Phạm Trần (Danlambao) - Đảng và nhà nước Cộng sản Việt Nam đã chu toàn nghĩa vụ bề tôi trung thành với Trung Cộng sau 40 năm chiến tranh biên giới 1979-2019.
Bằng chứng này được thể hiện qua 3 hành động:
Thứ nhất, Tuyên giáo của đảng không lên lịch, ra đề cương tuyên truyền và chỉ thị tổ chức kỷ niệm cấp nhà nước như đã làm đối với “kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng chiến tranh, bảo vệ biên giới Tây Nam và cùng quân dân Campuchia chiến thắng chế độ diệt chủng Pol Pot (7/01/1979 - 7/01/2019).”
Cũng không thấy có các bài viết nghiên cứu của giới học giả Cộng sản, hay bình luận trên các kênh báo chí-truyền thông chính thức như Nhân Dân, Quân đội Nhân Dân, Đài Tiếng nói Việt Nam và Việt Nam Thông tấn xã về cuộc chiến 1979 như họ đã làm đối với cuộc chiến biên giới Tây nam và ở Campuchia (1975-1989).
Hơn nữa, khi kỷ niệm 40 năm chiến tranh Campuchia, báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của đảng CSVN đã có bài Xã Luận ngày 07/01/2019 gọi là: "Biểu tượng sáng ngời của tình đoàn kết quốc tế thủy chung giữa hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia."
Bài viết tự khen chiến thuật đánh bại quân Pol Pot-Khmer đỏ: "Thắng lợi to lớn đó là sự tổng hòa của nhiều nhân tố, trước hết là sự lãnh đạo nhạy bén, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam; sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Quân ủy T.Ư và Bộ Quốc phòng. Đó còn là thắng lợi của nghệ thuật huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh yêu chuộng hòa bình và công lý của nhân dân thế giới, trước hết là của nhân dân và các lực lượng vũ trang yêu nước Cam-pu-chia.”
Ngược lại, trong lần kỷ niệm 40 năm chiến tranh chống Tầu xâm lược năm 1979, báo-đài Việt Nam đã im hơi lặng tiếng không dám hé răng, dù công khai ca tụng dân-quân Việt Nam đã đánh bại cuộc tấn công hoàn toàn bất ngờ của 600,000 quân Trung Cộng.
Tên huý Trung Quốc
Thứ hai, trong khi sách Sử mới của Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Cộng sản Việt Nam phát hành ngày 18/8 (2017) và nhiều báo, từ năm 2918 đã được Ban Tuyên giáo cho phép viết về cuộc chiến và gọi cuộc tấn công của quân Tầu vào 6 Tỉnh biên giới 1979 gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên (Hà Giang, Tuyên Quang), Hoàng Liên Sơn (Lào Cai và Yên Bái) và Lai Châu là “cuộc chiến tranh xâm lược” thì trong chính thức, nhà nước CSVN vẫn chỉ dám gọi đó là “cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.”
Tuy vậy Trung Quốc, thủ phạm đã xâm lược Việt Nam từ ngày 17/02 đến 05/03/1979, sau đó tiếp tục bắn phá lẻ tẻ và nã pháo mở đường cho cuộc tấn công chiếm đất lần 2 từ năm 1984 đến 1989 nhắm thẳng vào Vị Xuyên (Hà Giang), đã không hề được nói tới trong buổi lễ gọi là “cuộc gặp mặt đại biểu là thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sỹ tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.”
Bài tường thuật ngày 23/01/2019 của báo Đại Đoàn Kết, Cơ quan thông tin của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân dân, Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội tổ chức buổi lễ nhỏ này tại Hà Nội.
Cuộc lễ được tổ chức trong phạm vị bộ, ngành và ít được quan tâm trong dư luận, nhưng đây là lần đầu tiên trong 40 năm, đảng và nhà nước CSVN mới dám làm việc này. Liệu từ nay, việc làm tương tự có lan ra trong cả nước và được tiếp tục hay không thì chưa biết.
Chỉ thấy trong phát biểu tại buổi gặp mặt, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã không nhắc đến Trung Quốc là nước đã chủ động đem quân tấn công Việt Nam trước. Ngược lại, ông Mẫn đã: "Bày tỏ lòng tri ân các anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc và khẳng định: Đảng, Nhà nước, nhân dân không bao giờ quên công lao của đồng bào, cán bộ, chiến sỹ đã chiến đấu, hy sinh để giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng liệt sỹ, thương binh, gia đình liệt sỹ mãi mãi khắc ghi trong trái tim mỗi người Việt Nam."
Nếu không phải là người Việt Nam, không ai biết ông Mẫn muốn nói đến “cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc” đã chống lại quân thù nào?
Việc ông Trần Thanh Mẫn cố ý tránh né không lên án Trung Cộng đã xâm lăng, không chỉ đích danh nước láng giềng là thủ phạm gây chiến và đã để lại thảm họa cho hàng trăm ngàn dân Việt Nam của 6 Tỉnh biên giới, thực ra không mới mà chỉ nhắc lại cho mọi người thấy dù nay hòa bình biên giới Việt-Trung đã vãn hồi, nhưng phía Cộng sản Việt Nam rất sợ bị Trung Cộng lên án chỉ biết nuôi hận thù mỗi khi nhắc đến cuộc chiến đẫm náu biên giới 40 năm về trước.
Vậy tại sao phía CSVN lo bị Trung Cộng lên án, đổ tội trong khi Việt Nam là nạn nhân của Đặng Tiểu Bình, lãnh tụ chủ chiến hận thù Việt Nam đã đem quân đánh Pol Pot-Khmer đỏ, đàn em của Trung Hoa thời bấy giờ?
Việt Nam sợ vì Tầu là nước lớn, đông người và nhiều quân, vũ khí đạn dược hơn Việt Nam. Trung Cộng cũng từng là ân nhân của đảng CSVN trong 30 năm chiến tranh chống Pháp giành độc lập và xâm lăng Việt Nam Cộng hòa, nhưng gọi là “chống Mỹ cứu nước”!
Mật Ước Thành Đô
Thứ ba, quan trọng hơn, vì tại Hội nghị nối lại bang giao Việt-Trung tại Thành Đô (Tứ Xuyên) năm 1990, theo các tin loan truyền trên Internet chưa bị bên nào cải chính, thì Việt Nam đã phải chấp nhận yêu cầu của Trung Cộng không được khơi lại cuộc chiến biên giới 1979 để ổn định bang giao.
Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên Đại sứ CSVN tại Trung Hoa, đã có lần tiết lộ điều cam kết này của Phái đoàn Việt Nam.
Tuy vậy Bách khoa Toàn thư mở không viết gì về thỏa hiệp này mà chỉ cho biết: "Hội nghị Thành Đô (hay gọi là Mật ước Thành Đô) là cuộc hội nghị thượng đỉnh Việt-Trung trong hai ngày 3-4 tháng 9 năm 1990, tại Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) giữa lãnh đạo cao cấp nhất hai Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam - Trung Quốc. Cuộc họp mặt này nhằm mục đích bình thường hóa quan hệ giữa hai nước và hai Đảng. Cho đến nay, nội dung và các thỏa thuận trong cuộc họp của đôi bên vẫn chưa được công bố.
Thành phần tham dự:
- Phía Việt Nam gồm có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, và Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Phạm Văn Đồng,
- Phía Trung Quốc có Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc cùng với Lý Bằng, Thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc.”
Vậy liệu phía Cộng sản Việt Nam còn có những thỏa hiệp bí mật bất lợi nào với Trung Cộng tại Thành Đô mà người dân chưa biết? Chỉ thấy rõ một điều là từ năm 1999 lãnh đạo CSVN đã nhượng bộ Trung Cộng nhiều về biên giới, lãnh thổ và ở Biển Đông đã khiến người ta tin vào lời của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, 103 tuổi, vẫn thường cảnh giác âm mưu thôn tính Việt Nam của Bắc Kinh.
Bằng chứng trong suốt 40 năm qua, những việc tổ chức kỷ niệm Cuộc chiến chống Tầu xâm lược biên giới tháng 2/1979, hay các lần kỷ niệm quân Tầu chiếm Hoàng Sa của Việt Nam ngày 19/01/1974 và đánh chiếm Gạc Ma và 6 Bãi, Đá khác của Việt Nam ở Trường Sa tháng 3/1988, đã không được nhà nước khuyến khích và thường bị ngăn chặn hay phá đám ở Hà Nội và Sài Gòn.
Thay vào đó, chỉ có các cuộc thăm viếng lẻ tẻ của thân nhân, của các cựu chiến binh hay đồng đội cũ tại các địa phương dành cho người quá cố và các chiến sỹ vô danh đã bỏ mình vì Tổ quốc.
Đặc biệt, trong khi cho phép một số báo-đài viết về trận chiến Gạc Ma (Trường Sa) chống quân Tầu đánh chiếm và ca tụng hy sinh của 64 tử sỹ của Quân đội Nhân dân thì đảng và nhà nước đã lạnh nhạt với cuộc chiến đấu chống xâm lược Tầu đẫm máu và can trường của Hải quân Việt Nam Cộng hòa tại Hoàng Sa năm 1974. Hy sinh của 74 Quân nhân VNCH cũng đã bị Đảng lãng quên hèn hạ.
Quốc sử của ai?
Giờ đây, sau 44 năm đảng Cộng sản cai trị cả nước, nhà nước khoe sẽ tập hợp các nhà khoa học để hoàn thành năm đề án gồm: Bộ Lịch sử Việt Nam; Bách khoa toàn thư; Địa chí quốc gia; Hệ tri thức Việt số hoá; Dịch thuật và phát huy giá trị tinh hoa các tác phẩm kinh điển phương Đông.
Bộ Lịch sử Việt Nam, hay Quốc sử sẽ có hơn “300 nhà sử học đầu ngành trong cả nước cùng tham gia biên soạn” , theo báo Vietnam Express, ngày 12/02/2019.
Báo này viết tiếp: "Thông báo về tiến độ triển khai bộ quốc sử, PGS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho biết, đề án này gồm 25 tập thông sử; 5 tập biên niên sự kiện; cơ sở dữ liệu lịch sử Việt Nam.
Đề án có sự tham gia của khoảng 300 nhà khoa học, trong đó có chuyên gia đầu ngành về lịch sử dân tộc từ cổ đại đến hiện đại; lịch sử Đảng, cách mạng, quân sự, an ninh, văn hóa, khảo cổ học...
Theo ông Cường, bộ quốc sử nhằm xây dựng nhận thức mới về lịch sử Việt Nam toàn bộ, toàn diện; được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đồng ý từ năm 2014. Cố GS Phan Huy Lê (tổng chủ biên bộ quốc sử) từng nhấn mạnh phải viết toàn bộ, toàn diện, khách quan. Vì vậy, đây là bộ quốc sử đồ sộ nhất từ trước đến nay, lần đầu tiên đề cập đến nhiều "khoảng trống lịch sử" vốn được coi là "nhạy cảm" như cải cách ruộng đất, Nhân văn - Giai phẩm, cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh ở miền Bắc, cải tạo tư sản ở miền Nam sau 1975, nạn thuyền nhân..." (theo VNEXPRESS, ngày 12/02/2019)
Tuy nhiên, nếu viết lại lịch sử mà chỉ dựa trên tư duy, quan điểm, tài liệu và phân tích của một bên, nhất là “bên thắng cuộc” thì “Quốc sử” chỉ còn là “Cuốc sử”.
Và liệu cuộc chiến mà người Cộng sản đặt tên là “chống Mỹ cứu nước”, hay “giải phóng miền Nam” có cần được minh bạch với cuộc xâm lăng miền Nam của bộ đội miền Bắc, cũng như Cuộc thảm sát đồng bào Huế của quân Cộng sản trong vụ Tết Mậu Thân 1968 sẽ có chỗ đứng nào trong lịch sử hay không?
Cũng như nếu chỉ nghe ông Hồ Chí Minh nói: "Mối tình thắm thiết Việt – Hoa -- Vừa là đồng chí, vừa là anh em" mà quên đi tính chính danh và sự thật của cuộc chiến chống Tầu xâm lược đẫm máu tháng 2/1979 và sau đó thì vết nhơ Quốc sử sẽ tồn tại muôn đời.
Bởi vì, như Thiếu tướng Lê Mã Lương (anh hùng Lực lượng võ tranh nhân dân) đã nói: "Sẽ là có tội nếu lãng quên một cuộc chiến mà chúng ta đã huy động hàng vạn chiến sĩ xả thân trong các trận đánh ác liệt bảo vệ tổ quốc như hồi năm 1979-1988. Đã có cả chục ngàn người lính và thường dân ngã xuống và chừng đó người khác bỏ lại một phần thân thể mình suốt dọc biên giới phía Bắc hồi năm 1979-1988. Khi nói về lịch sử dân tộc, chúng ta phải công bằng, không ai được phép lãng quên, không ai được cố tình lãng quên sự thật này." (báo Tuần Việt Nam, ngày 27/07/2017)
Cũng y như thế, nếu ta suy rộng ra Cuộc chiến huynh đệ tương tàn do đảng CSVN chủ động và lãnh đạo trong 30 năm sẽ có chân nào trong Quốc sử? -/-
(02/019)