Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang (Phần 4) - Dân Làm Báo

Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang (Phần 4)

Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - “Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh: Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.”

*

4-. Phúng lâm sàng cựu Đại tướng QĐND, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Chủ tịch nước CH xhcn Việt Nam Lê Đức Anh.

Nhắc lại: Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng, tại Đại hội VI (12/1986), giữ chức Chủ tịch nước tại Đại hội VIII (06/1996) và từ 12/1997 là Cố vấn BCH TƯĐ, còn được gọi là Thái Thượng Hoàng như cố TBT Đỗ Bồ tát thị hiện Thập đại thiện (1917-2018).

Về Lê Đức Anh, Hải Ý em chỉ nhắc lại 2 sự kiện nhẫn tâm đến tận cùng của ông ta nói riêng trong phần 4 này và tạm nói luôn ngay đây thêm lần nữa: khi sống, hành xử bất nhân bất nghĩa; khi chết, lại hòng hưởng nghĩa tử nghĩa tận là sao, dễ dàng vậy à? Đơn giản hay đang giỡn?!

A-. Thảm sát Gạc Ma 1988: Có hay không lệnh “Không được nổ súng”? – Có đấy! (Mời đọc lại Phần 3).


Bên Liên Âu năm 2018, bia TsingTao (Thanh đảo) của Tàu cộng giá chừng 1 €/chai 33cl. Bia Gạc Ma ở Việt Nam năm 1988 giá chính thức ít nhất 64 mạng người!

B-. Vai trò tội lỗi của Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trong Mật nghị Thành Đô 1990

Ở mục 3 tiết B phần 2, Hải Ý em có nhắc lại ĐM Bồ tát thị hiện là 1 trong 3 chủ chốt phía Việt cộng đã đàm phán trong Mật nghị Thành Đô 1990 lần thứ nhất và cố ý bỏ sót tên Lê Đức Anh, vì muốn nói riêng về nhân vật này, tiếp theo từ đây:

Đường đường là Bộ trưởng Quốc phòng của CH xhcn Việt Nam, Lê Đức Anh lại là đầu têu cầu nối đưa đất nước Việt Nam ta vào rọ của Tàu cộng từ 1990 đến nay (2018), và không biết sẽ đến bao giờ. Để chứng minh tội lỗi của Lê Đức Anh và luận định nay mai, không gì khách quan bằng “lấy mỡ nó rán đó”, tức dùng ngay tài liệu khả tín của đồng chí đảng viên cộng sản cấp cao Trần Quang Cơ tố giác đồng chí cộng sản cao cấp Lê Đức Anh, cọng kiểm chứng, đối chiếu bằng hồi ký của “đồng chí anh em” là Đại sứ Tàu cộng Trương Đức Duy và Hồi ký “Nhật ký ngoại sự” (1) của Thủ tướng Tàu cộng Lý Bằng, người đã cùng với TBT Tàu cộng Giang Trạch Dân trực tiếp chủ trì cuộc đàm phán tại thủ phủ Thành Đô-Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 1990.

Trần Quang Cơ (1927-2015) là cán bộ ngành ngoại giao suốt 44 năm (1954-1997), là Uỷ viên trung ương đảng cộng sản Việt Nam, từng là Thứ trưởng thứ nhất Bộ ngoại giao và tháng 7/1991, là người đã từ chối thay thế “vật tế thần” Nguyễn Cơ Thạch (tên thật Phạm Văn Cương) làm Bộ trưởng, nên ông – Trần Quang Cơ là nhân chứng lịch sử cực kỳ quan trọng và là người đặc biệt khả tín khi chúng ta đọc kỹ về Mật nghị Thành Đô 1990 trong hồi ký của ông có tên 'Hồi ức và Suy nghĩ'. Trần Quang Cơ viết:

1-. Thuốc đắng nhưng không dã được tật

“Ngày 05/06/1990, vài ngày trước khi Từ Đôn Tín [từ Bắc Kinh] đến Hà Nội, TBT Nguyễn Văn Linh đã mời đại sứ Trương Đức Duy (vừa từ Bắc Kinh trở lại Hà Nội) đến Nhà khách Trung ương đảng nói chuyện thân mật để tỏ lòng trọng thị đối với Bắc Kinh. Trong cuộc gặp, như để chấp nhận lời phê bình của Đặng Tiểu Bình (nói qua Kaysone Phomvihane, TBT đảng cách mạng nhân dân Lào kiêm Thủ tướng CH dân chủ nhân dân Lào, có cuộc hội kiến với Đặng Tiểu Bình, 10/1989), Nguyễn Văn Linh nói: “Trong quan hệ hai nước, 10 năm qua có nhiều cái sai. Có cái đã sửa như việc sửa đổi Lời nói đầu của Hiến pháp (2), có cái sai đang sửa”. Anh sốt sắng ngỏ ý muốn sang gặp lãnh đạo Trung Quốc để “bàn vấn đề bảo vệ Chủ nghĩa xã hội” vì “đế quốc đang âm mưu thủ tiêu chủ nghĩa xã hội…, chúng âm mưu diễn biến hòa bình, mỗi đảng phải tự lực chống lại. Liên Xô là thành trì XHCN, nhưng lại đang có nhiều vấn đề. Chúng tôi muốn cùng các người cộng sản chân chính bàn vấn đề bảo vệ chủ nghĩa xã hội… Tôi sẵn sàng sang Trung Quốc gặp lãnh đạo cấp cao Trung Quốc để khôi phục lại quan hệ hữu hảo. Các đồng chí cứ kêu một tiếng là tôi đi ngay… Trung Quốc cần giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, kiên trì chủ nghĩa Mác-Lênin…

Sáng 06/06/1990, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh lại gặp riêng và mời cơm Đại sứ Trương Đức Duy. Cuộc gặp riêng chỉ giữa hai người, Trương Đức Duy vốn là thông dịch, rất thạo tiếng Việt nên không cần có người làm phiên dịch. Nội dung cuộc gặp này mãi đến ngày 19/06 trong cuộc họp Bộ chính trị (BCT) để đánh giá cuộc đàm phán 11-13/06 giữa tôi [Trần Quang Cơ] và Từ Đôn Tín, Lê Đức Anh mới nói là đã gặp Trương Đức Duy để nói cụ thể thêm ba ý mà anh Linh đã nói với đại sứ Trung Quốc (tham tán Lý Gia Trung và Bí thư thứ nhất Hồ Càn Văn) đã cho ta biết nội dung câu chuyện giữa Lê Đức Anh và Trương Đức Duy. 

“Theo Hồ Càn Văn, ngày 23/05/1990 Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Vũ Xuân Vinh đã mời Tùy viên quân sự Trung Quốc Triệu Nhuệ đến để thông báo là TBT Nguyễn Văn Linh và Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh sẽ tiếp Từ Đôn Tín khi đến Hà Nội. Chính những động thái bất thường và vượt ra ngoài khuôn khổ ngoại giao này của ta đã làm cho Trung Quốc hiểu rằng nội bộ Việt Nam đã có sự phân hoá và vai trò của Bộ Ngoại giao không còn như trước.” (Trích sách đã dẫn chương 10).

Trích hồi ký của đại sứ Tàu cộng Trương Đức Duy tại Hà Nội cùng thời điểm đó:

“Hơn 10 năm qua, quan hệ Trung-Việt ở trạng thái không bình thường, sứ quán không có mối liên hệ nào với người tin cậy bên Nguyễn Văn Linh, vậy thì nên thông qua con đường nào đây để yêu cầu được gặp riêng một cách ổn thỏa hơn? Tôi triệu tập ngay cuộc họp Đảng ủy mở rộng, mời mọi người bàn bạc ra mưu sách. Ý tưởng thông qua con đường Vụ đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam thì sợ sẽ không giữ được bí mật, mà cũng khó để thực hiện “gặp riêng”.

Có đồng chí nêu xem có thể thông qua con đường quân đội được không? Tôi cho như thế sẽ khá là ổn thỏa, lại càng có lợi hơn cho việc bảo mật. Thế là tôi liền nghĩ tới Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh Cục trưởng Cục đối ngoại Bộ quốc phòng mà tôi khá thân thiết, từ ngày đến Việt Nam lần này, tôi đã gặp ông ta vài lần, quan hệ rất tốt, có thể thông qua ông ta để yêu cầu được gặp Đại tướng Lê Đức Anh (Ủy viên Bộ chính trị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, Bộ trưởng Bộ quốc phòng) thân thiết với Nguyễn Văn Linh, rồi xin Lê Đức Anh giúp đỡ bố trí cho tôi bí mật gặp Nguyễn Văn Linh.

Mọi người thấy biện pháp này có thể được. Thế là tôi lập tức cho Tùy viên quân sự Triệu Nhuệ liên hệ chính thức với Cục trưởng Vũ Xuân Vinh. Khi gặp Cục trưởng Vũ Xuân Vinh, Tùy viên quân sự Triệu đã trịnh trọng đề xuất: “Đại sứ Trương có việc gấp và quan trọng muốn được gặp Bộ trưởng Lê Đức Anh. Xin Cục trưởng bố trí cho ngay”.

Chiều hôm đó, Vũ Xuân Vinh trả lời Tùy viên quân sự Triệu rằng: “Đồng chí Đại tướng rất vui lòng được gặp đồng chí Đại sứ, 8 giờ sáng hoặc 7 giờ tối mai đều được. Đại tướng còn nói, sau này đồng chí Đại sứ có muốn gặp ông thì cứ Cục đối ngoại Bộ quốc phòng bố trí là được”. Vào 8 giờ sáng ngày 20 tháng 8, xe của tôi chạy thẳng vào Bộ quốc phòng. Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh đón đợi ở cổng tòa nhà, dẫn tôi vào phòng tiếp khách của Bộ trưởng rồi lui ra, khép chặt cửa lại. Tôi đang tiến thẳng vào thì Bộ trưởng Lê Đức Anh cũng bước vào phòng khách từ một cửa khác, khi gặp nhau Lê Đức Anh bắt tay, ôm tôi rất nhiệt tình.

Tôi nói xã giao: “Thực sự được xin lỗi, mới sáng ra đã tới làm phiền đồng chí Đại tướng”. Đại tướng Lê Đức Anh mỉm cười bảo: “Đại sứ đến lúc nào tôi cũng tiếp”. Trong phòng khách ngoài hai chúng tôi ra, không có ai đi theo. Chuyện trò hàn huyên xong tôi chuyển ngay sang chủ đề chính, đầu tiên bày tỏ lãnh đạo Trung Quốc rất coi trọng mối quan hệ Trung-Việt, hiện nay tình hình quốc tế phát triển rất nhanh, thời gian không chờ đợi mình, cả hai bên cần chớp lấy thời cơ, nhanh chóng loại bỏ trở ngại là vấn đề Campuchia, từ đó thực hiện bình thường hóa quan hệ Trung-Việt. 

Sau đó tôi nhắc đến lời nhắn của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã được ghi lại gửi cho tôi, tôi cảm thấy hết sức quan trọng, cho nên mong được gặp riêng Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh để trực tiếp lắng nghe ý kiến của Tổng bí thư, đồng thời tôi cũng có một vài điều nữa cần nói với Tổng bí thư. Tôi nói, hiện giờ mà thông qua con đường khác sẽ có khó khăn, cho nên xin phiền đồng chí Đại tướng giúp cho. Lê Đức Anh nói rất thoải mái: “Đây quả thực là việc hết sức quan trọng, hôm nay tôi sẽ báo cáo lại yêu cầu của Đại sứ với Tổng bí thư”. Tiếp đó, Lê Đức Anh cũng nói về hai quan điểm, đại ý là: Thứ nhất, nhấn mạnh Nguyễn Văn Linh rất có tình cảm với Trung Quốc, luôn chủ trương thân thiện với Trung Quốc, từ sau khi nhậm chức Tổng bí thư vào năm 1986 đã làm rất nhiều việc để khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước hai Đảng. Trước tình hình thế giới phức tạp như hiện nay, việc thực hiện bình thường hóa quan hệ giữa hai nước lại càng trở thành niềm mong muốn ấp ủ của ông ấy...”

Và cuộc gặp giữa Trương Đức Duy và Lê Đức Anh có kết quả diễn tiến theo lời kể của Trương Đức Duy như sau: 

“Chiều hôm đó, Cục trưởng Vũ Xuân Vinh hẹn gặp gấp Tùy viên quân sự Triệu, nói rằng: “Theo chỉ thị của Đại tướng Lê Đức Anh, xin chuyển lời tới Đại sứ Trương. Vào 19 giờ 30 phút ngày 22, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ gặp riêng Đại sứ Trương tại phòng khách Bộ trưởng Bộ quốc phòng. Cả hai bên đều không đem theo phiên dịch và thư kí. Đề nghị Đại sứ Trương đổi sang một chiếc xe nhỏ, không cắm quốc kỳ, đi vào từ cửa bên Bộ quốc phòng...

Vào 9 giờ tối hôm đó, Tùy viên quân sự Triệu vừa gặp mặt trung tá Vũ Tần đã nói thẳng vào vấn đề luôn rằng Đại sứ Trương có việc hết sức gấp và quan trọng, mong được gặp ngay Đại tướng Lê Đức Anh, xin đồng chí trung tá giúp bố trí cho. Vũ Tần bảo Đại tướng tối nay tham dự Hội nghị toàn thể Ban chấp hành trung ương khóa 9 Đảng cộng sản Việt Nam, không biết lúc nào tan. Tôi sẽ đến ngay nhà ông ta xem sao. Khi Đại tướng định giờ gặp một cái là tôi sẽ gọi ngay điện thoại báo cho anh biết. Tùy viên quân sự Triệu vừa về tới sứ quán chưa được bao lâu đã nhận ngay được trả lời điện thoại của Vũ Tần: “Đúng 8 giờ sáng mai Đại tướng sẽ gặp Đại sứ Trương, địa điểm vẫn ở chỗ cũ”. Sáng ngày 29, tôi đến phòng khách Bộ trưởng Bộ quốc phòng đúng giờ.

Khi gặp mặt, Đại tướng Lê Đức Anh nói một cách dí dỏm: “Trông bộ dạng Đại sứ Trương vui thế kia, chắc là đem tin tốt lành đến cho chúng tôi rồi”. Tôi nói: “Chiều tối qua, tôi nhận được chỉ thị quan trọng của Trung ương. Cho nên, hôm nay vừa mới sáng ra đã lại tới làm phiền anh rồi”.

Tiếp đó, tôi thông báo lại với Đại tướng Lê Đức Anh việc Tổng bí thư Giang Trạch Dân, Thủ tướng Lý Bằng mời Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Phạm Văn Đồng đi thăm Trung Quốc theo đường nội bộ, xin Lê Đức Anh chuyển lời mời đồng thời bố trí cho tôi được gặp Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh một lần nữa, để trả lời trực tiếp với đồng chí ấy.

Lê Đức Anh bày tỏ: “Đây quả thực là một tin tốt lành, tôi nghe mà cảm thấy rất phấn khởi. Xin đồng chí Đại sứ cứ yên tâm, tôi sẽ báo cáo ngay với Tổng bí thư. Chuyến đi thăm lần này hết sức quan trọng, chúng tôi phải có những nỗ lực lớn nhất để chuyến đi thăm được thành công.”

Sau khi cáo từ Lê Đức Anh về sứ quán được khoảng hơn 1 tiếng, Trung tá Vũ Tần ở Bộ quốc phòng Việt Nam đã hẹn với Tùy viên quân sự Triệu rằng: "Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh sẽ cùng với Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười gặp Đại sứ Trương vào 4 giờ chiều nay. Đại sứ có thể chính thức đề xuất yêu cầu được gặp mặt với Ban đối ngoại Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam...” (Bản tiếng Việt của dịch giả Quốc Thanh) (4).

Sau đàm phán phiên đầu với Từ Đôn Tín, tôi [Trần Quang Cơ] về Bộ Ngoại giao hội báo lại với anh Thạch. Anh Thạch lúc này đang họp Hội nghị ngoại giao đánh giá tình hình Đông Âu-Liên Xô. Nghe tôi phản ánh tình hình đàm phán xong, anh liền gạn hỏi tôi có nói với Từ về “Giải pháp Đỏ” không (5). Tôi nói: “Đồng chí Lê Đức Anh đã dặn phải thận trọng tránh nói đến vấn đề đó khi đàm phán.” Anh Thạch vặn lại: “Vậy đồng chí nghe theo ý kiến Bộ trưởng Quốc phòng hay ý kiến Bộ trưởng Ngoại giao?”. Tôi đáp: “Là cán Bộ Ngoại giao, tôi sẵn sàng chấp hành ý kiến anh, với sự hiểu biết rằng anh nói với tư cách là Uỷ viên Bộ Chính trị”. Lúc ấy tôi thật bất ngờ trước phản ứng của anh Thạch, nhưng đồng thời cũng cảm nhận được vết rạn nứt trong BCT đã khá sâu. (Trích Trần Quang Cơ, sách đã dẫn chương 10).

Sau Mật nghị Thành Đô, trong cuộc họp BCT ngày 15-17/05/1991, 

Phạm Văn Đồng nói: “Vấn đề chủ yếu không phải là thái độ của ta ở Thành Đô như anh Mười nói, mà là kết quả và tác động đến bạn Campuchia đánh giá ta như thế nào? Ở Thành Đô, điều ta làm có thể chứng minh được nhưng Campuchia cho là ta giải quyết trên lưng họ. Vì vậy mà tôi ân hận. Tôi ân hận là về sau này sẽ để lại hậu quả.”

Đỗ Mười đáp lại: “Với tinh thần một người cộng sản, tôi cho là ta không sai. Bạn Campuchia nghĩ gì về ta là quyền của họ. Với tinh thần một người cộng sản, ta không bao giờ vi phạm chủ quyền của bạn.”.

* TTHY lưu ý: “Ta không bao giờ vi phạm chủ quyền của bạn” nhưng Sáu Búa Lê Đức Thọ và Sáu Nam Lê Đức Anh là cặp bài trùng mang bộ đội sang đánh Khmer Đỏ, lật đổ Polpot, “giải phóng” Campuchia năm 1979, rồi ở lỳ (sa lầy) cho đến cuối tháng 9/1989 mới buộc lòng rút hết quân về vì sức ép từ Tàu cộng trong quá trình tiến tới “bình thường hoá quan hệ Việt-Trung”, tức Mật nghị Thành Đô 1990 để “bảo vệ xã hội chủ nghĩa đồng thời chống Mỹ và phương Tây”. 

2-. Cuộc gặp cấp cao Việt-Trung tại Thành Đô

Ngày 29/08/1990, đại sứ Trương Đức Duy xin gặp gấp TBT Nguyễn Văn Linh và Thủ tướng Đỗ Mười chuyển thông điệp của TBT Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng mời TBT Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng sang Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 03/09/1990 để hội đàm bí mật về vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước. Trương nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp anh Tô (Phạm Văn Đồng). Trung Quốc còn lấy cớ ở Bắc Kinh đang bận chuẩn bị tổ chức ASIAD (Á Vận hội) nên không gặp cấp cao Việt Nam ở thủ đô Bắc Kinh được vì khó giữ được bí mật, mà gặp ở Thành Đô.

Ngày 30/08/1990, Bộ Chính trị họp bàn về việc gặp lãnh đạo Trung Quốc. Anh Linh nêu ý kiến là sẽ bàn hợp tác với Trung Quốc để bảo vệ CNXH chống đế quốc, và hợp tác giữa PhnomPenh và Khmer đỏ để giải quyết vấn đề Campuchia, mặc dù trước đó Bộ Ngoại Giao đã trình bày đề án nêu rõ là rất ít khả năng thực hiện phương án này vì phương hướng chiến lược của Trung Quốc vẫn là tranh thủ phương Tây phục vụ “4 hiện đại”. Anh Lê Đức Anh bổ sung ý anh Linh: “Phải nói về hoà hợp dân tộc thực sự ở Campuchia. Nếu không có Polpot thì vẫn tiếp tục chiến tranh”. Anh Võ Chí Công không đồng ý, nói: “Trung Quốc sẽ không nghe ta về hợp tác bảo vệ CNXH. Trung Quốc muốn tranh thủ phương Tây”. Anh Thạch cảnh giác: “Vẫn có 3 khả năng về quan hệ giữa ta và Trung Quốc, không phải chỉ là khả năng tốt cả. Dự kiến Trung Quốc sẽ nêu công thức “SNC 6+2+2+2” [Supreme National Council / Hội đồng tối cao Quốc gia] để nhấn rõ là có 4 bên Campuchia (trong đó Khmer đỏ là 1 bên), xoá vấn đề diệt chủng...” Sự thực sau này cho thấy Trung Quốc còn đòi cao hơn thế !

Ngày 02/09/1990, ba đồng chí lãnh đạo cao cấp của ta đến Thành Đô đúng hẹn. Tháp tùng có Hồng Hà-Chánh Văn phòng Trung ương, Hoàng Bích Sơn-Trưởng ban Đối ngoại, và Đinh Nho Liêm – Thứ trưởng Bộ Ngoại Giao. Đáng chú ý là trong đoàn không có Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. (Trích sđd chương 13).


Hàng trước từ trái sang: (1) Hoàng Bích Sơn, (3) Phạm Văn Đồng, (4) Nguyễn Văn Linh, (5) Giang Trạch Dân, (6) Lý Bằng, (7) Đỗ Mười, (8) Hồng Hà và (9) Đinh Nho Liêm. 

* TTHY lưu ý: Sau Thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn ngày 04/06/1989, Tàu cộng bị cấm vận (kinh tế, chính trị, quân sự), do đó nối lại bang giao với Việt cộng là chính sách có nhiều lợi thế cho Tàu cộng trên trường Quốc tế. Vả lại, sau khi khối cs Đông Âu và Liên Xô liên hoàn sụp đổ cuối năm 1990, Tàu cộng càng thấy rõ nhược điểm cũng như sự “bơ vơ cô độc trên hầu như mọi mặt” (kinh tế, chính trị, quốc phòng, v.v…) của Việt cộng (3). 

Đúc kết Mật nghị Thành Đô là văn kiện “Kỷ yếu hội nghị”, nhưng cho đến nay đại chúng cả hai nước Việt – Trung đều không biết nội dung cụ thể gồm những cam kết, thoả thuận ra sao, vì cả hai bên đều giấu nhẹm. Tuy nhiên, qua những dữ liệu tiếp theo dưới đây, ai cũng có thể suy ra bộ sậu Việt cộng đã thấp hơn bộ sậu Tàu cộng ít nhất nguyên một cái đầu! Nguồn cơn của sự dưới cơ này, trước và nay, là do nan y Việt cộng cả tin Tàu cộng “vừa là đồng chí xhcn 4 tốt, vừa là anh em môi răng 16 chữ vàng”. 

3-. Thành Đô là thành công hay thất bại của (người) ta?

Ngay sau khi ở Thành Đô về, ngày 05/09/1990 anh Linh và anh Mười, có thêm anh Thạch và Lê Đức Anh, đã bay sang PhnomPenh thông báo lại với BCT Campuchia nội dung cuộc gặp gỡ cấp cao Việt-Trung. Để thêm sức thuyết phục PhnomPenh nhận Thoả thuận Thành đô, anh Linh nói với lãnh đạo Campuchia: “Phải thấy giữa Trung Quốc và đế quốc cũng có mâu thuẫn trong vấn đề Campuchia. Ta phải có sách lược lợi dụng mâu thuẫn này. Đừng đấu tranh với Trung Quốc đến mức xô đẩy họ bắt tay chặt chẽ với đế quốc.” Lập luận này được Lê Đức Anh mở rộng thêm: “Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xoá cộng sản. Nó đang xoá ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xoá cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc.”

Nhìn lại, trong cuộc gặp Thành Đô, (người) ta đã mắc lỡm với Trung Quốc ít nhất trên 3 điểm:

* Trung Quốc nói cuộc gặp Thành Đô sẽ đàm phán cả vấn đề Campuchia và vấn đề bình thường hoá quan hệ, nhưng thực tế chỉ bàn vấn đề Campuchia, còn vấn đề bình thường hoá quan hệ hai nước, Trung Quốc vẫn nhắc lại lập trường cũ là có giải quyết vấn đề Campuchia mới nói đến chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước [Việt-Trung];

* Trung Quốc nói mập mờ là Đặng Tiểu Bình có thể gặp cố vấn Phạm Văn Đồng, nhưng đó chỉ là cái “mồi” để kéo anh Đồng tham gia gặp gỡ cấp cao.

* Trung Quốc nói giữ bí mật việc gặp cấp cao hai nước, nhưng ngay sau cuộc gặp hầu như tất cả các nước đã được phía Trung Quốc trực tiếp hay gián tiếp thông báo nội dung chi tiết bản thoả thuận Thành Đô theo hướng bất lợi cho ta.

Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ Chủ nghĩa xã hội (cnxh), thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và cnxh thế giới, chống lại hiểm hoạ “diễn biến hoà bình” của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô cũng như sai lầm “Giải pháp Đỏ” (5).

Sau Mật nghị Thành Đô, trong cuộc họp BCT ngày 15-17/05/1991, 

Anh Võ Văn Kiệt: Trong thâm tâm tôi, tôi không đồng ý có anh Tô trong đoàn đi Thành Đô. Nếu có gặp anh Đặng thì anh Tô đi là đúng. Tôi nói thẳng là tôi xót xa khi biết anh Tô đi cùng anh Linh và anh Mười chỉ để gặp Giang và Lý, không có Đặng. Mình bị nó lừa nhiều cái quá. Tôi nghĩ Trung Quốc chuyên là cạm bẫy.”

Vốn là người điểm đạm, song anh Tô có lúc đã phải phát biểu: Mình hớ, mình dại rồi mà còn nói sự nghiệp cách mạng là trên hết, còn được hay không thì không sao. Cùng lắm là nói cái đó, nhưng tôi không nghĩ như vậy là thượng sách. Tôi không nghĩ người lãnh đạo nên làm như vậy.

Cuộc hội đàm Thành Đô tháng 9/1990 hoàn toàn không phải là một thành tựu đối ngoại của ta, hiện tại đó là một sai lầm hết sức đáng tiếc về đối ngoại. Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thoả thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại thoả thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó làm việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố.

Việc ta đề nghị hợp tác với Trung Quốc bảo vệ cnxh chống đế quốc Mỹ, thực hiện “Giải pháp Đỏ” (5) ở Campuchia là không phù hợp với Nghị quyết 13 của BCT mà còn gây khó khăn với ta trong việc đa dạng hoá quan hệ với các đối tượng khác như Mỹ, phương Tây, ASEAN, và tác động không thuận lợi đến quan hệ giữa ta và đồng minh, nhất là quan hệ với Liên Xô và Campuchia. Trung Quốc một mặt bác bỏ những đề nghị đó của ta, nhưng mặt khác lại dùng ngay những đề nghị đó chơi xấu ta với các nước khác nhằm tiếp tục cô lập ta, gây sức ép với ta và Campuchia.

Cùng với việc ta thúc ép PhnomPenh đi vào “Giải pháp Đỏ” (5), việc ta thoả thuận với Trung Quốc công thức SNC tại Thành Đô là không phù hợp với nguyên tắc nhất quán của đảng ta là không can thiệp và không quyết định các vấn đề nội bộ của Campuchia, làm tăng mối nghi ngờ vốn có của Campuchia đối với ta, đi ngược lại chủ trương tăng cường và củng cố mối quan hệ với ta, với Campuchia và Lào. (Trích sđd chương 14).

4-. Cái giá phải trả cho việc bình thường hoá quan hệ với Trung Quốc

Trong Đại hội đảng khoá VII tháng 6/1991, có nhiều thay đổi quan trọng về nhân sự: Đỗ Mười lên thay Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí Thư, Lê Đức Anh thành Uỷ viên thường trực BCT kiêm bí thư trung ương tức vị trí số 2 trong đcs VN, Võ Văn Kiệt làm Thủ tướng; Võ Nguyên Giáp mất chức Ủy viên Trung ương, Nguyễn Cơ Thạch bị bật khỏi Bộ chính trị và mất chức BT Ngoại giao sau đó không lâu. Báo chí Âu-Mỹ bóng gió Nguyễn Cơ Thạch là “vật tế thần” của Việt cộng cho vừa lòng Tàu cộng, còn Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ từng gào lên giữa các đồng sự: “Mọi người biết không, người ta sắp cắt thủ cấp Nguyễn Cơ Thạch để dâng cho “nước ngoài” rồi” và ông đã khéo léo viện lý do “sức khoẻ” với TBT Đỗ Mười để từ chối chức vụ BT Bộ Ngoại giao mà bao nhiêu đảng viên cao cấp khác hằng mơ ước. 

Nói chung, từ sau Đại hội VII (06/1991), tiến trình bình thường hoá quan hệ Việt Nam – Trung Quốc như cỗ máy đã được tra dầu đầy đủ, diễn biến trơn tru theo trình tự đã định. Ngày 5-10/11/91, sau khi Hiệp định về Campuchia được ký kết ở Paris, TBT Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm chính thức CHND Trung Hoa để hoàn thành việc bình thường hoá mối quan hệ bị trục trặc lớn từ tháng 02/79. Nhưng trong khi lãnh đạo ta ôm kỳ vọng cùng Trung Quốc “bảo vệ CNXH chống đề quốc” thì họ đã xác định quan hệ với ta là “thân nhi bất cận, sơ nhi bất viễn, tranh nhi bất đầu” (thân nhưng không gần, sơ nhưng không xa, đấu tranh nhưng không đánh nhau). Trung Quốc nói thế song luôn luôn lấy thế nước lớn để lấn chiếm lãnh thổ lãnh hải ta, và hiểm độc nhất là không ngừng tác động vào nội bộ ta. (Trích sđd chương 18).

*

Vai trò đầu têu cầu nối bán nước của Lê Đức Anh (nói riêng ở phần 4 này) đã được chính báo đảng cs Vietnamnet chỉ ra như sau: 

1-. “Sau khi ông Lê Đức Anh đi “tiền trạm” về. Từ ngày 03 đến ngày 10/11/1991, Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc. Hai bên Hội đàm, ra thông cáo chung và kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữ hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời kí cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.” (6)

“Đồng chí Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Linh v.v… đã có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng khởi đầu cho mối quan hệ bằng 16 chữ vàng và 4 tốt hiện nay. Tiếp nối truyền thống của Mao chủ tịch và Hồ chủ tịch đã xây dựng…” (6).

2-. “Đối với Trung Quốc (TQ), ngay sau khi ông Lê Đức Anh được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ Chính trị đã giao cho Ông “mở đầu” việc bình thường hoá quan hệ với TQ. Ông đã bắt đầu công việc bằng hai kênh: ngoại giao nhân dân và ngoại giao bí mật. Ông vào Tp. HCM chỉ đạo tổ chức gặp mặt bà con Hoa kiều Chợ Lớn để trao đổi về việc cần đưa quan hệ giữa hai dân tộc trở lại bình thường. Và Ông cũng có 4 cuộc gặp với Đại sứ TQ Trương Đức Duy tại Nhà khách Bộ Quốc phòng, 28 phố Cửa Đông, Hà Nội để bàn chuyện bình thường hoá quan hệ hai nước. Sau các hoạt động đó của Ông, tháng 7/1990, Thủ tướng TQ Lý Bằng, trong chuyến thăm Singapore đã “đánh tiếng” là “TQ sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với VN”. Rồi tháng 9/1990 phía TQ đã mời TBT Nguyễn Văn Linh, Cố vấn Phạm Văn Đồng và Thủ tướng Đỗ Mười thăm không chính thức TQ. Tháng 8/1991, Đại tướng Lê Đức Anh được cử làm “đặc phái viên của Bộ Chính trị” sang thăm nội bộ Trung Quốc. Trước khi Hội đàm, Tổng Bí thư Giang Trạch Dân đã gặp riêng Đại tướng Lê Đức Anh nêu một vài vấn đề. Ông Giang Trạch Dân nói: “Tới đây lãnh đạo hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung-Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải họp riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư, trước chưa biết nhưng sau này nghiên cứu lịch sử mới biết Trường Sa là của Trung Quốc”. Đại tướng Lê Đức Anh đáp ngay: “Tôi cũng giống như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về. Khi có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lí và pháp lí thì thấy rõ Hoàng sa và Trường sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam”. Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa, chỉ cười và bảo “thôi đến giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm”. Sau khi ông Lê Đức Anh đi “tiền trạm” về, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã thăm chính thức Trung Quốc và Hai bên đã kí kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước trên cơ sở 5 nguyên tắc hòa bình, đồng thời ký cả văn bản quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.” (7).

Cựu TT Nguyễn Tấn Dũng (phải) và CTN Trần Đại Quang (sinh thời, 23/02/2018) đến thăm cựu CTN Lê Đức Anh trong bệnh viện 108. (Hình: Facebook Triet Nguyen).

(Còn tiếp)

Phần đã đăng: Chính trị, Nhẫn tâm, Nghĩa tận và Mùa đảng tang (Phần 1) , (Phần 2) , (Phần 3) .

(Liège, 20/10/2018)


___________________________________

Chú thích:

(1) Xem Huỳnh Tâm-DLB, 10/09/2014: Lý Bằng tiết lộ Hội nghị Thành Đô 1990.


(2) Bản Hiến pháp 1959 (VNDCCH) được sửa đổi thành bản Hiến pháp 1980 (CH xhcnVN), hiến định Trung cộng là "bọn bá quyền xâm lược". Ngay trong Lời nói đầu, có đoạn, nguyên văn:

[Vừa trải qua ba mươi năm chiến tranh giải phóng, đồng bào ta thiết tha mong muốn có hòa bình để xây dựng Tổ quốc, nhưng lại phải đương đầu với bọn bá quyền Trung Quốc xâm lược cùng bè lũ tay sai của chúng ở Cam-pu-chia. Phát huy truyền thống vẻ vang của dân tộc, quân và dân ta đã giành được thắng lợi oanh liệt trong hai cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc chống bọn phản động Cam-pu-chia ở biên giới Tây Nam và chống bọn bá quyền Trung Quốc ở biên giới phía Bắc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của mình.].

(3) Xem thêm Dương Danh Dy, BBC 23/10/2014: Họp Thành Đô 'nguyên nhân và diễn biến'.

(4) Xem thêm Đặng Chí Hùng, 22/09/2013: Những sự thật cần phải biết - (Phần 25) - Lê Đức Anh: Kẻ bán nước!

(5) “Giải pháp Đỏ” có nội dung đàm phán bí mật giữa Việt cộng-Tàu cộng về việc phân chia ổ bánh ảnh hưởng trên vấn đề Campuchia hậu Polpot. 

(6) Trích báo cáo quan hệ ngoại giao tháng 02/2001 – Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam (bài này đã bị VNN xoá bỏ).

(7) Sơn Thủy & Đức Khải, 03/12/2010: Lê Đức Anh - Nhà lãnh đạo phong cách Bác Hồ. 


Lưu ý, 20/10/2018: Tiết 1 chú thích (6) có nội dung giống hệt với đoạn có đánh dấu màu đỏ trong hình chứng chú thích 7, ở dưới.


Giới thiệu chủ đề phần 5: 

Mùa đảng tang và Cái quan quan, dân luận định. 

Mời các bạn đón đọc tiếp.


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo