Âm mưu đặc khu qua bài học Palestine - Dân Làm Báo

Âm mưu đặc khu qua bài học Palestine

Người lang thang (Danlambao) - Cộng sản VN luôn tự đắc về chính sách ngoại giao “đi dây”. Thực ra, đây là bản chất của những kẻ lưu manh luồn lách phản trắc. Nó tố cáo thân phận thấp hèn, nô bộc, lệ thuộc nhưng cứ muốn tỏ ra thông minh khôn khéo. Đó là tâm lý nhược tiểu bởi vì kẻ mạnh không cần phải “đi dây”. Nói khác, đây là một kiểu chư hầu khoác áo độc lập tự chủ. Nhờ ơn đảng, cái ách chư hầu đã tròng vào cổ người Việt hơn nửa thế kỷ và hiện nay đảng đang nỗ lực hợp thức hóa cho nó được chính danh. Đảng có nhu cầu tồn tại chứ không phải đất nước này. "Tôi cũng biết rằng dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, mất nước còn hơn mất đảng". (Nguyễn Văn Linh).

*

Xung đột Israel - Palestine: Chút dòng lịch sử

Ngày 8 tháng 7 năm 2014 Israel đã mở ít nhất 160 cuộc tấn công đẫm máu vào dải Gaza. Trong 51 ngày 20 000 tấn bom đã thả xuống các khu vực đông dân cư. Trên 2000 người Palestine bị chết và hàng chục ngàn người bị thương, hầu hết là thường dân. Cách tiến hành chiến tranh này của Israel đã bị cộng đồng quốc tế lên án. Nhiều cuộc biểu tình lớn đã diễn ra tại các thành phố lớn trên khắp thế giới. Nhưng tại Mỹ thì lại trái ngược. 57% người Mỹ vẫn ủng hộ Israel. Tỷ lệ chống là 34%. Thật ra tỷ lệ ủng hộ này cũng không phải mới đây. Con số người Palestine tử vong và bị thương luôn rất lớn nhưng đa số người Mỹ vẫn có cảm tình với Israel. Cảm tình này hình thành do tác động của mạng lưới truyền thông vốn thường xuyên góp phần vào việc cấu thành quan điểm của người Mỹ. Truyền thông Mỹ luôn có khuynh hướng nhìn sự việc theo quan điểm Israel. Quan điểm này thống trị truyền thông Mỹ. Tựu trung là: Israel có quyền tự vệ và bảo vệ dân của mình. Quan điểm này được giới cầm quyền xử dụng liên tục để giải thích sự kiện và giới truyền thông lập lại thông điệp của họ. Phát ngôn viên hay các viên chức chính phủ Israel thường xuyên xuất hiện trên TV Mỹ và thông điệp "Israel bị tấn công nên chúng tôi có quyền tự vệ" liên tục được lặp đi lặp lại. Chính phủ Mỹ cũng có cùng quan điểm này. "Israel có quyền tự vệ chống trả các đợt pháo kích của Hamas" (Barack Obama). Lý lẽ của Israel luôn được viện dẫn trong các phần phân tích thời sự. Trong cuộc vận động dư luận, sự thống trị truyền thông của Israel đã át tiếng kêu gào yếu ớt của dân Palestine và đã định hình cách suy nghĩ của người Mỹ về cuộc xung đột này. 

Suốt hơn nửa thế kỷ, dân tộc Palestine bị xua đuổi, đàn áp, giết hại, chà đạp nhân quyền chỉ là chuyện bên lề. Sau thế chiến thứ 2 và sau vụ thảm sát Holocaust, năm 1947 Liên Hiệp Quốc đã biểu quyết phân chia vùng đất Palestine theo tỷ lệ dân số như sau:

56% đất đai chia cho người Do Thái, có tỷ lệ 1/3 và 44% đất đai chia cho người Palestine, có tỷ lệ 2/3. Nói khác, người Do Thái với tỷ lệ dân số ít hơn nhưng được chia cho nhiều đất đai hơn. 

Bất chấp sự phản đối của khối Ả Rập, mùa xuân năm 1948, một nước Do Thái được thành lập theo quy định về biên giới của LHQ. Thế là cuộc chiến tranh Ả Rập – Do Thái lần thứ nhất bùng nổ. Hậu quả là người Ả Rập thua trận và sau hiệp ước đình chiến năm 1949, Israel đã chiếm thêm 78% vùng đất vốn thuộc quyền kiểm soát của Palestine. Một quốc gia Do Thái non trẻ ăn mừng ngày chiến thắng còn người Palestine gọi đây là ngày “thảm họa”, nakba. 700 000 người, một nửa dân số Palestine, đã bị trục xuất, buộc phải rời bỏ nhà cửa, ruộng vườn để dành chỗ cho một quốc gia Do Thái mới. Năm 1910, 93% người Ả Rập Palestine và khoảng 6 đến 7% người Do Thái cùng sinh sống trên vùng đất này. Làm cách nào đột nhiên tỷ lệ người Do Thai tăng lên 80% và người Palestine giảm xuống chỉ còn 20%. Để thành lập một quốc gia Do Thái, người Palestine phải bị trục xuất. 

Dân Palestine bị mất quê hương lần đầu vào năm 1948. Thảm họa lại đến với họ một lần nữa vào năm 1967. Cuộc chiến tranh lần thứ 2 kéo dài vỏn vẹn trong 6 ngày vào tháng 6 năm 1967 giữa các quốc gia Ả Rập và Do Thái và kết thúc với thắng lợi của Do Thái mà nhiều người ca ngợi, đã giúp Do Thái chiếm thêm một phần đất của Ai Cập và Syria và luôn cả phần đất của Palestine bao gồm dải Gaza, West Bank và East Jerusalem. Bỗng nhiên vùng tự trị Palestine bị xóa sổ và cũng không còn vùng đất nào nằm dưới quyền kiểm soát của người Palestine nữa. Người Palestine hoặc trở thành dân tỵ nạn hoặc phải sống trong vùng đất bị chiếm đóng dưới sự quản lý của quân đội Israel. Họ bị đối xử như tù binh chiến tranh. Sau cuộc chiến năm 1967, chiếu theo nghị quyết 242 của Hội Đồng Bảo An, LHQ đã yêu cầu Israel rút quân ra khỏi những vùng chiếm đóng nhưng mãi đến ngày hôm nay Israel vẫn không thực thi yêu cầu này. Israel tiếp tục xâm chiếm những vùng đất mới và xây dựng các khu định cư cho người Do Thai. Ngoài ra, Israel còn đặt thêm các trạm kiểm soát trên vùng đất Palestine với mục đích ngăn chặn người Palestine di chuyển tu do trên vùng đất của họ và xây một bức tường thành dài 70 dặm lấn sau vào lãnh thổ Palestine. Một sự thật không hề được nhắc đến là người Palestine đang phải sống trong những vùng đất bị chiếm đóng. Ngược lại người ta chỉ nghe nói đến một quốc gia Israel bé nhỏ đang bị bao vây và bị Hamas, Hizbollah, Iran... đe dọa. 

Năm 1982 bất chấp sự lên án của thế giới và mặc dù đã vi phạm công ước Genève thứ 4, Israel vẫn xâm lăng Libanon. Mục đích là để đập tan Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) có căn cứ ở Libanon, sát biên giới Israel. Khi cuộc chiến chấm dứt, 17000 người Libanon và Palestine thiệt mạng và 30 000 người bị thương. Hầu hết là thường dân. Vài tháng sau, hàng ngàn người Palestine, bất kể nam nữ, già trẻ, lớn bé, bị giết hại dã man tại 2 trại tỵ nạn Sabra và Shatila. Sau biến cố này, Israel thay đổi sách lược. Họ tiến hành một cuộc chiến truyền thông mới. Israel chối phăng trách nhiệm. Israel vô can trong vụ tàn sát này. 2 năm sau, nhóm vận động hành lang người Do Thái đã tổ chức một cuộc hội thảo với sự tham dự của các chuyên gia PR, chuyên gia truyền thông, nhà báo, chính trị gia… gồm cả người Mỹ và người Do Thái. Mục đích là để khai triển sách lược lôi kéo sự ủng hộ của dân chúng Mỹ đối với chính sách của Israel và chống lại các tin tức, các bài bình luận, tường thuật gây bất lợi của truyền thông độc lập bằng cách soạn sẵn những quan điểm thuận chiều từ trước, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm lừa gạt dư luận thế giới. Hình ảnh người Palestine đốt phá, bạo loạn tràn ngập trên màn ảnh TV, báo chí. Dân Palestine bị xem là bọn khủng bố. Israel phải chống trả, đánh dẹp vì tự vệ và để bảo vệ công dân mình. Người Do Thái không chiếm đóng Israel. Theo kinh thánh, Chúa đã hứa cho người Do Thái vùng đất này. Israel thuộc về người Do Thái từ 4000 năm về trước. Israel ném bom vì tổ chức khủng bố Hamas bắn tên lửa vào lãnh thổ Israel. Israel không còn chọn lựa nào khác. Thương vong của thường dân Palestine là do tai nạn chiến tranh. Israel không có ý giết hại thường dân vô tội. Tổ chức Hamas giống như các tổ chức khủng bố thánh chiến khác như IS, Al Qaida, Hizbollah, Boko Haram. Từ vai trò đao phủ, Israel trở thành nạn nhân. 

Mặc dù đã ký hiệp ước hòa bình Oslo năm 1993, Israel vẫn tiếp tục chiếm thêm đất, thành lập các khu định cư mới trên lãnh thổ Palestine. Cho đến nay đã có hơn 650 000 người Do Thái định cư sinh sống ở West bank và East Jerusalem. Irael vẫn chiếm đóng và kiểm soát dải Gaza. Dải đất này như cái hộp kín nhốt những người Palestine. Họ không thể di tản, chạy trốn đến nơi khác khi bom đạn trút xuống đầu. Israel tung ra những số tiền lớn, dùng các công ty PR Mỹ, các nhóm vận động hành lang (Israel lobby) cổ động cho chính nghĩa của mình: một quốc gia Israel đáng thương, luôn phải sống trong lo sợ bị khủng bố, hủy diệt nên có quyền tự vệ chính đáng bằng biện pháp quân sự. Chiêu bài chống khủng bố được khai thác triệt để vì phù hợp với tâm lý toàn cầu. Vấn đề là khủng bố chứ không phải lãnh thổ. 

Giờ đây ước mơ thành lập một quốc gia Palestine của người Palestine gần như trở thành vô vọng. 

Trông người mà ngẫm đến ta

Gần sát đến kỳ họp quốc hội lần thứ 5 năm 2018, quốc hội VN ra thông báo chính thức về dự luật đặc khu, theo quyết định của Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam. Dự luật này buộc phải hoãn lại đến kỳ họp lần thứ 6 vào tháng 10/2018 vì gặp phải sự phản đối quyết liệt của người Việt cả trong và ngoài nước. Ngày 24/8 quốc hội VN lại thông báo sẽ không cứu xét dự luật đặc khu trong năm 2018. Như vậy sớm nhất phải đến kỳ họp quốc hội tháng 5/2019 dự luật này mới được thảo luận trở lại. Đây là quyết định hoãn binh lần 2 của cơ quan lập pháp VN. Trì hoãn rồi sẽ thông qua hay sẽ hủy bỏ dự luật này là một câu hỏi lớn. 

Cái bóng đen của một nước Trung Hoa lục địa đè nặng lên tâm hồn người Việt hằng mấy ngàn năm. Suốt dòng lịch sử, người Việt luôn phải trả giá bằng máu và nước mắt để có được chút ánh sáng le lói với vài trăm năm độc lập ngắn ngủi. Vận mệnh dân tộc VN dường như bị gắn chặt với kẻ thù truyền kiếp phương Bắc, cả lúc chiến tranh và khi hòa bình, phần lớn do những sai lầm của các vương triều đất Việt thời trước. Sai lầm tiếp tục tái diễn với sự xuất hiện của đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh cầm đầu. Một Trung Quốc anh em đã giúp một Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa điên cuồng tiến hành cuộc chiến tranh "giải phóng" để rồi người Việt 2 miền Nam Bắc bắn giết lẫn nhau, máu xương vung vãi khắp núi cao rừng thẳm, góc suối chân đèo, mọi miền đất nước. Đây là một cuộc chiến tủi hổ và đáng phỉ nhổ nhất trong lịch sử dân tộc vì nó được che đậy bằng những dã tâm dối trá, những thủ đoạn tinh vi đội lốt chính nghĩa và đậm vết bàn tay xúi giục chỉ đạo của phương Bắc”. 

Người cộng sản luôn tự mãn là đã thống nhất đất nước. Đây là công trạng lớn nhất nên họ có độc quyền cai trị dù phạm tội ác. Đối với họ, không hề có tội ác mà chỉ có sai lầm. Sai lầm thì sửa chữa và chỉ họ có quyền sửa chữa. Từ ngày Hồ Chí Minh tuyên bố độc lập đến nay, những người cộng sản tha hồ sai lầm. Bên cạnh những sai lầm vô tội vạ trong chính sách kinh tế và văn hóa giáo dục là những toan tính chính trị bẩn thỉu. Toan tính để tiêu diệt mọi phần tử bị coi là cản lực trong kế hoạch thực hiện bước tiến xã hội chủ nghĩa. Kiêu ngạo cộng sản không chấp nhận sự chỉ trích. Kiêu ngạo cs không nói lời xin lỗi. Kiêu ngạo cs không nhận tội. Kiêu ngạo cs xem dân như đàn cừu. Trí tuệ cộng sản đã dẫn đến một đất nước tụt hậu về mọi mặt, một xã hội băng hoại, văn hóa đạo đức suy đồi, một dân tộc bị thế giới coi khinh và sinh ra những bọn vô lại cuồng nô chủ nghĩa, sâu dân mọt nước. Thời bao cấp cùng khổ thường được đem so sánh với đời sống kinh tế hiện nay là niềm hãnh diện duy nhất của người cs. Điều mỉa mai là thời bao cấp cũng là con đẻ của chính sách tiến nhanh tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội do đảng cs chủ trương. 

Nếu bóng ma Trung Quốc ám ảnh tâm trí người Việt thì quốc gia này là thầy dạy lý tưởng nhất của những người csvn. Họ luôn học tập theo gương các quan thầy phương Bắc. Dự luật đặc khu cũng thoát thai từ những gì họ đã học được từ nơi đó. Một quái thai sắp thành hình. Lại thêm một phen đất nước là vật thí nghiệm. Bên cạnh những tiêu cực rủi ro về phương diện kinh tế và an ninh quốc gia mà nhiều người đã đề cập đến, bản sao thảm họa Palestine đang lấp ló đe dọa dân tộc VN. “Yếu tố nước ngoài” tại Vũng Áng đã cho thấy đặc quyền đặc lợi của ngoại nhân trên đất nước này như thế nào khi cơ quan chức năng VN không được phép vào một khu vực kinh tế ngoại quốc đang hoạt động trên chính quê hương mình để điều tra những sai phạm môi trường. 

Hãy tưởng tượng đến một ngày quan thầy phương Bắc nhân danh việc bảo vệ công dân của họ để tiến hành cuộc chiến tranh. Một Israel nhỏ bé còn có thể coi thường luật pháp quốc tế. Một Trung Quốc khổng lồ sẽ làm gì với tham vọng bành trướng của họ. Người Tàu hiện đã tràn ngập sinh sống khắp nước. Vô số các khu vực kinh tế, cơ sở làm ăn đã được xây dựng. Biển đảo bị chiếm đóng. Cao nguyên bị hủy hoại vì bùn đỏ và nạn phá rừng. Thực phẩm bị đầu độc. Kinh tế quốc gia bị lệ thuộc. Một tiến trình Hán hóa đang được âm thầm thực hiện với sự hợp tác của đảng cs vn. So với số lượng hơn 1 tỷ người Tàu, 90 triệu người Việt chỉ là dân tộc thiểu số dưới mắt Trung Quốc. Một cuộc di dân có bảo kê đã bắt đầu. Một đế quốc kiểu mới đang hình thành bằng những âm mưu đen tối nhất. Trung quốc am hiểu địa hình VN hơn cả dân bản xứ. Họ đang nắm yết hầu của người dân Việt. 

Cộng sản VN luôn tự đắc về chính sách ngoại giao “đi dây”. Thực ra, đây là bản chất của những kẻ lưu manh luồn lách phản trắc. Nó tố cáo thân phận thấp hèn, nô bộc, lệ thuộc nhưng cứ muốn tỏ ra thông minh khôn khéo. Đó là tâm lý nhược tiểu bởi vì kẻ mạnh không cần phải “đi dây”. Nói khác, đây là một kiểu chư hầu khoác áo độc lập tự chủ. Nhờ ơn đảng, cái ách chư hầu đã tròng vào cổ người Việt hơn nửa thế kỷ và hiện nay đảng đang nỗ lực hợp thức hóa cho nó được chính danh. Đảng có nhu cầu tồn tại chứ không phải đất nước này. "Tôi cũng biết rằng dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, mất nước còn hơn mất đảng". (Nguyễn Văn Linh). 

Dự luật đặc khu là một mắt xích trong tiến trình Hán hóa. Đặc khu kinh tế sẽ là căn cứ địa của Trung Quốc nếu xung đột xảy ra. Bài học xung đột Do Thai - Palestine là một tiếng chuông cảnh báo. Nó minh chứng cho cái lý của kẻ mạnh. Nguy hiểm hơn nữa là khi cái lý này được sự đồng tình của những kẻ bán nước. 


-->


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo