Phạm Hy Sơn (Danlambao) - Một nước (hay quốc gia) có ba thành phần là dân chúng, đất nước (lãnh thổ) và chính quyền. Dân chúng trong nước thông thường do cùng một nguồn gốc hay tổ tiên, cùng một văn hoá và cùng chung một lịch sử. Khi hội đủ 3 yếu tố trên người ta gọi khối người đó là dân tộc như dân tộc Việt Nam, dân tộc Pháp, Nhật, Ý, Đức...
Người Việt, trong tục ngữ ca dao, nói rất nhiều về tổ tiên, nòi giống, về sự yêu mến đất nước của mình:
- Hỡi ai buôn bán gần xa,
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mồng mười.
Hỡi ai buôn bán ngược xuôi,
Nhớ ngày giỗ tổ mồng mười tháng ba.
- Nhiễu điều phũ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng....
Và người ta ca ngợi những phong cảnh xinh đẹp của quê hương:
- Đồng Đăng có phố Kỳ lừa,
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh,
Bõ công bác mẹ sinh thành ra em.
Tay cầm bầu rượu nắm nem,
Mảng vui quên hết lời em dặn dò.
- Đường vô xứ Nghệ quanh quanh,
Non xanh, nức biếc như tranh họa đồ.
Ai vô xứ Nghệ thì vô.
- Nhà Bè nước chảy chia hai,
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về.
Đối với chính quyền, mà ngày xưa đứng đầu là ông vua (bây giờ là Tổng Bí Thư đảng hay Chủ Tịch nước), tục ngữ ca dao của người bình dân Việt Nam chỉ nói đến với những lời chê trách, oán hờn và đặc biệt rất coi thường luật lệ của người đứng đầu guồng máy cai trị:
-Phép vua thua lệ làng.
-Thà thiếu thuế vua hơn thua lệ làng.
Tuy trong ca dao có ghi chép một số bài ca tụng công đức của vua chúa với ơn mưa móc ban cho muôn dân, nhưng những bài ca dao ấy xuất phát từ tư tưởng tôn quân của những người theo học Nho. Họ là tầng lớp liên kết với vua chúa và dùng ngôn ngữ của người Tàu, lấy Nghiêu, Thuấn, Thương, Chu (bên Tàu) làm mẫu mực để tôn xưng:
-Mừng nay vận mở dư nghìn,
Việt Nam có thánh cầm quyền sửa sang.
Bốn phương đầm ấm dân yên,
Trời Nghiêu, ngày Thuấn lưỡng gian thái hòa…
-Nay mừng mưa nắng thuận trời,
Trị đời Ngu, Hạ, dân đời Thương, Chu.
Nơi nơi khích nhưỡng ca cù,
Khắp trong vũ điện Thang Chu thuận hòa...
(Nguyễn văn Ngọc, Tục Ngữ Phong Dao, q. 2, trg 149, 146)
Sở dĩ người dân quê không ưa chính quyền vì đạo Khổng với chủ nghĩa tôn quân được đem từ bên Tàu vào Việt Nam tạo ra một chĩnh quyền phong kiến áp đặt nặng nề lên người dân: Vua là chúa dân, quan là cha mẹ dân (phụ mẫu chi dân).
Trong các triều đại cầm quyền lâu dài ở Việt Nam như Lý, Trần, Lê, Nguyễn may lắm mỗi họ được một hai vị vua biết đặt quyền lợi của nước, của dân lên trên quyền lợi của dòng họ, của bản thân. Vua Tự Đức (1847-1883), một vị vua được coi là thâm Nho nhất triều Nguyển, rất có hiếu với mẹ - hoàng thái hậu Từ Dũ - là một ông vua điển hình. Vua Tự Đức đã bác bỏ tất cả những bản điều trần xin đổi mới (canh tân) giúp cho quốc gia hùng mạnh của biết bao nhiêu người người nhiệt tâm với đất nước như Nguyễn trường Tộ, Trần tiễn Thành, Phạm phú Thứ, Nguyễn lộ Trạch, Đậng huy Trứ vì sợ cải cách theo phương Tây làm hại chủ nghĩa tôn quân, làm suy yếu ngai vàng của nhà Nguyễn. Kết quả là đất nước bị lạc hậu và là miếng mồi ngon cho đế quốc phương Tây xâm lăng.
Khi quân Pháp đem quân đánh phá cũng là lúc đất nước rơi vào cảnh loạn lạc: Giặc Cờ Vàng, Cờ Đen từ bân Tàu tràn sang, giặc trong nước liên tục nổi lên, đê Văn Giang vỡ 18 năm liền nhân dân đói khổ, 3 Tỉnh miền Đông mất (1862), tiếp theo 3 tỉnh miền Tây mất (1867) nhà vua không lo chống giặc lại đem tiền bạc, sức lính, sức dân xây lăng Vạn Niên Cơ lớn gấp 10 lần lăng vua tổ Gia Long từ năm 1864 đến năm 1873 với 50. 000 binh lính, hơn 100. 000 phu dịch. Việc xây cất kéo dài làm quân lính cực khổ, mệt mỏi và dân phu đói khát, bất mãn đã gây ra cuộc nổi loạn Chày Vôi năm 1866. Câu ca dao lưu truyền thời ấy đã được ghi vào lịch sử:
- Vạn Niên là Vạn Niên nào,
Thành xây xác lính, hào đào máu dân!
Chính vì vậy người dân nhìn từ vua chúa tới quan quyền trong guồng máy cai trị không khác gì hơn là những kẻ áp bức, bóc lột và vua, chúa dưới mắt người dân không có gì đáng tôn kính, chẳng qua cũng chỉ là đám giặc mà thôi:
- Được làm vua, thua là giặc.
Họ là tầng lớp quyền thế, hết đời cha đến đời con thay nhau cai trị người dân đói rách từ đời này đến đời khác:
-Con vua thì lại làm vua,
Con nhà thầy chùa lại quét lá đa.
-Con vua thì lại làm vua,
Con nhà kẻ khó bắt cua tối ngày, và:
-Con quan thì lại làm quan,
Con nhà kẻ khó đốt than tối ngày.
Guồng máy thống trị áp đặt lên họ không bao giờ dứt, kẻ này đi thì kẻ khác đến:
-Quan Phủ đi, quan Tri nhậm.
-Ông Huyện chưa đi, ông Tri đã lại.
Trong tâm trí người dân quan với ma cũng là một loại:
-Quan tha ma bắt.
Và cái túi tham của quan lại vô cùng tận:
-Của vào nhà quan như than vào lò.
-Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ.
-Vô phước bước cửa quan.
-Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc.
Họ thấy mình bị bọn quan quyền cướp bóc trắng trợn:
-Tuần hà là cha kẻ cướp.
- Con ơi nhớ lấy lời này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan.
Có quyền hành trong tay tầng lớp vua chúa, quan quyền ăn ngon, mặc đẹp, giàu có còn người dân thì đói rách:
-Chúa ăn cá bống, cá thiều,
Phận tôi hạt muối đủ chiều khô khan.
Chúa mặc áo lát, áo đan,
Thân tôi miếng giẻ vá ngang, vá chằng.
Dưới chế độ chuyên chế phong kiến, người dân bị quan quyền từ trên xuống dưới ức hiếp đủ mọi mặt:
-Thiếu thuế bắt vợ, thiếu nợ bắt con.
-Tôi là con gái đồng trinh,
Tôi đi bán rượu qua dinh ông nghè.
Ông nghè sai lính ra ve,
- Bẩm lạy ông nghè, tôi đã có con.
- Có con thì mặc có con,
Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan.
-Cậu cai buông áo em ra,
Để em đi chợ kẻo mà chợ trưa.
Chợ trưa rau đã héo đi,
Lấy gì nuôi mẹ, lấy gì nuôi em!
Và̀o thời đại dân chủ ngày nay, vua chúa đã ra đi nhưng cái nhìn của người dân về chính quyền vẫn còn đó, không mất đi mà cũng không khác gì cái nhìn về chính quyền thời phong kiến:
- Một người làm việc gấp hai,
Để cho cán bộ mua đài, mua xe.
Một người làm việc gấp ba,
Để cho cán bộ xây nhà, xây sân.
Tình trạng cha truyền con nối ‘Con quan thì lại làm quan’ cũng vẫn còn đó:
- Hậu duệ, quan hệ, tiền tệ mới đến trí tuệ.
- Nhất thân, nhì ngân, tam quyền, tứ chế.
Trong xã hội cũng có những giai cấp, tầng lớp ưu đãi khác nhau:
- Tôn Đản là chợ vua quan,
Vân Hồ chợ của quyền gian, nịnh thần.
Đồng Xuân chợ của thương nhân,
Vỉa hè chợ của nhân dân anh hùng.
Người dân là giai cấp bị thống trị từ xưa tới nay, nên người ta cũng nhìn chính quyền từ xưa tới nay không khác gì nhau, vì tình trạng ‘Quan tha ma bắt’ và ‘Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan’ làm cho đời sống hàng ngày của họ vốn đã đói khát, khốn khổ lại càng đói khát, khốn khổ thêm.