Khóc nữa đi Hương - Dân Làm Báo

Khóc nữa đi Hương

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Theo quan điểm của tôi, cách tiếp cận pháp lý… của Chính phủ Việt Nam gây nguy hiểm cho tính mạng của Hương. L.S Cù Huy Hà Vũ

Tôi đến Malaysia, lần đầu, vào một ngày Hè. Trưa hôm ấy, chắc có “sự cố” chi đó về hệ thống A.C nên phi trường Klia vô cùng nóng bức. Khung cảnh không chỉ ngột ngạt, khó thở mà còn có vẻ bất an vì những toán lính quân phục rằng ri, tay lăm lăm cầm súng, mắt chăm chăm nhìn vào hành khách. 

What’s wrong? Chuyện chi vậy cà? Cứ y như là đất nước này đang có một cuộc đảo chánh (coup d’etat) vậy. Cho đến khi đứng chờ đổi tiền, liếc nhìn mấy tờ báo đặt ở quầy hàng kế cạnh – chợt thấy hình ảnh một khuôn mặt trông quen quen – tôi mới hiểu tại sao?

Đoàn Thị Hương! 

Tờ Sraits Times, số ra ngày 16 tháng 6 năm 2017, chạy tít: “Jong-nam murder: Case set for hearing on July 28 in Shah Alam.” Sự việc xẩy ra này xẩy ra tại đây từ hôm 13 tháng 2 (đã hơn ba tháng trôi qua) mà không khí của phi trường Kuala Lumpur vẫn còn căng thẳng, và hình ảnh của cô gái VN vẫn xuất hiện trên trang nhất của báo chí ở xứ người.

Ảnh: Sraits Times

Tuy thế, cũng như bao nhiêu kẻ vô tình khác, ngay sau khi rời sân bay là tôi quên ngay chuyện Đoàn Thị Hương... cho đến mãi hôm nay. Sáng nay, tin tức và hình của em lại tràn ngập mọi phương tiện truyền thông: 









Truong Huy San lên tiếng: “Uy tín quốc gia không chỉ nằm ở chỗ đã ‘thắng bao nhiêu đế quốc thực dân’ mà còn ở chỗ có bảo vệ được công dân của mình không.” Tôi thường rất thích cách đặt vấn đề tinh tế, sắc sảo (và luôn luôn “sát sườn”) của nhà báo nổi tiếng này nhưng với câu hỏi vừa nêu thì tôi sợ rằng ông hơi bị… “lệch đề.” Vấn đề không phải là khả năng “bảo vệ công dân” của những kẻ đang cầm quyển ở VN mà là họ có bao giờ (thực sự) quan tâm gì đến đến số phận, cùng nỗi an nguy, và an sinh của dân chúng hay không?

Câu trả lời, rõ ràng, là hoàn toàn (và tuyệt đối) không – theo công luận:

- Thùy Linh: Hà Nội không thực sự chủ động, và quyết tâm vận động giúp Đoàn Thị Hương. 

- Nguyễn Minh Khuê: Trong trường hợp này, rõ ràng họ sẵn sàng phó mặc cho công dân mình làm con vật tế thần không chút xót xa.

- Đạt Tiến Nguyễn: Chỉ khi nạn nhân người Indonesia được trả tự do và người dân Việt Nam phê phán mạnh quá thì Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh mới gọi điện cho phía Malaysia.

- Nguyễn Thông: Nhà nước này, chính quyền này, bộ máy cai trị này, khi thực hiện hoặc yêu cầu điều gì, trước hết cũng chỉ vì sự tồn tại của nó chứ không phải vì dân.

- Nguyễn Trâm: Đoàn Thị Hương xui khi sinh ra là người Việt 

- Hoa Nghi: Cô Hương không phải xui khi là người Việt, mà cô xui vì là công dân của nước CHXHCN Việt Nam. 

- Minh Hải: …trong vụ án này dư luận quan tâm và theo dõi qua báo đài thấy một điều rõ ràng là Chính phủ Việt Nam có quá nhiều phản ứng đi sau so với phía Indonesia trong việc vận động hành lang ngoại giao, bảo hộ công dân nước mình.

- Diên Vỹ: Một phụ nữ không nghề nghiệp rõ ràng, gia đình cũng không biết phải làm gì vì không được ai hướng dẫn gì ngoài việc chỉ biết trông cậy vô sự giúp đỡ hiếm hoi của Đại sứ quán Việt Nam, cô Hương dường như hoàn toàn vô vọng. 

Điều bận tâm duy nhất của tất cả những vị quan sứ ở mọi cấp – và mọi nơi – là làm sao thu hồi lại vốn (lẫn lời) cho số tiền đầu tư mà họ đã bỏ ra để chạy chức thôi. Đại Sứ Quán VN tại Kuala Lumpur, tất nhiên, cũng không ngoại lệ:

- Ngày 19 tháng 12 năm 2006, nhật báo International Herald Tribune loan tin “có hàng chục thiếu nữ VN đang được trưng bầy tại các quán cà phê ở Mã Lai, để chờ được mua về làm vợ. Sự kiện này khiến cho người dân bản xứ cảm thấy vô cùng bất an, thiếu điều muốn lên… cơn sốt. Họ mô tả đó là một việc làm “bệnh hoạn và vô luân” (The pratice has been described as “sickening and immoral…) 

Dù vậy, theo như tường thuật của phái viên AP: "Đại sứ Việt Nam ở Mã Lai, Nguyễn Quốc Dũng, nói rằng giới chức có thẩm quyền không hề biết có những sự cố như vậy… ” (“Vietnam’s ambassador to Malaysia, Nguyen Quoc Dung, said officials were not aware of such incidents…)

- Hôm 9 tháng 4 năm 2009, RFA loan tin: Sau gần một năm làm việc không được trả lương ở Mã Lai, công nhân xuất khẩu lao động “liên lạc được với nhân viên Đại Sứ Quán VN thì chỉ được trả lời à ới rồi sau đó cúp điện thoại. Khi họ liên lạc trở lại thì không có ai bắt điện thoại để đáp cả.”

- Ngày 3 tháng 4 năm 2018 – theo VOA – một phụ nữ Việt Nam tự sát bằng dao ngay tại Đại sứ quán Việt Nam ở Kuala Lumpur… Vụ tự sát xảy ra ngay tại Đại sứ quán đã khiến nhiều người Việt Nam ở nước ngoài phẫn nộ. Nhiều ý kiến cho rằng tệ nạn lạm thu và thái độ bàng quang, vô trách nhiệm của các cán bộ tại các đại sứ quán Việt Nam đã dẫn đến những uất ức của người dân khi buộc phải đến làm thủ tục.

Đoàn Thị Hương không những chả trông mong gì được vào các viên chức ngoại giao (đốn mạt) này mà còn bị “kẹt” trong mối quan hệ rất tồi tệ giữa Mã Lai và VN về một vụ án mới xẩy ra năm ngoái:

“Trong một phán quyết được đưa ra hôm 30/5, Tòa án Nhân dân Tối cao (TAND) thành phố Hồ Chí Minh đã bác bỏ kháng cáo của các nguyên đơn trong đó yêu cầu ngân hàng Vietinbank hoàn trả số tiền lên tới 4.9 nghìn tỷ đổng (tương đương 215 triệu USD) mà bị cáo Huỳnh Thị Huyền Như đã chiếm dụng. Thay vào đó, thủ phạm chính Huyền Thị Huyền Như có trách nhiệm phải bồi thường một số tiền đã lừa đảo nói trên…

Nếu theo phán quyết vừa nêu, Công ty Cổ phần Chứng khoán Saigonbank Berjaya (SBBS) - một chi nhánh của Tập đoàn Berjaya của Malaysia, Bhd ít có hy vọng lấy lại được 10 triệu đô la bị chiếm dụng, tương đương 70% số vốn điều lệ của công ty và có thể khiến cho doanh nghiệp này phá sản. (“Ngân Hàng Malaysia Mất Hy Vọng Thu Hồi Vốn Qua Vụ VietinBank”. RFA 2018-05-30).

Đã thế, em cũng không được chính đồng bào mình hết lòng hổ trợ hay bênh vực – theo ghi nhận của thông tín viên (BBC) Thùy Linh: “Một phần dư luận Việt Nam cũng chỉ trích Đoàn Thị Hương, cho rằng cô gái gốc Nam Định, dù bị lợi dụng, thì vẫn cần phải chịu trách nhiệm thích đáng vì hậu quả của hành động dại dột của cô đem lại.”

Kể ra thì Hương “dại” thật. 

Hiện có cả chục ngàn phụ nữ Việt Nam đang hoạt động mại dâm Malaysia. Sao em không bán thân như họ cho nó đỡ phiền mà lại đi làm chuyện bán mạng hiểm nguy đến thế?

Cũng có hằng triệu cô gái Việt Nam, trong lứa tuổi của Hương, đang làm ô sin ở nước ngoài. Sao em không gia nhập lực lượng xuất khẩu này để thể hiện lòng yêu nước, để biết thế nào là gía trị của lao động (vinh quang) và để tránh khỏi bị tiếng đời chê trách là trây lười lao động?

Giản dị hơn, còn trẻ và còn khoẻ, sao em không xin làm công nhân trong một nhà máy thuộc khu chế xuất nào đó gần nhà? Tuy đồng lương không đủ sống nhưng thà sống dở/chết dở ở quê hương – bên cạnh gia đình, cha mẹ, họ hàng – vẫn hơn là chết rục trong lao tù nơi đất lạ xứ người (nhiều) chứ?

Là công dân của một quốc gia Độc Lập – Tự Do – Hạnh Phúc mà lâm vào hoàn cảnh bất hạnh như em thì quả là một điều vô cùng đáng tiếc. Tôi cũng tiếc là không thể làm được bất cứ điều chi để giúp được em, ngoài việc góp thêm một giọt nước mắt – dù tuổi già hạt lệ như sương. 

Khóc nữa đi Hương!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo