Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Nếu đặt Trịnh Công Sơn giữa các nhạc sĩ cùng thời, trước 1975 như: Anh Bằng, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9, Trần Thiện Thanh v.v..., tôi sẽ chọn dấu bằng. Thậm chí, nếu xét nét hơn, có những lúc dấu nhỏ hơn sẽ là một lựa chọn.
"Nhạc Trịnh" (?!)
Giới mộ điệu tân nhạc nói chung và những người hâm mộ Trịnh Công Sơn nói riêng, trước đây đều gọi Trịnh Công Sơn theo cách người Việt - ông Sơn, kể cả ca sĩ Khánh Ly, bà cũng gọi như thế.
Trân trọng hơn, người ta gọi đầy đủ họ tên và gắn chữ nhạc sĩ phía trước. Chỉ thế thôi! Người miền Nam và cả Sài Gòn thật giản dị, dù có am hiểu âm nhạc đến đâu chăng nữa!
Chẳng biết tự bao giờ, chữ "nhạc Trịnh" được xướng lên như thể "Gọi Tên Bốn Mùa" cho "lòng thành kính" (!). Quả khá buồn cười, khi phải gọi "nhạc Anh" (Anh Bằng không phải nhạc Anh, nhạc Mỹ), "nhạc Lam" (Lam Phương), "nhạc Ngô" (Ngô Thụy Miên), "nhạc Từ" (Từ Công Phụng), "nhạc Vũ" (không biết là Vũ Thành An hay Vũ Đức Sao Biển)... và đến đây thì ... "rối nùi"!
Cũng không có gì chắc chắn, để biết ông Sơn thích nhạc của mình được gọi như vậy!
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "nổi tiếng" với chữ "Thôi Kệ" - những người quen đều biết - ông thường dùng, khi buộc phải chứng kiến những thăng trầm của thân phận một nhạc sĩ "hát rong".
"Nhạc Trịnh" ư? Vong hồn ông Sơn thấp thoáng đâu đó chắc cũng thốt lên: Thôi kệ! Chỉ duy, gia đình ông Sơn "thôi kệ" mới đáng suy ngẫm!
Không lẽ vì vậy, bất kỳ ai cũng có quyền "thôi kệ" khi sự "sùng bái cá nhân" "nặng mùi" chính trị, vốn độc diễn và đầy dãy trong chế độ cộng sản như "nhà thơ Chế" ca rằng:
"Bác Mao không ở đâu xa
Bác Hồ ta đó chính là Bác Mao"
Cũng chẳng biết khi gọi "nhạc Trịnh" nhằm để "răn" người hâm mộ không được phép "mạo phạm" ông Sơn bằng cách bình phẩm "này nọ", hay mục đích hướng đến lấp đầy hầu bao nhà tổ chức cùng những ca sĩ "có tên và có tuổi" khi họ đang trình diễn một thứ có vẻ là "siêu âm nhạc" cho khán giả?!
Tất nhiên, khi sự "tôn thờ" dâng cao dễ biến thành "mù quáng".
Sự "mù quáng" được đẩy lên tột đỉnh của "thần tượng" dễ làm người ta phẫn nộ. Lúc đó, nghệ thuật biến thành "cuồng tín" với hình ảnh "mong manh áo vải hồn muôn trượng" như Hồ Chí Minh đã từng...
May mà Hồ Chí Minh chưa từng viết ra bản nhạc nào cả (!)
Nhân loại ơi! Hãy cảnh giác! - Julius Fucik
Dường như "đi nghe nhạc Trịnh" trở thành "thương hiệu"?! Nghe "nhạc Trịnh" mới xứng là "trí thức"?
"Học đòi" ngày càng lên ngôi!
"Trưởng giả học làm sang" hơn 200 năm, coi bộ ngày càng "thịnh hành" như người dân cầu viện đến "oan gia trái chủ" để vỡ mộng "Rồi Như Đá Ngây Ngô"(!)
Thật giễu cợt khi ngó dòng chữ "20.000 khán giả Sài Gòn ngồi bệt nghe nhạc Trịnh ở sân vận động" [1], do báo VNExpress tường thuật đầy hào hứng về đêm "nhạc Trịnh" mới đây.
Bài tường thuật sôi nổi đến độ, như đưa người đọc đến với cuộc đua nước rút của "vận động viên" Lệ Quyên, Tuấn Hưng, Đức Tuấn v.v... chạy tiếp sức trên vận động trường! Vâng! "Nhạc Trịnh" được tường thuật rất xôn xao, rất quyết tâm và đầy phấn khởi như thế tại sân vận động Hoa Lư thuộc Tp.HCM.
Làm gì có "Sài Gòn" với lại "nhạc Trịnh"!. Sài Gòn đã mất và Trịnh Công Sơn đã chết!
Thẩm mỹ âm nhạc đã quá khác! Khác đến độ đảo lộn hết mọi thứ trên đời, kể từ 1975. Tôi gọi nó là "sự tàn phá âm nhạc", trong đó có cả cách mà các người gọi là "nhà báo" mô tả đêm "nhạc Trịnh" như một "bữa tiệc buffet" với thực khách nháo nhào tranh giành và bốc hốt cho bằng được!
Nhạc Trịnh Công Sơn không dùng để hát ở sân vận động. Nhạc Trịnh Công Sơn không cần phải "hú hét", "bỏ nhỏ", "lấy to" hay "xử lý", "xử trảm" gì cả!
Nhạc Trịnh Công Sơn không dung chứa kiểu "làm mới" hay "làm màu". Người ca sĩ khi hát nhạc của ông Sơn phải hiểu. Bởi lẽ, những nhạc phẩm của ông Sơn, tuyệt đại đa số là những điệu chậm buồn và thường gắn với "tone thứ" để tỏ bày những nỗi niềm cho tình yêu. Đương nhiên, ông Sơn cũng có những bài "tone trưởng" như: Nắng Thủy Tinh, Mưa Hồng v.v... nhưng ít được biết rộng rãi.
Cho đến khi "con cá bống" hiện diện trong nhạc ông Sơn, giới mộ điệu mới... "ngớ người ra" với gần chục bản! Thật tình, chưa bao giờ cảm giác hụt hẫng đến với tôi như thế! Không! Phải nói nhạc của ông Sơn sao mà nó "vô duyên" quá thể!
Không dừng lại ở sự "vô duyên", khi ca sĩ Hồng Nhung cất lên "đừng buồn núi ơi!", tôi mới hiểu hết "thẩm mỹ âm nhạc" của "cô Diva" này! Và cả "văn hóa XHCN" của Hồng Nhung, khi cô hát rằng:
Bống không là bống bống ở nơi nào
Bống không là bống không ở trong ao
Bống nhảy lên bờ bống đi chơi phố
Nắng vàng ủng hộ cho bống căn nhà
(Bống Không Là Bống - Trịnh Công Sơn)
Tôi "té ngửa" với chữ "ủng hộ"! Hóa ra, ông Sơn cũng "đầy khả năng" khi viết nhạc cổ động (!).
Loạt bài về "con cá bống" nhảy nhót, lên bờ xuống ao như "cú sụp ổ gà âm nhạc" của Trịnh Công Sơn. Khí nhạc gượng ép hợp với ca từ đầy chất "động viên cách mạng" dù sao cũng giúp ca sĩ Hồng Nhung có được chỗ đứng vững chắc trên nền "beton nhạc Trịnh", dù ca sĩ Khánh Ly từng nhận xét [2]:
"...nghe nói có được đào tạo trường lớp hẳn hòi và những ca sĩ này sáng tạo ra một lối hát giống nhau nhưng không giống ai...".
Người "Sài Gòn xưa" khi dùng chữ "không giống ai" có nghĩa ám chỉ về sự dị hợm.
"Lỗi lầm chính trị"
Trịnh Công Sơn khó có thể thành "biểu tượng" của nền tân nhạc Việt Nam, nếu ông không có những ca khúc "phản chiến". Bởi xét về "tình khúc", nhạc Trịnh Công Sơn rất dễ "ngán" như một món ăn chế biến quá đơn điệu và cứ lặp đi lặp lại. Ca từ của ông thường mang tính "phiêu diêu", nó làm người ta tò mò hơn là thích thú. Sự tò mò dễ làm nên "điều kỳ diệu" mang tên "biểu tượng". "Hàng hiệu" quần áo, túi xách, nước hoa v.v... cũng thường theo cách này mà trở nên đắt giá để chứng tỏ "đẳng cấp" (!)
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn - ở tuổi 36 - đã gây ra một "sai lầm chính trị" quá lớn với phát ngôn vào ngày 30/4/1975, vốn khó được xem là người yêu chuộng tự do.
Nếu Trịnh Công Sơn được xem là "bậc thầy về âm nhạc" thì cũng nên nhìn nhận ông là "mầm non về chính trị". Hơn nữa, ông là một nhạc sĩ, một nghệ sĩ.
Có lẽ vì thế, Trịnh Công Sơn từng ai oán:
Đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng
Ngọn gió hoang vu thổi buốt xuân thì
(Một Cõi Đi Về)
để tâm tình với giới hâm mộ về sự non nớt đến độ hồn nhiên, đã gây ra lỗi lầm năm xưa?!
Chiến tranh đã lùi xa nhưng tự do vẫn chưa tới. "Thôi kệ"!
Kính chúc hương hồn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phiêu diêu nơi miền cực lạc và... những ai thật sự thương mến nhạc của ông Sơn hãy xem ông là một nhạc sĩ bình thường như các nhạc sĩ khác.
Cần phải biết ơn nền giáo dục và văn hóa của VNCH đã sản sinh ra hàng trăm nhạc sĩ như hàng trăm loài hoa khác biệt, rất riêng, rất hay và rất độc đáo!
P/S: "Thôi kệ"! Qúy độc giả nghe "ủng hộ" bài "Một Cõi Đi Về" để Nguyễn Ngọc Già có thêm niềm vui!
_______________________________
Chú thích: