Nguyễn Bá Chổi (Danlambao) - (Viết cho “Bên Thắng Cuộc”)
Ngày 30/4/1975 đã chấm dứt cuộc chiến tranh Quốc-Cộng kéo dài 20 năm, “đưa giang sơn về một mối”, nhưng tối nằm không cần vắt tay lên trán, người có đầu óc bình thường gẫm thấy sờ sờ hai lối gọi trái chiều nhau ngày lịch sử ấy: “bên thua cuộc” gọi là Ngày Quốc Hận, “phía thắng cuộc” thì Ngày Quốc Huệ.
Về phía Quốc Hận thì ý nghĩa của ngày này chẳng những đã không chỉ “hai năm rõ mười”, mà là 44 năm rõ mười mươi, ai cũng đã biết rồi nên không cần nói mãi, khổ lắm (viết leo theo “Xuân Tóc Đỏ”).
Nhưng về phe Quốc Huệ, ý nghĩa của nó có mấy ai quán triệt, “nắm bắt” được tại trận, nên thiết nghĩ, “giải mã” (xin đừng lộn với đào mả) phe Quốc Huệ là việc - nói leo theo lời của cố đồng chí TBT Nguyễn Văn Linh- cần làm ngay.
Cần làm ngay việc giải “mả” (dấu Hỏi) này chẳng những là nghĩa vụ thiêng liêng cao cả, là sống theo lời Bác dạy mà bọn phản động chống phá cách mạng ngoan cố xuyên tạc là ca dao tục ngữ có từ xa xưa trước khi ông bà cố tổ của Bác có mặt trên cõi đời, đó là “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Rứa thì “Quốc Huệ” nghĩa là chi? Mần răng lại kêu “30/4/1975 là Ngày Quốc Huệ”?
Quốc Huệ! Xin đừng lầm lộn chữ Quốc này với chữ Quốc của Quốc Hận. Quốc của Quốc Hận có nghĩa là Nước, Quốc Hận là Hận Nước; chữ Quốc trong Quốc Huệ là Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa đã bị bức tử từ dạo ấy. Còn chữ Huệ, theo Giáo sư Gu Gồ là “Ơn to lớn ở trên ban xuống... ơn to lớn ở trên ban xuống: ban ân huệ được hưởng ân huệ... ơn (thường là của người trên ban cho người dưới)” (Sic) (*).
Như vậy, hai chữ Quốc Huệ có thể tạm “diễn nôm” ra là: Những ơn to lớn “Ngụy” ban xuống cho Kách Mạng nhờ “phỏng” được Miền Nam Ngày 30 Tháng Tư cách đây đúng 44 năm. Nên mới có chuyện từ đó hàng năm đảng ta cứ “đến hẹn lại lên” cờ xí đỏ ngầu cả nước ăn mừng hoành tráng Ngày Quốc Huệ.
Bây giờ bàn về những “ơn to lớn ở trên” của Ngụy ban xuống cho Kách Mạng thì có lấy hết trúc Trường Sơn thuở trước (lúc rừng núi chưa được “giải phóng”) làm bút, nước Biển Đông ngày xưa (khi biển đảo vẫn còn nguyên chủ quyền) làm mực cũng không “đủ khả năng”. Chỉ xin liệt kê vài món tượng trưng.
Kê vài món tượng trưng, nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Bỗng nhớ tới câu ranh ngôn của tướng quân Kách Mạng Nguyễn Hộ, "Nhà Ngụy ta ở, vợ Ngụy ta lấy, con Ngụy ta sai!".
Đúng là nền “vô sản chuyên chính”, Miền Bắc sau hai mươi năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, mà đến như cấp cán bộ cấp tướng nhà cũng không có để ở, vợ mình cũng không có để lấy, con mình cũng không có hay có mà đem cho kẻ khác để sai. May mà có Ngày 30.4.75!
May mà có Ngày 30.4.75, để Kách Mạng ăn theo “bã Tư bản”, “đổi mới tư duy” bỏ Đồng Rúp núp Đồng Đô, “bươn ra biển lớn” hướng tới đế quốc, không thì Miền Bắc vẫn cứ tiếp tục đi theo con đường bác đi thì nước VN Dân chủ Cộng hòa (Miền Bắc lúc đó) giờ này chắc chắn bi đát ít ra cũng “ngang tầm” với các “nước anh em” Bắc Triều Tiên, Cu Ba, Chụm Mẹ.
Nhờ có Ngày 30.4.75, con cháu Kách Mạng mới “hơn cha già (DT) là nhà có phúc” được đi du học các nước đế quốc Tư bản, đặc biệt nhất là đầu sõ ác ôn Mỹ, so với “cha già” khi xưa làm đơn xin Tây cho học Trường Thuộc địa ghi rõ mục đích để được phục vụ nước Pháp mà cũng không được.
Đó mới chỉ là hàng con cháu, còn bản thân các nhà Kách Mạng thì hết nước nói, vì không có gì quý hơn độc lập tự do, à lộn, không có gì quý hơn “Bao nhiêu lợi quyền ắt qua tay mình” là câu “chủ đạo” trong “Quốc tế ca cộng sản”.
Bàn đến Ngày Quốc Huệ 30.4.74 mà không nhắc đến Ngày... Giải Phóng, người viết cũng thấy hơi áy náy không ổn. Vì lâu nay “bên thua cuộc” tức nạn nhân, do hiểu lầm chữ nghĩa Kách mạng vận dụng nên đã mỉa mai xúc phạm đến hai chữ “Giải Phóng” bằng cách nói lái, nào là “Phỏng D.”, nào là “Phỏng hai hòn”, nào là “Chi cũng Phỏng” vào vơ vét về Bắc vân vân… đều mang tính tiêu cực, bêu xấu Kách Mạng. Nên tác giả thấy có bổn phận phải làm rõ sự cố ni cô sư cụ…”Giải Phóng”
Hai chữ “Giải Phóng” mà Kách Mạng ăn mừng hàm ý là ăn mừng cho bản thân Kách Mạng mới chính là “chủ thể” được giải phóng thực sự. Nhờ chiếm được Miền Nam tức Việt Nam Cộng hòa mà Kách Mạng sáng mắt ra, bắt đầu từ lúc thấy con búp bê biết mở mắt nhắm mắt là đồ chơi của trẻ nít Miền Nam.
Nhờ chứng kiến cảnh “phồn vinh giả tạo” của Miền Nam theo chủ nghĩa Tư Bản, Kách mạng thấm thía cái khố rách áo ôm thực sự của Miền Bắc vì bị chui Xuống Hố Cả Nút bầy lâu nay. Mà đâu phải chỉ “loài người” ngoài ấy được giải phóng không thôi, ngay cả đồ vật vô tri cũng được giải phóng nốt, như cái cốc (ly) từ đây hết bị cái nồi ngồi lên (“Cái nồi ngồi trên cái cốc”), như máy truyền hình “TV) khỏi phải dầm mưa dãi nắng ngoài đường! (“Ngoài ấy, TV chạy đầy đường”).
Còn nói “Kách Mạng vào, vơ, vét, về”, thì cũng đúng thôi, nhưng chỉ đúng ở thời kỳ quá độ mới giải phóng. Chứ sau này Kách Mạng vào vơ vét rồi ở lại luôn, chứ đâu muốn về ngoài ấy. Thành thử dân Miền Nam khắp mọi tỉnh thành sau này hay than phiền bị nghe người Việt nói tiếng “nước lạ” hơi bị nhiều.
Túm lại, “lời quê góp nhặt dông dài”, “Ngụy tui” này không dám nhằm mục đích “mua vui một vài trống canh” (Vui gì mà vui khi vết phỏng hai hòn vưỡn còn rát). Song chỉ để hưởng ứng chủ trương Hờ Gờ Hờ Hờ (HGHH) của Anh Cu (NQ) khoái chơi 36 kiểu, nhân dịp Đảng ta ăn mừng Ngày Quốc Huệ, 30 Tháng Tư.