Cảm nhận về hình ảnh Festival nghề truyền thống Huế 2019 - Dân Làm Báo

Cảm nhận về hình ảnh Festival nghề truyền thống Huế 2019

David Thiên Ngọc (Danlambao) - Nói về góc độ văn chương, nghệ thuật, thi ca, hội họa, âm nhạc... những tác phẩm có giá trị, thành công về chiều sâu nghệ thuật khi muốn tả, nói lên một hình ảnh, tính chất, nỗi niềm sâu lắng... nào đó là hầu như tác giả ít hoặc không nói trực tiếp ngay điều mình muốn tả, muốn nói lên... nhưng bằng tài năng họ lồng trong tác phẩm đó và ẩn tàng những hình ảnh, nỗi niềm sâu kín mà độc giả, khán thính giả đều nghe, thấy và mỗi người bằng một góc nhìn riêng, đôi mắt riêng, tâm hồn, trái tim riêng mà nhận thức và thả hồn theo lời ru của tác giả. Đôi khi chính độc giả còn có thể đẩy tác phẩm, tác giả thăng hoa lên tầm cao hơn của nghệ thuật mà chính tác giả cũng không ngờ và cũng có những điều mà tác giả chưa hề nghĩ đến. Điểm này nếu thi hào Nguyễn Du sống lại cũng phải công nhận và cảm ơn hậu thế... đã có nhiều đánh giá phân tích vượt tầm của ông qua tác phẩm kinh điển "Kiều" và cũng sẽ biết rằng 300 năm sau đã có người cảm thương mà khóc cho Tố Như-"Bất tri tam bách dư niên hậu.../ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như".

Nói về mùa thu, nếu tác giả nói "mùa thu kìa... Thu đã về..." thì không lấy gì làm hay chưa nói là áng văn tồi, dù cho văn thơ có mượt mà đến đâu cũng không đạt được đỉnh cao của nghệ thuật. Thay vì vậy tác giả vẽ nên những áng mây hồng la đà trên những đỉnh núi, rừng hoang đang nhuộm một màu vàng úa, những làn sương dày la đà trên mặt hồ, mặt sông... xa xa là ánh trăng bàng bạc... thì độc giả khán giả sẽ có cảm nhận "Thu đã nhuộm vàng khắp lối, Thu đã ngân nga bên trời..." và trong mắt mỗi người đều thấy hình dáng của nàng Thu mà mỗi nàng một dáng vẻ yêu kiều, lãng mạn khác nhau đa dạng, đa sắc màu. Ở khía cạnh này thì Xuân và Hạ cũng thế... với cảnh mai đào khắp nẻo... lân sư rồng cắc tùng... tùng cắc... bếp lửa hồng với nồi bánh chưng bánh tét... đêm 30 trừ tịch là mọi người đã thấy chúa Xuân đang đong đưa trên cành liễu trước nhà mà cần gì phải nói "Tết đến rồi".
Tôi còn nhớ những bài thơ, áng văn, bản nhạc... khi nghe qua tôi và một số lớn người khác chưa kể là giới văn nhân đã thốt lên rằng "Rất Huế" nhưng trong những tác phẩm đó không hề có một chữ nào là chữ "HUẾ" cả! thế mới là nghệ thuật.

Tôi thật buồn và thất vọng cho giới nghệ thuật ngày nay khi nhìn hình ảnh trong buổi lễ Festival nghề truyền thống Huế 2019 do UBND Tp Huế tổ chức. Qua các hình ảnh các cô gái với những chiếc "nón lá Hương Cần" nhuộm một màu tím thủy chung trong tà áo dài "rất Huế" của nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa tái hiện và đang lướt qua trên chiếc cấu 6 vài 12 nhịp... chỉ mỗi 3 hình ảnh đó nó đã toát lên gam màu lung linh kỳ diệu của đất Thần Kinh, bãng lãng chất thơ đầy lãng mạn... và đã nghe xa xa đâu đó giọng ngâm ngọt ngào "ở đây sương khói mờ nhân ảnh/ Ai biết tình ai có đậm đà..." rồi. Bao nhiêu hình ảnh đó đã vẽ nên một đất nước một con người đoan trang hiền thục, hiếu khách đáng yêu đáng mến... khiến cho "Học trò trong Quảng ra thi, thấy cô gái Huế bước đi không đành"... hẳn nơi đây là đất lành chim đậu cho các doanh nhân thời đại công nghệ 4.0 ngày nay! Vậy thì hà cớ gì mà trên chiếc nón bài thơ... đầy thơ đó lại mọc lên những chiếc sừng của những con tuần lộc mà mạo danh, mạo hình là "HUẾ" một cách lố bịch và đã mang cả một thùng nước sơn màu chàm đổ lên đầu của núi Ngự sông Hương huyền thoại?

Có phải chăng cái tầm của đạo diễn chương trình, nhà thiết kế Minh Hạnh chỉ tới đó? Không những không tiếp nhận những lời góp ý, phân tích chính xác, đúng mực của dư luận trên toàn xã hội mà tác giả Minh Hạnh còn lấp liếm rất ư là thiếu tầm cho rằng hình ảnh đó (những chiếc sừng) sẽ "làm cho Huế rực rỡ, lung linh trong những ngày hội Festival"??? Hay là tác giả cho rằng mọi người trong xã hội không/chưa có đủ tầm để nhìn và nhận thức được chiều sâu diệu kỳ của Huế được thể hiện qua Festival nên MH mới làm như thế?. Tôi cũng nghĩ rằng nhà thiết kế cho một Festival lớn như vậy chả lẽ tuổi thì cao mà người lại lùn quá mức? không lẽ nào. Tôi tạm an ủi rằng có thể là như ông bà xưa có nói: "ở bầu thì tròn, ở ống thì dài" hoặc "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" cho nên trong thời gian quá dài nhà thiết kế Minh Hạnh được sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà XHCN ưu việt được dạy dỗ truyền thụ, nhồi nhét tư tưởng, sáng kiến của một bầy "đỉnh cao trí tuệ của loài người" nên Minh Hạnh mới sáng kiến ra một hình ảnh rất "đỉnh cao" rất "tối mắt" bằng cách biến những nàng thơ sông Hương núi Ngư thành những con tuần lộc kéo xe cho ông già Noel đi phát quà cho trẻ con trong mùa Christmax.

Buồn!



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo