S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - Theo Ngân hàng Thế giới và số liệu của chính quyền Trung Quốc, ở tại đất nước này chưa đầy 1% dân số lại chiếm đến 60% của cải toàn quốc. Hồi Ký Triệu Tử Dương – RFI
Tôi chưa đến Úc Châu lần nào, và cũng chưa bao giờ thoáng có ý định lai vãng đến một chốn xa xôi (tuốt luốt dưới tận dưới Nam Bán Cầu) như vậy. Ngoài việc ngại đặt chân đến nơi xa lạ, tôi còn cảm thấy không mấy thoải mái gì cho lắm khi tiếp xúc với những người khó tính và hay nghi ngại. Chung đụng với họ chắc phiền, phiền chắc, và e rằng phiền lắm.
Coi: hồi đầu tháng 6 năm nay, có vài chiếc Tầu Trung Quốc ghé qua Sydney nghỉ chơi vài bữa. Chuyện nhỏ (cỡ con thỏ) vậy thôi mà cả nước Úc rẫy nẩy lê đành đạch, lao nhao lên phản đối um xùm, theo như tường thuật của Việt Nam Thời Luận:
Nhật báo Sydney Morning Herald cho rằng chính phủ Úc đã đánh giá hời hợt chuyến thăm của 3 tàu chiến Trung Quốc.
Tờ Daily Mail gọi đó là một “chuyến thăm bí mật”.
Tờ Seven News cho rằng đây là một “chuyến thăm bất ngờ”.
Truyền thông và nhiều người dân Úc cho rằng chuyến thăm của 3 tàu chiến Mỹ là một cách thể hiện sức mạnh đang gia tăng của Trung Quốc.
Ông Rory Medcalf – người đứng đầu trường An ninh Quốc gia tại đại học quốc gia Úc thể hiện sự không hài lòng của mình về chuyện này trên Twitter: “Điều này thực sự có vấn đề…”
Có “vấn đề” khỉ khô gì đâu, cha nội? Sao mà đa nghi dữ vậy? Chỉ vài bữa sau, tờ Washington Examiner – số phát hành ngày 8 tháng 6 năm 2019 – cho hay: “Chinese warships collect baby formula in Australia.” Nói gọn lỏn thế thôi sợ dân Úc chưa tin nên bỉnh bút Joel Gehrke phải lật đật viết thêm:
“China was rocked by a scandal involving tainted baby formula in 2008, when testing showed that a toxic chemical was being used in milk powder that resulted in the death of six children and illness for 300,000 more, including more than 50,000 babies who required hospitalization… Baby formula made in Australia, the US and Europe has been highly sought in China for the past decade.”
Cả nước Úc (liền) thở phào nhẹ nhõm. Té rứa sao? Tội quá hè! Ai mà dè sữa bột Trung Hoa “độc” dữ vậy cà. Uống vô khiến “6 em bé chết liền, 300,000 mắc bệnh, hơn 50,000 phải nhập viện” cấp kỳ. Hèn chi mà thủy thủ của đất nước này hễ có dịp xuất dương là thế nào cũng (“tranh thủ”) ghé qua đâu đó, tìm mua mỗi người vài chục thùng sữa để về bán lại, kiếm thêm chút cháo!
Ảnh: Dailymail
Theo đúng “truyền thống XHCN” nên Trung Quốc không chuyên chú lắm trong việc làm sữa với đường vì ở xứ sở này – cách đây chưa lâu – đường với sữa vẫn còn là hai món hàng cao cấp (chỉ bán cho cán bộ cấp cao) vào dịp lễ tết hay vào ngày sinh nhật của lãnh tụ thôi. Dân Trung Hoa chỉ chuyên về kỹ nghệ nặng, sản xuất sắt thép mới là sở trường của họ, công luận vẫn thường tin như ṿây.
Huyền thoại này cũng mới tan biến cách đây chưa lâu, như tường thuật của South China Morning Post, đọc được vào hôm 26 tháng 11 năm 2017: “Chinese would-be robber’s knife snaps in two after woman he targeted grabs hold of blade.” Má ơi! Dao kiếm gì mà kỳ chục vậy, Trời? Dùng để đi ăn trộm mà gặp con mẹ chủ nhà thứ dữ, nó qươ tay một cái là gẫy làm đôi ngay tức khắc! Té ra kỹ nghệ sắt thép cũng không phải là thế mạnh của Trung Hoa.
Sau này, qua truyền thông và báo chí, thiên hạ mới biết (hoá ra) là người Tầu có năng khiếu đặc biệt trong những ngành công nghệ kỹ thuật điện tử. Họ qua mặt đối thủ vù vù, dẫn đầu thế giới một cách vô cùng ngoạn mục trong Thời Đại Thông Tin:
Cả Samsung lẫn Apple, xem ra, đều yếu cơ thấy rõ. Bị Huawei cạnh tranh là rụng tới tấp như sung. Hèn chi mà Chủ Tịch Nước kiêm Chủ Tịch Đảng Tập Cận Bình ăn nói vô cùng mạnh miệng: (“Trung Quốc sẽ đứng hiên ngang ở phương Đông. China would stand tall and strong in the East”) khiến cả nước “vỡ oà” vì vui sướng.
Niềm vui, cũng như ngày vui – tiếc thay – thường ngắn. Huawei đang sống hùng, sống mạnh, sống dũng mãnh (bỗng) trở nên yếu xìu, y như cái bánh xe cán trúng đinh mười phân vậy!
Sự cố này được FB Khách Huyền Đao diễn giải và ví von một cách rất dung dị nhưng thấu đáo:
Để tiếp tục sản xuất và bán điện thoại, Huawei phải tự tạo nên một kiến trúc mới (bất khả thi trong vòng chỉ vài năm), sau khi có kiến trúc mới rồi thì sẽ sản xuất con chip mới (Dòng chip Kirin hiện tại phải hủy bỏ), sau khi có được con chip mới thì mới bắt đầu nghĩ đến việc viết một hệ điều hành mới, rồi sau đó bắt đầu cúng vái và cầu nguyện các nhà phát triển viết ứng dụng cho hệ điều hành mới của mình...
Tóm lại, nếu ví cái điện thoại như một ổ bánh mì thịt thì chiếc xe bánh mì thịt hiệu Huawei từ nay sẽ phải tự pha nước tương, tự làm pate, đồ chua, thịt jambon, mở nhà máy làm bột mì, mở lò nướng bánh mì và phải tự trồng lấy hành, ngò, ớt để tiếp tục có được một ổ bánh mì thịt mà người tiêu dùng chấp nhận.
Nói cách khác là Trung Hoa chỉ “chuyên trị” phần cứng hay phần vỏ thôi, đúng không?
Cũng không luôn! Cứ nhìn vào Hàng Không Mẫu Hạm Liêu Ninh, niềm hãnh diện vô biên của Hải Quân Trung Quốc, là khắc biết rằng đất nước này vỏ ruột gì cũng đều phải đi mượn hay đi mua ráo trọi:
Tiền thân của tàu sân bay Liêu Ninh Trung Quốc là khu trục hạm chở trực thăng Varyag được Liên Xô khởi công chế tạo từ năm 1985, sau khi Liên Xô sụp đổ nó thuộc sở hữu của Ukraine. Do thiếu kinh phí, dự án đã bị đình chỉ và bỏ mặc từ năm 1992 - 1998...
Khi mới kéo về... (nó) trông như đống sắt vụn. Toàn bộ phần thân dưới ngập trong nước của con tàu bị đóng hà, rong rêu bao phủ, phần thân trên hoen rỉ trông như một con tàu đắm vừa được trục vớt.
Sau quá trình đánh hà, cạo rỉ, tẩy rửa và làm sạch, trông con tàu đã bớt tồi tệ hơn nhưng trên thân vẫn còn những vết rỉ sét, mặt dưới mũi tàu vẫn còn phù hiệu của hải quân Liên Xô.
Sau khi làm sạch thân tàu, người Trung Quốc đã lắp đặt giàn giáo, chia ô trên thân tàu để tu sửa, gia cố và cải tạo phần khung thân tàu. Sau đó, tiến hành sơn sửa để trông ra dáng một con tàu sân bay…
Hèn chi mà tin tức liên quan đến cái chiến hạm này tuy rất rôm rả nhưng hoàn toàn không được “hồ hởi” hay “phấn khởi” gì cho lắm:
Thế là thế nào?
Sữa bột Trung Hoa làm ra con nít uống vô là lăn ra chết tốt. Dao rựa của xứ sở này hễ đụng tới là gẫy làm đôi. Điện thoại chỉ có cái vỏ là dùng tốt. Còn Hàng Không Mẫu Hạm lại phải mua cái khung cũ của thiên hạ về sài.
Vậy đâu là sản phẩm made in China? Câu trả lời có thể tìm thấy trong những tiệm tạp hóa (99 Cents Stores) có mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Hàng hoá ê hề và rẻ rề hà. Khỏi có đối thủ luôn.
Ảnh: dailysignal
Cái giá để Trung Quốc có thể sản xuất ra những món hàng tiêu dùng với giá rẻ vô địch như hiện nay là mồ hôi cùng nước mắt của rất nhiều triệu tù nhân trong những trại lao cải, và sự tàn phá hủy hoại không gian sinh tồn của nguyên cả một lục địa. Không đâu còn không khí trong lành để thở, cũng chả nơi nào còn nước sạch để uống vì mọi sông suối đều ô nhiễm và chứa đầy rác rưởi.
Đúng là cách sống không có ngày mai của những kẻ đã đến bước đường cùng, phải bán máu để mưu sinh! Tuy họ chết chậm nhưng chết chắc mà chả cần phải có bất cứ cuộc thương chiến hay chiến tranh nóng (lạnh) nào ráo trọi, với bất cứ ai. Vậy mà thiên hạ vẫn có kẻ sợ Tầu, và sợ lắm lận, sợ tới độ bị nó đá cho hoài mà cũng không dám “ẳng” lên một tiếng. Đúng là China-phobia. Bịnh thiệt!
21.06.2019