“Những người khốn khổ” - Dân Làm Báo

“Những người khốn khổ”

Đỗ Thành Nhân (Danlambao) - Tiếp theo bài viết Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi (1), tìm hiểu kỹ về Dự án Khu dân cư IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị, thành phố Quảng Ngãi có quá nhiều vấn đề phản ảnh thực trạng của xã hội Việt Nam hiện nay: nhóm lợi ích lách luật để chia chác tài nguyên đất đai của nhân dân. 

Những người có đặc quyền ký quyết định chủ trương đầu tư, thu hồi đất... giàu có kinh khủng; người dân biết nhưng không thể cho vào “lò đốt” được. Bởi vì nó quá nhiều, bởi vì những người đốt lò cũng có phần, và bởi vì “chứng cứ đâu?”

Xin thưa, chứng cứ đây: 

- Từ những lá đơn khiếu nại của người dân mà nhà cầm quyền đùn đẩy không giải quyết; 

- Từ những khối tài sản khổng lồ của quan chức, có thể kê khai nhưng không công khai; 

- Từ việc quốc hội không chịu xử lý triệt để tài sản gia tăng không giải trình được của quan chức; 

- Từ thể chế nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa: thu hồi đất với giá nhà nước, bán ra với giá thị trường; 

v.v… 

- Nhưng đầu tiên vẫn là từ “hai Điều 4” trình bày dưới đây. 

1. “Hai Điều 4” 

“Những người khốn khổ” của Victor Hugo nói về một cựu tù khổ sai tìm cách chuộc lại những lỗi lầm gây ra thời trai trẻ. Còn “Những người khốn khổ” trong bài viết này là những nạn nhân phải trả giá từ chính cuộc đời mình cho niềm tin một thời ngu muội. Thương hại cho các thầy cô giáo, vào những buổi chào cờ đầu tuần các thầy cô hướng dẫn học trò hô vang khẩu hiệu “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!”, nhưng chính các thầy cô cũng không hiểu được câu khẩu hiệu và cuối cùng trắng tay cũng vì câu khẩu hiệu. 

Bởi vì chỉ có “tổ quốc xã hội chủ nghĩa, và lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại” mới tước đi quyền sở hữu đất đai thiêng liêng của con người từ thời cổ đại. Mặc nhiên, người dân Việt bị tước đi những quyền con người cơ bản mà quốc gia phát triển nào cũng phải có bằng những cái “Điều 4”

- Điều 4 Hiến pháp 2013: Đảng Cộng sản Việt Nam “là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.” 

- Điều 4 Luật Đất đai 2013: “Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.” 

Với “hai Điều 4” như vậy, ai cũng suy luận được “đất đai là của Đảng” (2), Đảng có toàn quyền về đất đai. Đảng thông qua nhà nước cho dân cái quyền sử dụng đất theo mục đích sử dụng do nhà nước quy định, nên chỉ cần nhà nước thay đổi mục đích sử dụng thì đương nhiên người dân mất luôn quyền sử dụng đất. 

Đúng là “hai Điều 4” khốn nạn nhất trong lịch sử dân tộc và lịch sử nhân loại. Ngay cả khi Hồ Chí Minh còn sống cũng không đưa những nội dung này vào các Hiến pháp 1946, 1959; Còn Luật Cải cách ruộng đất 1953 cũng thừa nhận quyền sở hữu ruộng đất (Điều 31), mặc dù Luật Cải cách ruộng đất ban hành để thực hiện “cải cách ruộng đất long trời lở đất” trên toàn miền Bắc gây ra cái chết cho hàng chục ngàn người. “Hai Điều 4” khốn nạn đã đẩy các thầy cô giáo trong bài viết này thành "những người khốn khổ". 

2. Trường hợp 1: Thầy giáo Đỗ Đình Oai 

Là giáo viên trung học cơ sở hạng 1 duy nhất của thành phố Quảng Ngãi. Nghề giáo gắn bó suốt 4 đời với gia đình thầy trên mảnh đất này. Từ đời ông cố Đỗ Tòng lập vườn làm thầy giáo trường làng dạy chữ hán, tam tự kinh và bốc thuốc; được Chính phủ Đại Nam Trung Kỳ cấp cho Trích lục đất đai công nhận quyền sở hữu. Đến giai đoạn Việt Nam Cộng hòa tiếp tục thừa nhận quyền sở hữu một lần nữa bằng Chứng thư kiến điền. 

Oai tâm sự: Mảnh đất gắn bó với gia đình em trải qua 4 thế hệ, từ các triều đại thực dân - phong kiến, đến chế độ Mỹ-Ngụy. Những người cộng sản tuyên truyền thực dân, đế quốc, phong kiến, ngụy quyền đều là những kẻ xâm lược, tàn ác, bóc lột nhân dân thậm tệ, nhưng họ vẫn công nhận quyền sở hữu đất đai của gia đình em. 

Còn bây giờ, đến đời em không còn quyền sở hữu nữa. Em xin làm Sổ đỏ cấp quyền sử dụng đất thì chính quyền không làm. Em gởi đơn ra Trung ương, Trung ương báo chuyển về Tỉnh, Tỉnh báo chuyển cho Thành phố, không ai giải quyết. Mảnh đất này giá thị trường hơn 25 tỷ đồng, bây giờ họ quy hoạch Dự án IV-B3 giao Công ty Đồng Khánh kinh doanh bất động sản. Họ không nói gì đền bù đất đai, có nguy cơ em bị mất trắng. Họ dã man lắm, vừa rồi đã cùng với Công ty Khánh cưỡng chế mấy trường hợp rồi. 

Tôi hỏi: Thầy dạy học sinh “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại", Thầy “sẵn sàng” về điều gì? 

Thầy Oai nói giọng lạnh lùng và đôi mắt u uất: Tính mạng em. 

Thầy nghẹn ngào nói thêm: Thà họ cướp của mình năm sáu phần cũng được, đằng này họ muốn cướp trắng.
3. Trường hợp 2: Cô giáo Phạm Thị Hạnh 

Cả đời đi dạy, phấn đấu được giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, dành dụm tích lũy kiếm miếng đất sống cuối đời, để lại cho con cái. 

Cô Hạnh kể: Chính quyền mời đi họp thông báo giao đất cho dự án IV-B3. Em nói, trước đây Tỉnh cho chuyển mục đích sang đất ở nên tôi mới mua đất này, bây giờ nói thu hồi cho dự án, trong khi đền bù có năm trăm ngàn rồi cho Công ty Đồng Khánh phân lô bán ra gần 30 triệu đồng một mét vuông, tiền đền bù gần 400 m2 đất không biết làm gì; như vậy thì bất công cho tôi quá!. 

Tôi cũng hỏi: Cô dạy học trò “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại" thì cô cũng phải “sẵn sàng” chứ? 

Cô Hạnh nói: Thôi anh đừng hỏi câu đó, em xấu hổ quá!. 

Tôi hỏi các thầy cô: Sao không nhờ đến luật sư trợ giúp? 

Họ đều trả lời: Luật sư trong tỉnh họ không giúp, một phần bị mua chuộc khống chế, một phần họ cũng nói thế lực này lớn lắm không thắng được đâu. Còn có luật sư ngoài tỉnh thì báo giá cao quá, cứ một lần làm đơn vào Quảng Ngãi làm việc tính ra bốn năm chục triệu đồng, tụi em không có nhiều tiền đeo đuổi vụ việc lâu dài. 

Tôi nói thẳng với họ: Thay vì dạy “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!” tại sao các thầy cô lại không thực hiện “vì một xã hội dân chủ, vì một nhà nước pháp quyền”. Các thầy cô hãy quên đi những cái "lý tưởng, vĩ đại" hoang đường, hãy dùng quyền của mình tự cứu mình trước, lúc đó cộng đồng sẽ giúp đỡ. Sẽ có người hỗ trợ pháp lý cho các thầy cô, không phải luật sư nào cũng hèn hay chỉ tranh thủ làm tiền. 

4. Vì một nhà nước pháp quyền, họ đã lên tiếng 

Các thầy cô giáo cả đời cố gắng dạy cho các cháu những điều tốt đẹp của xã hội và niềm tin vào cuộc sống. Đến nay các thầy cô lại trở thành nạn nhân từ sự dối trá vô tình của chính mình. Oan trái đổ ập đến không biết bấu víu vào đâu!? 

Vậy là các thầy cô cùng với những người dân mất đất khác ngồi lại với nhau, tìm hiểu thông tin về dự án, tra cứu đối chiếu với văn bản pháp luật, nhờ một số người có chuyên môn tư vấn. Cuối cùng họ cũng làm được cái đơn khiếu nại chung để cùng ký và yêu cầu chính quyền giải quyết. 

Trong những người ký đơn này, ngoài hai thầy cô giáo còn có nhiều người nguyên là cán bộ, quan chức, đảng viên đã từng tham gia bộ máy nhà nước; có người nguyên là chủ tịch tỉnh, thành phố, bây giờ nghỉ hưu không còn quyền lực trong xã hội. Cũng có những người không ký đơn vì sợ trả thù, vì “thói khôn vặt: ngóng người khác sao thì mình sẽ được vậy”. 

Bộ hồ sơ khiếu nại đóng tập dày gần 2cm, điều đặc biệt là tờ bìa là hình ảnh một người phụ nữ Đức Phổ Quảng Ngãi tự thiêu (3) vì bị cưỡng chế đất đai (Hình 1). 

Hình 1. Trang bìa tập hồ sơ khiếu nại của cư dân dự án IV-B3, 
lấy biểu tượng người phụ nữ tự thiêu 
vì bị cưỡng chế đất đai ở Quảng Ngãi.

Nhìn các thầy cô giáo ngồi đăm chiêu đọc lại từng chữ để ký đơn khiếu nại như đang ngồi chấm bài cho học trò. Giá như các thầy cô được dạy học trò trên nền tảng triết lý giáo dục “nhân bản, dân tộc, khai phóng” thì những nỗi lo lắng, công sức, trí tuệ này chuyển tải thành kiến thức, lòng tin cho các học trò thì xã hội sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. 

Xin phép chụp ảnh các thầy cô đưa vào bài viết này (Hình 2) 

Hình 2. Thầy giáo Đỗ Đình Oai và cô giáo Phạm Thị Hạnh 
ký đơn khiếu nại thu hồ đất cư dân khu IV-B3 
giao cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.

Con đường đòi hỏi quyền lợi, bình đẳng của các thầy cô chắc chắn không đơn giản; đến lúc này, các thầy cô không còn vì mình nữa mà vì một nhà nước pháp quyền, một xã hội minh bạch và hơn nữa là đòi hỏi “những quyền cơ bản của con người: quyền bình đẳng, quyền sống, quyền có việc làm, quyền có chỗ ở” (như trình bày trong đơn). 

Trong khi đất đai của họ bị thu hồi, bồi thường với giá 500.000 đồng/m2, phân lô bán đất nền với giá 28 triệu đồng/m2 - Một sự mất mát quá lớn! 

5. Hệ lụy từ “hai Điều 4” khốn nạn 

Từ chỗ “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”, khái niệm toàn dân thì rất mơ hồ, nhưng khái niệm nhà nước thì lại nằm trong tay những người có quyền lực. 

Chủ tịch UBND tỉnh là người đại diện chủ sở hữu toàn dân tha hồ ban hành Quyết định chủ trương đầu tư dự án phân lô bán nền. Đến nỗi theo Báo cáo giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Quảng Ngãi: giai đoạn 2011-2018 có 59/75 dự án Quyết định chủ trương đầu tư nằm ngoài Chương trình phát triển nhà ở được HĐND tỉnh thông qua. Đến 2018 diện tích đất ở theo quy hoạch lớn hơn 471 ha so với nhu cầu quỹ đất ở đến năm 2020 của Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Quảng Ngãi. (4) 

Mặc dù HĐND cảnh báo, các dự án lấy đất kinh doanh bất động sản vẫn được cấp phép ồ ạt; vi phạm pháp luật về nhà ở, đất đai nghiêm trọng nhưng chẳng quan chức nào chịu trách nhiệm. Còn đất phân lô bị khủng hoảng thừa so với nhu cầu phát triển của Tỉnh nhưng nhà đầu tư vẫn nhảy vào, Chủ trương đầu tư vẫn được ký bởi vì các dự án được đền bù theo giá nước và phân lô bán ra theo giá thị trường. Trước đây đã phân tích trong bài viết Cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi

Với “hai Điều 4” của chính quyền trung ương, người dân mặc nhiên mất quyền sở hữu đất đai. Tiếp đến, chính quyền địa phương quy hoạch thay đổi mục đích sử dụng, thì người dân mất luôn quyền sử dụng đất. Được nhà nước bồi thường theo cái giá của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà không thể gọi từ nào ngoài chữ “CƯỚP”. 

Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được thực hiện “cướp đúng quy trình”; rất nhiều sai phạm, lách luật, thậm chí thiếu sót ngay từ Quyết định chủ trương đầu tư. Phân tích sâu vào dự án IV-B3 lấy đất của các thầy cô ở trên là một minh chứng rõ ràng nhất. Đọc 20 trang Đơn khiếu nại của bà con mới thấy được ước mơ một chính quyền “của dân, do dân, vì dân” ngày càng xa vời; ngay từ Quyết định chủ trương đầu tư của Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng đã mở đường cho một hệ thống cưỡng chế đất đai bằng được. 

Đơn khiếu nại quá dài, bài viết này chỉ tóm tắt một phần nhỏ là khiếu nại liên quan đến Quyết định chủ trương đầu tư (Hình 3) (5). 

Hình 3. Trích Quyết định chủ trương đầu tư 
Dự án Khu dân cư IV-B3 kết hợp chỉnh trang đô thị, 
thành phố Quảng Ngãi.

Chỉ riêng quyết định này đã thấy đặc quyền của “nhà nước đại diện chủ sở hữu” và lỗ hổng pháp lý quá lớn. 

- Quyết định giao đất cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tại khu vực trung tâm thành phố, nhưng căn cứ để ban hành Quyết định hoàn toàn không dựa trên bất kỳ văn bản pháp lý nào của pháp luật liên quan đến nhà ở, đất đai, quy hoạch, kinh doanh bất động sản. Một văn bản cấp tỉnh tác động đến một cộng đồng dân cư như thế này, thì khó có thể nói nó được ban hành bởi một nhà nước pháp quyền! 

- Trong nội dung Quyết định chỉ đưa vào cụm từ “chỉnh trang đô thị”, vậy là cho phép các đơn vị cấp dưới làm “căn cứ pháp lý” để lấy đất theo “Điều 62. Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”, Khoản 3.d) “Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn...”. Bỏ qua các quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nguồn vốn, HĐND tỉnh chấp thuận; chính quyền áp giá đền bù theo giá nhà nước, ai không đồng ý thì cưỡng chế. 

v.v… 

Rất nhiều nội dung khiếu nại không thể trình bày trong bài viết này mà cộng đồng dân cư khu IV-B3 rất mong muốn ông Chủ tịch tỉnh trả lời và giải quyết, để may ra còn giữ lại được chút niềm tin vào xã hội hiện tại. 

Mong muốn của người dân cũng rất chính đáng, sòng phẳng và bình đẳng: chính quyền thu hồi đất của dân đền bù theo giá nhà nước thì cũng phải yêu cầu doanh nghiệp bán đất nền cho người bị mất đất theo giá nhà nước. 

Không riêng gì các thầy cô giáo, nhiều cư dân khu IV-B3 là đảng viên - tinh hoa của chế độ cộng sản, họ chấp nhận vứt bỏ những ràng buộc của Đảng, cùng ký Đơn khiếu nại với bà con. Nghiệt ngã cho họ là đến cuối đời, khi không còn làm gì trong bộ máy nhà nước họ phải đấu tranh để bản thân có được “các quyền căn bản của người dân”! (Hình 4.) 

Hình 4. Bà Nguyễn Thị Hoàng, đảng viên cộng sản, 
một trong những đại diện của cư dân khu IV-B3 khiếu nại tập thể

Chúng ta xem phần cuối của đơn khiếu nại tập thể thầy cô, cư dân khu IV-B3: “Việc chính quyền cưỡng chế thu hồi đất của chúng tôi giao cho doanh nghiệp để phân lô bán nền đã tạo ra sự bất bình đẳng xã hội nghiêm trọng; đã tước đi các quyền căn bản của người dân là: quyền sống, quyền có việc làm, quyền có chỗ ở hợp pháp mà cả đời tích lũy.” 

Lời cuối bài viết 

Thầy Đỗ Đình Oai đấu tranh bảo vệ quyền lợi cho bản thân và cộng đồng nên cũng chịu nhiều thiệt thòi trong công việc, cuộc sống. Đã có những chiêu trò làm nhục nhau, như: Tỉnh vinh danh nhà giáo có nhiều cống hiến cho ngành giáo dục, đặc biệt là trường hợp hậu duệ 3 đời là nhà giáo. Thì thầy Oai, giáo viên trung học cơ sở hạng 1 duy nhất của thành phố Quảng Ngãi, gia đình 4 thế hệ nối tiếp làm nghề giáo: không được đưa vào danh sách vinh danh!. 

Từ khẩu hiệu phải hô hàng tuần “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì lý tưởng của Bác Hồ vĩ đại, sẵn sàng!” để lừa dối chính mình và thế hệ tương lai; các thầy cô giáo tự chuyển hóa “vì một xã hội dân chủ, vì một nhà nước pháp quyền” để tự cứu mình và cộng đồng. 

Con đường giành lại “quyền sống, quyền có việc làm, quyền có chỗ ở hợp pháp” mà thầy Oai và cư dân khu IV-B3 đang đeo đuổi sẽ còn nhiều gian nan. Thầy Đỗ Đình Oai cùng cư dân khu IV-B3 mong muốn được cộng đồng mạng xã hội quan tâm, và đặc biệt rất cần các luật sư hỗ trợ pháp lý theo số điện thoại 0985.100.001 - xin chân thành cảm ơn!. 

oOo 

Ghi chú: 





(2) Đảng (viết hoa): đảng Cộng sản Việt Nam 

(3) Người phụ nữ Đức Phổ Quảng Ngãi tự thiêu vì bị cưỡng chế đất đai 





14.06.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo