Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ: Tại sao người phụ nữ cứ phải tranh đấu đòi bình quyền? - Dân Làm Báo

Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ: Tại sao người phụ nữ cứ phải tranh đấu đòi bình quyền?

Nguyễn Thị Cỏ May (Danlambao) - Đã có bốn Hội nghị Quốc tế về Phụ nữ và Nữ quyền. Trên khắp thế giới đến nay đã có nhiều hội bảo vệ phụ nữ, những phong trào tranh đấu nữ quyền mà gần đây nhất, nổi đình nổi đám nhất, là phong trào Nữ quyền Femen, thành lập năm 2008 tại Kiev, Ukraine, hiện có mặt ở 8 quốc gia, Chủ tịch là bà Inna Shevchenko, thành viên gồm toàn những phụ nữ trẻ đẹp, khi tranh đấu, thoát y 100% xông vào bất kỳ nơi nào họ nhắm, cả Vatican trong lúc ông Giáo hoàng đang làm lễ, hay nhà thờ Đức Bà ở Paris,…Thế mà tất cả vẫn chưa đủ để giúp người phụ nữ thực hiện quyền bình đẳng với nam giới như các bà muốn?

Ngoài ra, phụ nữ còn có Ngày Quốc tế Phụ nữ để long trọng hóa địa vị người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Nay là ngày trọng đại ấy: 

"Hôm nay mùng 8 tháng 3 
Chị em phụ nữ đi ra, đi vào. 
Đi ra, chẳng thấy ai chào, 
Chị em phụ nữ đi vào, hổng ra" (Ca dao) 

Nhìn lại luật pháp và những cải tiến trong đời sống xã hội đã vũ trang thêm cho người phụ nữ hùng hậu để họ trở thành bất khả xâm phạm, trong lúc phe đàn ông hoàn toàn trơ trụi, không có gì cả. Không có ngày cho đàn ông, cả cấp địa phương khu phố, không có một hội từ thiện bảo trợ khi lâm nạn, chưa hề dám lên tiếng đòi quyền đàn ông, ngoại trừ ở Anh, trong gần đây thấy xuất hiện vài nơi tạm trú đón nhận các ông bị phụ nữ bạo hành nhưng đây là sáng kiến nhân đạo của tư nhân,… Nhưng thật sự là điều phước đức cho các ông! 

Các Bà lên ngôi 

Năm 2017 được báo chí ca ngợi là “Năm Phụ nữ, Năm rực lửa” . 

Ký giả Nicolas Domenach đã viết “năm 2017 được đánh dấu đậm nét bởi người phụ nữ. Hãy nhớ vinh danh họ để nhắc lại một cuộc cách mạng toàn cầu”. 

Thật vậy, sau vụ sách nhiễu tình dục gây ra bởi nhà điện ảnh Weinstein, phụ nữ trở thành vai chính trong các chương trình truyền thông trên khắp thế giới, tiếng nói của họ cất cao và được cả thế giới lắng nghe. 

Qua năm 2018 là năm thế giới có nhiều biến động làm cho đời sống ở nhiều nơi bất ổn nhưng lại thêm một năm nữa nâng cao địa vị người phụ nữ. 

Ở Tây Ban Nha chính quyền có phụ nữ chiếm đa số. Tại Ả Rập, phụ nữ nay đã được quyền một mình lái xe. Phụ nữ i-răn được quyền ngồi coi đá banh trên khán đài chung với đàn ông. Tại Ấn Độ, nhiều người biết rằng công cuộc đấu tranh đòi bình quyền nam–nữ vẫn còn là một cuộc chiến dài hơi. Nhưng không vì thế mà làm nản lòng nhiều nhà tranh đấu nữ quyền. Ngày thứ Tư 02/01/2019, hai phụ nữ đã xâm nhập thành công vào đền thờ Ấn giáo Ayyappa, ở Sabarimala thuộc bang Kerala. 

Đền Ayyappa nằm ở giữa một ngọn đồi là một trong những đền thờ Ấn Độ giáo linh thiêng nhất ở Ấn Độ. Mỗi năm, ngôi đền này thu hút đến hơn 100 triệu khách hành hương, nhưng cho đến giờ vẫn tuyệt đối “cấm cửa” phụ nữ. Vì vậy, hành động can đảm của hai người phụ nữ trên được xem như là đánh dấu chấm hết cho nhiều thế kỷ phân biệt nam – nữ và đã khích lệ tinh thần một nữ tín đồ thứ ba bước chân vào đền Ayyappa hôm thứ Sáu 04/01. 

Ở Hoa Kỳ, nhiều phụ nữ – đặc biệt là phụ nữ da màu – đã làm nên lịch sử trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào Tháng 11 vừa qua. 

Tại New Zealand, Bà Jacinda Ardern là vị nữ Thủ tướng thứ nhì. Bà sinh con trong khi đang tại chức. Dĩ nhiên bà được nghỉ ở nhà cho con bú. 

Giải Nobel Hoà bình năm 2018 được trao chung cho hai nhân vật là Denis Mukwege, một bác sĩ Congo làm công việc chữa trị cho các nạn nhân bị hiếp dâm, và Nadia Murad, một phụ nữ Iraq và là thành viên của nhóm thiểu số Yazidi, từng bị nhóm khủng bố ISIS bắt giữ. Murad nay là một nhà tranh đấu luôn mạnh mẽ lên tiếng kêu gọi bảo vệ cho các nạn nhân của nạn buôn người trên thế giới, và là phụ nữ Iraq đầu tiên được đồng giải Nobel. 

Và điều tiến bộ cuối cùng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, từ Âu Mỹ qua Á châu, cả Úc châu, phong trào #MeToo đã khơi nguồn cho một cuộc đối thoại mang tính quốc tế về những hành vi sách nhiễu và tấn công tình dục, và bắt đầu một tiến trình quan trọng để buộc những người đàn ông đầy quyền lực phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc lạm dụng quyền lực của họ áp chế phụ nữ. Nhờ đó thảm nạn sách nhiễu tình dục có những thay đổi thuận lợi rất đáng kể. 

Ở Pháp, riêng về mặt xã hội, từ nay, các xí nghiệp có 1000 công nhân viên trở lên, phải công bố lương của nam-nữ công nhân viên (Lần đầu tiên, hạn cuối phải khai là hôm 4/3/2019). Thiếu sự bình đẳng về lương bổng giữa nam-nữ, xí nghiệp sẽ bị phạt tiền. Nhưng tình trạng bất bình đẳng trong xí nghiệp Pháp hãy còn nổi cợm. Trong 120 lãnh đạo xí nghiệp lớn, chỉ mới có 10 nữ Tổng Giám đốc. Và trong ban lãnh đạo, nhân viên đàn ông vẫn chiếm đa số. 

Nếu tính riêng ra, những thành tích này chắc chắn chưa đủ đáp ứng mong đợi của phụ nữ nhưng nếu nhìn chung, có thể nói rằng năm 2018 thật sự là một năm đầy vinh quang cho người phụ nữ.. Năm của phụ nữ!


Nhưng người phụ nữ vẫn thấy nam-nữ bình đẳng thật sự vẫn còn là điều mong ước quá thành khẩn! 

Kết quả của 2 nghiên cứu 

Đúng như người phụ nữ thấy bình quyền vẫn còn xa. Trước ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay, 2 công trình nghiên cứu công bố kết quả hôm thứ hai (Sylvie Pierre-Brossolette, Le Point.fr, 4/03/2019) đưa ra những con số nói rõ sự bình đẳng hãy còn là mục tiêu phải đạt, mặc dầu luật pháp bảo vệ nam-nữ bình đẳng đã ban hành đầy đủ, mặc dầu chính quyền các nước văn minh có đầy thiện chí. 

Vế quyền ăn nói, theo INA (Institut National de l’Audiovisuel - Viện Quốc gia Thính thị), trên 700 000 giờ của chương trình truyền thông của các đài pháp, số giờ dành cho phụ nữ từ năm 2010 – 2018, không tới 1/3. Nghĩa là ngày nào, người dân cũng chỉ nghe được tiếng nói của phụ nữ chiếm 1/3 trên các Radio và TV. Vào các giờ cao điểm, hay về những vấn đề quan trọng, tiếng nói của phụ nữ lại còn bị cắt bớt thêm nữa. 

Chương trình nghiên cứu thứ 2 (Observatoire Priorité Femmes – Đài Quan sát Ưu tiên Phụ nữ) dẫn đến kết quả 80% phụ nữ pháp nói rõ là tình trạng bất bình đẳng giữa nam–nữ hoàn toàn chưa được cải thiện. Cả với đàn ông, tất cả đều đồng ý, vấn đề trước tiên và cụ thể hơn hết, là lương bổng phải bằng nhau. Về tình trạng bạo hành và phân biệt đối sử với phụ nữ, 95% người pháp, cả hai giới, đều mong muốn thủ phạm phải được pháp luật trừng trị thật nghiêm khắc, và cần có thêm nhiêu cơ quan, tổ chức giúp đỡ nạn nhân (Điều đáng buồn là chỉ có 56% dân chúng tin tưởng ở cảnh sát và 53%, tin tưởng ở tòa án). 

Thực tế cho thấy người phụ nữa vẫn phải còn tranh đấu quyết liệt nữa. Nhưng tới chừng nào ? 

“It's a man's, man's world” 

Đúng vậy. Người phụ nữ chúng ta còn phải gian khổ tranh đấu dài hơi nữa. Tranh đấu cho tới bao giờ không còn nghe James Brown hát “It’s a man’s, man’s world”! 

Mà làm sao khi mà xe cộ, điện thoại,… cho tới nữ trang, tóc tai, y phục, tất tất đều do đàn ông họ nghĩ ra, làm ra? Cái đẹp theo quan niệm của họ lại đáp ứng sự chọn lựa của chị em chúng ta? Cả những chọn lựa của người cực kỳ khó tính! Hơn nữa, chính chị em chúng ta, khi làm đẹp, lại cũng nghĩ tới đối tượng phục vụ là đàn ông kia mà! 

Vậy thật sự phải chăng cái thế giới này do đàn ông quan niệm, làm ra và chủ yếu cho họ, tuy vẫn biết rằng không thể không có phụ nữ? 

Có lẽ vì nhận thấy thực tế này mà nhà báo Caroline Criado Perez đã để ra 3 năm đi sưu tầm những thông tin xã hội để mô tả người phụ nữ từ xưa nay vẫn phải biết khép mình, uyển chuyển những cá tính của mình theo khuôn khổ đã có, không do mình đặt ra, mặc dầu không thoải mái, lắm khi còn nguy hiểm nữa. Nghĩa là thực tế xã hội cho thấy hơn phân nửa nhân loại vì đó bị trở thành “vô hình” (Invisible Women, Exposing Dăt Biais in a World Designed for Men). 

Như trong nhà, nhất là nơi công cộng, nhiệt độ trung bình qui định từ năm 1970 cũng theo tiêu chuẩn ở người đàn ông mẫu 40 tuổi, cân nặng 70 kg, trong lúc cơ thể người phụ nữ nhỏ hơn đàn ông nên sức chịu lạnh phải kém hơn. 

Về tai nạn lao động, công nhân phụ nữ là nạn nhân đông hơn và nhiều nguy hiểm hơn từ khi đông đảo phụ nữ làm những công việc trước kia chỉ dành cho đàn ông. Nhưng cơ quan hữu trách lại không quan tâm và thấy để cải thiện. Không phải vì người phụ nữ “vô hình”! 

Nhà báo Perez ghi lại một nhận xét trong cuộc điều tra của bà, tuy rất nhỏ nhưng lại rất thú vị và rất thực tế. Một cảnh sát phụ nữ trong lúc hành sự bị nạn do chiếc áo gilet an toàn chống đạn của bà vì áo này do các ông thiết kế, và chỉ nghĩ cho đàn ông mà quên hẳn đi trong cảnh sát có khá đông nữ cảnh sát. Mà nữ cảnh sát thì ở ngực còn có hai cái vú bự! 

Một sự thiếu sót đáng bị trọng tội. 

Điều rất quen thuộc, ai cũng thấy quả thật thế giới này làm ra cho đàn ông và của đàn ông. Và người đàn ông tiêu chuẩn 70 kg. Cứ bước lên xe sẽ thấy ngay. Trang bị tiện nghi và an toàn không dành cho đàn bà. Ghế ngồi, chân đạp thắng, tầm nhìn, bệ dựa đầu trên ghế, dây an toàn, tất cả, người phụ nữ phải rà soát lại để sử dụng tạm theo điều kiện “phụ nữ” của mình. Đến năm 1980, những trang bị này mới được nhà kỹ nghệ chế tạo theo tiêu chuẩn người xử dụng là phụ nữ nhưng vẫn chưa thật sự hoàn chỉnh. 

Phụ nữ lái xe gây tai nạn ít hơn đàn ông nhưng lại bị tai nạn nặng hơn tới 47% và 17% tai nạn nguy hiểm tính mạng. 

Tới phụ nữ giải phóng 

Người phụ nữ của xứ Ả-rập hồi giáo mới thật sự là “vô hình”. Người của họ được phủ kín từ đấu tới chân. Hơn nữa, họ còn “vô hình” trong sinh hoạt gia đình và xã hội. 

Tắm biển, phụ nữ Ả-rập vẫn giữ nguyên y phục đen, trùm kín, lội xuống biển. Ăn nơi công cộng, họ dở một chút khăn phủ mặt để đưa thức ăn vào miệng. Nhưng họ không thấy gì khác lạ bởi tập quán đó do văn hóa của họ dạy như vậy. 

Ở Việt Nam, từ sau 30/04/1975, thân phận người phụ nữ bị thay đổi hoàn toàn do được cộng sản “giải phóng”. 

Nhờ được giải phóng khỏi địa vị người phụ nữ truyền thống, tức người phụ nữ bình thường theo phẩm hạnh phụ nữ, mà ngày nay, người phụ nữ Việt Nam phải đi ra nước ngoài theo chính sách xuất cảng lao động của nhà cầm quyền cộng sản để làm những việc phải rơi nước mắt. Vất vả, nhục nhã và cả thiệt thân. Chuyện chưa bao giờ xảy ra nếu không có cộng sản tới. Con gái nhà quê ở Miền Tây đi lấy chồng ngoại quốc để có số tiền vài ngàn đô-la giúp gia đình qua cơn hoạn nạn. Bao nhiêu con nhà lành phải chấp nhận bán thân vì miếng ăn và việc bán thân được nước ngoài công khai quảng cáo, với cả hình ảnh khêu gợi và giá cả. 

Khi người cộng sản nói “giải phóng” người phụ nữ, phải hiểu là họ nói thật, thật theo họ, là con người phụ nữ bị chính sách cộng sản dìm xuống độ sâu gấp trăm lần đối với địa vị của người bất hạnh không trong chế độ cộng sản. 

Và không nơi nào mà người phụ nữ được nhà cầm quyền chăm lo giải phóng thân phận của họ bằng ở nước cộng sản. Vì ở đó còn có đầy rẫy Hội Phụ nữ Giải phóng! 




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo