Dân chủ và Độc tài, ai sẽ thắng? - Dân Làm Báo

Dân chủ và Độc tài, ai sẽ thắng?

Thành Đỗ (Danlambao) - Ai ai cũng nhận thấy là có một ngọn gió về đòi hỏi dân chủ đã quét lên trên mọi dân tộc trên toàn cầu, làm rộ lên các cuộc cách mạng trên toàn thế giới hầu đẩy lùi sự cai trị độc đoán, toàn trị, áp bức và bóc lột trên người dân. 

Tự do, dân chủ, nhân quyền, bình đẳng trước pháp luật là những giá trị phổ quát mà loài người cố tìm mọi cách đạt được như đàn gà bị nhốt trong chuồng thì cũng tìm mọi cách để thoát ra ngoài đó thôi.

Bao nhiêu nhà độc tài, bao nhiêu cái đầu đội vương miện cũng đã rụng, bao nhiêu lâu đài các lãnh chúa, biệt phủ các quan tham cũng bị đạp đổ bởi người dân vì những đòi hỏi chính đáng. Lịch sử đã chứng minh. 

Trước tiên là các cuộc cách mạng màu tại Đông Âu, rồi Bắc Phi châu, nay đã thổi đến đến Hong Kong, Nga. Chắc chắn, không bao lâu nữa thì ngọn gió dân chủ cũng sẽ thổi đến Viêt Nam. 

"Nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh" - (Lênin). 

Tại Trung hoa lục địa, cũng đã nhiều lần nhóm lên tại một vài nơi, các cuộc đòi hỏi nhân quyền và dân chủ hơn nhưng thường bị đàn áp dã man và đẩm máu như tại Thiên An Môn, Tân Cương, Tây Tạng, gần đây tại Wuhan và sau đó vẫn tiếp diễn các cuộc đàn áp bắt bớ âm thầm, thủ tiêu không xét xử công minh. 

Bộ máy cầm quyền tại nhiều đất nước độc tài cộng sản thường rất giống nhau, họ có những phương sách đàn áp tiếng nói người dân như bọn côn đồ khủng bố. Trong quá khứ, ta cũng đã thấy cách hành xử của bộ máy Gestapo của Đức quốc xã thời đệ nhị thế chiến hay bộ máy an ninh Stasi của Đông Đức, khủng bố và giết chóc người dân Đức. 

Cách Mạng Màu 

Cách mạng màu là cụm từ để chỉ những phong trào chính trị trong một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ hay thuộc vùng Balkan trong những năm đầu thập niên 2000, lấy tên một màu sắc hay một cây cối, bông hoa tiêu biểu. Trong những cuộc cách mạng này, những người tham gia đã đấu tranh bất bạo động để đối phó với các chính quyền mà họ xem là tham ô hay độc đoán. Các cuộc cách mạng sắc màu nổi bật với sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ (NGO) và các nhà hoạt động sinh viên trong việc tổ chức các cuộc đấu tranh bất bạo động. 

Ta có thể liệt kê một số cuộc cách mạng màu điển hình là các cuộc cách mạng màu là Cách mạng 5 tháng 10 ở Serbia (2000), Cách mạng Hoa hồng ở Gruzia (2003), Cách mạng Cam ở Ukraina (2004), và Cách mạng Hoa Tulip ở Kyrgyzstan (2005). Trong mỗi lần, nhiều người đã xuống đường biểu tình sau các cuộc bầu cử gây tranh cãi. Nếu thành công, nó sẽ dẫn đến sự lật đổ chính phủ hay từ chức của những lãnh đạo bị họ xem là độc đoán. 

Cụm từ cách mạng màu cũng đã được dùng cho một số cuộc cách mạng ở những nơi khác bao gồm vùng Trung Đông như cuộc cách mạng cây tuyết tùng 2005 tại Lebanon, và cách mạng xanh 2005 tại Kuwait. 

Các cuộc cách mạng màu kể trên đã đưa đến thành công trừ trường hợp tại Belarus, trong cuộc bầu cử tổng thống 2006, nó đã thất bại sau 5 ngày. 

Ngòi nổ của các cuộc cách mạng màu thường là những cáo buộc về gian lận bầu cử, tại Liban thì do sự tức giận về việc một cựu thủ tướng bị ám sát. 

Riêng tại Pháp, từ đầu năm 2018, có phong trào Áo Vàng (Les Gilets Jaune) tuy đã lịm tắt đến hơn 20 tuần lễ chiến đấu giữa nhà cầm quyền và đường phố, 12 người chết, hơn 4000 người bị thương cả hai bên, 8000 người bị cảnh sát câu lưu, 2000 người ra tòa với án và 390 người bị án tù, nhưng họ gần như đã đạt được một số kết quả đáng kể như việc chính phủ phải xem lại hệ thống lương hưu và giảm thuế cho người bị khó khăn thật sự. Sự khác biệt có thể là vì nước Pháp vốn là một đất nước dân chủ và thượng tôn pháp luật. 

Tại Nga, hiện các cuộc biểu tình ôn hòa tại Moscou, đang bị chính quyền đàn áp khá khốc liệt. 

Tại Hong Kong, nơi mà các cuộc biểu tình mạnh mẽ nhất và sáng tạo nhất, đến nay, ngoài lời hứa xuông là luật dẫn độ tạm thời đã "chết", họ đang vướng phải những bức tường sắc của chính quyền thân Bắc Kinh không chịu lùi bước thêm nữa và lời đe dọa hằng ngày rằng quân đội giải phóng quân sẽ sang biên giới và nếu cần Bắc Kinh sẽ không ngần ngại để làm lại một Thiên An Môn tại Hong Kong.

Giới quan sát thế giới đang cho rằng áp lực đường phố Hong Kong hiện nay, e rồi cũng có nguy cơ đi đến một kết quả gần như phong trào Dù Vàng 2014 (Umbrella Movement), nghĩa là sẽ bị tắt lịm và không tiến xa hơn nữa trên con đường dân chủ hóa vùng đất này trước một chính quyền điều khiển bởi độc tài Bắc Kinh, nếu họ không sớm tạo ra được một bước đột phá mới về chiến lược và phương sách hành động. 

Các cuộc biểu tình và chống biểu tình trên toàn thế giới từ từ đã trở nên tinh vi hơn theo ngày tháng, bởi từ hơn 5 năm nay, nhiều kết quả nghiên cứu khoa học do chính quyền tài trợ đã giúp nhà cầm quyền hợp pháp dân chủ đoán biết trước dân tình và đưa các giải pháp vào thực nghiệm nhằm giảm áp lực trong dân, các nghiên cứu về xã hội học, nghiên cứu về các nguy cơ tiềm ẩn do biến động kinh tế toàn cầu, đời sống kinh tế của dân nghèo, con đường dân chủ nào cần thiết để định hướng dư luận quần chúng và cách nào gìn giữ trật tự xã hội trong hổn loạn. Ngược lại, các nhà cầm quyền độc tài thì thường áp dụng những phương cách đối phó mạnh tay với dân để dập tắt đám cháy, bao che nhau từ trên xuống mà không cần biết nguyên nhân hay bất công nào đã đưa đến xung đột giữa người dân và bộ máy cầm quyền như trường hợp thu hồi đất trái phép tại Thủ Thiêm, 20 năm sau vẫn chưa ai nhận sai hay bị trừng trị thỏa đáng. 

Chính quyền độc tài cộng sản cũng thường xuyên sử dụng lực lượng an ninh giả dạng côn đồ đường phố để khủng bố người dân, gieo rắc sự sợ hãi về an toàn cá nhân, triệt hạ con đường sinh sống của gia đình bất cứ ai dám phản biện, cho dù chỉ là phản biện ôn hòa bằng các bài viết trên các trang mạng xã hội. Nhiều bản án nặng nề nhất nước Việt Nam nay chỉ dành cho những người đấu tranh ôn hòa, mục đích chẳng qua là gieo thêm sự sợ hãi vào lòng dân để không còn ai dám lên tiếng phản biện đường lối cho dù chính quyền sai lầm hoàn toàn như các vụ giải tỏa đất phục vụ cho giới tư bản đỏ thông đồng với quan chức chính quyền các cấp, các vụ BOT bẩn trên toàn quốc. 

Chính quyền dân chủ

Không phải cái gọi là nhà cầm quyền nào cũng nghĩ đến tự do, dân chủ cho người dân. Bởi vậy, trên thế giới mới có dân chủ thật và dân chủ giả (pseudodemocracy). Dưới các nền dân chủ giả, dân chúng cũng được gọi đi bầu. Nhưng họ chỉ được bầu những người đã được ai đó lựa chọn sẵn như tại Việt Nam hay Trung quốc hay Hong Kong ngày nay, nơi mà người dân không có quyền kiểm soát phiếu bầu, không phải ngẫu nhiên mà ở các nền dân chủ giả, những người thắng cử bao giờ cũng thắng một cách hết sức vẻ vang, toàn 100% hoặc gần gần 100%, các đại biểu, khi thắng cử, thường chỉ biết gật đầu và đương nhiên đứng về phía nhà cầm quyền khi có xung đột. 

Về phía người dân bị áp bức, các cuộc bạo động đường phố cho đến nay, chỉ duy có Hong Kong là có vài sáng tạo, phối hợp nhịp nhàng để đối phó với cảnh sát, tuy thế, họ vẫn thường phải là nạn nhân của lạm dụng bạo lực để dập tắt tiếng nói phản kháng từ phía chính quyền. Cuộc chiến giữa độc tài và dân chủ còn đang tiếp diễn, ai sẽ thắng, người dân hay các nhà cầm quyền như cộng sản chủ nghĩa? 

Nhà cầm quyền CS Việt Nam và bộ máy an ninh của họ, cũng cùng một phương sách, khủng bố, đàn áp, giết chóc người dân như Trung cộng, họ cố tuyên truyền nhưng kết quả là ngày càng đẩy người dân dần dần trở thành "Thế lực thù địch". Niềm tin nay đã hết giữa dân và "thế lực cầm tiền", đất nước này rồi sẽ lâm nguy trước ngoại bang phương bắc. 

12.08.2019



Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo