Khi Trung Quốc thống trị mạng - Dân Làm Báo

Khi Trung Quốc thống trị mạng

Kỹ thuật phục vụ Nhà Nước

Adam SegalYên Tánh (Danlambao) dịch từ Foreign Affairs, số September/October 2018 

PHẦN I - Trong vòng khoảng năm thập niên vừa qua, Hoa Kỳ dẫn đầu sự phát triển Internet. Từ khởi thủy là một chương trình nhỏ của Ngũ Giác Đài cho đến vị thế mặt bằng của thế giới ngày nay, liên kết hơn một nửa dân số toàn cầu và hàng chục tỷ máy móc, Internet đã từ lâu trở thành một dự án của Mỹ. Thế nhưng ngày nay, Mỹ phải nhường vị trí lãnh đạo không gian mạng cho Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc vạch ra các kế hoạch của ông nhằm biến Trung Quốc thành “siêu cường không gian mạng”. 

Đã có nhiều người hơn ở Trung Quốc so với các nơi khác trên thế giới sử dụng Internet, nhưng Tập có những kế hoạch lớn lao hơn nữa. Qua các qui định trong nước, cải tiến kỹ thuật và các chính sách đối ngoại, Trung Quốc nhắm vào việc xây dựng một hệ thống phòng thủ không gian mạng “bất khả bại”, tạo tiếng nói lớn hơn cho họ trong vấn đề quản lý Internet, xây dựng thêm nhiều công ty mang tầm vóc thế giới và dẫn đầu toàn cầu về các kỹ thuật tân kỳ. 

Việc trỗi dậy của Trung Quốc như là một siêu cường không gian mạng là điều chưa có gì chắc chắn. Những cố gắng của nhà nước từ trên xuống dưới về trí thông minh nhân tạo, máy tính lượng tử, sử dụng robot và các kỹ thuật đầy tham vọng khác vẫn có thể thất bại. Các công ty kỹ thuật Trung Quốc sẽ phải đối mặt với áp lực kinh tế và chính trị trên con đường toàn cầu hoá. 

Người dân Trung Quốc mặc dầu có vẻ như có ít quyền tư ẩn đối với chính quyền, nhưng họ sẽ đòi hỏi điều đó nhiều hơn từ các công ty tư nhân. Hoa Kỳ có thể tái tăng cường nền ngoại giao kỹ thuật số của mình và nền kinh tế Hoa Kỷ có thể tái khám phá sự năng động từng cho phép họ sáng tạo thật nhiều trong lãnh vực kỹ thuật của thế giới hiện đại. 

Trung Quốc rộng lớn và có kỹ thuật tân tiến nên có nhiều cơ hội để thành công, do vậy có thể biến đổi không gian mạng mang hình dáng của chính họ. Nếu điều đó xảy ra, Internet sẽ ít mang tính toàn cầu và cởi mở. Một phần lớn không gian mạng sẽ chạy các chương trình của Trung Quốc trên các máy móc sản xuất bởi họ. Và Trung Quốc sẽ thu về các nguồn lợi kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc gia và tình báo mà một thời thuộc về Hoa Thịnh Đốn. 

Cái nhìn của Tập 

Gần như ngay từ lúc ông ta nắm quyền vào năm 2012, Tập cho thấy rõ ràng tầm quan trọng của Internet đối với Trung Quốc dưới cái nhìn của ông. Sau những năm tháng bất động khi mà chính sách về không gian mạng phân mảng ở phần lớn các Bộ của chính quyền, Tập tuyên bố ông sẽ trụ trì cái gọi là nhóm lãnh đạo trung ương về an toàn mạng và thông tin hoá, và ông dẫn chính sách từ trên xuống. Ông ta thiết lập một cơ quan mới, Cơ Quan Quản Trị Không Gian Mạng Trung Quốc, và giao cho nó nhiệm vụ kiểm soát nội dung tin tức, gia tăng an ninh mạng và phát triển kinh tế kỹ thuật số. 

Quyền hành về không gian mạng nằm ở giao điểm của bốn ưu tiên quốc gia hàng đầu của Trung Quốc. Thứ nhất là lãnh đạo muốn bảo đảm một Internet hài hoà, có nghĩa là một Internet dùng để hướng dẫn ý kiến tập thể, ủng hộ nền quản trị tốt và tạo điều kiện cho kinh tế phát triển nhưng cũng phải được kiểm soát chặc chẽ để chận đứng những động thái chính trị và ngăn ngừa nhữngluồng thông tin bất lợi cho chế độ. Thứ hai là Trung Quốc muốn giảm thiểu sự lệ thuộc từ bên ngoài các máy móc về kỹ thuật số và thông tin. Họ hy vọng trong tương lai sẽ dẫn đầu thế giới về các kỹ thuật tân tiến bao gồm trí khôn nhân tạo, vi tính lượng tử và sử dụng robot. Như Tập đã khuyến cáo hồi tháng Năm rằng: "Các sáng kiến về đổi mới và phát triển phải được bảo mật trong chính hai bàn tay của chúng ta". Thứ ba là các nhà làm chính sách Trung Quốc, như các đối tác của họ trên thế giới, đang ngày càng lo lắng về rủi ro của những vụ tấn công mạng vào các hệ thống của chính quyền và tư nhân có thể làm ngưng trệ các dịch vụ thiết yếu, gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế và ngay cả gây tàn phá vật thể. Do vậy, Quân Đội Nhân Dân Giải Phóng đã tuyên bố các kế hoạch làm tăng nhanh sự phát triển lực lượng không gian mạng và tăng cường hệ thống phòng thủ của Trung Quốc. Sự tập trung vào vấn đề an ninh mạng này trùng lắp với chủ nghĩa dân tộc Trung Quốc về kỹ thuật: các nhà làm luật tin rằng họ phải giảm thiểu sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các công ty kỹ thuật của Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh quốc gia, một niềm tin được củng cố vào năm 2013, khi Edward Snowden, một cựu nhân viên hợp đồng của Cơ Quan An Ninh Quốc Gia Hoa Kỳ, tiết lộ rằng cơ quan này đã thâm nhập các dữ liệu của hàng triệu người để thu thập và chuyển đạt chúng giữa các công ty Mỹ. 

Điều cuối cùng là Trung Quốc cổ súy “chủ quyền không gian mạng” như là một nguyên tắc tổ chức của quản lý Internet, chống đối trực tiếp việc Mỹ ủng hộ một Internet toàn cầu, cởi mở công khai. Trong từ ngữ của Tập, chủ quyền không gian mạng đại diện cho “quyền của mỗi quốc gia tự chọn một cách độc lập con đường riêng của mình về phát triển mạng, cách thức điều hành mạng, đặt điều lệ sử dụng Internet cho công chúng và việc tham gia quản trị không gian mạng trên trường quốc tế một cách bình đẳng”. Trung Quốc hình dung ra một thế giới với Internet của từng nước dưới sự kiểm soát của chính quyền vì chủ quyền của đất nước. Trung Quốc muốn hạn chế quyền hạn từ bên dưới, mô hình lãnh vực tư nhân quản lý Internet mà Hoa Kỳ và đồng minh đi đầu, mô hình mà Bắc Kinh xem là thống trị bởi các công ty kỹ thuật Tây phương và các tổ chức xã hội dân sự. 

Các nhà làm luật Trung Quốc tin rằng họ sẽ có tiếng nói lớn hơn về điều hành kỹ thuật thông tin và định nghĩa được thế nào là luật toàn cầu cho không gian mạng nếu Liên Hiệp Quốc đóng một vai trò to lớn hơn về vấn đề quản trị Internet. Tất cả bốn ưu tiên hàng đầu của Bắc Kinh đòi hỏi Trung Quốc hành động một cách hiếu chiến. 

Sự chấm dứt Internet cởi mở 

Thời kỳ của Tập sẽ được nhớ đến như là sự chấm dứt niềm lạc quan ngây thơ của Tây phương về giải phóng các tiềm năng của Internet. Hơn 5 năm vừa qua, Bắc Kinh đã kiểm soát chặc chẽ một cách đáng kể các trang mạng và truyền thông xã hội. Trong tháng Ba 2017 chẳng hạn, chính quyền ra lệnh cho Tencent, công ty khổng lồ thứ hai của Trung Quốc về kỹ thuật số và các công ty kỹ thuật khác đóng các trang mạng của họ vì đã đăng các thảo luận về lịch sử, quan hệ quốc tế và quân sự. Vài tháng sau, Tencent, công ty truy cứu Baidu và trang blog Weibo bị phạt tiền vì chủ trì các nội dung bị cấm trong giai đoạn chuẩn bị Đại Hội Đảng lần thứ 19. Các viên chức nhà nước ra lệnh cho các công ty viễn thông chận đứng các hệ thống mạng ảo tư nhân (VPNs) được sử dụng rộng rải bởi các doanh nghiệp, công ty và giới học giả nhằm tránh sự kiểm duyệt của chính quyền. Ngay cả các công ty Tây phương cũng phải tuân thủ: Apple tháo dỡ các VPNs dưới các dạng thức Trung Quốc từ các App Store. 

Bắc Kinh còn tuyên bố các qui định mới hạn chế thêm sự bảo mật danh tánh trên mạng và buộc các tổ chức về diễn đàn trên mạng phải chịu trách nhiệm cá nhân về sự đóng góp của các thành viên. 

Các nhà kiểm duyệt Trung Quốc rất điêu luyện trong việc kiểm soát các cuộc hội đàm trên truyền thông xã hội. Năm 2017, nhà bất đồng chính kiến đoạt giải Nobel về Hoà Bình Lưu Hiểu Ba trở bệnh nặng, các kiểm duyệt viên tiết lộ rằng họ sẽ trừ khử hình ảnh của ông khỏi các hội luận. Hơn thế, các nhà chức trách còn sử dụng một hệ thống theo dõi tân tiến dựa trên một mảng rộng lớn các máy thu hình và cảm ứng, được hỗ trợ bởi các phần mềm cảm nhận hình ảnh và âm thanh cùng với trí khôn nhân tạo. Thiết bị này được triển khai rộng rãi ở tỉnh Xinjiang trong nổ lực nhằm theo dõi người dân Duy Ngô Nhĩ hồi giáo ở đây, nhưng nhà cầm quyền hiện còn nâng cấp lên qui mô toàn quốc nữa. 

Thêm vào việc sử dụng kiểm duyệt và theo dõi, Trung Quốc đã còn sử dụng một hệ thống đan chéo các luật lệ, qui định và tiêu chuẩn nhằm gia tăng an ninh mạng và bảo vệ thông tin cuà các hệ thống nhà nước và tư nhân. Nhà cầm quyền ra luật về các biện pháp bảo vệ các cơ cấu hạ tầng quan trọng của Internet, họ bắt buộc việc duyệt soát an ninh cho các dịch vụ và sản phẩm mạng và yêu cầu các công ty lưu trữ dữ liệu tại Trung Quốc, nơi chính quyền sẽ gặp ít khó khăn hơn trong việc truy cứu chúng. Bắc Kinh còn đưa ra nhiều qui định mới về việc các cơ quan nhà nước phải làm thế nào khi một sự cố về an ninh mạng xảy ra, khi nào và thế nào chính quyền sẽ tiết lộ tính chất dễ bị xâm hại của các phần mềm cho lãnh vực tư nhân và như thế nào là việc chia sẻ thông tin giữa các ban ngành nhà nước và các công ty tư nhân về các mối hiểm hoạ. 

Các cơ quan khác nhau và chính quyền địa phương có thể diễn dịch và thực thi các chính sách này một cách khác nhau, nhưng ít nhất là các qui định này sẽ làm tăng chi phí và phiền phức cho việc làm ăn ở Trung Quốc cho cả các công ty kỹ thuật nội địa và ngoại quốc. Bản dự thảo các qui định công bố tháng Bảy 2017 đặc biệt bao quát, định nghĩa “hạ tầng cơ sở thông tin tối quan trọng” bao gồm chẳng những các hạng mục truyền thống như các hệ thống truyền thông, tiền tệ và năng lượng mà còn kể cả các công ty loan tải tin tức, phục vụ y tế, các nhà cung cấp các dịch vụ vi tính Cloud. Baidu, Tencent va Weibo đã từng bị phạt do vi phạm các luật mới về an ninh mạng. Các công ty nước ngoài âu lo rằng việc diễn dãi tràn lan các qui định về thanh tra thiết bị và lưu trữ dữ liệu trong nội nước Trung Hoa sẽ làm tăng gia chi phí và họ có thể bị chính quyền đánh cắp tài sản trí tuệ. 

Sản xuất Tại Trung quốc 

Các nhà làm luật Trung Quốc tin rằng để thật sự an toàn, Trung Quốc phải đạt được sự tự túc kỹ thuật. Do vậy, những điều tuyệt vời nho nhỏ hỗ trợ cho khoa học và kỹ thuật nằm ở mặt trước và trung tâm của các kế hoạch ngũ niên bắt đầu từ năm 2016 của đất nước. Đầu tư của Trung Quốc vào nghiên cứu và phát triển đã gia tăng trung bình hai mươi phần trăm một năm kể từ 1999. Hiện giờ đứng ở con số 233 tỷ Mỹ kim, tức 20 phần trăm toàn bộ chi tiêu về nghiên cứu và phát triển của thế giới. Có nhiều thêm sinh viên với bằng cấp khoa học và kỹ sư ở Trung Quốc hơn bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Trong năm 2018, Trung Quốc đã vượt Hoa Kỳ về tổng số các tài liệu nghiên cứu khoa học được công bố. 

Ba ngành kỹ thuật quan trọng nhất đối với Trung Quốc là khả năng định hình không gian mạng cho tương lai, chất bán dẫn và trí thông minh nhân tạo. Đã từ nhiều năm, Bắc Kinh đã cố gắng nhưng thất bại về xây dựng một ngành công nghiệp địa phương sản xuất các linh kiện bán dẫn, đó là các loại mạch tích hợp (vi mạch) có thể thấy ở bất kỳ linh kiện kỹ thuật nào. Trong năm 2016, Trung Quốc nhập cảng 228 tỷ giá trị mạch tích hợp, nhiều hơn cả giá trị nhập cảng dầu hoả, được tính bằng khoảng chín mươi phần trăm số lượng tiêu thụ của họ, theo báo cáo của cơ quan tư vấn McKinsey. Rủi ro của việc phụ thuộc vào nguồn cung cấp của Mỹ đã đến với họ khi vào tháng Tư, lúc chính phủ của Trump cấm vận ZTE, nhà sản xuất lớn thứ tư trên thế giới về các máy móc viễn thông. ZTE phụ thuộc vào các cơ phận sản xuất ở Mỹ bao gồm các vi mạch cung cấp năng lượng cho các trạm vô tuyến. Khi cấm vận cắt nguồn cung cấp, nhà sản xuất này phải ngưng những hoạt động lớn. Vào tháng Sáu, Trump ngưng lệnh cấm vận nhưng động thái đó không làm giảm đi mối quan ngại của Trung Quốc về sự phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ nước ngoài. Ngay sau khi lệnh cấm vận được tuyên bố, Tập kêu gọi tập hợp các các nhà khoa học hàng đầu của họ để tạo những bước đột phá trong các ngành kỹ thuật cốt lõi. 

Trong năm 2015, Trung Quốc đã cho ra những hướng dẫn nhằm mục đích sản xuất 70 phần trăm các vi mạch sẽ được sử dụng bởi công nghiệp Trung Quốc vào năm 2025. Từ lúc đó, chính quyền đã bao cấp cho các công ty nội địa và ngoại quốc chuyển các hoạt động của họ vào Trung Quốc và khuyến khích khách tiêu thụ nội địa chỉ mua hàng từ các nhà cung cấp Trung Quốc. Chính quyền dành ra 150 tỷ Mỹ kim cho thập niên tới để cải thiện khả năng Trung Quốc trong việc thiết kế và đưa vào sản xuất các bộ giải trình vi mạch. Trung Quốc cũng đã thu tóm được các kỹ thuật từ bên ngoài. Theo Rodium Group, một công ty nghiên cứu, từ 2013 đến 2016, Các công ty Trung Quốc đã 27 lần đấu thầu các công ty bán dẫn của Mỹ với trị giá tổng cộng hơn 37 tỷ Mỹ kim, so với 6 lần đấu thầu với trị giá 214 triệu Mỹ kim từ 2000 đến 2013. Tuy nhiên các cuộc đấu thầu này vướng phải nhiều vấn đề: nhiều đấu thầu quan trọng bao gồm 1,3 tỷ Mỹ kim cho Lattice Semiconductor và 2,4 tỷ cho Fairchild Semiconductors đã bị ngăn chận bởi chính quyền Hoa Kỳ vì các vấn đề an ninh quốc gia. 

(Còn tiếp một kỳ) 

Adam Segal - Chủ tịch nhóm Ira A. Lipman về các ngành kỹ thuật mới và an ninh quốc gia tại Hội Đồng về Quan Hệ Quốc Tế 

Người dịch:



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo