Phác họa một trật tự chính trị hậu cộng sản cho Việt Nam - Dân Làm Báo

Phác họa một trật tự chính trị hậu cộng sản cho Việt Nam

Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Đầu năm Kỷ Hợi 2019, tôi khai bút trên phương diện tư duy chính trị như sau.

Trong môi trường toàn cầu hóa và cách mạng thông tin hiện tại, không những cộng đồng người Việt hải ngoại mà ngay cả trong nước, đều tiếp cận được những tư tưởng khai phóng nhất của nhân loại về dân chủ và nhân quyền. Hầu như có sự đồng thuận rằng mọi hình thức độc tài phải cáo chung và bước đi của dân chủ và nhân quyền là bất khả vãn hồi.

Chính vì thế, xây dựng một trật tự chính trị dân chủ chân chính hậu cộng sản là một điểm đồng thuận của các tổ chức chính trị trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, một trong những lý do tiến trình dân chủ hóa đất nước bị trì trệ là vì nhiều người còn băn khoăn chưa mường tượng được một khi trật tự chính trị cộng sản cáo chung thì những đường nét chính của một trật tự chính trị hậu công sản cho đất nước chúng ta là gì?

Trách nhiệm của những cá nhân và tổ chức thực sự dấn thân vào tiến trình dân chủ hóa Việt Nam là phác họa một trật tự chính trị hậu cộng sản, hầu định hướng và tập trung sức mạnh, lật đổ trật tự chính trị Mác Lê đã lỗi thời.

Cá nhân tôi viết một số sách và tài liệu hầu góp phần nhỏ của mình vào tác động phác họa một trật tự chính trị như thế. Trật tự chính trị mà tôi phác họa bao gồm các điểm chính sau đây và tuy nhiều người than phiền rằng các sách và bài viết của tôi tương đối khó hiểu, nhưng nếu đả thông được các điểm sau đây, người đọc sẽ cảm thấy dễ hiểu hơn:

1. Nhu cầu phục hưng văn hóa dân tộc:

Đây là một nhu cầu có tính hiển nhiên (common sense) mà ai cũng nhận ra khi chứng kiến sự tàn phá nền văn hóa và đạo đức truyền thống của ý thức hệ Mác Lê. Ý thức hệ Mác Lê hoàn toàn sai lầm khi chủ trương tiêu diệt tất cả các bản giá trị đạo đức và văn hóa truyền thống, hầu xây dựng một nền văn hóa không tưởng của quốc tế cộng sản. Thêm vào đó, chúng ta chứng kiến trên toàn cõi các quốc gia cựu cộng sản tại Nga Sô lẫn Đông Âu và các quốc gia cựu cộng sản khác, những phong trào phục hồi bản sắc dân tộc hùng mạnh. Nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, qua 5,000 văn hiến cần phải được phục hưng tương tự.

2. Nhu cầu xây dựng một nền dân chủ bao gồm 3 yếu tính: hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Dân chủ là một khái niệm bao quát. Tuy nhiên thế nào là một nền dân chủ nghiêm chỉnh cần phải được xác định hầu định hướng tư tưởng cũng như hành động của chúng ta. Trong các cuốn sách tôi viết bằng song ngữ Anh và Việt “Việt Nam Dân Chủ Tranh Đấu Luận” và “Dự Thảo Hiến Pháp Việt Nam trên quan điểm Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên”, các yếu tố “hiến định”, “pháp trị” và “đa nguyên” được phân tách, sự cần thiết và tương quan giữa những yếu tố được xác định và hiến định hóa cụ thể trong một bản dự thảo hiến pháp, hầu những nhà tranh đấu cho dân chủ có thể nắm bắt các khái niệm dễ dàng.

3. Một tương quan nghiêm chỉnh (mang tính cứu cánh và phương tiện) giữa nhu cầu phục hưng văn hóa dân tộc và khái niệm xây dựng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên:

Tuy xây dựng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên vô cùng quan trọng, không kém gì phục hưng văn hóa dân tộc, nhưng khi cân nhắc tương quan giữa 2 mệnh đề quan trọng này thì phục hưng văn hóa dân tộc phải là cứu cánh và xây dựng dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên chỉ có thể là phương tiện. Lý do đơn giản là vì tuy chúng ta cần xây dựng dân chủ để bắt kịp nhân loại văn minh, sau 70 năm dài chìm đắm trong bóng tối u mê xã hội chủ nghĩa, nhưng nền văn hóa của dân tộc chính là bản lai diện mục của Việt Tộc. Cần phải phục hồi bản lai diện mục của mình, sau cơn đại họa cộng sản. Dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên dù sâu sắc và cần thiết bao nhiêu, cũng chỉ có thể là phương tiện. Nền văn hóa ngàn đời của dân tộc mới là cứu cánh thực sự của chúng ta.

4. Thứ tự ưu tiên của 3 yếu tính trong một nền dân chủ chân chính: hiến định, pháp trị và đa nguyên.

Trong 3 yếu tính này thì theo quan điểm của tôi, yếu tính pháp trị là quan trọng và vượt trội nhất. Dĩ nhiên cả 3 đều quan trọng và có tính tương sinh và tương tùy trong một nền dân chủ chân chính. 

Tại sao yếu tính pháp trị là quan trọng nhất? 

Lý do là ngay cả trong một chế độ chính trị không dân chủ, nếu xây dựng được một hệ thống pháp trị thật sự công bằng và độc lập, thì những nhân quyền căn bản con người vẫn được bảo vệ nghiêm túc, như Hồng Kong dưới sự cai trị của Anh Quốc hoặc bây giờ. Ngược lại, ngay cả trong một nền dân chủ đa nguyên, nếu hệ thống pháp trị lỏng lẻo và thiếu công bằng, độc lập thì những nhân quyền căn bản đều dễ bị vi phạm.

5. Sự giảm thiểu hiểm nguy của ý thức hệ giáo điều như phản đề của tự do tư tưởng:

Tôi là một người luôn ngưỡng mộ câu nói bất hủ của tư tưởng gia người Pháp Raymond Aaron “Giáo điều ý thức hệ cần phải triệt tiêu, hầu cho tư tưởng được tái sinh”. 

Trong tương quan giữa ý thức hệ và tư tưởng, tôi luôn luôn đứng về phía tự do tư tưởng. Hầu như nhân loại đã quá kinh hoàng trước sự tàn phá và hủy diệt của các giáo điều ý thức hệ từ tôn giáo đến chính trị, điển hình hiện đại là Ý Thức Hệ Mác Lê và Hồi Giáo cực đoan. Tự do tư tưởng đã khai phóng cho nhân loại ra khỏi sự cùm kẹp của các ý thức hệ và làm thăng tiến con người. Tuy nhiên với những bước tiến vĩ đại của tin học và khoa học, nhất là vật lý lượng tử (quantum physics) và vật lý không gian (cosmic physics), các giáo điều ý thức hệ hầu như ngày càng hiện nguyên hình là những vô minh sơ đẳng. Hầu như khoa học và sự phổ biến kiến thức khoa học qua tin học chắc chắn sẽ ngày càng thu hẹp ảnh hưởng của các giáo điều ý thức hệ và tự do tư tưởng ngày càng thăng hoa. Chính vì thế hầu như chúng ta không cần phí nhiều thời giờ đả phá các ý thức hệ. Chúng ta chỉ cần khai dân trí qua khoa học là sẽ đẩy lùi những vô minh này. 

Trong cuốn “Phê Bình song ngữ toàn diện hiến pháp 2013 của CSVN” tôi có thảo luận chi tiết tương quan giữa ý thức hệ giáo điều và tự do tư tưởng.

6. Sự gia tăng hiểm nguy của hiện tượng “định chế hóa cực đoan”( extreme institutionalisation) như phản đề của con người cá thể.

Cũng như nhiều người trí thức khác tham gia tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, cho đến khoảng 50 tuổi, tôi vẫn còn bị ám ảnh quá lố bởi hiểm họa giáo điều ý thức hệ. Tuy nhiên từ khoảng 50 trở lên, sau khi đã sống trong môi trường một xã hội dân chủ chân chính, nhìn những ưu và khuyết điểm của xã hội này, so sánh với các quốc gia dân chủ lẫn độc tài khác và nhất là kiếm cơm như một luật sư tranh đấu cho quyền lợi các thân chủ, tôi mới thức tỉnh trước một hiện tượng mà tôi cho là nguy hiểm hơn giáo điều ý thức hệ, đó là hiện tượng định chế hóa cực đoan. Đây là một danh từ diễn tả hiện tượng quan trọng này. Tôi đã khai triển nó trong cuốn “Cẩm nang song ngữ thành lập hội đoàn, trong bối cảnh xã hội dân sự tại Việt Nam”.

Một cách vắn tắt, khi một ý thức hệ, một hệ thống tư tưởng, hoặc một ý tưởng có nhu cầu thực hiện thì việc đầu tiên là cần một công cụ. Công cụ đó thông thường là một tổ chức. Chẳng hạn ý thức hệ Mác Lê cần các đảng cộng sản, các tôn giáo cần các giáo hội, chuyển vận hàng hóa cần công ty vận tải, liên lạc trong quốc gia cần ty bưu điện, tài chánh quốc gia cần các ngân hàng …Các tổ chức nhỏ thì chỉ là các nhóm hoặc hội đoàn. Các tổ chức lớn thì biến thành những định chế đầy quyền lực, đôi khi khuynh loát cả chính quyền lẫn xã hội dân sự như các đảng cộng sản, quân đội trong các chế độ quân phiệt, giáo hội trong các chế độ giáo phiệt. Ở mức độ khuynh loát này thì các chính đảng hoặc giáo hội đó đã trở thành nạn nhân của hiện tượng định chế hóa cực đoan. Có nghĩa là các định chế, thay vì phục vụ các mục tiêu và lý tưởng ban đầu (tức phục vụ cho những con người cá thể trong xã hội) lại biến thành những cấu trúc quyền lực, chỉ còn biết phục vụ quyền lợi của giai cấp lãnh đạo của định chế và biến con người cá thể thành những con vật hy sinh cho sự sống còn của định chế mà thôi.

Hiện tượng định chế hóa cực đoan này nguy hiểm hơn giáo điều ý thức hệ vì ngay cả trong trường hợp giáo điều ý thức hệ Mác Lê bị vứt vào sọt rác, đảng cộng sản vẫn còn dư khả năng sống còn mà không cần sự hướng dẫn của ý thức hệ. Duy trì quyền lực và quyền lợi sẽ trở thành nguồn cảm hứng duy trì sự sống của định chế. Thêm vào đó, con người khác với con vật là vì có tổ chức. Chính vì thế cộng sinh với các định chế là một điều không thể tránh khỏi.

Trong cuốn sách nêu trên, tôi có thảo luận phương pháp giới hạn và hóa giải hiểm họa của hiện tượng định chế hóa cực đoan này.

Một cách vắn tắt, trong một nước Việt Nam hậu cộng sản, chúng ta cần phải đề cao cảnh giác, bảo vệ con người cá thể bằng mọi cách, trong tương quan với các định chế xã hội. Chúng ta cần phải hiến định hóa hoặc luật hóa các nguyên tắc hầu một khi một định chế không còn phục vụ cho con người cá thể, thì nó phải bị triệt tiêu. Lý do là vì chỉ có con người cá thể bằng xương bằng thịt mới có khả năng cảm nhận hạnh phúc hay đau khổ, cảm nhận sự sở hữu tài sản và tình trạng bị cướp đoạt tài sản, cảm nhận được sự công bằng và bất công xã hội, có thể ban bố tình thương hoặc bị cướp đoạt tình thương và ý thức được những bản giá trị tinh thần cao cả hoặc thấp hèn nhất của nhân sinh. Con người cá thể phải là cứu cánh của tất cả mọi tư tưởng, định chế, cấu trúc chính trị hoặc xã hội trong một nền dân chủ chân chính.

Nêu trên một cách vắn tắt là sự đóng góp của tôi trong công tác phác họa một trật tự chính trị hậu cộng sản. Tôi không phải là một lý thuyết gia viễn vông mà tham gia thực tế vào công tác đấu tranh và rút kinh nghiệm cụ thể. Mong rằng các bạn đọc sách hoặc các bài bình luận chính trị của tôi sẽ hiểu tôi hơn. Các sách và bài viết của tôi đều có thể truy cập online hoặc vào website www.daotangduc.com

Người xưa có nói: “Tri kỳ lý giả, nhất ngôn nhi chung, bất tri kỳ lý giả, lưu tán vô cùng”. Như nhiều người khác, tôi cũng hy vọng tìm được người hiểu mình mà không cần dài dòng văn tự. 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo