn tại Quảng Nam, có tổng dung tích hồ chứa là 3,014 tỷ m3, thiết kế dung tích phòng lũ có 1,070 tỷ m3, chiếm tỷ lệ 35,5%, nhưng trên thực tế đã bị cắt xén 70 – 90% dung tích phòng lũ, chỉ còn 146 triệu m3 nên hoàn toàn không có khả năng tích nước phòng lũ và cắt lũ khi mùa mưa đến. Kết quả, trong các năm từ 2009 trở đi, lũ lụt đã hoành hành dữ dội trong nhiều vùng hạ du lưu vực Vu Gia – Thu Bồn, do các nhà máy thủy điện sợ vỡ đập đã đồng loạt xã lũ qua tràn từ 1.800 – 2.000m3/s. Mực nước sông ở hạ lưu tăng nhanh và cao hơn 3,25m, tạo ra các cơn lũ lớn hơn đỉnh lũ 1999 và 2007 đến hơn 1,5m.
Cũng từ các năm 2009 trở đi, các nhà máy thủy điện Sông Hinh, Sông Ba Hạ tại Phú Yên, năm nào cũng xã lũ gây lũ lụt trầm trọng cho vùng đồng bằng Phú Yên và thị xã Tuy Hòa. Trong đó thủy điện Sông Ba Hạ tuy có tổng dung tích hồ chứa tới 395 triệu m3, nhưng không có thiết kế dung tích phòng lũ, do đó khi lũ lớn về đầy hồ chứa phát điện, nhà máy đã xã lũ liên tục, nhiều lần với lưu lượng hơn 6.000m3 để cứu đập, làm gia tăng mức lũ về hạ du 10 – 20% và gây ngập lụt nặng cho thị xã Tuy Hòa.
Tháng 10/2016 đỉnh điểm tai họa thủy điện nhỏ đã gây ra bởi thủy điện Hố Hô ở Hà Tỉnh. Nhà máy có công suất 13MW, tổng dung tích hồ chứa 38 triệu m3 và không có dung tích phòng lũ. Khi mưa lũ về, dù mực nước hồ đang ở gần mực nước chết, nhưng do thân đập có dấu hiệu bị nứt, nhà máy đã xã lũ bất ngờ với lưu lượng cao gấp nhiều lần so chỉ tiêu cho phép. Lượng nước xã trong một giờ lên đến 7,2 triệu m3, tức có lưu lượng xã 20.000m3/s, nên đã nhấn chìm nguyền cả huyện Hương Khê, có hơn 5.000 dân trong biển nước và gây ra tổn thất về người và vật chất rất lớn
Bản chất con buôn khi lợi nhuận tới mức 100% chúng nó sẽ chà đạp lên mọi luật lệ, tánh cách phi cầm, phi thú, phi nhân tính của cán bộ cộng sản còn bộc lộ rõ ràng việc chỉ biết chạy theo đồng tiền, sống chết mặc bây hơn, khi xây dựng thủy điện tràn lan mà số trạm quan trắc khí tượng thủy văn, cụ thể là các trạm đo vũ lượng trên thượng nguồn hay trên lưu vực các hồ chứa thì rất ít, có thể đếm chưa đầy các ngón tay và chỉ hoạt động theo chu kỳ 12 giờ, 24 giờ nên việc dự đoán tình hình mưa lũ tại mọi nhà máy thủy điện nhỏ trên thực tế gần như chỉ là nói để chơi.
Các nhà máy thủy điện vì lợi nhuận, vì không biết chắc diễn tiến mưa bão, chỉ dựa vào "trông trời, trông đất, trông mây" và sợ tổn thất đến túi tiền, nên cứ chăm chú tích nước chạy máy phát điện. Thói biển lận và coi thường sinh mạng người khác, khiến các nhóm lợi ích thủy điện chỉ biết làm phép tính đơn giản kiểu bần cố nông nếu lượng nước xã lớn hơn lượng nước đến hồ, mà không có mưa thì công suất phát điện sẽ bị hụt và lợi nhuận sẽ kém, nên không xã nước trong hồ để đón lũ. Khi mưa gió ập về tứ phía, lũ tràn về hồ đã đầy, công trình xây dựng đập thì mong manh, sợ vỡ đập thì thượng sách là xã lũ tối đa để cứu tài sản. Hai cái sợ mất tiền, mất ăn của bọn quan lại cộng sản và bọn đại gia đỏ, biến thành đại họa đổ lên đầu dân lành mỗi năm và mỗi khi mùa mưa về, nhưng đều được Hà Nội khoác lên cái áo xã lũ đúng quy trình? tức mưa lớn nước về hồ chứa nhiều thì xã? lưu lượng xã tối đa cho phép là 8.000m3/s? khi xã đều có báo trước 2 giờ đồng hồ cho vùng hạ du? Trong điều kiện địa hình, địa mạo và sự tan hoang của rừng Việt Nam, với lưu lượng xã luôn vượt quá quy định và với khoảng cách quá ngắn, phần lớn chỉ khoảng 10 – 25km, chỉ cần vài chục phút là nước lũ đã phủ trùm mọi nơi. Phận người thì mong manh, mà Thượng Đế thì quá xa.
4/ Kết luận.
Hơn 75 năm dưới ách cai trị bạo ngược, tham tàn và ngu dốt của đảng cộng sản Việt Nam đã là khoảng thời gian quá dài, hậu quả tai ương cũng đã quá chồng chất cho Tổ quốc Việt Nam. Đất nước phá sản, xã hội sa đọa và tương lai diệt vong không còn là điều để nghi hoặc. Mọi con dân Việt Nam cần phải mau chóng và quyết liệt có hành động tự cứu mình trước khi quá muộn.
7/2018.
__________________________________
Tham khảo:
FAO, Vietnam Forest Information and Data, 2011.
Phạm Thu Thủy, Moira Moeliono & các cộng sự, Bối cảnh REDD+ ở Vietnam: Nguyên nhân, Đối tượng và Thể chế, CIFOR, 2012 (REDD: Reduced Emission from Deforestation and Forest Degradation).
USAID and VPC (Vietnam Power Company), National Power Survey of the Republic of Vietnam, 1972.
Lê Anh Tuấn & Đào Thị Việt Nga, Phát triển thủy điện ở Vietnam: Thách thức và Giải pháp, 2016.