S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) - "Sống trong một đất nước mà những kẻ tổ chức làm bạc giả đang ở địa vị cầm quyền, khi khám phá ra những đồng tiền giả - lẽ ra - ông Nguyễn Thanh Giang không nên tri hô (ầm ĩ) lên như vậy."
Qua bán tuần san Thời Báo Kinh Tế VN - số ra ngày 3 tháng 4 năm 99 - phó tiến sĩ Nguyễn Hữu Hải, có phát biểu rằng “nghèo đói thường gắn liền với phong tục tập quán lạc hậu, với địa hình nơi cư trú…” Điều ông Hải nói đúng nhưng không đủ. Tuy nhiên, ông ta không nói hết lời, cố tránh đề cập đến nguyên nhân của sự nghèo đói ở VN một cách rõ ràng hay rốt ráo hơn.
Cũng trong số báo này, khi được hỏi “liệu năm 1999 số hộ đói có giảm so với những năm trước hay không?” - Thứ Trưởng Bộ Thương Binh Xã Hội VN, ông Đàm Hữu Đắc đã trả lời: “Nếu tình hình thời tiết không có đột biến xấu như hai năm 1997, 1998 thì tình hình nghèo đói ở Việt Nam trong những năm 1999 và những năm tiếp theo sẽ giảm đáng kể.”
Khác với ông Hải, ông Đắc nhấn mạnh đến thiên tai (chứ không phải phong tục tập quán) như là nguyên nhân chính gây ra nghèo đói. Tương tự như ông Hải, ông Đắc cũng (“né”) không muốn nói đến nhiều nguyên nhân khác - và là nguyên chính - đã gây ra sự bần cùng, khốn khó cho xứ sở của mình.
Trước đó hai hôm - báo Nhân Dân số ra ngày 1 tháng 4 năm 99, tại Hà Nội - có đăng bài xã luận “Thực Hiện Tốt Tổng Điều Tra Dân Số Và Nhà Ở Trên Cả Nước.” Người viết (không ký tên) đề cập đến tất cả mọi vấn đề liên quan đến việc điều tra dân số thực hiện năm đó, trừ mỗi một chuyện - và chuyện này lại được tiết lộ ở một tờ báo khác (báo Thời Luận, số ra ngày 24 tháng 3 năm 99, tại Los Angeles, Hoa Kỳ) qua hình thức một mẩu tin ngắn, nguyên văn như sau:
“Ngày 23 tháng 3 năm 99, ông Erick Palstar, Trưởng Đại Diện Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết vào lúc không giờ ngày 1 tháng 4 năm 99 Việt Nam sẽ tiến hành cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở. Công việc này lại tiếp tục được đài thọ bởi Liên Hiệp Quốc, và- vẫn theo lời ông Erick Palstar - đây là một trường hợp ngoại lệ chưa từng có trong lịch sử. Chưa có quốc gia nào cần phải được Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc giúp tới ba lần liên tiếp với lý do là không có khả năng tài chánh để thực hiện một mình.”
Khác với ông phó tiến sĩ Nguyễn Hữu Hải, ông thứ trưởng Đàm Hữu Đắc, tác giả bài báo vừa dẫn lờ luôn mọi chuyện có liên quan đến sự thiếu thốn và yếu kém của cái xã hội mà mình đang sống. Tuy nhiên, tựu trung, cả ba nhân vật kể trên đều có điểm này giống hệt nhau: họ ăn nói, viết lách hết sức dè chừng và cẩn thận, cứ y như những kẻ luôn luôn bị rình rập hay đe dọa bởi những bóng ma vô hình lẩn quất quanh mình.
Đây là một trong những nét đặc trưng trong đời sống hàng ngày của cả dân tộc Việt, từ nhiều thập niên qua, chứ không riêng một giới người nào. Tất cả đều ý thức, một cách thường trực, về những điều cấm kỵ của xã hội mà họ đang sống, những sự thực cần được che dấu, hay những nhân vật không thể đụng đến. Đó là một hình thức ta bu mới, và là ta bu giả, vừa được áp đặt vào xã hội Việt Nam - hơn nửa thế kỷ qua.
Từ “ta bu” (taboo - tapu) có nguồn gốc từ quần đảo Polynesia. Nó có nghĩa là sự nghiêm cấm hoặc sự giới hạn chặt chẽ mọi đụng chạm, hiểu theo nghĩa đen, với một số đồ vật hay nhân vật đặc biệt - trong những hoàn cảnh đặc thù nào đó (Gollier Multimedia Encyclopedia, 1997).
Ta Bu hiện diện ở mọi nơi, nhưng thường chỉ có vai trò rõ nét ở những xã hội sơ khai - nơi mà luật chưa thành nên cần lệ để duy trì trật tự tối thiểu và cần thiết cho những sinh hoạt của cộng đồng. Có những cấm kỵ rất phổ biến, được chia sẻ bởi hầu hết mọi nơi, như sự loạn luân hay ăn thịt đồng loại. Cũng có những điều cấm kỵ rất đặc thù, chỉ hiện diện ở một số dân tộc hay bộ tộc. Có nơi, mọi sự đụng chạm đến thầy mo hoặc tù trưởng của bộ lạc đều bị nghiêm cấm. Cá nhân nào vi phạm đến sự cấm kỵ này đều có thể bị tai họa vào thân (Compton’s Encyclopedia On Line V3.01, 1998).
Theo truyền thống, ta bu thường có tính tự phát và được sự đồng thuận (có thể là một cách vô thức) bởi mọi thành viên vì lợi ích chung của cộng đồng. Chúng ta sống trong một thời đại mà ta bu có thể được “sáng tạo” bởi một cá nhân hay một tập thể lãnh đạo, và được mang áp đặt vào xã hội - bằng mọi cách - cho phù hợp với đường lối cai trị hay quyền lợi của giai cấp thống trị. Tương tự như tiền giả, ta bu giả vẫn có thể được xã hội chấp nhận cho đến khi... bị phát hiện!
Ông Hồ Chí Minh và đảng CSVN có thể được coi là những thí dụ tiêu biểu, minh thị cho chuyện những ta bu giả ở đất nước này. Ngay sau khi nắm được quyền bính, họ tự tạo ra một số những ta bu và áp đặt trên quần chúng. Họ nghiễm nhiên đều trở thành những nhân vật bất khả xâm phạm - the untouchables, nếu nói theo ngôn ngữ Mafia của thời đại chúng ta. Mọi va chạm đến họ đều bị ngăn cấm, và nghiêm trị. Sự nghiêm trị này có thể kéo dài nhiều thế hệ, dựa theo lý lịch. Đấy là điều mà những vị tù trưởng bộ lạc (và những trùm Mafia tân thời) đều không thể tưởng tượng nổi, chứ đừng nói chi đến chuyện thi hành.
Để đối phó với sự dụng chạm thường xuyên của quần chúng với những ta bu (giả), ngày 20 tháng 6 năm 61, nhà nước ban hành nghị quyết số 49NQ/TVHQ. NQ này, do Trường Chinh ký, cho phép ủy ban nhân dân thành phố và các tỉnh bắt giam vào trại tập trung tất cả những thành phần bất mãn với chế độ, hoặc khó thích ứng với XHCN. Thời gian tập trung được qui định trên văn bản là 3 năm nhưng thường kéo dài từ 9, 12, 15 năm hay lâu hơn nữa.
Một trong những nạn nhân tiêu biểu của Nghị Quyết 49 là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện. Ông bị ở tù (dài dài) vì đã không ngần ngại “đụng” đến những ta bu của thời đại mình, dù đụng rất nhẹ nhàng, bằng những câu thơ mộc mạc:
Miếng thịt lợn chao ơi là vĩ đại.
Miếng thịt bò vĩ đại gấp hai.
Gạo muối, chanh đường, lạc bắp, ngô khoai…
Đảng rớ tới bỗng nhiên thành vĩ đại!
Sau đảng, tới Bác:
“Không có gì quí hơn độc lập tự do”
Tôi biết thằng nói ra câu đó.
Tôi biết nó, cả nước này biết nó.
Việc nó làm, tội ác nó ra sao?
Sau khi ông Hồ chết (hay còn gọi là “đi chơi xa”, nếu muốn nói một cách cẩn tắc theo tinh thần ta bu của thời đại mới) những người kế tục không ai tạo được một uy thế như kẻ tiền nhiệm nên những ta bu liên quan đến vị chủ tịch Đảng - với thời gian - mất dần hiệu lực. Bác Hồ mất nhưng Đảng còn. Những ta bu liên quan đến Đảng không hề mất theo hay thay đổi, nếu chưa muốn nói là còn trở nên “khắt khe” hơn - ít nhất thì cũng là trong thời gian Bác Thọ và Bác Duẩn “chưa khuất núi.” Bởi vậy nhiều vụ đụng chạm cũng như trừng phạt vẫn tiếp tục xẩy ra, và với thời gian người ta ghi nhận là có sự gia tốc về vấn đề này - nhất là kể từ khi đảng CSVN không còn dấu được rằng đối với nó không có gì quí hơn là quyền lợi của chính mình.
Nạn nhân mới nhất, vì đã đụng chạm những tabu của đảng CSVN là ông Nguyễn Thanh Giang. Vụ việc này, theo tường trình của BBC, nghe được hôm 19 tháng 4 năm 2005, như sau:
“Tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, một nhân vật bất đồng chính kiến có tiếng ở trong nước, cho đài BBC biết ông đang lo lắng về an ninh của bản thân sau khi nhận được những lời đe dọa của một số người được coi là cựu chiến binh… Phản ứng giận dữ của những cựu chiến binh này, theo ông Giang, xảy ra vì họ phẫn nộ rằng ông đã gọi cuộc chiến chống Mỹ của Việt Nam là phi nghĩa.”
Sau Thế Chiến Thứ Hai, khi phong trào giải thực lan rộng trên toàn cầu (và việc trao trả độc lập cho những quốc gia bị trị trở thành một xu hướng không thể đảo ngược ở khắp mọi nơi) đảng CSVN vẫn cố tạo ra một cuộc chiến “đánh đuổi thực dân để dành độc lập”. Sau đó, họ tiến hành một cuộc chiến tranh chống xâm lược (giả) khác bằng cách bắt ép nửa phần dân tộc Việt đi chém giết nửa phần còn lại.
Trong cả hai cuộc chiến (rất) “thần thánh” và (hoàn toàn) không cần thiết đó, họ đều thắng lợi một cách vẻ vang. Chỉ có những kẻ bị bắt ép hay bị lừa gạt phải lao vào lửa đạn (và thân nhân của họ) là đại bại. Tuy thế, họ không cho phép bất cứ ai được nói ra điều này. Khi lên tiếng rằng: “Cuộc chiến chống Mỹ vừa qua thực sự là vô nghĩa đối với cả Việt Nam và Hoa Kỳ” là ông Nguyễn Thanh Giang đã phạm vào điều cấm kỵ, đã đụng chạm tới ta bu giả của thời đại mình - một thứ ta bu giả.
Sống trong một đất nước mà những kẻ tổ chức làm bạc giả đang ở địa vị cầm quyền, khi khám phá ra những đồng tiền giả - lẽ ra - ông Nguyễn Thanh Giang không nên tri hô (ầm ĩ) lên như vậy. Có ai lại thiếu tế nhị đến thế, hả Giời?