Lương tâm người thầy, lương tri giáo dục - Dân Làm Báo

Lương tâm người thầy, lương tri giáo dục

G.S. Lê Hữu Khóa (Danlambao) Không khí hèn lan tỏa rồi trùm phủ lên thái độ sống của vài (hoặc nhiều) thầy cô, đúng ra họ phải là trí thức có đạo lý, tức là phải thẳng đầu-ngay lưng-vững chân, ngược lại họ lại cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước bạo quyền độc đảng, trước tà quyền cấp bộ, trước ma quyền cấp trường, qua chuyện buôn bằng bán cấp trong hệ thống giáo dục, để gian lận trong mua chức bán quyền trong cơ chế, mà trong đám chóp bu lãnh đạo đã có kẻ buôn dân bán nước cho Tàu tặc đã chiếm biển, chiếm đảo của ta; cho Tàu họa với thực phẩm bẩn, hóa chất độc; cho Tàu hoạn đã và đang hủy diệt môi trường Việt, môi sinh Việt; cho Tàu nạn với bọn đầu cơ các công trình, đầu nậu luôn trong chuyện buôn người, tất cả chúng đang bần cùng hóa, đang bẩn thỉu hóa Việt tộc.

*

Thư gởi sinh viên Trương Thị Hà,

(Tặng các bạn sinh viên đã xuống đường để chống luật đặc khu tháng sáu năm 2018, đã bị bạo quyền công an của tà quyền độc đảng đàn áp, bắt bớ, hành hung, tra tấn…)

Phần 1

Thư của sinh viên Trương Thị Hà, (người bị công an đánh vào ngày 17/6/2018) gửi ông Ts Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn tp Hồ Chí Minh.

From: Sinh viên năm 2 Trương Thị Hà, mã sinh viên 1767010064, khóa 2017- 2020, Lớp trưởng lớp 17/2, Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. To: Tiến sỹ Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trưởng phòng đào tạo; và Thạc sĩ Trần Nam, Trưởng phòng truyền thông của trường (đi cùng thầy Hạ chứng kiến sự việc).

***

Thầy Hạ kính mến,

Khi viết những dòng này, nước mắt em không ngừng tuôn rơi khi nghĩ về thầy. Em khóc chỉ vì em thấy cô đơn và bị bỏ rơi tại trại tập trung Tao Đàn ngày 17/06/2018 với những con người đáng sợ mang danh “công an nhân dân”. Em không giận thầy cả, vì nếu có giận, những kẻ đã xúc phạm danh dự và xuống tay đánh em mới là kẻ đáng giận thầy ơi.

Em là lớp trưởng lớp 17/2 Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Em luôn mang lại niềm vui và động lực học cho các bạn trong lớp. Em luôn cố gắng kết nối các bạn trong lớp, các thầy cô và Giáo vụ. Tháng này, lớp em thi cuối kỳ, em đang chuẩn bị viết thư cảm ơn các thầy cô bộ môn đây ạ. Lớp 17/2 có thể tự hào rằng, lớp em là một trong những lớp học chăm chỉ nhất, đoàn kết nhất và có thành tích học tập cao nhất khóa học. Thầy có thể hỏi thầy Triết, thầy Triều, cô Hạnh và cô Nguyên trực tiếp dạy lớp em ạ. Em nói như vậy, chỉ muốn thầy biết rằng, em là sinh viên ngoan và đáng tự hào của thầy, em là một Lớp trưởng có trách nhiệm với lớp. Chứ không phải như những người “công an nhân dân” kia nói em là: “con điếm”, “con đĩ”, “con phản động”, “bị đuổi học.”.

****

Tao Đàn, ngày 17/06/2018.

Thầy ơi, chỉ thầy mới có thể cứu được em lúc này thôi ạ…

Công an 1: Tôi sẽ gọi thầy Phó Hiệu trưởng của em đến đây.

Thầy ơi, khi nhìn thấy thầy, em đã khóc vì sung sướng. Vì em biết rằng, thầy sẽ làm gì đó để giúp em ra khỏi nơi đáng sợ này ạ. Nhưng…

Công an 1 (đe nẹt): Sinh viên của thầy đây. Là một kẻ phản động, thầy nhìn những gì nó làm này, kêu gọi biểu tình, hướng dẫn người dân đối phó với công an…

Công an 2 (liên tục sỉ nhục): Loại này làm đĩ, làm điếm, chứ Lớp trưởng gì. Tao khinh!

Công an 3 (vỗ về): Em “hợp tác” đi là được về ngay mà. Bọn anh có làm gì đâu mà em mời Luật sư.

Hà (nhìn vào thầy khóc): Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em lúc này thôi ạ. Thầy hãy báo cho Luật sư Trần Vũ Hải và Luật sư Lê Công Định giúp em là em đang bị bắt ở đây ạ. Số điện thoại của 2 Luật sư đây ạ.

Thầy: Im lặng…

Hà (khóc to hơn): Em là người hành nghề Luật, em có quyền được mời Luật sư… Thầy có thể hỏi các thầy cô đại học Luật Hà Nội của em. Họ sẽ nhắc đến em là một đứa sinh viên ngoan. Ngày xưa, các thầy cô đại học Luật yêu quý và bảo vệ em như thế nào mà ngày nay, thầy lại đối xử với em như vậy. Nếu các thầy cô đại học Luật ở đây, các thầy cô sẽ cứu em. Em biết thầy không có nghĩa vụ phải thông báo Luật sư giúp em. Nhưng em là sinh viên của thầy, em đang cầu xin thầy. Thầy ơi, thầy hãy nhìn vào mắt em. Em có giống một đứa sinh viên hư không ạ? Thầy đừng im lặng như vậy mà. Thầy chỉ cần thông báo cho các Luật sư của em thôi, chỉ cần vậy thôi, thầy ơi. Em sẽ biết ơn thầy suốt đời ạ.

Công an 1: Có phải điều tra tội phạm đâu mà mời Luật sư, Luật sư không có quyền đến đây cả! Vô ích thôi.

Thầy: Thầy không biết về Luật.

Hà (khóc và bất lực): Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em thôi. Sinh viên của thầy nghi bị người của Báo Tuổi trẻ hiếp dâm, thầy cô trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã lên tiếng và Luật sư của em đã bảo vệ quyền lợi của em sinh viên ấy. Em cũng là sinh viên của thầy, em xin thầy hãy đối xử công bằng với em như em sinh viên kia. Hãy thông báo cho các Luật sư của em là em đang ở đây ạ.

Công an 4: Mệt con này quá. Giờ ký nhận được chưa?

Hà: Im lặng và nhìn thầy.

Công an 4 (Vả vào mặt Hà): Bốp. Mày không “hợp tác” à. Mày nhắc đến 3 từ "mời Luật sư" nữa, tao vả cho vỡ mồm.

Thầy: Im lặng…

Thầy ơi, công an tát em, em không đau cả, em đau vì thầy không bênh em, em đau vì thầy không ôm em, em đau vì thầy không che chở em. Em đau vì thầy lặng im trước hành vi chà đạp nhân phẩm và xâm phạm thân thể trắng trợn của công an Quận 1. Có lẽ, thầy sẽ không bao giờ quên gương mặt đáng thương của em tại trại tập trung Tao Đàn ngày hôm đó đâu.

Tại sao thầy ký vào Biên bản do công an soạn sẵn? Tại sao thầy nói với em là thấy không biết Luật, nhưng thầy lại tin những gì Công an nói, chứ không tin đứa sinh viên ngoan của thầy? Tại sao thầy lại quay lưng bỏ lại em một mình ở đấy ạ?

Xin thầy hãy trả lời giúp em những câu hỏi này hoặc đơn giản là tâm sự thật lòng với em vào email: htruong692669@protonmail.com ạ.

Em tin rằng, lúc đó có Công an nên thầy không thể làm những điều thầy muốn. Giống như các thầy cô đại học Luật ngày xưa, các thầy cô đã âm thầm che chở và bảo vệ em. Công an đánh em, sỉ nhục em, em không đau vì đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng các thầy cô của em không bảo vệ và che chở cho em, em sẽ đau khổ lắm thầy ơi.

Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu vớt được tâm hồn yếu đuối của em lúc này được thôi ạ. Hãy nói cho em suy nghĩ thật lòng của thầy. Thầy có thương em không? Chỉ cần vậy thôi là em thấy yên lòng rồi thầy ơi. Em cám ơn thầy và luôn tự hào là sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ạ.

*

Hà con,

Thầy không quen con, thầy đọc được thư này của con qua mạng xã hội, thầy đã viết thư ngay cho con, con đã hồi âm cho thầy, trong thư này thầy thấy cần có thái độ cá nhân của kẻ làm thầy trước hoàn cảnh của con, vì đây là trường hợp mà môi trường giáo dục bình thường phải nhận diện được: lương tâm người thầy, lương tri giáo dục. Thầy xin được bày tỏ với con tâm sự của một người thầy đang giảng daỵ tại các đại học Âu châu, và được các đại học này đào tạo khi còn là sinh viên, từ là trò giờ đã là thầy trong gần nửa thế kỷ qua tại đây.

Môi trường đại học là môi trường đào tạo đôi, đào tạo sinh viên bằng lý trí của khoa học, đào tạo sinh viên bằng tuệ giác của đạo lý hay, đẹp, tốt, lành làm nên luân lý của công dân có bổn phận với dân tộc, có trách nhiệm với đất nước, cặp đôi này luôn lấy tính khách quan để lý luận, tại đây mê tín của cuồng đạo, ý thức hệ qua tuyên truyền không hề có chỗ đứng, ghế ngồi trong môi trường đại học này. Nên thầy đề nghị với con, là thầy trả lời con bằng phương pháp luận của phân tích nội dung đã có chỗ đứng, ghế ngồi không những trong các ngành khoa học nhân văn (ngôn ngữ học, triết học, văn học…) mà cả trong khoa học xã hội (dân tộc học, nhân học, xã hội học…). Phương pháp luận phân tích nội dung (1) tự thượng nguồn tới hạ nguồn phải bám và không được rời ba hằng số của nhân tri, mà cũng là ba hàm số của nhân tính, nên luôn là ẩn số của nhân cách; đó là: sự thật, chân lý, lẽ phải. Sự thật của nhân bản, chân lý về nhân vị, lẽ phải về nhân phẩm. Nội dung phương pháp điều khiển hành tác của kỹ thuật phân tích, nên thầy dùng chính nội dung của lá thư này của con, để thầy cùng con phân tích không gian giáo dục, để giải thích về môi trường học đường.

Nghĩa vụ học

Thầy Hạ kính mến,

Khi viết những dòng này, nước mắt em không ngừng tuôn rơi khi nghĩ về thầy. Em khóc chỉ vì em thấy cô đơn và bị bỏ rơi tại trại tập trung Tao Đàn ngày 17/06/2018 với những con người đáng sợ mang danh “công an nhân dân”. Em không giận thầy cả, vì nếu có giận, những kẻ đã xúc phạm danh dự và xuống tay đánh em mới là kẻ đáng giận thầy ơi.

Thầy xin trả lời con và xin bắt đầu bằng sự tôn trọng đồng nghiệp, đây là một trong các hành xử bình thường mà người trong nghề gọi là: nghĩa vụ học (déontologie). Cụ thể là toàn bộ lá thư này, thầy sẽ không chỉ trích, phê phán, trách móc việc ông Phạm Tấn Hạ, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trưởng phòng đào tạo, đã không đủ nội công đạo lý, không có tầm vóc luân lý, không được trang bị trong hành trang giáo dục của ông một bản lĩnh làm thầy để bảo vệ con trong vòng vây hung tàn của bọn công an đã hành hung con một cách thô bỉ nhất. (2)

Có đáng trách là nên trách bạo quyền độc đảng lãnh đạo hiện nay đã tha hóa nền giáo dục nước nhà, đã đưa phản xạ vắng nhân cách của họ: hèn với giặc, ác với dân, vào không gian giáo dục, vào môi trường học đường. Đưa không khí hèn vào các ứng xử không có đạo lý khi có một vài thầy cô không có đủ can đảm để bảo vệ sinh viên của mình đấu tranh cho lẽ phải, có lòng với dân, có tâm với đất nước. 

Không khí hèn lan tỏa rồi trùm phủ lên thái độ sống của vài (hoặc nhiều) thầy cô, đúng ra họ phải là trí thức có đạo lý, tức là phải thẳng đầu-ngay lưng-vững chân, ngược lại họ lại cúi đầu-khoanh tay-quỳ gối trước bạo quyền độc đảng, trước tà quyền cấp bộ, trước ma quyền cấp trường, qua chuyện buôn bằng bán cấp trong hệ thống giáo dục, để gian lận trong mua chức bán quyền trong cơ chế, mà trong đám chóp bu lãnh đạo đã có kẻ buôn dân bán nước cho Tàu tặc đã chiếm biển, chiếm đảo của ta; cho Tàu họa với thực phẩm bẩn, hóa chất độc; cho Tàu hoạn đã và đang hủy diệt môi trường Việt, môi sinh Việt; cho Tàu nạn với bọn đầu cơ các công trình, đầu nậu luôn trong chuyện buôn người, tất cả chúng đang bần cùng hóa, đang bẩn thỉu hóa Việt tộc. 

Ý đồ của Tàu tặc-Tàu họa-Tàu hoạn-Tàu nạn đang diễn biến trước mặt chúng ta, với sự thông đồng của bạo quyền lãnh đạo, tà quyền tham quan, ma quyền tham tiền. Hãy dùng nội dung của nghĩa vụ học để chế tác ra nội công cho phân tích, làm nên nội lực cho giải thích để thẳng thắn kết luận: tất cả bọn Tàu tà với ý đồ xâm lược nước ta, thông đồng trong bóng tối với bọn độc tài trong độc quyền phản dân hại nước, tất cả chúng chỉ là: âm binh! (tà kiếp trong âm lộ). Và khi con cùng các bạn sinh viên biết xuống đường để nói lên: ý thức yêu nước, nhận thức thương nòi với sự tỉnh thức phải bảo vệ quê hương, dân tộc tới cùng; thì đúng ra là tất cả thầy cô có nhân cách thẳng đầu-ngay lưng-vững chân phải ủng hộ các con. Không có nhân cách trong giáo dục, thì đừng mong có phong cách trong giáo khoa, thì đừng mong có tư cách trong giáo án, để trao truyền kiến thức đàng hoàng và tử tế tới sinh viên, học sinh.(3)

Câu chuyện hèn với giặc, ác với dân(4), mang không khí hèn vào giáo lý, nó cũng mang không khí ác vào quan hệ thầy cô với học trò, cái ác ngày ngày xuất hiện trong không gian giáo dục, trong môi trường học đường hiện nay của Việt Nam, khi dân tộc và đất nước bị lãnh đạo bởi cái bạo, cái tà, cái ma, cả ba cái này làm nên cái ác bằng cái bạo. Trong đó có bạo động giữa thầy cô với học trò, bạo hành giữa học trò với nhau, bạo lực lên ngôi một cách thô tục nhất; khi mà cái ác liên minh với cái bạo, nó điếm nhục hóa cả một hệ thống giáo dục! Với tên bộ trưởng bộ giáo dục viết-rồi-bôi chuyện “trừng phạt” sinh viên: “bán dâm quá bốn lần”; đây là cách hành văn của bọn ngọng ngôn ngữ, điếc ái ngữ, lòa nhân tri, què trí tuệ. Chúng điếm nhục hóa cả một hệ thống giáo dục, (gian giáo trong điếm lộ!).

Phần 2.

Ba hệ giáo: lương, liêm, nhân

Em là lớp trưởng lớp 17/2 Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh. Em luôn mang lại niềm vui và động lực học cho các bạn trong lớp. Em luôn cố gắng kết nối các bạn trong lớp, các thầy cô và Giáo vụ. Tháng này, lớp em thi cuối kỳ, em đang chuẩn bị viết thư cảm ơn các thầy cô bộ môn đây ạ. Lớp 17/2 có thể tự hào rằng, lớp em là một trong những lớp học chăm chỉ nhất, đoàn kết nhất và có thành tích học tập cao nhất khóa học. Thầy có thể hỏi thầy Triết, thầy Triều, cô Hạnh và cô Nguyên trực tiếp dạy lớp em ạ. Em nói như vậy, chỉ muốn thầy biết rằng, em là sinh viên ngoan và đáng tự hào của thầy, em là một Lớp trưởng có trách nhiệm với lớp. Chứ không phải như những người “công an nhân dân” kia nói em là: “con điếm”, “con đĩ”, “con phản động”, “bị đuổi học.”

Lá thư này thầy gởi tới con, để ta phân tích rõ về nội dung: lương tâm người thầy, lương tri giáo dục, mà lương tri ở đây chính là tri thức của lương tâm, của một hệ thống giáo dục phải liêm chính, mới đào tạo được một đội ngũ thầy cô liêm sỉ để trợ lực và trợ duyên cho học sinh, sinh viên thành những công dân liêm khiết. Hệ lương (lương tâm, lương tri, lương thiện) song hành cùng hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết) chính là con ngươi của mọi hệ thống giáo dục, con à! Trong lá thư này của con có đầy đủ cả hai hệ: lươngliêm, nên thầy khẳng định là thầy: đứng về phía nước mắt của con! Như thầy đã đứng về phía công bằng để chống bất công, như thầy đã đứng về phía dân chủ, về hướng nhân quyền để trực diện chống lại mọi hành vi, mọi hành xử bất nhân, tới từ bất cứ tà quyền lãnh đạo nào, từ bất cứ ma quyền tham quan nào, từ bất cứ bạo quyền công an nào.

Đi học là nhập nội vào môi trường đôi hài hòa giữa khoa học và trí thức, trong đó giáo lý được học-hiểu-trao-truyền, qua đạo lý (hay, đẹp, tốt, lành) làm nên luân lý của công dân có bổn phận với dân tộc, có trách nhiệm với đất nước. Cả hai đạo lýluân lý làm nên đạo đức của người thầy trao-để-truyền cho học sinh, sinh viên hệ thức (từ kiến thức tới tri thức, từ ý thức tới nhận thức để luôn được tỉnh thức), trong mỗi người trong chúng ta biết trên kính dưới nhường, mà thi hào Nguyễn Du đã đúc kết được thành mô thức hành xử cho kẻ bề trên với bề dưới là: "phải dung kẻ dưới mới là lượng trên". 

Xa hơn nữa không gian giáo dục, môi trường học đường là nơi phân tích sâu rộng và giải thích cao xa: đạo lý, luân lý, đạo đức để các chủ thể của kiến thức là thầy cô và học sinh, sinh viên có một niềm tin về nhân tính dựa trên nhân tri làm ra nhân trí được trao truyền ngay trong học đường, mà các con là sinh viên sẽ đại diện cho xã hội, cho dân tộc, cho đất nước khẳng định nhân vị bằng nhân nghĩa với đồng bào, bằng nhân đạo với đồng loại. Từ đây, tạo ra nhân văn trong cách hành xử của các con, dựng lên nhân bản trong thái độ sống của các con, đây chính là nhân phẩm của các thầy cô, nhân đạo của các con em học sinh và sinh viên. Giáo dục không hề rời bỏ hệ lương (lương tâm, lương tri, lương thiện) và hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết), vì cả hai tin vào hệ nhân (nhân tín, nhân tri, nhân trí, nhân vị, nhân nghĩa, nhân đạo, nhân văn, nhân bản, nhân phẩm). (5)

Mãnh lực của niềm tin

Tao Đàn, ngày 17/06/2018.

Thầy ơi, chỉ thầy mới có thể cứu được em lúc này thôi ạ…

Công an 1: Tôi sẽ gọi thầy Phó Hiệu trưởng của em đến đây.

Thầy ơi, khi nhìn thấy thầy, em đã khóc vì sung sướng. Vì em biết rằng, thầy sẽ làm gì đó để giúp em ra khỏi nơi đáng sợ này ạ. Nhưng…

Công an 1 (đe nẹt): Sinh viên của thầy đây. Là một kẻ phản động, thầy nhìn những gì nó làm này, kêu gọi biểu tình, hướng dẫn người dân đối phó với công an…

Công an 2 (liên tục sỉ nhục): Loại này làm đĩ, làm điếm, chứ Lớp trưởng gì. Tao khinh!

Công an 3 (vỗ về): Em “hợp tác” đi là được về ngay mà. Bọn anh có làm gì đâu mà em mời Luật sư.

Hà (nhìn vào thầy khóc): Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em lúc này thôi ạ. Thầy hãy báo cho Luật sư Trần Vũ Hải và Luật sư Lê Công Định giúp em là em đang bị bắt ở đây ạ. Số điện thoại của 2 Luật sư đây ạ.

Thầy: Im lặng…

*

Hà con, 

Các công an đã hành hung con với bạo lực ở cấp thô bỉ nhất, đã nhục mạ con với ngôn từ tục tĩu nhất, với phong cách hành xử bỉ ổi nhất của họ, con hãy chọn bốn phân tích sau(6):

- Phân tích chiều ngang, đây là loại chỉ biết thô tục qua bạo động vì họ không được giáo dục về đạo lý, luân lý, đạo đức, vì ĐCSVN lãnh đạo họ chỉ dạy họ bạo lý, tà lý, vô đức.

- Phân tích chiều cao, đây là loại chỉ biết buộc tội bằng bạo lực vì họ không được giáo dục về hệ lương (lương tâm, lương tri, lương thiện) và hệ liêm (liêm chính, liêm sỉ, liêm khiết).

- Phân tích chiều sâu, đây là loại chỉ biết thóa mạ bằng vô minh, làm nên loại người vô tri, vô giác, nên rất vô cảm trước các chủ thể đại diện cho hệ lương và hệ liêm như con và các sinh viên, thanh niên, mọi thành phần xã hội trong tháng 6 năm 2018 đã đầy đủ bổn phận công dân trước họa "buôn dân bán nước" của tập đoàn tội phạm đang cai trị nước ta. 

- Phân tích chiều rộng, qua lịch sử: con và các công dân Việt đã xuống đường trong năm tháng đó là: những đứa con tin yêu của Việt tộc! Mà trong lịch sử Việt tộc đã là một dũng tộc đánh thắng bao lần ngoại xâm phương Bắc; là một minh tộc, biết thắng Tàu tặc trong lịch sử bằng chính sự thông minh của mình: Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Quang Trung. (7)

Con đừng quên nhé: Việt tộc là một dũng tộc, và là một minh tộc!

Nhưng trong thư này thầy muốn con đi cao, sâu, xa, rộng hơn nữa vào giáo lý được giáo dục tôn vinh, được đạo lýđạo đức xướng danh trong những thử thách của nhân loại, trong những thăng trầm của nhân sinh, qua hai phân tích của hai triết gia có chỗ đứng trung tâm trong tư tưởng hiện đại(8): 

- Levinas, ngọn núi cao của hiện tượng luận cùng lúc lại là bình nguyên mênh mông của triết đạo đức, yêu cầu trước khi ta phân tích về cách hành xử bạo ác của kẻ nắm bạo quyền để phán quyết về nhân cách và số kiếp của họ, thì ta hãy trở lại để đào sâu ngay trong nhân tính chúng ta: chất thánh! Nếu chất thánh có trong mỗi ông Thánh, thì chất thánh này có trong mỗi chúng ta: đạo Chúa gọi nó là vị tha, đạo Phật gọi nó là từ bi, chế tác ra bao dung, rộng lượng, khoan hồng tới để mở đường cho tha thứ.

- Derrida, chủ trì phái tháo cấu trúc tư tưởng để hiểu kiến trúc nhân tính, dặn chúng ta khi vị tha, từ bi, bao dung, rông lượng, khoan hồng tới để mở đường cho tha thứ, tha lỗi, tha tội. Mà nếu đúng là tha thứ thì phải tha thứ những chuyện không tha thứ được! Mà nếu đúng là tha lỗi thì phải tha lỗi những chuyện không tha lỗi được! Mà nếu đúng là tha tội thì phải tha tội những chuyện không tha tội được! Còn tha thứ vì muốn được sống yên, tha lỗi vì muốn được sống lâu, tha tội vì muốn được sống riêng thì tha thứ, tha lỗi, tha tội chỉ loại này chỉ là vụ lợi bằng ích kỷ! không phải là tha thứ thật, tha lỗi thật, tha tội thật(9).

Phần 3.

Trên lưng cái hèn, trên vai cái ác, trên đầu cái bạo!

Hà (khóc to hơn): Em là người hành nghề Luật, em có quyền được mời Luật sư… Thầy có thể hỏi các thầy cô đại học Luật Hà Nội của em. Họ sẽ nhắc đến em là một đứa sinh viên ngoan. Ngày xưa, các thầy cô đại học Luật yêu quý và bảo vệ em như thế nào mà ngày nay, thầy lại đối xử với em như vậy. Nếu các thầy cô đại học Luật ở đây, các thầy cô sẽ cứu em. Em biết thầy không có nghĩa vụ phải thông báo Luật sư giúp em. Nhưng em là sinh viên của thầy, em đang cầu xin thầy. Thầy ơi, thầy hãy nhìn vào mắt em. Em có giống một đứa sinh viên hư không ạ? Thầy đừng im lặng như vậy mà. Thầy chỉ cần thông báo cho các Luật sư của em thôi, chỉ cần vậy thôi, thầy ơi. Em sẽ biết ơn thầy suốt đời ạ.

Công an 1: Có phải điều tra tội phạm đâu mà mời Luật sư, Luật sư không có quyền đến đây cả! Vô ích thôi.

Thầy: Thầy không biết về Luật.

Hà (khóc và bất lực): Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu được em thôi. Sinh viên của thầy nghi bị người của Báo Tuổi trẻ hiếp dâm, thầy cô trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã lên tiếng và Luật sư của em đã bảo vệ quyền lợi của em sinh viên ấy. Em cũng là sinh viên của thầy, em xin thầy hãy đối xử công bằng với em như em sinh viên kia. Hãy thông báo cho các Luật sư của em là em đang ở đây ạ.

Công an 4: Mệt con này quá. Giờ ký nhận được chưa?

Hà: Im lặng và nhìn thầy.

Công an 4 (Vả vào mặt Hà): Bốp. Mày không “hợp tác” à. Mày nhắc đến 3 từ "mời Luật sư" nữa, tao vả cho vỡ mồm. 

Thầy: Im lặng…

*

Hà con, 

Levinas và Derrida, hai người thầy này là thầy của thầy trong cuối thế kỷ qua, họ đã qua đời nhưng bài học: chất thánh của tha thứ thật, tha lỗi thật, tha tội thật của họ luôn theo thầy qua những năm tháng này, thầy đã đơn phương áp dụng hai bài học này trước tà quyền lãnh đạo, trước bạo quyền công an, trước ma quyền bút nô (10):

- Năm 1984, sau khi thầy xong luận án tiến sĩ thứ nhất, thầy đã tới thăm bác triết gia Trần Đức Thảo tại Hà Nội, tà quyền lãnh đạo lăm le chuyện trừng phạt thầy, (xảo phận trong bạo lộ).

- Năm 1986, thầy đi công vụ đại học cho Âu châu, thầy tới thăm nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tại Sài Gòn, bạo quyền công an lẩn lút rồi de dọa thầy tại phi trường Tân Sơn Nhất, (tà kiếp trong ma lộ).

- Từ 1987 tới 2000, thầy giúp đỡ các văn nghệ sĩ miền Nam ra tù, từ các trại học tập (Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên…), xây lại mộ thi sĩ Hoàng Trúc Ly, mà không quên Bùi Giáng một thân một mình trong cuộc đổi đời xuống địa ngục sau 1975. Cùng thời điểm này, thầy không quên trợ giúp các thi sĩ kính yêu của Việt tộc, sống tại miền Bắc: Vũ Đình Liên, Đoàn Phú Tứ, Trần Huyền Trân… bọn công an nhắn lời hăm dọa thầy, (hoạn ngôn trong âm tướng).

- Từ 1983 tới 2019, với 50 đầu sách về Việt Nam và Việt kiều, luôn lấy sự thật-chân lý-lẽ phải làm định hướng để vạch mặt tà quyền lãnh đạo, bạo quyền công an, thì bọn bút nô, ký nô, văn nô sống nhờ bổng lộc của tuyên giáo ĐCSVN, chúng từ vu cáo tới vu khống các công trình nghiên cứu, điều tra, điền dã của thầy, chúng không dám ký tên thật, ẩn danh giấu tướng như âm binh, (gian nghiệp trong điếm lộ).

Thầy đã trả lời, từ bài tới sách của thầy, là thầy không sợ chúng (11)! Cùng lúc thầy nói rõ cho chúng biết: vị tha, từ bi, bao dung, rộng lượng, khoan hồng để mở đường cho tha thứ, tha lỗi, tha tội của thầy không cần chất thánh, mà chỉ là chất nhân! Một chất nhân an nhiên trong tự tại, thong dong trong ung dung, và thư thái trong tuyệt đối bất bạo động! Chỉ có cách này, chúng ta mới đi trên lưng cái hèn, trên vai cái ác, trên đầu cái bạo! tất cả từ niềm tin của thầy về nhân tính làm nên nhân phẩm(12).

Mãnh lực của niềm tin

Thầy ơi, công an tát em, em không đau cả, em đau vì thầy không bênh em, em đau vì thầy không ôm em, em đau vì thầy không che chở em. Em đau vì thầy lặng im trước hành vi chà đạp nhân phẩn và xâm phạm thân thể trắng trợn của công an Quận 1. Có lẽ, thầy sẽ không bao giờ quên gương mặt đáng thương của em tại trại tập trung Tao Đàn ngày hôm đó đâu.

Tại sao thầy ký vào Biên bản do công an soạn sẵn? Tại sao thầy nói với em là thấy không biết Luật, nhưng thầy lại tin những gì Công an nói, chứ không tin đứa sinh viên ngoan của thầy? Tại sao thầy lại quay lưng bỏ lại em một mình ở đấy ạ?

Xin thầy hãy trả lời giúp em những câu hỏi này hoặc đơn giản là tâm sự thật lòng với em vào email: htruong692669@protonmail.com ạ.

Em tin rằng, lúc đó có Công an nên thầy không thể làm những điều thầy muốn. Giống như các thầy cô đại học Luật ngày xưa, các thầy cô đã âm thầm che chở và bảo vệ em. Công an đánh em, sỉ nhục em, em không đau vì đó là nhiệm vụ của họ. Nhưng các thầy cô của em không bảo vệ và che chở cho em, em sẽ đau khổ lắm thầy ơi.

Thầy ơi, chỉ có thầy mới cứu vớt được tâm hồn yếu đuối của em lúc này được thôi ạ. Hãy nói cho em suy nghĩ thật lòng của thầy. Thầy có thương em không? Chỉ cần vậy thôi là em thấy yên lòng rồi thầy ơi. Em cám ơn thầy và luôn tự hào là sinh viên Khoa Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn ạ.

Niềm tin vào hệ nhân làm ra chất nhân, có hùng lực vô song, chuyện lạ là nó không cần một tôn giáo cuồng đạo nào cổ vũ nó, nó chẳng cần một ý thức hệ cực đoan nào cổ súy nó, nó thảnh thơi bằng nội lực của nó, nó thong thả bằng sung lực của nó, vì sinh lực của nó là niềm tin vào nội dung đạo lý, vào giá trị của luân lý. Niềm tin vào hệ nhân mang hệ lực (hùng lực, nội lực, sung lực, sinh lực) vô song vì nó vô hình trước mắt tà quyền nhưng hiện diện ở mọi nơi, nó có trong nội dung bầu ơi thương lấy bí cùng, nó có trong giá trị một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ, nó có trong nhân phẩm hạt muối cắn làm đôi giữa các con là sinh viên đang đấu tranh cho một xã hội công bằng, cho một đất nước không bị Tàu tặc đô hộ, cho một đồng bào sống trong dân chủ để hưởng trọn vẹn dân quyền(13). 

Khi thầy còn là sinh viên, có lần bọn sinh viên nhóm của thầy hỏi chính thầy của mình là giáo sư Ricoeur (Trường Giang của triết luân lý, Nam Tào của hiện tượng học phương Tây) là: "Niềm tin tới từ đâu vậy thầy?", cụ thể là nó trên trời rơi xuống, hay dưới đất mọc lên? Thì thầy Ricoeur trả lời là (mà câu trả lời này thầy nhớ trọn kiếp làm người): "Niềm tin tới từ những người tin nó, chính con người chế tác ra niềm tin, vì biết tin vào cuộc sống, để được sống chung, sống hòa, sống vui với nhau!". 

Câu chuyện lương tâm người thầy, lương tri giáo dục (14), có nền của nghĩa vụ học, dựa trên gốc của ba hệ giáo: lương, liêm, nhân; có rễ là mãnh lực của niềm tin, làm tâm điểm cho cuộc đối thoại giữa con và thầy, chúng ta không lạc đề, vì không gian giáo dục, môi trường học đường luôn mang cái sáng của trí tuệ, cái trong của giáo lý, vì cả hai luôn biết dựa vào một sự liên minh của trí thức: sự thật-chân lý-lẽ phải, luôn song hành cùng nhau như một phương trình toán cho nhân kiếp, giúp nhân sinh tìm ra nhân đạo, nhân thế tìm ra nhân tri, nhân loại tìm ra nhân phẩm. Vì vậy, thầy xin con giữ những tên những người thầy sau đây, để họ được đồng hành cùng con trên con đường đi tìm sự thật-chân lý-lẽ phải (15):

- Platon, mang tới cho chúng ta một định nghĩa: sự thật là sự định hình của chân lý, rồi nó trở thành bất di bất dịch, nó sẽ không thay đổi, sẽ không chuyển hóa, để được mọi người nhận như một giá trị vừa hiển nhiên, vừa vĩnh hằng.

- Augustin, đề nghị định nghĩa: sự thật được tìm ra bởi thiện ý như là một ý chí muốn nhập nội vào sự thật để hiểu tới nơi tới chốn sự thật. Tại đây, khi ý chí dựa vào thiện ý đã trở thành ý lực thì ý lực này chính là thể lực của niềm tin, và cái tin này cũng là bước đầu của trí tuệ, giúp ta khởi hành trên lộ trình đi tìm ra cái lý để hiểu cái thật. Cả hai cái tin, cái lý sẽ tìm ra cái thật, nơi mà cái tin chọn cái lý để tạo nền tảng để đón cái thật được tới. 

- Descarte, một triết gia lấy thượng nguồn là duy lý để đi tìm cái đang ẩn sâu trong cái lý, khi ông xem sự thật khi được tung ra như một loại ánh sáng có sức sáng vô song tới để khai phá ý chí của con người muốn biết tận gốc rễ của cái thật. Chính độ sáng mãnh liệt này làm ngời cái thật được hiện hữu tròn đầy rồi hiện hình trọn vẹn giữa nhân sinh.

- Pascal, một nhà toán học lỗi lạc, nhưng cũng biết gởi niềm tin mình vào thượng đế, lại chọn một con đường khác khi ông đề nghị ta phân tích sự thật như một nghệ thuật sống mà con người biết tự thuyết phục mình trước cái hiển nhiên vì nó rõ ràng trong tuyệt đối, đó chính là sự thật. Mà muốn tới sự thật này thì phải biết yêu cái thật để thấu cái thật. Ông chắc chắn một điều là cái yêu đi tìm cái thật làm nên cái biết, cái hiểu về cái thật.

- Kant, có niềm tin sâu sắc về thượng đế đã chế tác ra muôn loài, nhưng cũng chính triết gia này lại đề nghị là không có niềm tin nào vô điều kiện cả, ông khuyên ta hãy đến với sự thật với sự thành thật học để hiểu. Khi ta có thiện chí để học, có công cụ của tri thức đúng để tìm ra kiến thức mới và đúng về sự thật, thì sẽ hiểu mọi điều kiện cần thiết để nhìn, để thấy, để nhận và để hiểu ra sự thật.

- Flaubert, phân tích sự thật của con người qua vụ lợi để bảo vệ tư lợi của mình, nên sự thật trong xã hội xuất hiện với sự xung đột về quyền lợi, nơi mà mỗi tư lợi bám vào chỗ đứng của nó, cùng lúc muốn lớn ra và đe dọa các tư lợi khác. Đã giàu rồi thì muốn giàu hơn, đứng núi này trông núi nọ cao hơn, và nói theo cách của Flaubert: quyền lực này không thể yêu quyền lực kia, chúng sinh hoạt trong xã hội để vô hiệu nhau, và nếu có điều kiện là chúng hủy diệt nhau, mọi thỏa thuận về quyền lợi đều tạm thời, mọi liên minh về quyền lực đều chóng chày, thay đổi liên hồi như nắng sớm mưa chiều.

- Husserl, cha đẻ của hiện tượng luận đưa ra luận thuyết sự liên đới của các chủ quan để cùng công nhận là cái biết đã mở cửa cho cái thật xuất hiện, để sự thật tới như một chân lý có rễ sâu, gốc chắc mà không ai bứng được. Để cụ thể hóa luận thuyết này, ông khẳng định là: sự thật đã có từ lâu, đã có sẵn, đã có trước câu hỏi sự thật là gì? Chính cái biết là chìa khóa để mở ra không gian của sự thật để cái thật được nhập nội vào cái biết

- Heidegger, môn sinh của Husserl và là triết gia sắc nhọn nhất về các lý luận hiện tượng học, khi ông tin rằng luôn có một bản thể nội tại giúp ta nhận ra sự thật, khi chủ thể muốn tìm ra sự thật, thì chủ thể phải là chủ thể mở: mở để sống, mở để nhận, mở để biết, mở để đón sự thật, để được sống thật, sống đúng, với hai bản thể: bản thể của chủ thể song hành cùng bản thể của sự thật. Tại sao lại dùng cụm từ bản thể? Vì bản thể bên trong không phải là sự giới thiệu tên tuổi bên ngoài, tức là gặp sự vật rồi đặt tên cho sự vật đó, mà không biết nội chất và sự vận hành của sự vật này.

- Char, là thi sĩ hàng đầu của thi ca Pháp trong thế kỷ XX, mà cũng là bạn tri thức tâm giao của Heidegger, có tặng cho triết gia này một bài thơ khi ông ví sự thật như diễn biến linh hoạt của mùa thu, đã vượt hạ để chuyển mình mà vào đông: “Mùa thu sao luôn nhanh hơn cái cào đất của người làm vườn”, chỉ vì trí tuệ của con người thường chậm hơn sự vận hành của thiên nhiên đang trùm phủ lên nó. 

- Foucault, khi nối các định đề của triết học với các thực trạng của xã hội mà con người đang sống, thì đứa con tin yêu của triết học cận đại và xã hội học đương đại này đã đặt sự thật vào giữa tri thức quyền lực. Như vậy, sự thật luôn bị chi phối bởi hai cực này, ông tin là sự thật không vô tư và không vô điều kiện, vì cả hai tri thức và quyền lực đều không vô điều kiện. 

- Bourdieu, là nhà xã hội học đã đi sâu và đi xa trên chủ thuyết khống chế để thống trị này, thầy khuyên các môn sinh phải luôn mài dũa xã hội học thật sắc nhọn, mang thể chất của một sinh lực luôn đủ hùng lực để chiến đấu vì sự thật, nằm ngay trong sự bất bình đẳng, tạo ra bất công trong mọi quan hệ xã hội

- Marion, là triết gia khi nghiên cứu sự quan hệ giữa sự thật và lòng tin; sự thật xuất hiện như sự vén màn mà bóng tối không còn giúp gì được cho sự giả dối đang che lấp sự thật. Khi sự thật tới như ánh sáng vừa lan tỏa, vừa xóa đi bóng tối, thì sự thật vén màn tới đâu là nhân gian khám phá cái thật tới đó, tại đây có quá trình của vén-lật-nhìn-thấy-hiểu, các động từ này chính là các chỉ báo khách quan để định nghĩa thế nào là khám phá sự thật.

- Badou, triết gia đang có ảnh hưởng sâu rộng nhất hiện nay trong triết học hiện đại, yêu cầu chúng ta là mỗi lần đi tìm sự thật thì nên đi tìm sự bất công trước đã, chính cái bất tín làm nên sự bất công cũng chính là cái phản sự thật đang xiết cổ sự thật, để bất công được tồn tại, để bất nhân được che giấu. Và con người sẽ tìm ra sự thật của số phận mình ngay trong sự nổi dậy chống bất công, đây là một mệnh đề mới của học thuật đương đại, vì sự nổi dậy để lật đổ độc tài chính là gốc, rễ, cội, nguồn của bất công, và bất nhân, đưa ta tới con đường của sự thật; Ông khẳng định: không phải chỗ nào có bất công là chỗ đó có nổi dậy, nhưng chỗ nào nổi dậy rồi chỗ đó chắc chắn có bất công! 

***

Hà và các bạn sinh viên, thanh niên đã đứng lên-ngẩng đầu-thẳng lưng-mạnh bước trong các cuộc biểu tình năm 2018, chống lại luật đặc khu, mà nội chất mang ẩn số của buôn nước-bán dân cho Tàu tặc, các bạn hãy đem theo hành trang tri thức của các bạn các tác giả này nhé! Vì họ giúp ta nhận ra những thử thách để ta kiểm chứng Việt tộc có phải là một dũng tộc, một minh tộc hay không rước thăng trầm hiện nay của dân tộc ta.

Thầy quý trọng các con, thầy tin các con, như thầy tin vào lương tri của Việt tộc.

Lê Hữu Khóa: Giáo sư Đại học* Giám đốc Anthropol-Asie *Chủ tịch nhóm Nghiên cứu Nhập cư Đông Nam Á *Cố vấn Chương trình chống Kỳ thị của UNESCO–Liên Hiệp Quốc *Cố vấn Trung tâm quốc tế giáo khoa Paris.*Thành viên hội đồng khoa học Viện nghiên cứu Đông Nam Á* Hội viên danh dự ban Thuyết khác biệt, Học viện nghiên cứu thế giới.



_____________________________________

Chú thích

(1) Các phương pháp tiếp cận của khoa học xã hội và nhân văn, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(2) Trực luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(3) Nhân luận và nhân Việt, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(4) Kiếp luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(5) Mỹ luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(6) Tri Luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(7) Tâm luận tìm sử luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(8) Chính Luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(9) Dân luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(10) Chính Luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(11) Duyên luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(12) Linh luận (chiều sâu tam linh Việt tộc), Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(13) Tự luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(14) Giáo Luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).

(15) Việt Luận, Anthropol-Asie xuất bản, facebook Vùng Khả Luận (trang thầy Khóa).


Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo