Phải chăng cần chọn lọc, biên soạn lại truyện cổ tích cho trẻ em? - Dân Làm Báo

Phải chăng cần chọn lọc, biên soạn lại truyện cổ tích cho trẻ em?

Dâu bể tang thương (Danlambao) - Cộng sản đã, đang và sẽ còn tiếp tục làm băng hoại đất nước, con người Việt Nam. Trong thời gian gần đây xảy ra rất nhiều bi kịch trong và ngoài xã hội. Từ chuyện các học sinh nữ hùa nhau đánh đập, làm nhục bạn bè của mình, chuyện người lớn tuổi có hành vi sàm sỡ, xâm phạm đến các thiếu nữ, chuyện cả làng nước kéo nhau đi tung hô thần tượng bọn giang hồ nửa mùa đến chuyện cô giáo và học sinh làm chuyện dâm ô, ghen tuông dùng kéo đâm bạn gái đến chết trước sự thờ ơ của cảnh sát giao thông… Xin đừng vì lơ đễnh, cẩu thả mà gieo thêm những nọc độc, ung nhọt này cho thế hệ sau nữa. Nếu không Việt Nam sẽ không tránh được một thảm họa đạo đức và văn hóa đâu. Mong rằng phụ huynh, giáo viên và những người có tâm huyết với nước nhà hãy gắng sức gìn giữ tinh hoa cho tổ quốc. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cần phải bảo tồn nhưng kho độc dược Việt Nam thì cần phải hủy bỏ càng sớm càng tốt. Tất cả chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: "GIANG SƠN-GIỐNG NÒI".

*

Khi nhắc đến truyện cổ tích, hẳn nhiên phải nghĩ ngay đến trẻ thơ. Người lớn mê đọc truyện cổ tích chắc là rất hiếm. Não bộ trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh, do đó khả năng tư duy còn rất hạn chế. Thường thì tiếp nhận ra sao sẽ giữ nguyên như vậy, thay vì có thể sàng lọc như người trưởng thành. Chính vì vậy, để đảm bảo cho trẻ có một sự phát triển lành mạnh về trí tuệ và đạo đức, chương trình giáo dục và vui chơi cần được soạn thảo hết sức nghiêm túc và chặt chẽ. Đọc, kể, hay tập cho trẻ xem truyện cổ tích Việt Nam là phương pháp rất hay nhằm giúp trẻ phát triển về đạo đức, tư duy, kiến thức, văn hóa và lịch sử dân tộc. Hiện nay ở Việt Nam gần như đều sử dụng bộ sách "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" của cố giáo sư Nguyễn Đổng Chi. Phải công nhận tác giả đã rất công phu tìm tòi, sưu tầm, chỉnh lý, biên soạn, sắp xếp theo từng danh mục rất chi tiết. Tuy nhiên, có nhiều truyện đến hôm nay đọc và nghiền ngẫm lại, cá nhân người viết cảm thấy không (hoặc chưa) phù hợp với trẻ em Việt Nam. Nói cách khác, cần phải bị sàng lọc và loại bỏ. Trong khuôn khổ bài viết, không thể nào liệt kê hết tất cả những câu chuyện như vậy, nên chỉ có thể nêu một số ví dụ điển hình làm dẫn chứng cho nhận định của bản thân.

1. Truyện "Trí khôn của tao đây". Đây là truyện cổ tích bị phê phán nhiều nhất trong công đồng mạng hiện nay. Nội dung kể về một con cọp không biết trí khôn của con người là gì nên đã đi hỏi một người nông dân. Nó đã bị anh ta lừa trói vào gốc cây và thiêu sống suýt chết, cũng may chỉ có bộ lông bị cháy xém và trở thành vằn vện.


- Theo một số phân tích khá hợp tình hợp lí, thì đây không phải là trí khôn gì cả mà chỉ là sự gian trá, độc ác và ngu xuẩn. Cọp thắc mắc một cách hợp lí, hỏi người một cách thành thật và tin người hết lòng. Nó không hề xâm phạm đến anh nông dân một mảy may, thế thì tại sao phải tìm cách lừa gạt, hãm hại nó. Trong khi anh ta hoàn toàn có thể giải thích cho cọp biết trí khôn là trồng lúa để có thức ăn ổn định thay vì chỉ biết đi hái lượm một cách bấp bênh; là chế ra cái cày bắt trâu kéo để cày ruộng rồi gieo mạ thẳng tắp. Chúng ta sẽ dạy cho trẻ thơ bài học gì qua câu chuyện này? Phải chăng là dạy chúng dùng sự lưu manh và độc ác để đối đãi với những người đặt niềm tin vào mình. Hậu quả sau đó là mất đi sự tin tưởng cũng như có thể chuốc lấy những hậu quả khôn lường. Thử nghĩ nếu như cọp đem lòng thù hận, sau đó rình rập ăn thịt con trâu cho anh nông dân khỏi làm đồng được nữa, hoặc là giết chết anh cùng gia đình để trả đũa thì sao? Đây là trí khôn hay là ngu dại?

2. Truyện "Tấm Cám". Một câu chuyện khác mô tả sự ác độc cùng cực, không hề thể hiện tính nhân văn của người Việt. Tấm bị cô em cùng cha khác mẹ là Cám và dì ghẻ hãm hại hết lần này đến lần khác suýt chết. Cuối cùng Tấm trả thù bằng cách dội nước sôi cho Cám chết phỏng rồi dùng thịt xương làm mắm biếu dì ghẻ ăn. Để rồi bà ta cũng chết vì quá sốc khi nhận ra đã ăn thịt con mình. 

- Xã hội thượng tôn pháp luật là cái đích mà chúng ta cần và phải vươn đến. Cám và dì ghẻ phạm tội, có thể áp dụng nhiều cách xử lí khác nhau. Nếu Tấm là người vị tha thì có thể cảnh cáo và tha bổng, nặng hơn thì tù đày. Trường hợp nghiêm trọng nhất, xét hành vi giết người không thể cải tạo, cùng lắm là xử chết, chém đầu răn kẻ ác là xong. Đâu thể nào dùng cách giết người tàn độc, man rợ như vậy. Với những hành vi của Tấm, thật không thể nào thông cảm và đồng tình. Đây là cách hành xử của những kẻ mất nhân tính chứ không phải là một phụ nữ Việt Nam bình thường.

3. Truyện "Cường Bạo đại vương". Nhân vật chính là một anh chàng tên Cường Bạo rất ngang tàng, không coi ai ra gì chỉ chơi thân với Táo Quân. Vì anh ta hỗn láo với mẹ mình và coi thường mọi người nên bị Ngọc Hoàng sai quân đi trị tội. Nhờ Táo Quân bày mưu nên anh ta thoát nạn nhiều lần. Cuối cùng cũng vì ngang tàng, giết chết một con cua đồng mà mất mạng. 

- Đây cũng là một câu chuyện theo người viết là rất bậy bạ. Một kẻ coi thường mọi người, bất hiếu với mẹ mình bị trời phạt là điều rất hợp tình, hợp lí. Táo Quân là thần thánh dưới quyền cai quản của Ngọc Hoàng, lẽ ra phải khuyên can bạn làm điều hay, lẽ phải thì lại nối giáo cho giặc chống lại cả thiên đình. Khi cho trẻ em tiếp xúc với truyện này, chúng sẽ học được điều gì? Phải chăng là thói ương ngạnh, không coi người khác ra gì, là cậy quyền cậy thế tha hồ làm chuyện xằng bậy, là bất tuân luật lệ muốn làm gì thì làm?

4. "Gốc tích cái nốt dưới cổ con trâu". Nội dung chính kể về một cậu bé mục đồng được chủ mướn chăn trâu nhưng không chịu làm việc mà chỉ mải chơi, bỏ trâu đói. Không những thế còn dùng tiểu xảo để che mắt chủ. Khi bị con vật vạch trần với chủ và bị đánh cho một trận thì cậu ta đã được Bụt hiện ra giúp đỡ bằng cách dí cây nhang vào cổ khiến trâu vĩnh viễn không còn nói được tiếng người, chỉ biết kêu nghé ọ. 

- Đọc hết truyện này, người viết phải bàng hoàng, sửng sốt vì sự độc hại về mặt nội dung. Còn nhỏ tuổi mà đã học thói lười biếng, nói dối với người lớn và ngược đãi động vật. Khi bị phạt chẳng những không biết phục thiện, còn tìm cách mách lẻo và trả thù rất tiểu nhân. Còn Bụt là thần thánh có quyền phép nhưng không răn dạy đứa trẻ, lại tiếp tay với nó bịt đi tiếng nói trung thực. Nói cách khác, kẻ gian sẽ có kẻ mạnh tiếp tay để đàn áp người tốt. Còn kẻ có quyền thế, thực lực thì tha hồ hành xử theo ý mình, muốn bênh ai thì bênh, muốn phạt ai thì phạt, bất chấp phải trái, trắng đen.

5. "Nói dối như Cuội". Nhắc đến chú Cuội thì ai cũng biết thành tích bịa đặt của hắn. Tuy nhiên, nói dối để đùa vui thì không sao, nhưng dối trá hại người thì chẳng thể đồng tình. Thế mà câu chuyện này lại đi khoe khoang, ca ngợi thành tích dối trá, sát nhân của nhân vật chính. Cuội đã gạt chú thím ruột từng nuôi dưỡng mình rằng hắn từng xuống sông và gặp lại những người thân quá cố, được họ tặng rất nhiều quà. Sau đó còn nhẫn tâm dụ chú thím chui vào rọ, đạp xuống sông cho mất tích để chiếm đoạt hết tài sản. Chưa dừng lại ở đó, hắn còn giả làm người từ trên trời giáng xuống, dụ dỗ vua ngồi lên lưng voi bay ra biển để rồi rớt xuống nước chết đuối. Còn hắn thì ung dung trèo lên ngai vàng.

- Thật không thể tưởng tượng được lại có thứ truyện cổ tích dành cho trẻ em như vậy. Lừa gạt người thân của mình đã là không thể tha thứ, đàng này lại nhẫn tâm dùng mưu sâu kế hiểm để giết họ mà cướp của, trong khi họ là người cưu mang, bảo bọc, lo cho miếng ăn chỗ ở. Là thần dân không lo trung quân, ái quốc lại ráp tâm giết vua để chiếm đoạt ngai vàng. Một lần nữa, chúng ta lại thấy sự gian dối và độc ác được ca ngợi như là trí thông mình. Một kẻ bất hiếu, bất nhân, bất trung, bất nghĩa như vậy mà lại được hưởng giàu sang, quyền thế thì không hiểu đạo lý ở hiền gặp lành có còn tồn tại hay không. Không thể không ghê sợ với loại truyện như thế này vì nó gieo vào đầu trẻ thơ suy nghĩ càng độc ác thì càng thành công. Đây có khác gì với kiểu nói "Vô độc bất trượng phu" của bọn Tàu?

6. "Kẻ trộm dạy học trò". Một anh chàng hơi ngờ nghệch đến xin thọ giáo với một lão ăn trộm lành nghề, vì tuổi già mà rủ tay gác kiếm. Tên trộm già này đã lừa học trò mới của mình mò vào nhà người ta, rồi hô hào cho chủ thức dậy vây bắt khiến hắn trầy da tróc vẩy mới chạy được vào bụi tre ẩn náu. Không thoát ra được, nên hắn lại phải cầu cứu thầy thì lại bị hô hoán lần nữa, đâm ra liều mạng chạy trốn đến thân tàn ma dại.

- Truyền thống thầy trò của dân tộc ta ở đâu trong câu chuyện này? Không muốn nhận học trò hoặc muốn thử thách thì có thiếu gì cách. Tại sao lại lợi dụng sự tin tưởng của học trò mình rồi hãm hại nó? Thử hỏi anh học trò sau khi bị một vố chua cay như vậy thì còn dám tin tưởng vào bất kì người thầy nào nữa không? Chưa kể đến việc nếu hắn lập mưu báo thù, có thể sẽ dẫn đến những bi kịch khôn lường. Hậu quả là có khả năng dẫn đến một bi kịch, một mối thù dai dẳng truyền đời không đáng có chỉ vì sự đểu cáng, chơi gác nhau của một người được kẻ khác tôn trọng, tôn xưng làm thầy.

Kết luận:

Trên đây chỉ là sáu thí dụ trong hàng mấy trăm câu chuyện lớn nhỏ được đăng trong bốn tuyển tập. Người viết không hề có ý định phủ nhận tâm huyết và công lao của cố tác giả Nguyễn Đổng Chi trong việc sưu tầm và bảo tồn kho tàng truyện cổ tích của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, việc theo thời gian mà thay đổi. Không phải bất cứ chuyện gì ông cha ta đã làm cũng đều đúng đắn. Những điều hay, lẽ phải thì chúng ta phải tôn trọng, giữ gìn và phát triển. Những hạn chế, tiêu cực cần phải sửa đổi hay loại bỏ để xây dựng một xã hội mới hoàn thiện hơn. Không thể nào nhắm mắt rồi bưng hết những câu chuyện cổ tích bất chấp tốt xấu như vậy mà truyền đạt lại cho trẻ thơ. Hậu quả gì sẽ xảy ra khi mà những mầm non của đất nước toàn tiếp thu sự lưu manh, lừa lọc, dối trá, thượng đội hạ đạp, buôn thần bán thánh, vô đạo đức, ngang ngược, sát nhân…? 

Cộng sản đã, đang và sẽ còn tiếp tục làm băng hoại đất nước, con người Việt Nam. Trong thời gian gần đây xảy ra rất nhiều bi kịch trong và ngoài xã hội. Từ chuyện các học sinh nữ hùa nhau đánh đập, làm nhục bạn bè của mình, chuyện người lớn tuổi có hành vi sàm sỡ, xâm phạm đến các thiếu nữ, chuyện cả làng nước kéo nhau đi tung hô thần tượng bọn giang hồ nửa mùa đến chuyện cô giáo và học sinh làm chuyện dâm ô, ghen tuông dùng kéo đâm bạn gái đến chết trước sự thờ ơ của cảnh sát giao thông… Xin đừng vì lơ đễnh, cẩu thả mà gieo thêm những nọc độc, ung nhọt này cho thế hệ sau nữa. Nếu không Việt Nam sẽ không tránh được một thảm họa đạo đức và văn hóa đâu. Mong rằng phụ huynh, giáo viên và những người có tâm huyết với nước nhà hãy gắng sức gìn giữ tinh hoa cho tổ quốc. Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam cần phải bảo tồn nhưng kho độc dược Việt Nam thì cần phải hủy bỏ càng sớm càng tốt. Tất cả chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất: "GIANG SƠN-GIỐNG NÒI".

Ngày 03/04/2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo