Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang (Phần 2) - Dân Làm Báo

Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang (Phần 2)

Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Sống thời biệt phủ, xe sang, Chết thời giành ruộng bạt ngàn xây lăng! Bởi dốt nên mới hỏi rằng: Vậy mà vô sản, vô thần được sao? – Té ra mầy dốt hơn tao: Có lăng mới có chỗ vào ấy chơi! Việt Nam – dân tộc lạ đời, Lãnh đạo thất lộc lại cười hô hô! Gẫm ra mới biết đạo Hồ, Trồng người, người lại hoá đồ chi mô!”

*

Hôm qua 27/09/2018, người soạn bài này theo dõi buổi lễ di đại quan của đại tác giả đại tác phẩm “Không gian mạng: Tương lai và Hành động” (1) tức cố ĐT, G$, T$, BT Công an, CTN Trần Đại Quang (1950-2018) từ Nhà tang lễ Quốc gia Hà Nội về sinh quán của ông ở xã Quang Thiện, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Tuy không có màn “lăn lộn khóc thảm thiết” như mục Tin vỉa hè ở cuối Phần 1 bài này, nhưng phải-cần-nên tấm tắc thừa nhận buổi lễ thật sự là “hoành tráng”, ngang ngửa tang lễ Tổng thống hay Thủ tướng các xứ Cộng hoà giãy chết bên Âu-Mỹ. Nhưng (lại nhưng) khi nhìn diện tích nơi chôn cất Trần Chủ tịch thì đất trời ngã ngửa: So với cái mả của Trần Chủ tịch thì mộ phần của mỗi cố Tổng thống hay Thủ tướng Âu-Mỹ may ra chỉ bằng gói thuốc lá Philip Morris mà Hồ Chủ tịch rất thích!


Nghị định số 23/2016/NĐ-CP về xây dựng, quản lý, sử dụng nghĩa trang và cơ sở hỏa táng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 27/05/2016, quy định rõ ở Điều 4 về diện tích của mỗi phần mộ, diện tích sử dụng đất cho mỗi phần mộ hung táng và chôn cất một lần tối đa không quá 5m2 (năm mét vuông)! Cho nên trước quần thể lăng tẩm 30 ngàn mét vuông (2) của Trần Chủ tịch, dân gian đã có ngay bài vè:

Sống thời biệt phủ, xe sang,
Chết thời giành ruộng bạt ngàn xây lăng!
Bởi dốt nên mới hỏi rằng:
– Vậy mà vô sản, vô thần được sao?
– Té ra mầy dốt hơn tao:
Có lăng mới có chỗ vào ấy chơi!

Những ánh mắt trong tang lễ Trần Chủ tịch. Ảnh ghép Photoshop, Dân Làm Báo.

*

Việt Nam – dân tộc lạ đời,
Lãnh đạo thất lộc lại cười hô hô!
Gẫm ra mới biết đạo Hồ
Trồng người, người lại hoá đồ chi mô!

3-. Phúng lâm sàng cựu Thủ tướng và Tổng Bí thư băng đảng cộng sản Việt Nam Đỗ Mười Nguyễn Duy Cống.

Về “thành tích thủ ác” của Đỗ Mười, nhờ Google, Hải Ý em trích lược từ thời ông làm Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban Cải tạo Công thương nghiệp xhcn, phụ trách vấn đề cải tạo Công thương nghiệp xhcn tại miền Nam (thay thế Nguyễn Văn Linh), giai đoạn 1977 - 1980; Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay dùng lại danh xưng VNCH là Thủ tướng), 1988 - 1991; rồi Tổng Bí thư, 1991 - 1997.

A-. “Cải tạo công thương nghiệp miền Nam”, tức Chiến dịch X.

Trong buổi họp tuyệt mật hai ngày 21-22/03/1978 tại Hội trường của trường đảng Nguyễn Ái Quốc II, huyện Thủ Đức, thành Hồ gồm mấy trăm cán bộ cơ quan trung ương, để nhận chỉ thị Chiến dịch X-3, Đỗ Mười say sưa, quyết liệt, sủi bọt mép nói: 

[“Từ sau giải phóng chúng ta đã thực hiện X-1, tập trung bọn ngụy quân, ngụy quyền học tập cải tạo. Đã thực hiện X-2 đánh bọn tư sản mại bản. Bây giờ chiến dịch X-3, quyết liệt nhất, nhằm tiêu diệt tận gốc rễ chủ nghĩa tư bản, tay sai đế quốc Mỹ… “Đánh rắn phải đánh dập đầu, ta đã đánh dập đầu rồi, nhưng con rắn tư bản đánh dập đầu nó chưa chết, cái đuôi nó còn nguy hiểm hơn cái đầu. Không giần cho nát cái đuôi của nó, thì nó vẫn tác oai tác quái phá chúng ta.”.

Rồi Đỗ Phó thủ tướng vừa hỏi vừa đáp: 

– Vừa qua kẻ nào vơ vét mì chính (bột ngọt), vải vóc, đường, sữa đầu cơ trục lợi, rồi lại đổ tội cho nhà nước ta chuyển ra Bắc nên thị trường khan hiếm? 

– Chính là bọn tư sản thương nghiệp! 

– Kẻ nào tích trữ thóc gạo để dân ta đói? 

– Chính là bọn đầu nậu lúa gạo! 

– Tôi hỏi các đồng chí, kẻ nào cung cấp lương thực, thực phẩm cho tổ chức phản động trên Lâm Đồng chống phá cách mạng? Kẻ nào? 

– Chính là bọn tư sản đấy! Bọn gian thương đầu cơ, phá hoại, bọn ngồi mát ăn bát vàng, rút rỉa máu xương đồng bào ta, ngăn cản con đường tiến lên xã hội chủ nghĩa của đảng ta…”. 

“Cho nên chúng ta phải róc thịt chúng ra. Bắt chúng lao động sản xuất, tự làm lấy mà ăn. Phải biết cày ruộng, cấy lúa, trồng ngô. Đất hoang còn nhiều, bắt chúng đổ mồ hôi sôi nước mắt kiếm miếng ăn…”. 

“Anh nào, chị nào nhụt ý chí thì lui ra một bên. Kẻ nào tỏ ra nhân nhượng với bọn tư sản là phản bội giai cấp, không phải Bôn sê vích, có tội với đảng với dân, sẽ bị trừng trị!”.

“Lúc 7g sáng ngày 23/03/1978, chiến dịch X-3 bắt đầu từ Thành Hồ, qua một bản thông cáo ngắn gọn do ông Vũ Đình Liệu thay mặt UBND thành phố ký tên được ban hành. Tất cả các cơ sở kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, cửa hàng, kho tàng, trung tâm dịch vụ đều bị niêm phong. Danh sách đã được lên từ trước. Họ làm bí mật lâu rồi. Như một trận đánh giặc đã được trinh sát, điều nghiên tỉ mỉ, chính xác. Các tổ công tác ập vào từng điểm bất ngờ, nhanh chóng niêm phong tài sản, khống chế mọi người trong gia đình, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mỗi điểm niêm phong có tối thiểu một tổ ba người, không cùng cơ quan, không quen biết nhau. Họ là thanh niên xung phong, thanh niên công nhân các nhà máy, sinh viên các trường đại học, cả những thanh niên các phường được huy động vào chiến dịch.”.

“Chiến dịch X-3 tại thành Hồ đã đánh gục 28.787 nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ buôn bán; thu được khoảng hơn 4.000 kg vàng, gần 1.200.000 đô la, và một khối lượng hàng hóa không thống kê hết. Từ chiếc xe hơi, TiVi, tủ lạnh, đến bịch bột giặt, quả trứng gà đều khê khai và tịch thu chất trong các kho, để rồi không cánh mà bay, hoặc biến thảnh phế thải”. 

“Với tinh thần Bôn sê vích, Đỗ Phó thủ tướng đưa hàng ngàn hộ tiểu thương, trung lưu vào diện cài tạo, gộp luôn những hộ sản xuất vào đối tượng đó”.

Tác phẩm X-3 của Đỗ Phó thủ tướng là cú đòn trời giáng cuối cùng, biến “Sài Gòn Hòn ngọc Viễn Đông” thành Hồ chết, đẩy thêm dòng người bỏ đất nước ra đi bất chấp hiểm nguy, bao nhiêu số phận đã rã rời trên biển sâu…

So sánh kết quả trong Cải cách ruộng đất của Hồ Chí Minh ở miền Bắc năm 1956 với Chiến dịch X-3 của Đỗ Mười ở miền Nam năm 1978, nhà văn Minh Diện viết tiếp:

“Khi Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, tôi là đứa trẻ sáu tuổi đi xem đấu tố như xem hội hè; khi Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, tôi ba mươi tuổi, là người trong cuộc. Trước con mắt tôi, cuộc cách mạng sau chỉ khác cuộc cách mạnh trước là không bắn giết, ngoài ra thì giống hệt nhau. Cũng con tố cha mẹ, vợ tố chồng, bạn bẻ tố nhau. Những cán bộ từng hoạt động bí mật trong chiến tranh, được những gia đình buôn bán , giàu có bao bọc, giờ quay ngoắt lại tịch thu tài sàn ân nhân của mình. Những tính từ bọn, đồng bọn, “tên tư sản”, “con buôn” thay danh từ ông, bà, anh, chị. Gần ba chục năm trước, người bị quy là địa chủ, phú nông xấu xa thế nào, thì 1978, người bị gọi là tư sản, con buôn xấu xa như vậy.”].

Nhận định về đồng chí Bôn sê vích Đỗ Mười, đồng chí Thủ Vẩu Phạm Văn Đồng nói gọn lỏn: Chỉ có phá!


B-. Mật nghị Thành Đô 1990

Mật nghị Việt cộng - Trung cộng tại Thành Đô (Tứ Xuyên, Trung Quốc) họp lần thứ nhất nhằm 2 ngày 3-4/09/1990 tức đúng thời điểm Khối cộng sản Đông Âu và Liên Xô rục rịch liên hoàn tan rã. Phía Việt cộng gồm 3 người chủ chốt là TBT Nguyễn Văn Linh (Nguyễn Văn Cúc, Mười Cúc), Thủ tướng Đỗ Mười (Nguyễn Duy Cống), Cố vấn BCH TƯĐ Phạm Văn Đồng (Đồng phạm Công hàm 1958). Phía Tàu cộng có TBT “16 vàng, 4 tốt” Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng.

Lưu ý: Tuân theo điều kiện của Tàu cộng đưa ra, trong đoàn đàm phán phía Việt cộng không có mặt BT Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch (họ tên thật là Phạm Văn Cương, bố đẻ đương kim Phó Thủ tướng kiêm BT Ngoại giao Phạm Bình Minh). 

Đến nay chưa ai biết đích xác băng đảng và nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã ký kết bao nhiêu điều khoản gây tổn hại cụ thể cho đất nước và dân tộc Việt Nam, tuy nhiên kể từ khi Đỗ Mười lên thay Nguyễn Văn Linh nắm quyền Tổng bí thư năm 1991 đến năm 1997, rồi các đời TBT kế tiếp như “Mênh mông tiền dân” Lê Khả Phiêu, “Răng chắc” Nông Đức Mạnh, “Củ lá” Nguyễn Phú Trọng thì cách này hay cách khác, (ngoài Hoàng Sa, năm 1974 và một phần Trường Sa, năm 1988) Tàu cộng ngang nhiên gặm nuốt thêm lãnh thổ, lãnh hải thuộc chủ quyền Việt Nam như Ải Nam Quan, Vịnh Bắc Bộ, Thác Bản Giốc, Núi Lão Sơn v.v… mà phía Việt cộng luôn luôn nhũn như con chi chi để giữ bằng được “tình hữu nghị anh em, môi răng xhcn ”. Ai là anh, Ai là em; Ai là môi, Ai là răng thì chưa có Ai trong đảng người ta dám trả lời!

Nói cách khác, từ sau Mật nghị Thành Đô 1990, mỗi lần bên kia biên giới, Tàu cộng diễn trò sổ mũi thì tắp lự bên này biên giới, Việt cộng tự động bị cảm hàn! Ví dụ điển hình mới nhất là ngay sau khi Tàu cộng bâng quơ sổ mũi vài cái (07/2017), Việt cộng đã vội vàng hủy hợp đồng khai thác dầu khí bạc triệu tiền Mẽo với hãng Repsol – Spain tại Bãi Tư Chính (Vanguard bank) trong quần đảo Trường Sa vốn “thuộc vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam”.

Ai cũng hiểu Mật nghị Thành Đô là cái phao cứu mạng ma dze in China để băng đảng cộng sản Việt Nam trụ giữ chế độ cho đến ngày nay – bất chấp mọi hậu quả cho dân cho nước, qua câu nói nhẫn tâm: “Tôi cũng biết rằng dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất đảng” (TBT Nguyễn Văn Linh).

Trong số 3 người chủ chốt chính thức tham dự Mật nghị Thành Đô phía Việt cộng kỳ đầu tiên nêu trên, Đỗ Mười là người duy nhất còn chưa nỡ dứt khoát chuyển sang từ trần, dù đã hơn 2 lần 50. Tuy phúng lâm sàng cựu Đỗ Tổng bí, song tận đáy lòng, HY em lại có sự mâu thuẫn là cầu cho ông ta sống khoẻ đến hết năm 2020 để chính mắt ông ta chứng kiến Mật nghị Thành Đô có hiệu lực và tác oai tác quái trên mãnh đất chữ S đầy nghiệp chướng như thế nào!


Ảnh ghép Photoshop, TTHY.

Ngày 08/02/2016, báo lề đảng PetroTimes số Xuân Bính Thân có bài “Đại bồ tát Hồ Chí Minh”, ký tên Nguyễn Như. Hè năm 2013, nxb Dân Trí phát hành cuốn “Những câu chuyện về đồng chí Đỗ Mười” đứng tên Diệu Ân, từ trang 172 có bài “Cụ Đỗ Mười có đầy đủ những đức tính của một vị Bồ tát thị hiện” của tác giả Thích Minh Hiền – trụ trì Chùa Hương, Hà Nội. HY em chủ quan trộm nghĩ, nội đọc 2 cái tựa bài thôi, bạn đọc cũng đủ biết nội dung hót gì, nên lười trích ra đây.

Một lãnh đạo nhẫn tâm, máy móc theo định hướng Bôn sê vích như Đỗ Tổng bí thư, nên chăng ứng xử câu “nghĩa tử là nghĩa tận” theo ý nghĩa thông dụng, khi “giờ G lại điểm”?

(Còn tiếp) 


(28/09/2018)


__________________________________

Chú thích:

(1) “Không gian mạng: Tương lai và Hành động”, nxb Công an nhân dân, 2015. Đài truyền hình ANTV giới thiệu, ở đây.

(2) Theo Google Map, diện tích đất ruộng nơi toạ lạc quần thể lăng Trần Chủ tịch rộng 60 ngàn mét vuông tức rộng lớn hơn toàn cảnh Nghĩa trang Mai Dịch ở Hà Nội (+59 ngàn mét vuông).


Giới thiệu chủ đề Phần 3:

4-. Phúng lâm sàng cựu Đại tướng QĐND, Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch nước CH xhcn Việt Nam Lê Đức Anh.

Mời các bạn đón đọc tiếp.



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo