Đinh Yên Thảo (Danlambao) - Visa sang Trung Quốc có giá 140 đô la nhưng làm qua các dịch vụ du lịch có thể tốn đến 200 đô. Không thu hút khách được bằng con đường chính thì đi đường tắt vậy. Từ vài năm qua, Bắc Kinh muốn kiếm thêm ngoại tệ và có lẽ cũng để tuyên truyền về bộ mặt của mình với thế giới nên cho phép khách quá cảnh - những người dừng chân trên đường về nước hay sang quốc gia khác, có thể ra ngoài miễn visa lẫn lệ phí. Từ 24 tiếng của vài năm trước, nay đã tăng dần lên 144 tiếng, tức sáu ngày. Thú thật kể từ sau lần định sang Bắc Kinh hồi Olympic 2008 của hơn mười năm trước nhưng không sắp xếp thời gian được, tôi đã bỏ hẳn ý định sang đây thì nay cũng là dịp khi biết đến việc miễn visa cho khách quá cảnh. Từ Tokyo về lại Mỹ, tôi quá cảnh Bắc Kinh và ra ngoài một đôi ngày để xem bộ mặt và đời sống người dân nước này ra sao. Một thoáng Bắc Kinh chỉ dăm ngày có thể không nhiều nhưng cũng đủ cho tôi tận mắt nhìn được đôi điều về bộ mặt Bắc Kinh hôm nay.
Từng là kinh đô cuối cùng trong tứ đại cổ đô của các triều đại Trung Hoa với các quần thể xưa cổ như cung điện, đền chùa, lăng tẩm, thành quách còn giữ lại được, Bắc Kinh rộng rãi, khá đẹp và sạch sẽ hơn tôi nghĩ. Cao ốc, đường phố ban đêm đèn đuốc sáng rực dù thành phố ngủ sớm, không mang dáng dấp của một thành phố du lịch. Đêm cuối tuần mà các khu phố đi bộ đông đúc ngay trung tâm thành phố như Wangfujing hay Qianmen cũng "vãn tuần" khi chưa đến mười giờ đêm, không có những quán bar nhạc sống náo nhiệt cho khách Tây mà hầu hết chỉ các tiệm bán áo quần, hàng lưu niệm và các tiệm ăn bình dân địa phương nhưng có giá đắt gấp đôi so với tại các khu dân cư. Có thể Thượng Hải, "thủ phủ" kinh tế của Trung Quốc, là nơi giao dịch thương mại với phương Tây từ lâu đời, là sầm uất và nhộn nhịp hơn.
Mà thật, các số liệu cho thấy Bắc Kinh chỉ đón khoảng hơn bốn triệu khách nước ngoài mỗi năm, tính chung cả những người sang Bắc Kinh do công việc vì hầu hết các tập đoàn lớn đều có văn phòng tại Bắc Kinh, cộng thêm những người quá cảnh tò mò muốn ra ngoài như tôi, số du khách thật sự còn lại ắt chẳng bao nhiêu. Du khách thì đa phần từ các nước Á Đông, còn các khách phương Tây sang đây, có thể với những mục đích viếng thăm những công trình kiến trúc và văn hóa lâu đời, như khi tôi trò chuyện với vài khách nước ngoài trong cùng tour lên Vạn Lý Trường Thành duy nhất mà tôi đặt vé, nằm cách Bắc Kinh khoảng sáu hay bảy chục cây số. Suy nghĩ của người phương Tây có phần khác biệt, một cụ bà đến từ Úc bảo tôi rằng, người chồng chống gậy, đi đứng rất chậm chạp của bà muốn lên đến Vạn Lý Trường Thành một lần trong đời trước khi chết vì ông bà chẳng muốn bỏ sót bất cứ những nơi ít nhiều nổi tiếng thế giới. Ông bà đã phải bỏ bữa cơm trưa cùng đoàn để thực hiện điều đó, chậm chạp nhưng vẫn xuống kịp theo đúng giờ giấc của đoàn. Có lẽ suy nghĩ của ông bà là lý do mà tôi gặp du khách phương Tây tại các cụm kiến trúc về lịch sử và tôn giáo nhiều hơn là những nơi thông thường hay các khu mua sắm khác.
Bao quanh quảng trường Thiên An Môn ngay trung tâm thành phố là các công sở, bảo tàng, các kiến trúc văn hóa và tôn giáo xưa cùng các khách sạn, quần thể thương mại khá sầm uất. Tử Cấm Thành, tức Hoàng Cung nằm ngay đây. Cờ xí đỏ rực và hình Mao Trạch Đông treo rất lớn trước cụm hoàng cung này. Nơi đây có khá đông cảnh sát và lực lượng đặc nhiệm, thỉnh thoảng lại bắt gặp cả những toán duyệt binh. Ra vào các bảo tàng hay Thiên An Môn thì bất cứ ai cũng phải trình giấy tờ và qua cổng an ninh. Với các hàng rào chắn và an ninh như vậy, kể ra cũng khó lòng cho một vụ Thiên An Môn thứ hai sẽ tái diễn và những người phản kháng, biểu tình ắt cũng chẳng có mấy cơ hội để tụ tập biểu tình hay giăng biểu ngữ phản đối nhà cầm quyền. Bộ mặt thủ đô của các quốc gia cộng sản xem ra chẳng khác biệt mấy, có điều gì đó ngấm ngầm đe dọa người dân lẫn du khách. Trung Cộng kiểm soát an ninh chặt chẽ như vậy, tất nhiên cả internet. Vào Facebook, Google hay các trang mạng xã hội khác rất chậm hay không được, ngay cả khi tôi đo thử tốc độ WiFi kết nối tại khách sạn cũng không quá tệ. Đổi tiền hay mua vé đi tour, xem nhạc cũng cần trình sổ thông hành. Tôi đoán nhà cầm quyền muốn kiểm soát cặn kẽ du khách đã làm gì, tiêu xài bao nhiêu khi vào đất nước mình.
Đã từng tổ chức Olympic nên hệ thống giao thông công cộng của Bắc Kinh tất phải đủ kham nổi lượng khách đông đảo nên Bắc Kinh cũng có hệ thống metro, xe bus khá dày đặc, chỉ hơi mất thời gian vì phải đi bộ thêm để đến nơi cần đến và luôn chen chúc người dân địa phương. Taxi khá rẻ, mỗi cuốc quanh phố chỉ năm, bảy đô la nhưng lại khó đón. Thỉnh thoảng mới bắt được chuyến taxi, lại tự mình muốn quan sát Bắc Kinh, vậy là tôi vừa metro, xe bus lại vừa đi bộ ngang qua các con đường, hẻm phố, khu dân cư Bắc Kinh, nhưng nhờ vậy lại có dịp quan sát đời sống thật sự của người dân ra sao. Chỉ vài trăm mét sau bộ mặt hào nhoáng bên ngoài mà có thể làm dăm du khách nào đó trầm trồ, thán phục khi ghé ngang qua mỗi thành phố dăm ngày theo tour, là khu nhà ở của người dân trong những con hẻm nhỏ cũ kỹ, nhếch nhác, treo đầy quần áo cùng các phương tiện di chuyển thô sơ trong mùi cống nồng nặc. Tôi ghé đến vài khu phố cổ của Bắc Kinh, nhà cửa, hàng quán cũng lụp xụp, nghèo nàn như đã từng thấy trong những bộ phim Tàu vài thập niên trước. Người dân đời thường tại những khu dân sinh bán buôn lam lũ, nhẫn nại, không như bộ mặt sáng loáng nơi trung tâm. Bắc Kinh nhìn hay thấy góc nào cũng đúng. Một nửa. Bề thế và nghèo nàn, thật và giả. Lẫn lộn.
Nó làm tôi nhớ đến những bệ hoa giả trồng khắp các khu thương mại, công sở cho đến tại những thắng tích nổi tiếng. Và nhớ đến chợ Lụa - Silk Market, một trong những nơi ghi là "điểm du lịch" tại Bắc Kinh nhưng là nơi "hội tụ" của thời trang danh tiếng của thế giới được giả mạo và bày bán công khai. Có những món hàng giả khó phân biệt nhưng hàng giả ở đây khá thô kệch và biết ngay là hàng giả. Được nói thách với giá rất cao để du khách chỉ cần trả giá là đã mua đắt hơn giá bán vài lần. Một người bán hàng mời chào và tự động giảm giá sáu, bảy lần cho chiếc khăn lụa quàng cổ, ra giá từ 180 nhân dân tệ (yuan) còn lại 20 yuan (tức khoảng 3 đô, $1=6.7 yuan) dù chúng tôi không hỏi mua. Một người bán dạo mời chiếc bóp LV cho đàn ông có giá 100 yuan cho một cái, tăng dần thành sáu cái khi chúng tôi lắc đầu. Nhưng có lẽ những du khách khác cũng như tôi, đến đây hay chợ Ngọc - Pearl Market vì chúng được ghi là các điểm "du lịch", hơn là đến để mua những món hàng giả mạo đó.
Đêm trước ngày về lại Mỹ, chúng tôi tản bộ về lại khách sạn nằm gần ngay ga chính của Bắc Kinh. Chiếc xe đẩy bán rong bán loại bánh kẹp Jianbing, một món ăn đường phố khá phổ biến, bắt gặp đầy từ trong các khu ẩm thực tại các shopping ra đến hàng quán, trên đường phố. Nó như kiểu bánh crepe của Pháp, tráng nướng bằng bột gạo, đập thêm cái trứng rồi bỏ hành, ngò, gia vị... rồi xếp lại, ăn nóng cũng khá lạ và ngon miệng dù là món ăn bình dân. Vừa ăn tối xong, chúng tôi dừng lại chỉ để xem cách xe đẩy đường phố làm có khác hơn trong các tiệm trong phố. Cô gái nói tiếng Hoa lưu loát với khách mua bất chợt ngó lên và hỏi câu tiếng Việt khi nghe chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Việt. Té ra em là người Việt lấy chồng tha hương, người Việt duy nhất tôi gặp tại Bắc Kinh. Chân chất, thân thiện và có cái tên khá đẹp, cô gái có vẻ vui như chúng tôi cũng vui vì tình cờ gặp em. Em kể rằng, quê ở Cà Mau và chỉ mới 25 tuổi nhưng đã theo chồng sang Bắc Kinh được bốn năm. Có một con trai được bà nội giữ, từ đêm đến sáng hai vợ chồng đặt xe bánh kẹp bán dạo đối diện sân ga nên cũng đông khách và đắp đổi qua ngày. Anh chàng chồng cao ráo, có phần sáng sủa và khoảng dưới ba mươi cũng thân thiện nhoẻn miệng cười, loanh quanh bên xe hàng rong khi nghe chúng tôi trò chuyện bằng tiếng Việt với vợ. Em trả lời đời sống "cũng được" khi tôi hỏi. Tôi hiểu cái "được" của một cô gái Việt bán hàng rong trên xứ người và cũng mừng cho em vì có một gia đình thật sự và đời sống bình thường, ắt còn may mắn hơn hàng vạn cô gái Việt bị bán sang hay đang lưu lạc chẳng biết thế nào trên xứ sở này. Dù trong thâm tâm tôi thầm hỏi rằng, tại sao quê hương không dung nổi cho em một chiếc xe bánh mì dạo nơi chôn nhau cắt rốn để phải dẫn đến chọn lựa này? Nó là số phận của mỗi người hay của một dân tộc?
Đêm Bắc Kinh, nhìn sang sân ga đèn sáng rực và vẫn đông người vào ra, câu chuyện của cô gái Việt nơi xứ người cũng chẳng khác gì số phận của những người dân của chính xứ sở này. Từ các vùng quê đổ về Bắc Kinh hay các thành phố kỹ nghệ, người dân lục địa tất bật lam lũ mưu sinh và đang bị vắt cạn kiệt sức lực để phục vụ cho một một vòng đai tham vọng, một con đường “tơ lụa" bát quái trận đồ của những kẻ nắm quyền đang cố vẽ ra một bộ mặt hào nhoáng, ngoa ngôn với thế giới. Được nấp sau mục tiêu thôn tính, bá quyền, trong khi chưa lo được cho đời sống người dân của nước mình. Những người còn bị thiếu thêm nhiều thứ khác hơn nữa so với người dân của các nước tự do.