Điều gì đã xảy ra trong 3 giờ chiếm đóng gây rung chuyển Hồng Kông? - Dân Làm Báo

Điều gì đã xảy ra trong 3 giờ chiếm đóng gây rung chuyển Hồng Kông?

Holmes Chan * Hành Nhân (Danlambao) dịch - "Chúng tôi quyết định cùng đến và cùng rời đi với họ. Nếu họ không rời đi, chúng tôi cũng sẽ không rời đi", một trong những người mới đến nói với Stand News. Cô nói rằng những người biểu tình ở tầng dưới sợ phải đi lên tầng trên, vì hành động của cảnh sát sắp sửa xảy ra và họ có thể bị khóa chặn. Tuy nhiên, họ đã mạo hiểm để mang những người chiếm đóng ra khỏi đó với sự liên đới, tinh thần đoàn kết.

Ngay trước 9 giờ tối ngày 1 tháng 7, những người biểu tình ở Hồng Kông đã phá vỡ rào cản cuối cùng ngăn cách họ và xông vào bên trong Khu liên cơ Hội đồng Lập pháp của thành phố.

Nhiều tấm kính lót phía bên ngoài tòa nhà đã bị đập vỡ vào buổi chiều, nhưng phải mất thêm một giờ nữa trước khi người biểu tình có thể phá thủng cửa chớp kim loại.

Tại lối vào công cộng số 1, bên cạnh khu vực biểu tình có biệt danh là "đáy nồi", những người biểu tình đã bước vào một hành lang trống rỗng dễ thấy. Các sĩ quan cảnh sát được trang bị các thiết bị chống bạo động đã đứng bảo vệ ở phía bên kia của cửa chớp trong vòng nhiều giờ. Nhưng rõ ràng là họ đã rút lui và rời khỏi tòa nhà chỉ trước đó một ít lâu.

Chỉ trong vài phút, những người biểu tình đã bắt đầu phun sơn những khẩu hiệu lên các bức tường hành lang và phá hoại chân dung của các chủ tịch Hội đồng Lập pháp. Phòng lập pháp chính ở tầng một vốn là một không gian thường dành cho các nhà lập pháp, đã bị đột nhập và chiếm đóng lúc 9:30 tối.

Những cảnh tượng chưa từng có vào thứ Hai là đỉnh điểm của một cuộc biểu tình leo thang kéo dài một tháng chống lại Dự luật Dẫn độ do chính phủ Hồng Kông đề xuất. Những người biểu tình đã lên án Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga vì đã không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của họ, dẫn đến các cuộc biểu tình lịch sử của đông đảo quần chúng trên đường phố và sự bất tuân dân sự của Đạo luật mèo hoang.

Tuy nhiên, những người biểu tình xông vào Hội đồng Lập pháp sớm nhận ra họ đang ở trong tình huống chưa được chuẩn bị và HKFP đã chứng kiến những cuộc tranh luận gay gắt giữa những người biểu tình về việc sẽ làm gì tiếp theo. Trên hết, họ đã tự hỏi: ở lại hay rút đi?

Các cuộc thảo luận, trớ trêu thay đã diễn ra trong cùng một căn phòng nơi các nhà lập pháp quyết định các vấn đề của Hồng Kông, cũng đại diện cho một mô hình thu nhỏ của cái gọi là phong cách không có lãnh đạo của các cuộc biểu tình gần đây. Nhiều quyết định đã được đưa ra trong các nhóm nhỏ mà không có một điều phối viên trung tâm, với những người phản đối được khuyến khích tự quyết định nên thực hiện hành động nào.

"Hãy gọi các bạn của bạn đến đây!" Một người biểu tình hét lên khi đứng trên bàn. Chúng tôi không ở đây chỉ để tham quan hoặc để làm cho chính mình cảm thấy tốt. "Chúng tôi sẽ ở lại trong một thời gian dài, vì sự kháng cự lâu dài, chúng tôi sẽ thiết lập trật tự và mỗi người sẽ đảm nhận vai trò của mình".

Trong một động thái hiếm hoi, một người biểu tình khác đã gỡ bỏ mặt nạ của chính mình và cho phép khuôn mặt của anh ta được giới truyền thông chụp ảnh. Anh kêu gọi những người khác ở lại, nói rằng anh hy vọng sự chiếm đóng sẽ đạt được tính hợp pháp trong mắt công chúng.

Trong khoảng thời gian từ 9 giờ tối đến nửa đêm, những người biểu tình đã chiếm các tầng dưới của Khu liên hợp Hội đồng Lập pháp, tiến vào phòng chờ, phòng họp và nhiều văn phòng khác nhau. Một số người đã rời đi sau khi nghe có những tin đồn rằng cảnh sát đang trên đường đến, chỉ trở lại sau khi phát hiện ra những tin nhắn đó là giả mạo.

Mặc dù có nhiều thiệt hại về tài sản và các bức tường bị vẽ graffiti quá mức, một số khu vực được chỉ định là ngoài giới hạn, chẳng hạn như các tài liệu trong thư viện và phòng họp báo dành cho phóng viên. Bức tường kính ở phía trước thư viện đã bị đập vỡ, nhưng rồi một người nào đó đã đặt một tấm biển ghi rằng "không được hủy hoại sách vở". Một kệ cổ vật trong phòng chờ tiếp kiến cũng được bỏ qua không chạm đến, với một biển hiệu ghi rằng: "Đừng gây thiệt hại!".

Một người biểu tình nói với các phóng viên rằng mục tiêu là để đòi lại quyền lập pháp của người dân, thay vì gây ra sự hủy hoại ngẫu nhiên. Không có thủ lãnh công khai, những người biểu tình ban đầu không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào với báo chí địa phương và quốc tế đã tập hợp nơi đó. Một vài người biểu tình đã dẫn dắt những người khác hô khẩu hiệu, chẳng hạn như "Rút bỏ dự luật dẫn độ" và "bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga phải từ nhiệm".

Trong các kênh Telegram được sử dụng bởi những người biểu tình, một số người nói rằng nên tùy thuộc vào những người đang ở bên trong cơ quan lập pháp để ra quyết định tuyên bố nào - nếu có - được đưa ra. Cảm hứng đến từ các bản tuyên ngôn có nguồn gốc đám đông, được cư dân mạng đăng tải trên các phương tiện truyền thông xã hội và đặc biệt là trong LIHKG, một diễn đàn thảo luận giống như Reddit.

Lúc 10:20 tối, một người dùng LIHKG đã đăng một tuyên bố được lưu hành rộng rãi bắt đầu với: "Chúng tôi là những người biểu tình của dân chúng Hồng Kông. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác, đó không phải là mong muốn của chúng tôi khi phản đối sự chuyên chế bằng chính cơ thể của chúng tôi, hoặc chiếm đóng Hội đồng Lập pháp như kiểu một con bài mặc cả để đàm phán".

"Chính quyền hiện tại không còn ưu tiên lợi ích của người Hồng Kông. Để làm cho nhà cầm quyền lắng nghe tiếng nói của chúng tôi, chúng tôi không có cách nào khác ngoài phải dùng đến nhiều kiểu loại chiếm đóng và kháng cự khác nhau, bao gồm cả sự chiếm đóng Hội đồng Lập pháp ngày hôm nay".

Một giờ sau khi tuyên bố này được công bố lần đầu tiên, một phiên bản của nó đã được đọc to trong phòng lập pháp, ngay trước bục giảng nơi chủ tịch Hội đồng Lập pháp sẽ ngồi.

Người biểu tình đưa ra năm yêu cầu cốt lõi: rút bỏ hoàn toàn các sửa đổi đối với luật dẫn độ, không phân loại các cuộc biểu tình trước đây là bạo loạn, xóa bỏ mọi cáo buộc chống lại những người bị bắt liên quan đến các cuộc biểu tình, thành lập một ủy ban độc lập để điều tra việc sử dụng vũ lực của cảnh sát và kêu gọi bầu cử dân chủ hoàn toàn cho Hội đồng Lập pháp và Đặc khu trưởng.

Sự bắt đầu của kết thúc

Nhiều khẩu hiệu khác nhau đã được phun sơn lên bục giảng ở phía trước phòng lập pháp và biểu tượng của Hồng Kông đã bị xóa. Một trong những khẩu hiệu ít được chú ý được vẽ trên bảng điều khiển kề bên ghi rằng: "Hoa Hướng Dương Hồng Kông".

Vào năm 2014, các nhà hoạt động chống Trung Quốc ở Đài Loan đã chiếm phòng chính của cơ quan lập pháp trong ba tuần, sau này được gọi là Phong trào Hướng dương. Khoảng 200 người có liên quan, và họ đã được tha bổng tại tòa án vào năm ngoái vì các thẩm phán phán quyết rằng các hành động phản kháng là "một biểu hiện của nền dân chủ".

Những người đứng sau sự chiếm đóng vào ngày Thứ Hai có thể đã khao khát tạo ra một Phong trào ở Hồng Kông tương đương như ở Đài Loan - nhưng điều đó đã không xảy ra.

Vào lúc 10:21 tối, cảnh sát đã phát một đoạn video nói rằng họ sẽ dọn sạch khu vực xung quanh Hội đồng Lập pháp "ngay lập tức", một động thái khiến người biểu tình tranh luận về các lựa chọn của họ trong giờ tiếp theo. Chỉ còn lại khoảng 20 người trong phòng lập pháp, các phóng viên mặc áo vàng đông hơn họ rất nhiều.

"Tại sao chúng ta ở lại đây? Đảng dân chủ [các nhà lập pháp] đã nói rằng họ sẽ không giúp chúng ta. Tại sao chúng ta ở lại đây để giúp họ giành được phiếu bầu?", một người nói. Những người khác cũng lập luận rằng thật vô ích khi đối mặt với cảnh sát chống bạo động, và tốt hơn là nên chiến đấu vào một ngày khác.

Những người biểu tình đã đi đến thống nhất rằng mọi người cần phải đưa ra quyết định cho mình trước nửa đêm: những người muốn rời đi thì nên rời đi trước đó, và những người còn lại sẽ cam kết ở lại lâu dài.

Về lý thuyết, mỗi người biểu tình có thể chọn mức độ tham gia của họ, nhưng chiến lược này nhanh chóng gặp vấn đề. Chỉ một số ít người muốn tiếp tục chiếm đóng phòng lập pháp, nhưng họ sẽ trở nên dễ bị tổn thương nếu những người khác rời đi.

Khi số lượng của họ giảm dần trong căn phòng đó, một người đàn ông đã đưa ra một lời cầu xin tha thiết với một cái loa: "Một số người trong chúng ta đã quyết định ở lại đây đến giây phút cuối cùng. Vì vậy, tôi kêu gọi mọi người ở Kim Chung hãy làm tất cả những gì có thể để bảo vệ họ, chúng tôi không thể về nhà và theo dõi sự hy sinh của họ từ xa".

Ít phút sau nửa đêm, một trong bốn người chiếm đóng cuối cùng còn ở lại nói với tờ Apple Daily rằng anh ta dự kiến "sẽ đi tù 8 hoặc 10 năm và bị thương tổn khắp mình". Anh nói rằng anh không đổ lỗi cho những người biểu tình đã rời đi, mặc dù anh nói thêm rằng anh đã phụ thuộc vào những người ở tầng dưới trong khu vực biểu tình để hỗ trợ cho anh".

"Từ ngày 9 tháng 6 đến nay, chúng ta đã làm rất nhiều, chúng ta có nên để cho phong trào hạ nhiệt? Về nhà ngủ và tuyên bố phong trào kết thúc chăng?" - anh nói.

Người đàn ông nói rằng anh ta là một ông bố 24 tuổi và kêu gọi các con của anh suy nghĩ về những gì anh đã làm: "Các con có thể thấy những gì cha các con đã làm, và xem điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với các con. Cha không thể nói nó đúng hay sai - chính các con phải quyết định". Nhưng trước khi bốn người chiếm đóng có thể trụ lại cuối cùng, các sự kiện đã diễn ra một cách kịch tính.

Một phút trước nửa đêm, một đám người xông vào phòng lập pháp - đó chính là những người biểu tình, chứ không phải cảnh sát. Họ liên tục la hét "hãy rời đi cùng nhau", và tiến hành mang bốn người này ra ngoài bất chấp sự phản đối của họ.

"Chúng tôi quyết định cùng đến và cùng rời đi với họ. Nếu họ không rời đi, chúng tôi cũng sẽ không rời đi", một trong những người mới đến nói với Stand News. Cô nói rằng những người biểu tình ở tầng dưới sợ phải đi lên tầng trên, vì hành động của cảnh sát sắp sửa xảy ra và họ có thể bị khóa chặn. Tuy nhiên, họ đã mạo hiểm để mang những người chiếm đóng ra khỏi đó với sự liên đới, tinh thần đoàn kết.

"Tất cả chúng tôi đều đã rất lo lắng, nhưng chúng tôi thậm chí còn lo lắng hơn nếu chúng tôi sẽ không thể gặp họ vào ngày mai".

Đến từ trụ sở của họ ở Loan Tể (Wan Chai), các nhân viên cảnh sát mặc đồ chống bạo động đã đến được Hội đồng Lập pháp trước 0h15 sáng. Họ đã bắn đạn hơi cay khi những người biểu tình di chuyển trở lại đường Hạ Khác (Harcourt) ở khu Kim Chung (Admiralty) và sau đó giải tán.

Sau khi đảm bảo thông suốt các cơ sở, cảnh sát đã tiến hành khám xét toàn bộ tòa nhà để tìm coi còn bất kỳ người biểu tình sót lại nào hay không. Không ai còn ở lại. 


Nguồn: 



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo