Mẹ Nấm (Danlambao) - Trong buổi chia sẻ về tiêu chuẩn cộng đồng của Facebook ngày 18/6 tại Hà Nội, Giám đốc phụ trách Chính sách nội dung của Facebook châu Á - Thái Bình Dương, ông Simon Harari cho biết bất kỳ nội dung nào được người dùng đăng lên Facebook sẽ được đội ngũ pháp lý của Facebook rà soát để xác định nội dung có được xem là nhạy cảm hay sai trái tại một quốc gia và nó sẽ bị ẩn (không cho hiện) tại quốc gia đó, ví dụ cụ thể là Việt Nam. Tuy nhiên, ông này không đưa ra tiêu chuẩn để xét duyệt nội dung là gì.
Đây có vẻ là một thông tin bình thường với nhiều người vì tôi không thấy bạn bè chia sẻ hay quan tâm mấy. Với tôi, đây là một tuyên bố kiểm duyệt khá rõ ràng từ Facebook dành cho thị trường Việt Nam.
“Nội dung có được xem là nhạy cảm hay sai trái tại một quốc gia cụ thể, chẳng hạn Việt Nam” mà đội ngũ pháp lý của Facebook sẽ xem xét sẽ dựa trên tiêu chuẩn nào?
Tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người Việt? Hay tôn trọng các cam kết thoả thuận mà Facebook đã ký với nhà cầm quyền CS Việt Nam?
Tình trạng xoá bài hàng loạt, đóng tài khoản nhiều trang cá nhân theo “chỉ đạo” cấp cao đã xảy ra trong suốt hai năm qua trên Facebook và trước tình trạng đó Chúng Ta phải làm gì?
Rủ nhau sang mạng khác chơi hay chiến đấu cho quyền tự do ngôn luận của chính mình?
Tôi là một cá nhân đã bị Facebook xoá hẳn tài khoản sau khi nhận bản án 10 năm vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước”. Tôi nhận được gợi ý sẽ giúp đỡ can thiệp với Facebook để lấy lại tài khoản của mình nhưng tôi nghĩ đây là cuộc chiến của chính tôi nên tôi sẽ suy nghĩ để làm sao bảo vệ quyền tự do ngôn luận của chính bản thân dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế.
Trong suốt 8 tháng qua, kể từ ngày ra tù, tôi luôn theo dõi xem có bao nhiêu hoạt động để chống lại sự kiểm duyệt của Facebook. Tuy nhiên, sự phản kháng hình như chỉ dừng lại ở mức độ kiến nghị, thu thập chữ ký và lan truyền trên những tài khoản cá nhân.
Chống lại sự kiểm duyệt của Facebook là một việc làm mà người Việt hải ngoại có thể sát cánh tranh đấu thay cho anh em trong nước. Hai năm qua và cho đến thời điểm này, vẫn chưa thấy có ai chọn cách đồng hành cùng nhau.
Với tôi, cuộc chiến này chính là cuộc chiến của chính Chúng Ta, và tôi hy vọng chúng ta sẽ cùng đồng lòng, sát cánh bên nhau để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của chính mình và của triệu người đang sử dụng Facebook tại Việt Nam.
21.06.2019