44 năm sau cuộc chiến Việt Nam đang có gì? - Dân Làm Báo

44 năm sau cuộc chiến Việt Nam đang có gì?

Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Chỉ vài ba chục năm sau những cuộc chiến Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã thành "rồng", "hổ", được thế giới nể phục. Việt Nam hôm nay 44 năm sau cuộc chiến đất nước đang có gì?

Trong một lần thuyết trình về chủ đề yêu thích trong lớp, cô bạn Victoria đến từ Ukraina cho biết, cô thích xem phim Hàn Quốc. Đa phần người dân nước cô cũng thích xem phim do Hàn Quốc sản xuất. Cái điện thoại Samsung cô đang sử dụng cũng từ sự yêu mến Hàn Quốc qua phim ảnh.

Hàn Quốc với nền công nghiệp giải trí, làm đẹp khiến cả thế giới lên cơn nghiện, lãnh đạo các quốc gia ước ao. Và công dân của quốc gia này có mức thu nhập bình quân đầu người nằm trong ‘top’ các nước đứng đầu thế giới.

Chỉ hơn 30 năm sau cuộc chiến Nam – Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc khiến loài người phải ngưỡng mộ với những sản phẩm như Samsung, LG, Hyundai... Nó đã chinh phục khắp thế giới, khi nói đến dù bất kỳ công dân nước nào cũng biết của Hàn Quốc. 

Trước đó, Nhật Bản từ một nước bại trận trong thế chiến thứ hai, chỉ cần vài chục năm sau chiến tranh đã trở thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Người Nhật với những Sony, Toyota, Toshiba, Mitsubitshi... Kể sao kết những sản phẩm “Made in Japan” được cả thế giới tin dùng.

Gần hơn như Singapore, Đài Loan, Malaysia... cũng khiến bao nhiêu người Việt muốn đến đó sống, học tập và được làm thuê...

Ở Việt Nam những người yêu đảng, có cảm tình với cộng sản tự hào, Việt Nam hôm nay giàu đẹp, phát triển thuộc hàng nhanh nhất thế giới, chính trị ổn định...

Đây chỉ là sự tự hào của người lười suy nghĩ, an phận, a dua theo kẻ cầm quyền. 

Việt Nam chúng ta có gì?

43 năm sau cái ngày kết thúc chiến tranh, bên thắng cuộc gọi “giải phóng”, Việt Nam chẳng có một sản phẩm nào ra hồn, có giá trị cao tự hào trên thế giới. Để khi nói đến thiên hạ phải nghĩ ngay đó là sản phẩm của Việt Nam, như Toyota hiểu của Nhật, Samsung của Hàn Quốc.

Một đất nước dân số đứng hàng thứ 14 thế giới, với ngót nghét 100 triệu dân, mà chưa có sản phẩm nào thật sự chinh phục thế giới là điều đáng để suy nghĩ.

Tốc độ kinh tế tăng trưởng tuy cao 6 -7%/năm. Tuy nhiên phụ thuộc lớn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Trong các năm qua hơn 70% giá trị xuất khẩu của Việt Nam đến từ các doanh nghiệp này.

Rất nhiều người dân không có điều kiện, thân thế vẫn mong được đi bán sức lao động ở các nước để có thể khá lên được, thậm chí cả nghề bán dâm. 

Tự hào về xuất khẩu gạo, hải sản, cà phê... Chúng ta luôn xuất thô, giá trị lợi nhuận không cao và với chịu mức giá thấp hơn so với sản phẩm tương tự ở các nước cũng xuất như mình. 

Nền công nghiệp nội tại của nước Việt vẫn chưa có được cái gì đáng kể. Việt Nam vẫn chưa có được công nghệ vật liệu, luyện kim có chất lượng để có thể đúc được thân máy, đặc biệt máy móc công nghệ cao. 

Ngay cả máy móc thông dụng Việt Nam vẫn chưa có được vật liệu đáp ứng nỗi. 

Kỹ sư Phạm Tú Anh Vũ, tại Sài Gòn chuyên chế tạo các loại máy móc phục vụ cho nông nghiệp bày tỏ: anh cần loại thép đủ độ cứng, bền cho máy móc của mình nhưng trong nước không có, nên phải mua sắt thép thông thường về cưa, tiện, hàn rồi lắp máy. Điều này dẫn đến độ chính xác thấp, độ bền thấp.

Đến xe máy, thế giới đã làm cả thế kỷ trước, sản phẩm mà gần như tất cả gia đình người Việt Nào cũng có một chiếc. Tuy nhiên, nền công nghiệp nước nhà vẫn chưa thể chế tạo nỗi. Trong chuỗi để sản xuất ra một cái xe máy, công nghiệp Việt Nam chỉ gia công, làm những thứ râu ria để có cái gọi, tỷ lệ nội địa hóa bao nhiêu phần trăm.

Các công nghệ nguồn của nền công nghiệp hiện tại, tương lai, rêu rao công nghệ 4.0 thực sự còn quá xa vời, Việt Nam như kẻ nói leo nhưng nghĩ mình hiểu biết.

Đừng quá tự hào khi xe hơi, điện thoại, máy tính, ti vi có “Made in Vietnam”. Cái Việt Nam có được trong các sản phẩm này chính là nguồn nhân công giá rẻ để Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đặt nhà máy sản xuất. 

Văn học, nghệ thuật Việt Nam cũng chẳng có tác phẩm nào có thể gây tiếng vang trên thế giới, ngoài sự tự sướng, nịnh bợ đảng cầm quyền.

Người thành công như Đặng Thái Sơn, Ngô Bảo Châu... được thế giới thừa nhận cũng phải một trường ngoài nước. Ở trong nước chắc họ cũng chết chìm ở một cơ quan nào đó bởi đấu đá, phe nhóm, dèm pha, đảng và không đảng...

Đất nước tươi đẹp ư?! 

Chúng ta thiếu những người hoạch định có tâm, vì người dân, mà các lợi ích cá nhân, phe nhóm đã, đang tiếp tục phá nát đất nước với nhiều phong cảnh, ưu đãi của thiên nhiên. Tài sản chung bị một số người chiếm đoạt, để người dân đến đó phải thò tiền ra.

Từ biển Nha Trang, Đà Nẵng... đến đỉnh núi cao nhất Việt Nam Fansipan... và nhiều nơi khác bị quan chức cấu kết với doanh nghiệp trong nước, ngoài nước chiếm dụng dưới mỹ từ, “đầu tư phát triển”. 

Tài nguyên bán nốt, bán tháo, quan chức bán như sợ hết phần mình. Họ cho mình quyền tự do ban phép miễn cá nhân có lợi. Chẳng mấy người nghĩ đến giữ lại thế hệ mai sau sẽ còn gì.

Xã hội xuống cấp

Ít có nước nào như Việt Nam, lơ ngơ một chút là bị mất của ngay, từ điện thoại, đến xem máy, tài sản khác dù ngoài đường hay cất kỹ trong nhà.

Người ta sẵn sàng vung nắm đấm, chém nhau chỉ vì những va chạm nhỏ, có khi chỉ nhìn thấy ghét, va quẹt xe khi tham gia giao thông. Ở Việt Nam người nào đầu gấu hơn sẽ thắng chứ không ở lẽ phải.

Tất cả những điều này từ chính trị sai lầm mà ra. Quan chức, an ninh lạm quyền, tham nhũng... người dân chẳng còn tin vào luật pháp nên đã hành xử theo kiểu côn đồ. Đến nhà nước, chính quyền còn hành xử theo kiểu côn đồ.

Giáo dục đang có quá nhiều chuyện, bằng cấp chẳng được thế giới chấp nhận. Nền y tế mà từ, “nhà thương” đã mất đi, thay vào đó phải đóng viện phí mới được chữa bệnh dù cho đó có là cấp cứu. 

Ổn định kiểu nhà tù

Một nền chính trị ổn định nhưng thực tế người dân chẳng có quyền gì, ngoài quyền nghe, im miệng và phải làm theo. Lên tiếng bị nhũng nhiễu, bị bỏ tù, hết kế sinh nhai. 

Người dân không có tiếng nói nào đáng kể trong các hoạch định của sự phát triển quốc gia, dân tộc bởi đảng quá tài ba. “Đảng Cộng Sản Việt Nam vô địch” mà.

Tham nhũng thì tràn lan ở mọi cấp từ thôn, xã, phường đến trung ương. Ai cũng nghĩ đến lấy tiền của dân về túi của mình, cũng nghĩ đến sự ăn cướp, lấy trộm để làm giàu.

Quan chức căn cứ vào đồng lương sẽ không thể trở nên giàu có, nhưng đa phần quan chức giàu một cách nhanh chóng. Nghề làm quan chức trở nên dễ làm giàu hơn doanh nhân.

Một chế độ đẻ ra tham nhũng, quan chống tham nhũng lại là những ông bà trùm. Việc chống tham nhũng ở chế độ cộng sản như người ta đuổi theo cái bóng của mình.

Nên dù ông Trọng có nhóm lò, củi tươi, củi khô cháy... thì rồi cũng đâu vào đó. Chống tham nhũng phải dựa trên hệ thống tư pháp, chứ không phải một ông già trên 70 tuổi như hiện nay.

Thiếu tầm nhìn và hèn

Tâm lý cầu an, hài lòng... nhưng thực tế lười suy nghĩ, nhu nhược, lo sợ, đang bao trùm người dân.
Việt Nam một quốc gia thiếu tầm nhìn, viễn kiến cho tương lai. Bởi vì nó bị buộc trong tầm nhìn bảo thủ, ích kỷ của đảng Cộng sản cai trị.

Người dân phải chịu đóng một mức thuế, phí cao so với nhiều nước trên thế giới và các quốc gia trong khu vực, nhưng phúc lợi thua xa các nước.

Một đất nước người dân được đi học, tối thiểu sự giáo dục phổ thông nhưng đa phần (kể cả những người có bằng đại học, hoặc cao hơn) không phân biệt nỗi, đâu là yêu nước, yêu chế độ, ủng hộ đảng phái. 

Nên có ai đó luôn trăn trở với sự phát triển của quốc gia, dân tộc mà không yêu đảng cộng sản, không đồng tình với XHCN thì được mặc định cho là “phản động”. Khốn thay, đa số dân chúng lại đồng tình với sự ngu dân của đảng cộng sản.

Cho nên chúng ta đừng có cười cợt vào hiểu biết lạ đời của dân Bắc Hàn bởi sự giáo dục dân của ‘triều Kim’ cộng sản lãnh đạo quốc gia đó.

Vượt nỗi sợ nghĩ đến tương lai

Tôi luyến tiếc con đường, kế sách dành độc lập, phát triển quốc gia còn dang dở, chưa thành công của Phan Chu Trinh.Con đường mà đảng cộng sản gọi là “cải lương”, bởi nó không có bạo lực.

Nghĩ đến tương lai tất nhiên chúng ta sẽ tìm ra con đường tốt hơn cho quốc gia dân tộc. Trong đó cái hay của Phan Chu Trinh, của Việt Nam Cộng Hòa, hay củabất kỳai thì chúng ta cũng cần phải học hỏi, thực hành.

Chính sự toàn trị và lo sợ của đảng cộng sản đã hạn chế sự phát triển của dân tộc, hùng cường của đất nước, kiềm hãm tiến trình dân chủ.

Việt Nam không phải cần đảng Cộng sản mà cần sự đa nguyên, dân chủ, một hiến pháp vì quốc gia, dân tộc chứ không phải để bảo vệ một đảng phái, cá nhân nào. 





Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo