Chân dung Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM - Những kẻ cướp đất Thủ Thiêm - Dân Làm Báo

Chân dung Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM - Những kẻ cướp đất Thủ Thiêm

Nguyễn Văn Dũng (Danlambao) - Vừa qua, những thông tin tiêu cực tại Khu đô thị Thủ Thiêm được báo chí đăng tải, cả nước phải dở khóc dở cười trước việc lãnh đạo UBND TP.HCM và Quận 2 đã nói là thất lạc bản đồ quy hoạch. Đã có sự lấp liếm, khuất tất của một số quan chức lãnh đạo trong giải phóng đất ngoài quy hoạch (chiếm đất) để bán cho nhà đầu tư nhằm trục lợi, gây bức xúc, ấm ức tột cùng cho người dân Thủ Thiêm và nhân dân cả nước.

Sau vô số tiếng khóc xé ruột và cả những cái chết không thể nhắm mắt của người dân Thủ Thiêm, bản kết luận thanh tra vùng đất đẫm máu cưỡng chế này được hứa hẹn vẫn biệt tăm. Liệu đã có một ý đồ toa rập giữa nhóm lợi ích “ăn đất” Thủ Thiêm và những quan chức lãnh đạo của thành phố này muốn cho vụ việc này chìm xuồng?

Từ tháng 5/2018 đến nay, chỉ có mạng xã hội là nhức nhối vụ Thủ Thiêm, còn báo chí chính thống, những tờ báo vừa lên tiếng mạnh mẽ nhất về vụ Thủ Thiêm, đã im bặt như thể bị ai đó khóa miệng. Phải chăng vụ này liên đới quá nhiều quan chức (cả về hưu lẫn đương nhiệm)? Phải chăng đã có sự thỏa hiệp, “đi đêm” giữa các nhóm quyền lực cho chìm xuồng vụ Thủ Thiêm cùng đổ sạch biển nước mắt của dân oan?

Trên trang Facebook Lê Nguyễn Hương Trà và trang Facebook Nguyễn Hồng Quang đăng kết luận của Thanh tra Chính phủ do ông Đặng Công Huẩn - Phó Tổng TTCP ký, đã chỉ ra hàng loạt vi phạm của lãnh đạo UBND TP.HCM liên quan đến KĐTM Thủ Thiêm.

Là một cán bộ đã và đang công tác tại Thành ủy, tôi đã thấy thời gian qua Thành phố có quá nhiều tiêu cực, nội bộ đang rất hỗn loạn, gây bao tai ương, nỗi thống khổ cho nhân dân của Thành phố thân yêu này. Tôi không thể nhắm mắt làm ngơ và xin đưa ra đây những ý kiến của mình trong loạt bài “Những khuất tất của các lãnh đạo Thành ủy, UBND Tp.Hồ Chí Minh” đề cập lần lượt những sai phạm của từng nhân vật tai to mặt lớn của Tp.HCM để dư luận làm rõ! 

Nhân vật đầu tiên mà tôi muốn đề cập đến là ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM. Ông Tuyến, quê Quảng Bình; Trình độ Thạc sĩ chính trị học; Cử nhân luật. Ông từng là Chủ tịch UBND quận 1, Bí thư Quận ủy Quận 1, Chánh Văn phòng Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy. Theo Kết luận của Thanh tra chính phủ và những gì mà tôi được biết, thì ông Tuyến có hàng loạt sai phạm tày trời sau đây:

- Ông Trần Vĩnh Tuyến không thông qua Thường vụ Thành ủy, đã cấu kết với ông Nguyễn Thành Phong Chủ tịch UBND (bài sau sẽ đề cập nhân vật này) tự ký văn bản 5452/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 giao 14,8ha đất tái định cư ở phường An Phú cho Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương - Đại diện pháp luật: Nguyễn Thành Lập (không thông qua đấu giá) để đầu tư kinh doanh trục lợi, với lý do là thanh toán Hợp đồng BT dự án đường song hành (từ đường Mai Chí Thọ qua khu dân cư Nam Rạch Chiếc đến Vành đai 2). Đến nay vẫn chưa xác định tiền sử dụng đất, gây thất thoát ngân sách rất lớn của Nhà nước, vi phạm nghiêm trọng Điểm a, Khoản 1, Điều 118, Luật đất đai 2003 và Khoản 3, Điều 3, Mục 1, Thông tư 183/TT-BTC của Bộ Tài chính. Ai đã tiếp tay, cấu kết để cho ông Tuyến ngang nhiên thực hiện sai phạm trên? 

- Khủng khiếp hơn, ông Trần Vĩnh Tuyến cũng phớt lờ Thường vụ Thành ủy, đã tự ý ký văn bản 3990/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 giao 30,3ha đất tái định cư (theo Quyết định 4833/QĐ-UBND ngày 10/11/2008) ở số 26, đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 để đầu tư kinh doanh trục lợi với đủ thứ ưu đãi.

Được biết, Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21 được thành lập 100% vốn nước ngoài, thời hạn hoạt động là 50 năm. Tháng 6/2015, Công ty này phát hành thêm cổ phần cho các cổ đông để tăng vốn điều lệ từ gần 1,281 tỷ đồng lên 2,613 tỷ đồng và trở thành Công ty cổ phần. Người đại diện: Dương Cẩm Hồng; HĐQT gồm: ông Don Di Lam (Chủ tịch), ông Bùi Thành Nhơn (Phó Chủ tịch), ông Nguyễn Jack Nhựt Minh, Choy Tuck Leong, Bùi Quang Huy và bà Nguyễn Thị Hoàng Anh. 

Nhiều năm qua không có hoạt động nào đáng kể để triển khai dự án, do không đủ năng lực tài chính. Phải chăng dự án không thể triển khai nên nhà đầu tư nhiều lần xin điều chỉnh giấy phép? Công ty này có kinh nghiệm thực tiễn gì để được giao một dự án quan trọng và có ý nghĩa này? Diện tích đất được giao tại địa điểm đắc địa có giá trị rất lớn, gấp nhiều lần so với tổng vốn đầu tư! Liệu có lấy của công ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp tư nhân ở đây? Ai đã tiếp tay, cấu kết để cho ông Tuyến to gan thực hiện sai phạm này? 

Cảnh cưỡng chế đất của dân diễn ra 4 tháng trước khi Cty PTQTTK 21 triển khai dự án

- Ngoài Khu đô thị Thủ Thiêm, ông Trần Vĩnh Tuyến cũng có sai phạm nghiêm trọng ở các dự án vàng khác của Thành phố. Không báo cáo Thường vụ Thành ủy, ông Tuyến đã tìm cách tác động lên Trung ương để điều chỉnh quy hoạch đối với dự án Khu y tế kỹ thuật cao do Công ty Hoa Lâm làm chủ đầu tư. Việc này ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND thành phố đã từng có ý kiến yêu cầu làm rõ, tại sao vụ việc diễn biến khác chủ trương?.

Theo Quyết định số 5637/QĐ-UBND ngày 26/12/2008 của UBND TP.HCM về duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, Khu Y tế kỹ thuật cao. Sở Tài nguyên và Môi trường đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với mục đích là “khu nhà ở, căn hộ để phục vụ Khu Y tế kỹ thuật cao”. Nhưng ông Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã chỉ đạo Sở KH-ĐT điều chỉnh Giấy chứng nhận đầu tư từ “Khu nhà ở căn hộ phục vụ nhu cầu của Dự án Khu Y tế kỹ thuật cao” thành “Xây dựng và kinh doanh khu nhà ở căn hộ”. Có thể nói việc điều chỉnh này đã tạo ra cơ hội để Hoa Lâm – Shangri-La có thể thoải mái xây căn hộ bán kiếm lời trên đất công mà không phải “phục vụ dự án trên. 

Nghiêm trọng hơn, Công ty Aseana (thuộc Hoa Lâm - Shangri-La) đã bán 1,23ha đất tại Dự án này với giá 5,5 triệu USD cho Công ty Tư vấn Đầu tư Tiến Phát để thu lời. Hoa Lâm - Shangri-La cũng đồng ý bán Công ty HLSL 6, đang sở hữu 1,19ha đất dự án này cho Công ty Tư vấn Trí Hạnh với giá 7,7 triệu USD. Aseana còn đang rao bán 12 mảnh đất khác trong khu dự án có diện tích 11,29 ha với giá 37,9 triệu USD. Các giao dịch bán đất công phi pháp này đều được ông Trần Vĩnh Tuyến chấp thuận!. Ai đã tiếp tay, cấu kết để cho ông Tuyến to gan thực hiện sai phạm trên? 

Bệnh viện CIH thuộc dự án khu Y tế Kỹ thuật cao


- Một dự án khá tai tiếng tại Tp.HCM là Tháp SJC cũng có bàn tay đen tối của ông Trần Vĩnh Tuyến khi tự ý ký văn bản số 1668/UBND-KT ngày 30/3/2017 và văn bản số 3700/UBND-KT ngày 15/6/2017 cho phép bán dự án Tháp SJC, chuyển nhượng quyền mua cổ phần của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương (Saigon Diamond Corp Địa chỉ: Số 181 - 185 Trần Hưng Đạo, Phường Cô Giang, Quận 1). Đây là một quyết định sai phạm nghiêm trọng, một chiêu thức giúp công ty tư nhân thâu tóm khu đất công ở trung tâm Sài Gòn.

Dự án SJC Tower nằm tại khu tứ giác vàng Lê Thánh Tôn - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Lê Lợi - Nguyễn Trung Trực, từng là Trung tâm Thương mại Quốc tế ITC - nơi xảy ra hoả hoạn làm 60 người tử vong cách đây 15 năm. Dự án có diện tích 3.791,7m2, sử dụng đất đến năm 2057, Nhà nước cho thuê đất trả tiền hàng năm. Tổng mức đầu tư là 137 triệu USD, quy mô 6 tầng hầm và 54 tầng nổi. Sài Gòn Kim Cương có vốn điều lệ hơn 586 tỷ đồng, HFIC sở hữu 40% cổ phần. Số còn lại do 2 công ty liên quan Tập đoàn Vạn Thịnh Phát nắm giữ là CTCP Đầu tư Phát triển Hạ tầng và Bất động sản Sài Gòn Star (42%) và VIPD Group (18%). 

Đến tháng 9.2017, HFIC công bố bán đấu giá số cổ phiếu tương đương 15% cổ phần. Lý do đưa ra là do Sài Gòn Kim Cương phát hành 121,38 triệu cổ phiếu cho cổ đông với giá 10.000 đồng/cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ từ 586 tỷ lên 1.800 tỷ đồng (hơn gấp 3 lần vốn điều lệ ban đầu) để bổ sung vốn đầu tư xây dựng tháp SJC Tower. Trong đợt phát hành mới này, HFIC được phân bổ hơn 23,44 triệu quyền mua cổ phiếu. Tuy nhiên, ông Trần Vĩnh Tuyến đã chỉ đạo ép HFIC phải giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước tại Saigon Diamond Corp, nên HFIC đưa 13.038.679 quyền mua cổ phần ra bán (tương ứng với 27 triệu cổ phần phát hành), đảm bảo tỷ lệ sở hữu của HFIC tại Sài Gòn Kim Cương (sau khi công ty thực hiện tăng vốn lên 1.800 tỷ đồng) chỉ là 25%. Một thủ thuật chuyển vốn nhà nước sang tư nhân quen thuộc! 

Sau 10 năm, dự án SJC Tower vẫn chỉ là bãi đất vàng bỏ hoang, chủ đầu tư sử dụng làm bãi trông giữ xe. Thanh tra Thành phố đã thanh tra toàn diện dự án Tháp SJC và Kết luận tại Kết luận Thanh tra số 23/TTTP-P7 ngày 29/7/2016.

Vị trí khu tứ giác vàng của Tháp SJC

Từ kết quả Thanh tra này, Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương lại đi đêm với Lãnh đạo UBND Tp.HCM xin gia hạn dự án, nhưng đến nay dự án vẫn dậm chân tại chỗ, gây bức xúc trong dư luận, bởi khu đất công này có vị trí đắc địa với diện tích 4.000m2. Vậy ông Tuyến trước khi ký bán Tháp SJC có coi lại việc thực hiện Kết luận Thanh tra không? Hay có tiêu cực mà quên coi? Ai đã tiếp tay, cấu kết để cho ông Tuyến thực hiện sai phạm trên? 

- Chưa có ý kiến của Thường vụ Thành ủy, nhưng ông Trần Vĩnh Tuyến tự ký văn bản 3653/UBND-KT ngày 14/6/2017 chỉ đạo, ép Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn – TNHH một thành viên (SaigonTourist) chuyển nhượng vốn góp tại Công ty TNHH Sài Gòn Gôn cho Công ty Cổ phần Địa ốc Thành Nhơn tổng giá trị là 645 tỷ đồng.

Sài Gòn Gôn thành lập từ năm 2007 do SaigonTourist và Công ty cổ phần Dịch vụ Du lịch Thủ Đức vốn góp, người đại diện pháp luật, Chủ tịch HĐTV từ khi thành lập là Bùi Cao Nhật Quân – con trai Chủ tịch HĐQT Novaland, đến tháng 5/2017 chuyển giao cho ông Bùi Đạt Chương - anh trai ông Bùi Thành Nhơn. Thương vụ này cho thấy thủ đoạn chuyển tài sản công thành tài sản tư nhân, sai nghiêm trọng chủ trương, quy định trong việc quản lý các Doanh nghiệp Nhà nước mà UBND Thành phố làm chủ sở hữu! 

Saigon Tourist bán công ty sân golf cho Novaland

- Và điều cuối cùng tôi muốn nói là ông Trần Vĩnh Tuyến đã nâng đỡ không trong sáng, cấu kết, bao che bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính khi có những khuất tất liên quan đến căn nhà diện tích 705m² tại số 18 Thoại Ngọc Hầu, quận Tân Phú.

Bà Phan Thị Thắng

Chúng ta có thể thấy, các công ty tư nhân góp vốn với công ty Nhà nước, rồi bỗng nhiên được cho thuê đất thuộc sở hữu Nhà nước trong nhiều năm với giá rẻ bằng nửa giá thị trường thông qua các quyết định không thông qua đấu thầu, và bước cuối cùng là công ty tư nhân bắt đầu thâu tóm công ty liên kết sở hữu “đất vàng” và sau khi tăng vốn thì cổ đông Nhà nước trở thành thiểu số,... là những "chiêu thức", thủ đoạn giúp công ty tư nhân (sân sau của một số lãnh đạo Thành ủy TP.HCM) thâu tóm nhiều khu đất công ở trung tâm TP.HCM.

11.08.2018



*

Dưới đây là các văn bản vi phạm pháp luật kèm theo:


- Quyết định 5452/QĐ-UBND ngày 13/10/2017 giao 14,8ha đất tái định cư ở phường An Phú cho Công ty TNHH Bất động sản Nguyên Phương:



Quyết định 3990/QĐ-UBND ngày 26/7/2017 giao 30,3ha đất tái định cư ở số 26, đường Mai Chí Thọ, phường Bình Khánh cho Công ty TNHH Phát triển Quốc tế Thế kỷ 21:



Văn bản số 3700/UBND-KT ngày 15/6/2017 cho phép bán dự án Tháp SJC, chuyển nhượng quyền mua cổ phần của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương:

Văn bản số 1668/UBND-KT ngày 30/3/2017 cho phép bán dự án Tháp SJC, chuyển nhượng quyền mua cổ phần của Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước (HFIC) cho Công ty Cổ phần Sài Gòn Kim Cương:







Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo