Ngày Nấm 12 tuổi - Dân Làm Báo

Ngày Nấm 12 tuổi

Nguyễn Phước Nguyên (Danlambao) - Hôm qua là sinh nhật 12 tuổi của Nấm. Buổi tối vợ chồng tôi đến chia vui cùng Nấm và gia đình. Bữa cơm chiều và tiệc nhỏ mừng sinh nhật em chỉ vỏn vẹn mươi người, nhưng thật gần gũi và ấm cúng. Chỉ bé Gấu còn hơi mệt vì chưa lấy lại sức khoẻ hoàn toàn, nên hơi 'nhỏng nhẽo' với mẹ và với bà Ngoại.

Nấm được mọi người hát mừng sinh nhật, thổi đèn cầy, mở quà bên cạnh mẹ, bà, và em.


Ngoài những đối thoại thân mật vui đùa, chúng tôi ngồi nghe chị Tuyết Lan, Như Quỳnh, và cả Nấm nữa, kể chuyện 'trong lề' (chứ không phải 'bên lề') về những giai đoạn cam go, những trắc trở đe dọa gây cấn của gia đình.

Như thói quen khi sinh hoạt thân mật bên nhau, tôi hay ngồi im lặng nghe bạn bè kể chuyện và ghi lại trong tim những ấn tượng sâu đậm nhất...

Nghe Như Quỳnh nói phi cơ đã cất cánh hơn 2-3 giờ, mà bé Gấu lâu lâu cứ đưa tay vuốt má mẹ hỏi 'Phải Mẹ thiệt không?'. Quỳnh kể lại điều này với giọng rất bình thường, nhưng tôi bắt được vài cái chớp mắt thật nhanh khi Quỳnh nhìn bé Gấu ngay sau đó.

Khi nghe chị Tuyết Lan kể chuyện chị 'làm khổ' mấy chú công an vì 'con tôi đi đến đâu, tôi cũng sẽ đi đến đó'. Ngoài nụ cười vui trực tính của chị, tôi nhận ra sự cương quyết của người mẹ thương con.

Khi tôi hỏi Nấm: 'Trước khi con đi Mỹ, con có biết trước không?' Nấm nói: 'Dạ, bà Ngoại cho con biết trước một tuần. Nhưng con không hề nói với ai, đến nỗi bạn bè trong trường biết con đi rồi mới trách sao con đi mà không nói lời chia tay'. Thú thật, tôi sửng sốt. Năm 1975, tôi rời Việt Nam cũng vừa 12 tuổi như Nấm, nhưng ba mẹ tôi không hề cho tôi biết trước. Nấm được biết trước cả tuần, và giữ kín như đã hứa, cho tôi thấy 2 điều: (1) Em là một đứa trẻ sáng suốt và rất tự tin tự giác, và được mẹ và bà Ngoại tin tưởng rất nhiều. (2) Em lớn lên ở một xứ sở mà đứa bé 12 tuổi đã cảnh giác được cái nguy hiểm của sự 'hở môi'.

Và ấn tượng sâu đậm nhất của tôi? Chị Tuyết Lan, Như Quỳnh và Nấm chỉ là những người dân bình thường, những người Mẹ yêu thương con bình thường. Họ là phản ảnh trung thực và gần gũi của sự dũng cảm của tình thương.

Ở Như Quỳnh, là một người Mẹ vì tương lai mơ hồ của hai con mình nên can đảm nói lên NHỮNG ĐIỀU CẦN PHẢI NÓI. Và chấp nhận vào lao tù để nói NHỮNG ĐIỀU MÌNH MUỐN NÓI.

Ở chị Tuyết Lan, là một người Mẹ hiểu điều con mình muốn làm, và thương con mình lao ải, nên một mặt nuôi hai cháu, một mặt tranh đấu cho sự sống còn của con mình trong trại tù hơn ngàn cây số xa xôi.

Ở Nấm, là một đứa con ngoan, một học sinh giỏi. Nhưng tôi vẫn liên cảm em phải trả giá cho sự chững chạc trước tuổi của mình bằng ít nhiều vơi đầy thơ ngây của tuổi nhỏ thần tiên.


Và vợ chồng tôi ra về với niềm vui và chút ưu tư.

Vui cho gia đình Như Quỳnh đã đến được bến bờ tự do, và cho tương lai của Nấm và Gấu sẽ được nhiều triển vọng.

Ưu tư rằng không biết khi nào chúng ta mới thấu đáo và hành động với ý thức rõ ràng là - vận mệnh của quốc gia, quê hương, dân tộc, hay gia đình không nằm trong tay những người phi thường, mà sẽ/chỉ thay đổi khi những người bình thường dám nói những điều cần phải nói, dám làm những điều cần phải làm - như Như Quỳnh đã; như Như Quỳnh sẽ... với gia đình, cùng các bạn đồng hành âm thầm và hiện diện từng bước bên cạnh.

Hôm qua là ngày sinh nhật đầu tiên của Nấm nơi xứ người.

Sẽ một ngày Nấm được ăn mừng sinh nhật cùng bạn bè bên quê nhà, một quê nhà như Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, mẹ em, hằng ao ước, với đôi chân luôn bước tới... và đôi tay luôn với đến...




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo