Kỷ niệm 45 năm Hải chiến Hoàng Sa và nhận diện kẻ thù của dân tộc Việt Nam - Dân Làm Báo

Kỷ niệm 45 năm Hải chiến Hoàng Sa và nhận diện kẻ thù của dân tộc Việt Nam

Mẹ Nấm (Danlambao) - Cách đây hơn nửa thế kỷ, Thống tướng Douglas MacArthur của Hoa Kỳ đã để lại một câu nói bất hủ: "Old soldiers never die, they just fade away" - Những người lính già không bao giờ chết, họ chỉ mờ nhạt đi. Tuy nhiên, tại Việt Nam, có những người lính trẻ đã chết, cái chết của họ không chỉ mờ nhạt đi mà còn bị xoá mờ chứng tích, bị chôn vào quên lãng. Đó là những người lính Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc để bảo vệ núi rừng và biển đảo của tổ tiên.

Nhiều năm trước, không thể tìm thấy những thông tin lịch sử trung thực của những cuộc chiến tranh chống quân xâm lược Trung Cộng: hải chiến Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988, chiến tranh biên giới phía Bắc 1979... Các nỗ lực tổ chức những hoạt động tưởng niệm đều bị ngăn chặn hoặc phá rối. 

Ai đứng đằng sau những chỉ thị ấy?

Vài năm trở lại đây, đài truyền hình quốc gia VTV và báo chí lề đảng đã được phép nhắc về Hoàng Sa 1974, Gạc Ma 1988... và nhiều người đã xem chỉ thị được mở miệng đó là một sự thay đổi của đảng Cộng Sản. 

Riêng tôi thì không.

Đã có nhiều nhà báo viết về sự kiểm duyệt thông tin liên quan đến Trung Cộng, đã có thông tin cho thấy sự thoả thuận kiểm duyệt nội dung cấp cao và trong nhiều năm qua Ban Tuyên giáo đã thực hiện rất đúng chỉ thị đó. 

Với sự lãnh đạo độc tài, đảng Cộng Sản Việt Nam đã tự cho mình quyền được viết lại lịch sử và ban phát quyền được nói cho toàn xã hội. Đó là tội ác! Bởi không một cá nhân, không một đảng phái chính trị hay thế lực nào có thể giẫm đạp lên lịch sử.

Những người đã ngã xuống để bảo vệ Tổ quốc là những anh hùng. Họ đã chọn những cái chết bi tráng. Nhưng chắc không có đau đớn nào bằng cái chết của sự thật về những cái chết bi tráng đó. Đảng cộng sản VN trong nhiều năm tháng bằng mọi cách đã xoá đi những vết tích anh hùng của dân tộc trong khi luôn ra sức ca tụng những anh hùng không có thật và thần thánh hoá những tên lãnh đạo bán nước. 

Và có lẽ chỉ có ở Việt Nam mới có chuyện anh hùng bị phân biệt đối xử một cách rạch ròi. Sự xếp loại không tuỳ thuộc vào những người đã nằm xuống vì đại nghĩa, vào xương máu của họ đã đổ ra như thế nào. Nó tuỳ thuộc vào mức độ còng lưng của những kẻ làm ông trời con ở phương Nam nhưng nhiệt tình cúi đầu vái lạy thiên triều phương bắc.

Ở Việt Nam, các anh hùng có được ghi nhớ hay không?!

Điều này tùy thuộc vào ý muốn và mệnh lệnh của kẻ thù đã bắn những viên đạn xâm lăng vào họ.

19/1/1974 - 19/1/2019, kỷ niệm 45 năm hải chiến Hoàng Sa, vẫn còn nhiều người trẻ lầm lẫn các khái niệm lịch sử. Họ vẫn nuôi sự thù hận với những người lính Việt Nam Cộng Hoà đã ngã xuống bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là tội ác. Lẽ ra nếu muốn “giáo dục” những thế hệ sinh sau năm 1975 về lòng yêu nước hiệu quả, đảng Cộng sản VN không được chọn cách lãng quên. Bởi người Việt dù sống ở chế độ nào cũng cần phải ghi ơn những người lính đã hy sinh vì Tổ quốc. Người trẻ sẽ sống có trách nhiệm, có tinh thần tự cường và nhận thức đúng đắn với lịch sử hơn nếu sự thật không bị chôn vùi.

Tuy nhiên, làm sao có được một ý chí giáo dục lòng yêu nước từ một tập đoàn bán nước!?

Không thể ghi nhận quyền được mở miệng của báo chí hôm nay về trận Hải chiến Hoàng Sa năm 1974, bởi đã đến lúc phải minh bạch trách nhiệm của đảng Cộng Sản trước nhân dân trong việc nhận diện kẻ thù. 

Tổ tiên đã dạy: "Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào tự tiện bỏ đi được." Thác Bản Giốc, Ải Nam Quan, Hoàng Sa - Trường Sa... đã lần lượt bị lấn chiếm.

Và những ai cố tình chối bỏ lịch sử, viết lại lịch sử, tránh gọi tên kẻ thù, ngăn chặn, dập tắt mọi nỗ lực tưởng niệm các anh hùng đã ngã xuống vì Tổ quốc chính là kẻ thù của dân tộc Việt Nam. 


19.01.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo