Từ việc "xét lý lịch" để đi học đến chuyện "mua điểm" - Dân Làm Báo

Từ việc "xét lý lịch" để đi học đến chuyện "mua điểm"

Võ Ngọc Ánh (Danlambao) - Không bộ trưởng nào có thể làm cho nền cho nền giáo dục, khoa học, công nghệ Việt Nam tốt lên một khi còn trong ‘vòng kim cô’ của đảng Cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam là thủ phạm của sự bệ rạc, giả dối trong giáo dục và chính sự thờ ơ của người dân.

Nâng điểm, mua điểm hôm nay là sự ‘tiếp nối truyền thống’ xét lý lịch cho đi học áp dụng trong nhiều chục năm trước. 

'Đỏ' hơn giỏi 

Sau ngày 30/4/1975 dân miền Nam bước vào thời kỳ đầy đau thương trong đó có giáo dục. 

Năm 1978, anh Trần Minh Tâm đậu vào trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Tuy nhiên, anh không được chính quyền địa phương đưa giấy báo trúng tuyển, cắt khẩu để đi học. Lý do: vì ba anh từng tham gia quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Năm 1982, má vợ hắn tốt nghiệp phổ thông và trong kỳ thi tuyển sinh tiếp đó đã trúng tuyển vào chương trình cao đẳng nhưng đã không được cho phép đi học. Năm sau bà tiếp tục nộp hồ sơ để đi học trung cấp sư phạm, ngày bà xuống nhập học theo giấy hẹn lại bị trường thông báo không được phép theo học vì con của cảnh sát chế độ cũ. 

Bà phải chấp nhận trở thành một nông dân, lấy chồng, đẻ con. Mấy người em của bà sau này con không được phép thi đại học phải bỏ xứ đi nơi khác lập nghiệp. 

Có hàng triệu trường hợp không được tiếp tục đi học như thế trên khắp đất nước Việt Nam sau khi cộng sản tiếm quyền cai trị. Đứa học giỏi hơn phải ở nhà cày ruộng, công nhân nông trường, làm công nhân, tham gia hợp tác xã, đi kinh tế mới... cho đứa dốt đặt cán mai nhưng lý lịch đỏ được đi học. Đảng muốn đào tạo để trở thành con người xã hội chủ nghĩa chứ không phải một con người có kiến thức, tư duy, dám phản biện. 

Những con người có lý lịch đỏ kia được đi học, làm quan. Hiện nay đang ngồi vào ghế “lãnh đạo”, cai trị dân. Họ ngồi trên ghế lãnh đạo không phải bởi sự trí tuệ mà bởi sự phục tùng. Bằng tiến sĩ, thạc sỹ, cao cấp của họ chỉ là vật trang trí, lấy điểm với đảng, lòe thiên hạ hơn kiến thức thực tế theo bằng cấp. 

Vốn dĩ đa phần họ không giỏi, được đào tạo một cách đầy khuyết tật trong một nền giáo dục nhiều bệnh nhưng đang ở vị trí lãnh đạo. Họ muốn duy trì sự ăn trên ngồi trốc, cùng quyền lợi, bổng lộc, lợi ích đó cho con cháu nên việc mua điểm, nâng điểm làm sao tránh khỏi. Bởi hơn ai hết họ biết khả năng thông minh, thụ hưởng giáo dụccủa mình và con cái, nên một kỳ thi tuyển công bằng cơ hội được chọn sẽ rất thấp. 

Việc mua điểm hôm nay chẳng khác việc đảng xét lý lịch cho đi học trước đây là mấy. Cái khác mọi việc giờ được quy thành tiền trong cái nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. 

Đảng cần đứa biết vâng lời hơn làm được việc cho dân, nhưng lại yêu cầu phải có bằng cấp nên việc gian dối, mua điểm từ cha đến con là tất yếu. 

Cố nhét yếu tố khoa học vào ‘Hạt Giống Đỏ’

Việc chọn người tài vào ghế lãnh đạo sẽ công bằng hơn nếu đảng không đề cao “cán bộ quy hoạch”, “cán bộ nguồn”, “hạt giống đỏ”. Một sự bất công nhưng đảng muốn đó phải là khoa học, phải là quy trình.

Vào năm 2015, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khi đang là phó bí thứ thành ủy TP.HCM, chủ tịch Hội đồng Nhân dân của thành phố này đã khẳng định, “Con em lãnh đạo được giao trọng trách quản lý là điều hạnh phúc của dân tộc”. 

Hàng loạt thái tử đảng, “con quan lại làm quan”… trong thời gian qua không phải đã chứng minh điều đó sao. Nguyễn Xuân Anh, Lê Thanh Nghị, Đào Ngọc Dung, Nông Quốc Tuấn, Lê Trương Hải Hiếu… đều nắm những vị trí cao không phải bởi sự tài giỏi, mà ở lý do “cha truyền con nối”.

Vào khoảng năm 2010, trong một hội nghị về cán bộ tại Sài Gòn, hắn đã trực tiếp nghe phó giáo sư, tiến sĩ Bùi Thị An, giữ chức phó chủ tịch hội hóa học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tài nguyên – Môi trường và Phát triển cộng đồng và đang là đại biểu quốc hội khóa XIII phát biểu, “Lãnh đạo cũng có tố chất di truyền”. 

Hắn không biết bà An nói tố chất di truyền nào. Hắn thấy sự tham lam, dối trá, thái độ phục tùng đảng cộng sản đa số quan chức Việt Nam có tính di truyền. Còn tố chất di truyền theo hướng thông minh, tư duy, tài giỏi, tử tế… quan chức ở Việt Nam hiện nay đang thiếu một cách trầm trọng. Chắc cái ‘gene’ di truyền bà An nhắc đến chỉ hình thành trong thời gian họ ngồi vào ghế cai trị dân mà khoa học chưa kịp định danh.

Với hắn, chỉ số IQ của lãnh đạo Việt Nam từ tầm quốc gia đến huyện chỉ ở mức trung bình, không có nhiều người ở mức khá, mà người giỏi có ngồi vào đó cũng sẽ bị cô lập để không làm được việc gì. 

Khi nào đảng cầm sản còn cầm quyền, người dân còn bị nỗi sợ đè nén thì giáo dục nước nhà còn đầy rẫy sự dối trá, bất công.

09.06.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo