Phạm Văn (Danlambao) - Hạnh phúc có thể được hiểu một cách giản đơn nhất là sự thỏa mãn những nhu cầu của con người và sự thỏa mãn ấy được biểu hiện ở những trạng thái cảm xúc, tinh thần và cả thể chất của con người là sự thích khoái, vui sướng, hài lòng và thanh thản. Nhờ có hạnh phúc con người mới có thể duy trì đời sống và không ngừng phát triển. Nhưng nếu hiểu hạnh phúc như thế có thể chỉ chú ý về kết quả của hoạt động, cho nên nhiều người, hơn thế có những trường phái triết học rất đề cao hoặc sự thích khoái, vui sướng, hoặc sự hài lòng, thanh thản. Thực ra, hạnh phúc của con người là quá trình, là hành trình hạnh phúc và nó bắt đầu với việc người ta có nhu cầu (khát vọng) sinh tồn. Phải có nhu cầu, khát vọng sống thì con người mới có thể hành động, hoạt động để làm nên cuộc sống của mình. Bởi thế, hạnh phúc là quá trình nhằm thỏa mãn những nhu cầu sống, tồn sinh. Có nhu cầu, tin rằng mình sẽ được thỏa mãn những nhu cầu, sẽ đạt mục đích và lao động, tranh đấu không ngừng để thực hiện điều ấy, đó là hạnh phúc của con người.
Tuy nhiên, con người có nhiều nhu cầu. Ngoài những nhu cầu duy trì sự tồn tại-sống của thân xác bằng các giá trị vật chất, con người còn có những nhu cầu tình cảm, hiểu biết, tinh thần, nhu cầu xã hội hay gọi chung là các nhu cầu văn hóa. Nếu con người chỉ có nhu cầu thân xác, hay xem việc thỏa mãn nhu cầu thân xác là chính, thì con người không hơn gì con vật, khác chăng chỉ là con vật mang hình thể con người. Hạnh phúc ấy là hạnh phúc của loài vật, nó có thể biểu hiện sự chưa trưởng thành của con người về văn hóa, nhưng phần nhiều ở Việt Nam hiện nay, nó là thứ hạnh phúc ngụy tạo, dối lừa, là sự mỉa mai, xúc phạm, thậm chí là sự tước đoạt hạnh phúc của người khác, của chính con người.
Hạnh phúc thật sự của con người là có các nhu cầu văn hóa và là quá trình thỏa mãn những nhu cầu ấy. Nói rõ hơn, khi con người coi trọng các nhu cầu văn hóa và nỗ lực để thỏa mãn các nhu cầu ấy, con người thực sự có hạnh phúc. Nhu cầu văn hóa đầu tiên đánh dấu hành trình hạnh phúc thực sự của con người là nhu cầu hiểu biết (bao gồm hiểu biết thế giới bên ngoài và thế giới bên trong con người – sự phản tỉnh). Nhờ hiểu biết con người đã tạo nên thế giới văn hóa và do đó, duy trì, phát triển đời sống của mình bằng văn hóa. Nhu cầu văn hóa cao nhất của con người là nhu cầu tự do. Khát vọng tự do là khát vọng con người thực sự, là biểu hiện khát vọng làm người rõ nhất, toàn diện nhất của con người.
Với quan niệm về hạnh phúc như vậy ta hiểu bất hạnh không đơn giản là việc con người không thỏa mãn hoặc không được thỏa mãn các nhu cầu, mà căn bản ở chỗ nó không có hoặc bị triệt tiêu các nhu cầu, nhất là các nhu cầu văn hóa, nhu cầu hiểu biết, nhu cầu tự do, tức là nhu cầu làm người của mình.
Hạnh phúc thực sự của một dân tộc, cộng đồng là ở chỗ dân tộc, cộng đồng ấy có những nhu cầu, khát vọng làm người, khát vọng hiểu biết và tự do. Những nhu cầu ấy không tồn tại trừu tượng, ở đâu đó, cũng không nằm ở cái số đông con người gộp chung lại, trái lại, chúng trước hết tồn tại, biểu hiện ở những con người cụ thể, những cá nhân nhất định. Những cá nhân mang khát vọng làm người của một dân tộc, cộng đồng là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho lợi ích, ý chí, trí tuệ và lương tâm của cả một dân tộc, cộng đồng.
Theo nghĩa ấy, Dân tộc Việt Nam chúng ta không phải không có nhu cầu, khát vọng làm người, không phải là không có hạnh phúc, đúng hơn là hành trình hạnh phúc. Nhưng lâu nay những nhu cầu, hành trình ấy không ngừng bị triệt tiêu, bị dập tắt mỗi khi nó nảy sinh, bừng cháy lên.
Có thể ai đó nói rằng chúng ta, người Việt Nam không có nhu cầu, khát vọng làm người khi vin vào đặc điểm truyền thống văn hóa phương Đông-Trung Quốc của Việt Nam, nhất là có những kẻ thường rêu rao rằng Việt Nam chưa thể có dân chủ, đa đảng vì dân trí thấp. Thực ra, Dân tộc Việt Nam đã có khát vọng tự do, khát vọng làm người khi bắt đầu tương tác-va chạm với văn minh phương Tây, cụ thể là khi thực dân Pháp xâm lược nước ta. Có thể thấy rõ điều này trong những cuộc vận động, phong trào văn hóa, nhất là tư tưởng và những hoạt động nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của chí sĩ Phan Châu Trinh. Nhưng tư tưởng, phong trào do Phan Châu Trinh đề xướng đã bị dập tắt bởi xu hướng dân tộc đối lập với chủ nghĩa thực dân xâm lược của nó. Song khát vọng tự do, khát vọng làm người của dân tộc sau khi đã nảy sinh, đã được nhen lên, vẫn còn, vẫn âm ỉ cháy, nghĩa là hành trình hạnh phúc của dân tộc vẫn tiếp tục.
Nhưng chế độ cộng sản sau khi giành-cướp được chính quyền đã triệt tiêu các nhu cầu, khát vọng làm người chân chính của Dân tộc bằng cách lèo lái chúng theo con đường sai lầm, đầy hoang tưởng, hướng đến chế độ xã hội “dân chủ gấp triệu triệu lần dân chủ tư sản”. Bản thân chế độ cộng sản, những người cộng sản, nếu là cộng sản thật sự thì nuôi tham vọng thống trị thế giới, tức là mang khát vọng-tham vọng đầy tính hoang tưởng, còn thực tế hiện thời, chúng chỉ là lũ bất tài, vô lương với những tham vọng, sự hám danh, hám quyền, hám lợi, sẵn sàng quỳ gối, cúi đầu trước bọn Tàu Cộng xâm lược. Cho nên, con đường đạt đến vinh quang, hạnh phúc đầy tính hư ảo, giả tạo của chúng là dối trá, bịp bợm và bạo lực. Con đường “hạnh phúc” của người cộng sản, chế độ của chúng là sự mỉa mai, xúc phạm và tước đoạt hạnh phúc của Nhân dân, của cả Dân tộc.
Chế độ cộng sản độc tài toàn trị nói dối trắng trợn rằng chúng lo cho người dân, rằng sự tồn tại của chế độ này, trách nhiệm của những người cộng sản là đặt lợi ích Dân tộc, Nhân dân, thậm chí cả nhân loại lên trên hết. Nhưng sự thâm hiểm, độc ác ghê gớm của chúng là ở chỗ không để, không cho phép nhu cầu, khát vọng của Nhân dân, Dân tộc, của con người nảy sinh một cách tự nhiên. Dưới chế độ này hầu như những khát vọng làm người, khát vọng hiểu biết, tự do chỉ còn tồn tại trên danh nghĩa, hình thức, về thực chất, chúng đã bị triệt tiêu và bị thay thế bằng những nhu cầu hoặc rất thô thiển, tầm thường, ích kỷ, hoàn toàn vụ lợi, hoặc mang tính chất bị áp đặt, hoàn toàn bị áp đặt, thậm chí bệnh hoạn.
Khỏi phải nói đến những kẻ đã hiến mình cho đảng, chế độ quỷ dữ để kiếm miếng ăn rồi tự lừa phỉnh mình bằng những điều lý tưởng, thiêng liêng, cao cả giả tạo do sự nhồi nhét mà có. Chúng ta thực sự đau lòng khi thấy nhiều người dân, nhất là nhiều người tuổi trẻ chỉ biết quan tâm đến cái con người cá nhân chật hẹp của mình, đến những quyền lợi, giá trị vật chất, tiền bạc thuần túy, đến những giá trị mặt ngoài, hình thức của văn minh, quên rằng mình còn có những điều thiêng liêng là Nhân dân, Tổ quốc và Dân tộc, giống nòi Việt Nam, hơn thế đang bị Tàu Cộng liên tục đe dọa, xâm chiếm. Chúng ta rất buồn khi thấy phần đông người dân sợ hãi, tin vào những điều hư ảo, vô căn cứ khi quỳ lạy trước những bàn thờ, bức tượng được đặt, dựng trong vườn, ngoài ngõ, trong các quán ăn, nhà hàng, thậm chí cả cơ quan, trường học với những biểu tượng-gương trừ tà ngay ở cổng chính, khi làm gì cũng phải đi “xem”, với tệ đốt vàng mã v.v... rồi ngụy tạo bằng những từ ngữ như “tâm linh”, “có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Chế độ cộng sản không những không biết khắc phục, ngăn chặn tình trạng trên, trái lại còn hoặc im lặng, hoặc khuyến khích những nhu cầu lệch lạc, bệnh hoạn ấy.
Chế độ độc tài toàn trị cộng sản không cho phép tự do tư tưởng, tự do báo chí, trái lại tìm mọi cách ngăn cản kể cả những quan điểm, tư tưởng đúng đắn chỉ vì chúng đối lập, hơn thế phê phán, chống lại chế độ của chúng. Đây chính là sự triệt tiêu không chỉ việc thực hiện, thỏa mãn những khát vọng hiểu biết, khát vọng tự do tư tưởng, mà còn là triệt tiêu, bóp chết chính những khát vọng ấy, nhằm giam hãm nhân dân, dân tộc trong vòng ngu tối để duy trì sự cai trị nhằm che đậy sự ngu tối, hèn nhát và tội ác của chúng.
Chế độ cộng sản còn đàn áp, bắt bớ, tù đầy những người đã dấn thân, dũng cảm đầu tranh cho tự do, chống lại chế độ tà quyền ngu tối, tàn ác, ngăn chặn, đẩy lùi bước chân xâm lược của Tàu Cộng, bằng cách gán, chụp cho họ những cái tội vô lý mà họ không hề có, nhất là tội “chống lại, lật đổ chính quyền nhân dân”. Rất nhiều người hiện đang còn trong lao tù cộng sản. Chế độ này đang không ngừng truy tìm, triệt tiêu tất cả những người đang nuôi chí tiếp tục cuộc đấu tranh này, với đội ngũ công an chìm nổi, công khai hoặc trá hình rất đông đảo, ngày đêm lùng sục, đánh hơi, canh giữ, chốt chặn khắp nơi. Thực ra, đó là sự triệt tiêu các nhu cầu chân chính, nhu cầu làm người của Nhân dân, Dân tộc được thể hiện ở những con người đã, đang trưởng thành, can đảm, dấn thân, tiêu biểu, đại diện cho Dân tộc, Nhân dân. Chúng sẵn sàng bóp chết tinh thần đấu tranh, mà thực chất là bóp chết những niềm hạnh phúc chân chính của Nhân dân, Dân tộc dù là nhỏ nhoi nhất, từ trong trứng nước. Chúng luôn nói rằng cần “ổn định để phát triển”, nhưng thực chất chúng sợ những cuộc biểu tình-đấu tranh sẽ đưa đến sự sụp đổ chế độ, làm mất địa vị, quyền lợi, nhất là phơi bày những tội ác, nhất là tội bán nước của chúng,
Đặc biệt, vào những ngày này biển Đông – bãi Tư Chính đang dậy sóng. Kẻ thù xâm lược đã ngang nhiên xâm chiếm lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng vì chế độ cộng sản lâu nay đã triệt tiêu các nhu cầu tự nhiên, nhu cầu làm người của Nhân dân, Dân tộc, nên đã làm mất đi các động lực phát triển đất nước, làm suy giảm, thậm chí mất đi các tiềm năng, sức mạnh nội lực của Dân tộc. Hệ quả nặng nề trực tiếp khiến cho lực lượng bảo vệ, gìn giữ cõi bờ của Tổ quốc là quân đội, không còn là của Nhân dân, trở nên yếu hèn nhu nhược đến mức không thể tưởng tượng nổi, cam tâm ngồi nhìn kẻ xâm lược diễu võ dương oai.
Hơn lúc nào hết, giờ đây đất nước cần đến sức mạnh của Nhân dân, của toàn thể Dân tộc trong những cuộc biểu tình-đấu tranh chống quân xâm lược. Nhưng khốn thay kẻ nhân danh Dân tộc, Nhân dân vẫn im lặng, còn hoan hỉ bắt tay kẻ thù và yêu cầu Nhân dân im lặng, “không được để cho lòng yêu nước bị kích động, bị lợi dụng!”. Thưa ngài Tổng-chủ tịt hay Chủ-bí của cái nước CHXHCN, của cái đảng thổ tả, quái dị ở Việt Nam, lòng yêu nước của Nhân dân, Dân tộc Việt Nam sinh ra để làm gì, hả ngài? Thực ra, ngài, đảng và chế độ của ngài tiếp tục việc làm thâm độc là triệt tiêu nhu cầu, khát vọng chân chính của Nhân dân, Dân tộc Việt Nam để che đậy sự hèn nhát, tàn bạo và dã tâm bán nước của mình. Cái lú và sự hèn nhát của ngài đã không còn che đậy được nữa, chúng đã đến đỉnh điểm.
Quả thực, sự tồn tại của chế độ cộng sản độc tài toàn trị ở Việt Nam thực sự là nỗi bất hạnh lớn nhất của dân tộc chúng ta, là bằng chứng đầy đủ và rõ ràng nhất chứng tỏ dân tộc chúng ta - một dân tộc bất hạnh. Chừng nào chúng ta còn phải sống dưới, sống chung với chế độ cộng sản mà bây giờ thực ra chỉ là cộng sản giả hiệu, thì chúng ta còn tiếp tục chịu những nỗi đau thương, bất hạnh, mà thực tế chúng đang diễn ra từng ngày. Chúng ta nhận thấy, sự độc ác, tàn bạo của chế độ cộng sản không chỉ đơn thuần ở chỗ không cho con người, Nhân dân, cả Dân tộc thực hiện những nguyện vọng, nhu cầu con người chính đáng của mình, mà hơn thế, còn ghê tởm hơn là tiêu diệt chính những nguyện vọng, nhu cầu ấy. Đúng như một nhà văn đã từng nói: “Còn tàn bạo hơn là giết chết ước mơ của một con người!”.
Tuy vậy, cần hiểu rằng chỉ có những kẻ tâm thần hoặc thiểu năng mới không biết nó hạnh phúc hoặc bất hạnh, còn người biết mình bất hạnh sẽ tìm được con đường đến hạnh phúc. Dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc bất hạnh khi ở dưới chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Nhưng chừng nào chúng ta còn có những người, mà thực ra có rất nhiều người, đã và đang nhìn thấy nỗi bất hạnh ấy, chúng ta còn có tương lai, không những thế rất xán lạn. Quá trình toàn cầu hóa, hội nhập, cuộc phấn đấu, tranh đấu cho tự do, dân chủ của các dân tộc khác, của nhân loại nói chung đã không ngừng thúc đẩy các nhu cầu, khát vọng làm người của chúng ta, càng làm phơi bày sự lỗi thời, ngu tối và tội lỗi của chế độ độc tài toàn trị cộng sản. Sát cánh, tiến bước cùng quá trình này chúng ta sẽ tiếp tục nhen lên, làm cháy bùng lên mạnh mẽ hơn những khát vọng làm người để toàn thể Dân tộc, Nhân dân Việt Nam chúng ta tiếp tục hành trình hạnh phúc lớn lao thực sự của mình.
Ngày 24 tháng 7 năm 2019