Hồng Kông & Budapest - Dân Làm Báo

Hồng Kông & Budapest


Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Thanh Tâm Tuyền

Ngày qua, trên trang FB của Ngô Nhật Đăng có ghi lại đôi dòng chữ ngắn về “một linh mục người Hungary bị bắt đưa đi Siberia năm ông 90 tuổi thì Liên Xô sụp đổ ông mới được thả và quay về Budapest, một nhà báo hỏi về những người Soviet, ông trả lời : Tôi đang ở đây mà họ thì đâu rồi.” 

Vị linh mục này, có lẽ, bị bắt trong “Cuộc Nổi Dậy 1956 Ở Hungary” – The Hungarian Revolution of 1956. Về sự kiện này, nhà báo Trần Khải có đôi câu tóm lược :

Những ngày cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 1956. Đất nước Hungary đang bị cai trị bởi một chính phủ bàn tay sắt do Liên Xô dựng lên. Nhà văn, sinh viên và rồi toàn dân xuống đường đòi tự do. Đó là cuộc nổi dậy Hungary 1956. Khởi đầu là nhà văn, và rồi sinh viên, và rồi toàn dân xuống đường, khởi sự bùng nổ cuộc nổi dậy toàn quốc. Và rồi nhiều ngàn xe tăng Liên Xô tiến vào… 

Năm sư đoàn Liên Xô đồn trú tại Hungary trước ngày 23 tháng 10 được tăng lên thành 17 sư đoàn. Quân đoàn cơ giới số 8 dưới sự chỉ huy của trung tướng Hamazasp Babadzhanian và Quân đoàn số 38 dưới sự chỉ huy của trung tướng Hadzhi-Umar Mamsurov từ căn cứ quân sự Carpathia bên cạnh được triển khai tới Hungary thực hiện chiến dịch. Một số binh sĩ Liên Xô tin rằng mình được gửi tới Berlin để chiến đấu với quân phát xít Đức. Tới 9:30 tối ngày 3 tháng 11, Quân đội Liên Xô đã bao vây hoàn toàn Budapest…

Và một vài tuần sau, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền từ Sài Gòn phổ biến bài thơ có tựa đề rất dài “Hãy cho anh khóc bằng mắt em những cuộc tình duyên Budapest”… và toàn văn bài thơ như sau:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
Anh một trái tim em một trái tim
Chúng kéo đầy đường chiến xa đại bác.

Hãy cho anh giận bằng ngực em
Như chúng bắn lửa thép vào
Môi son họng súng
Mỗi ngã tư mặt anh là hàng rào.

Hãy cho anh la bằng cổ em
Trời mai bay rực rỡ
Chúng nó say giết người như gạch ngói
Như lòng chúng ta thèm khát tương lai.

Hãy cho anh run bằng má em
Khi chúng đóng mọi đường biên giới
Lùa những ngón tay vào nhau
Thân thể anh chờ đợi.

Hãy cho anh ngủ bằng trán em
Đau dấu đạn
Đêm không bao giờ không bao giờ đêm
Chúng tấn công hoài những buổi sáng.

Hãy cho anh chết bằng da em
Trong dây xích chiến xa tội nghiệp
Anh sẽ sống bằng hơi thở em
Hỡi những người kế tiếp.

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest
12-56

Sáu mươi ba năm sau một cuộc nổi dậy khác đang xẩy ra ở Hồng Kông, với tương quan lực lượng chênh lệch gần tương tự giữa hai phe: đối kháng và đàn áp. Lịch sử tưởng chừng như đang lập lại. Chỉ “tưởng” vậy thôi chứ “không phải vậy” đâu. Thời gian, thời thế, và thời đại đã khác hẳn rồi. Phe phe xe tăng không còn đất nữa.

Toàn thể nhân loại đều đang hướng về Hương Cảng với ánh mắt lo âu cùng chia sẻ. Ngay cả báo giới của nước CHXHCNVN cũng vậy, cũng trích dịch từ những nguồn tin với ít nhiều hảo cảm dành cho những công dân ở hòn đảo nhỏ bé này:

Theo South China Morning Post, giới chức sân bay Hong Kong đã hủy bỏ tất cả các chuyến bay kể từ 16h (giờ địa phương), đổ lỗi cho những cuộc biểu tình đã "làm gián đoạn nghiêm trọng" việc vận hành của sân bay, ngăn cản hành khách làm thủ tục check-in và kiểm tra an ninh.

"Tất cả dịch vụ check-in cho các chuyến bay đi đã bị hủy bỏ. Trừ những chuyến bay đã hoàn thành check-in và những chuyến bay đang đến Hong Kong, tất cả các chuyến bay khác đã bị hủy bỏ đến hết ngày 12/8", bộ phận vận hành sân bay Hong Kong nói trong một tuyên bố.

Những con đường dẫn tới sân bay đang kẹt cứng. Trong số những người biểu tình khác đang bắt xe buýt để tới đây, một số đã xuống xe để đi bộ đến sân bay.

Đây là ngày thứ tư của cuộc biểu tình tại sân bay Hong Kong trên đảo Lantau, một trong những sân bay bận rộn nhất thế giới. Vào hôm 11/8, xung đột đã leo thang giữa người biểu tình và cảnh sát, với các đám biểu tình chơi trò "mèo vờn chuột" với cảnh sát khắp các khu vực của Hong Kong như Tsim Sha Tsui, Sham Shui Po, Kwai Chung và Causeway Bay. 

Ngày 11/8 kết thúc bằng cảnh tượng chưa từng có khi cảnh sát bắn hơi cay vào một trạm tàu điện ngầm ở Kwai Fong.

Khoảng 40 người đã nhập viện, trong đó có 1 phụ nữ bị bắn đạn cao su và có thể bị mù mắt. Vào lúc 15h (giờ địa phương), hàng nghìn người biểu tình đã tọa kháng tại sảnh đến của sân bay. Một số người giơ biểu ngữ: "Trả lại con mắt cho tôi, cảnh sát tàn bạo".

Mr Wong said police had buried their humanity. Photo: Sum Lok-kei, SCMP

Tất nhiên là không thiếu những lời cảnh cáo từ Trung Hoa Lục Địa: 


Kiểu rung cây doạ khỉ này xem chừng đã không mang lại kết quả mà còn gây ra hậu quả như thêm dầu vào lửa, khiến đám cháy có thể lan xa. Hãng thông tấn ABC đặt câu hỏi: Sau Hồng Kông, liệu có đến Đài Loan? After Hong Kong protests, is Taiwan the next flashpoint in our region?

AFP có một câu hỏi khác: Trung Hoa dám liều lĩnh thêm một Thiên An Môn khác ở Hồng Kông chăng? Would China risk another Tiananmen in Hong Kong?

Cái thời mà Mao Trạch Đông có thể cưỡi đầu cưỡi cổ dân tộc Trung Hoa, coi họ như súc vật đã qua rồi. Cái thời mà Khrushchyov và Đặng Tiểu Bình có thể mang xe tăng vào Budapest và Thiên An Môn để cán qua xác người, như chạy qua ruộng mía, cũng thế. 

Nhà báo Kent Ewing (Hong Kong Free Press) đặt câu hỏi: “Liệu Joshua Wong sẽ sống qua năm 2047 để chứng kiến dân chủ toàn diện ở Kồng Kông không?” (“Beyond 2047: Will Joshua Wong live to see full democracy in Hong Kong?”)

Hoàng Chí Phong sinh năm 1996. Tập Cận Bình sinh năm 1953. Đến năm 2047 thì Phong sẽ 50 tuổi, Bình 94 tuổi, và đảng cộng sản Trung Hoa 126 tuổi. Những con số này có thể dùng để trả lời cho câu hỏi thượng dẫn mà khỏi cần phải biện luận dài dòng. 

Còn nếu “lỡ” đến thời điểm 2047 mà họa cộng sản vẫn tồn tại (ở bất cứ nơi đâu) thì hành tinh này không còn là một nơi đáng sống – đối với bất cứ ai – chứ chả riêng chi với người dân Trung Hoa, Việt Nam hay Bắc Hàn!




Bình Luận

Thời Sự

Chuyên đề

 
http://danlambaovn.blogspot.com/search?max-results=50
Copyright © 2014 Dân Làm Báo