Trẫm - Dân Làm Báo

Trẫm

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Xem phim Trung Quốc nghe các vị Hoàng đế xưng “Trẫm” và một lời phán xuống là thần dân răm rắp tuân theo. Trẫm là con trời trị vì cho đến lúc băng hà, Trẫm bao giờ cũng đúng tuyệt đối. Trẫm vừa ban hành chính sách cai trị, vừa điều hành triều đình. Còn ở Việt Nam...?

oOo 

Phân tích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri ngày 8/10/2018 để cố gắng hiểu lời ông TBT (1 và hình), nhưng phải nói là... không hiểu nổi. Có thể ông là Cử nhân Văn chương và Giáo sư tiến sĩ xây dựng đảng nên người người dân bình thường không thể hiểu được! 

Tôi xin được nên vấn đề với tư duy người lập trình cho máy tính thử xem sao. 

1. Tổng bí thư được giới thiệu ứng cử Chủ tịch nước; theo ông “Việt Nam đã có giai đoạn lịch sử Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng.” 

Giai đoạn “Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng”, ngoài đảng Lao động Việt Nam do ông Hồ Chí Minh làm Chủ tịch; ít nhất còn có hai đảng khác là đảng Dân chủ Việt Nam và đảng Xã hội Việt Nam cùng hoạt động công khai, hợp pháp; có nghĩa là “Bác Hồ làm Chủ tịch nước” ở chế độ đa đảng. 

Hy vọng khi Tổng bí thư làm Chủ tịch nước, sẽ được như giai đoạn “Bác Hồ làm Chủ tịch nước và Chủ tịch Đảng”

2. Câu “Vừa rồi không may Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất đi, rất đột ngột, mặc dù bệnh hiểm nghèo đã được chữa trị cả năm nay.” 

Với bất kỳ một gia đình người dân bình thường nào, khi bác sĩ đã thông báo có người thân bị bệnh hiểm nghèo, không có thuốc đặc trị, điều trị cả năm trời ròng rã (cầu may) chờ cái chết đến, thì lúc chết là đã “biết trước” chứ không còn là “đột ngột” nữa. 

Chết đột ngột là cái chết bất ngờ, chết do tai nạn, chết bất đắc kỳ tử. 

Đằng này, lại là Chủ tịch nước “mất đi, rất đột ngột”, quá khó hiểu! 

3. Câu “đây là tình huống”“Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay.” 

Người lập trình thông thường, tối thiểu phải biết xử lý tình huống trong thuật toán, ngoài những tình huống đã xảy ra, còn phải xử lý những tình huống giả định có thể xác xuất chỉ một phần tỷ. Huống hồ chi một quốc gia gần trăm triệu dân. 

Với một quốc gia “tình huống” Chủ tịch nước (Tổng thống) chết được xử lý trong Hiến pháp; ở Việt Nam cũng vậy, theo Điều 93 Hiến pháp 2013 “Khi Chủ tịch nước không làm việc được trong thời gian dài thì Phó Chủ tịch nước giữ quyền Chủ tịch nước.” tức là xã hội đã lập trình cho Hiến pháp xử lý “tình huống Chủ tịch nước chết” rồi. Có nghĩa là “chương trình” vận hành bộ máy quản lý nhà nước khi “Khuyết chức danh Chủ tịch nước, ĐÃ có người làm thay”. 

“PHẢI” và “ĐÔ là 2 khái niệm không thể đồng nhất! 

4. Câu "...tuỳ thuộc vào kết quả Quốc hội bầu..." 

Ngoài Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng tổ đại biểu Quốc hội ở đơn vị bầu cử số 1 đã tiếp xúc cử tri quận Ba Đình, Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV ngày 08/10/2018 thông báo “Tổng bí thư được giới thiệu ứng cử Chủ tịch nước” để cử tri có ý kiến. 

Tra cứu trên Google từ khóa “tiếp xúc cử tri trước kỳ họp quốc hội, Quốc hội khóa XIV” (2), thì đại đa số các đoàn Đại biểu Quốc hội trên cả nước đều tiếp xúc cử tri trước ngày 06/10/2018 - ngày bế mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa XII, ngày Trung ương Đảng công bố “giới thiệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sắp tới” (3) 

Điều đó có nghĩa là tại thời điểm tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội chưa biết được “đồng chí Nguyễn Phú Trọng” sẽ được giới thiệu “để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước” do đó cử tri lại càng không biết và không thể có ý kiến. 

Người dân không được Đại biểu Quốc hội hỏi ý kiến về việc bầu Chủ tịch nước; người sẽ “Thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân”, “quyết định đặc xá”; sẽ nắm vận mệnh cả một quốc gia, nắm quyền sinh - quyền sát của người có án tử hình. 

Trong khi đó, Khoản 1 Điều 79, Hiến pháp 2013 “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước.” 

Thực tế Đại biểu Quốc hội chưa được đa số cử tri ủy quyền bầu Chủ tịch nước. 

Ngay cả cha mẹ là người sinh ra, nuôi nấng, giám hộ và chịu trách nhiệm về hành vi của con cái vị thành niên cũng không có quyền “đại diện cho ý chí, nguyện vọng” đặc biệt là quyền quyết định “sinh sát” con cái. 

Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 22/10/2018, hơn 95% là đảng viên và trước đó “Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thống nhất tuyệt đối (100%) giới thiệu Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng, để Quốc hội bầu giữ chức vụ Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào ngày 22/10 tới đây” (4) 

Như vậy, ông Nguyễn Phú Trọng không trúng cử Chủ tịch nước là tỷ lệ vô cùng nhỏ; nhỏ như tỷ lệ rủi ro là “virus hiếm” lây nhiễm và làm Chủ tịch nước “mất đi, rất đột ngột” tạo ra tình huống “Khuyết chức danh Chủ tịch nước, phải có người làm thay

Hiến pháp, không phải lúc nào cũng quyền lực tuyệt đối! 

oOo 

Quay lại phim Trung Quốc: Trẫm là thiên tử, lời nói của Trẫm là tuyệt đối. Số phận của người dân phụ thuộc vào tài năng, đức độ của Trẫm. 

20.10.2018


________________________

Ghi chú






Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo