Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Chưa bao giờ ở Việt Nam một số người trở nên dễ giàu có nhờ đất đai như hiện nay. Và cũng chưa bao giờ người dân Việt dễ dàng bị mất nhà cửa, đất đai, quyền lợi... trước cặp mắt thèm thuồng của các ông kẹ bất động sản như bây giờ. Đất đai đang là mặt hàng ‘hot’ nhất ở Việt Nam bởi ăn cướp, đầu cơ, sự phô trương...
Giá đất chỉ làm lợi cho kẻ có tiền
Duy Ngọc một thầy giáo dạy tiếng Nhật tại Đà Nẵng cho biết: Trong ba năm qua giá đất tại thành phố này tăng năm lần trở lên, tùy khu vực.
Có lẽ khó có lĩnh vực nào đầu tư mang lại lợi nhuận cao như đất đai hiện nay ở Việt Nam. Năm 2016, anh Xuân Văn một hướng dẫn viên du lịch tại Đà Nẵng mua một nên đất giá 380 triệu đồng, giờ đã có người trả trên 2,2 tỷ đồng.
Giá đất được đẩy lên cao không phải bởi nhu cầu nhà ở thật sự mà bởi sự đầu cơ. Giá đất nền tại các thành phố, thị xã, khu công nghiệp lên đến hàng trăm triệu đồng, hàng tỷ đồng, nhiều chục tỷ đồng. Đa số công nhân, công chức, nhân viên bình thường nhận lương khoảng 5 – 8 triệu đồng/tháng rất khó để sở hữu một nền nhà.
Chẳng có mấy dự án đất nền, chung cư cho đối tượng có mức thu nhập từ đồng lương bình quân phổ thông. Họ buộc phải mua đất ở nơi không quy hoạch. Việc xây dựng sau đó đa phần trái phép, phải chung chi để được chính quyền làm ngơ.
Các khu dân cư này thiếu hạ tầng đường xá, chiếu sáng, thoát nước, trường học, bệnh viện... Rất dễ biến thành những khu ổ chuột trong tương lai. Chắc chắn những ngôi nhà kể trên luôn ở mức cao trong sự trưng thu, giải tỏa của chính quyền, cùng nguy cơ mất trắng luôn chập chờn trước mặt.
Dân số Việt Nam sẽ vượt mốc 100 triệu trong vài năm đến. Một đất nước chật chội, đông đúc đáng lẽ tài nguyên đất phải được quản lý chặt chẽ, đằng này chính quyền cứ ban phát trong cái lợi trước mắt của một nhóm người.
Rồi đây Việt Nam sẽ là một đất nước không bình thường, chỉ tầng lớp trung lưu, giàu có mới sở hữu được nhà.
Chính quyền cứ cho mình quyền cấp các dự án bất động sản như hiện nay thì con cháu chúng ta sẽ là người chịu hậu quả. Bài học có thể thấy ở việc bán đổ bán tháo, khai thác vô tội vạ các loại tài nguyên trong quá khứ.
“Sở hữu toàn dân” chỉ là mị dân
Điều 53, của Hiến pháp 2013 quy định, “đất đai thuộc sở hữu toàn dân”.
“Sở hữu toàn dân”, nghe rất dân chủ, nhưng ở thế chế XHCN người dân chẳng có thực quyền. Họ chỉ là công cụ trang trí cho đảng và chính quyền của nó để tạo ra ‘lớp sơn’ dân chủ. Do đó, cái quy định “sở hữu toàn dân” đã mở đường cho sự ăn cướp để giàu lên một cách bất công của không ít đại gia, tỷ phú ở Việt Nam.
Nhiều khu vực đẹp, nơi sinh hoạt chung bao đời của cộng đồng, thắng cảnh... từ Hà Nội đến Sài Gòn, Đà Nẵng, Nha Trang, Cam Ranh... đang bị các ‘ông kẹ’Vingroup, FLC... và vô số ‘ông kẹ’ địa phương biến thành của riêng nhân danh sự phát triển. Từ Tam Đảo ở Vĩnh Phúc, núi Chín Khúc tại Nha Trang, đến các dự án bất động sản bãi Dài ở Cam Ranh...
Chính các dự án bất động sản hình thành trên sự ăn cướp, chiếm đoạt đã tạo ra vô số bất công, hình thành nên tầng lớp dân oan. Và đối tượng mở đường, dung dưỡng, tiếp tay cho sự ăn cướp này lại là chính quyền.
Quỹ đất công ít ỏi vốn để dành, ưu tiên cho việc xây dựng trường học, bệnh viện, các công trình phúc lợi công cộng... trước đó chính quyền đã nhanh tay cướp đoạt giao nó cho các doanh nghiệp sở hữu, xây dựng, bán chác... làm lợi cho một vài cá nhân.
Đến khi cần xây dựng các công trình công cộng chính quyền lại đi trưng thu, giải tỏa nhà cửa, đất đai của người dân. Vụ ăn cướp tại vườn rau Lộc Hưng đầu năm 2019 ở Sài Gòn đã minh chứng.
Kẻ ăn cướp là chính quyền và chủ đầu tư, công ty – người đi phân phối, rao bán, mua cũng là kẻ tiếp tay, tiêu thụ của ăn cướp. Của ăn cướp được kẻ ăn cướp đóng dấu đỏ trở thành thứ hợp pháp trong một xã hội bị kẻ cướp lãnh đạo, chi phối.
Các dự án bất động sản hiện nay xem ra không khác việc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương trong quá khứ. Nó chỉ khác người chịu thiệt hại nhiều nhất là những người dân ‘thấp cổ bé họng’. Họ không còn là đám đông cuồng nhiệt cách mạng bị dẫn dắt bởi lời hứa như trong lịch sử.
“Đảng lãnh đạo có sai lầm”, có thể sẽ một lần nữa được xướng lên trong một thái độ vô trách nhiệm nếu thể chế, hiến pháp của đất nước này không thay đổi theo chiều hướng dân chủ, văn minh.
Đất nào cho dân trong tương lai?
Đất đai là tài nguyên có hạn, chẳng thể đẻ ra thêm. Việt Nam cũng không thể xua quân đi chiếm đất của nước khác để làm rộng lãnh thổ của mình như đã làm trong quá khứ. Dân Việt ngày một đông đúc hơn trong một lãnh thổ chật chội.
Tương lai có được mái nhà của con cháu chúng ta sẽ trở nên xa xôi hơn. Câu tục ngữ “An cư lạc nghiệp”, dẫn dắt quan niệm sống việc làm bao đời này của người Việt sẽ bị phá vỡ.
Nhưng lòng tham của kẻ có quyền, có tiền trên đất Việt đâu có dừng lại. Họ đang tiếp tục chi phối luật pháp, chính sách trên đất nước này để cướp được nhiều hơn, trói dân chặt hơn.
19.05.2019