Nguyễn Ngọc Già (Danlambao) - Đài RFA hôm 4/8/2019 cho hay [1]: "... Thông tin mới nhất được Giáo sư Carl Thayer thuộc Trường Đại học New South Wales, đưa trên Twitter hôm 3 tháng 8 cho thấy Trung Quốc đã điều 35 tàu các loại vào vùng biển Việt Nam, trong này có những tàu trang bị vũ khí hạng nặng. Lúc đỉnh điểm số tàu lên đến 80 chiếc..."
Song song đó, đài VOA ngày 5/8/2019 cho biết Trung Quốc phát hành [2] "Bạch Thư" và "...Trong tuyên bố cho thấy Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không nhượng bộ trong vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải, “Bạch thư Quốc phòng” ra ngày 21/7 nói rằng “mục tiêu cơ bản” của chính sách phòng thủ quốc gia của quốc gia đông dân nhất thế giới là nhằm bảo vệ “các quyền lợi và chủ quyền hàng hải của Trung Quốc...”.
"Quyền lịch sử"
Theo trang Nghiên Cứu Biển Đông [3]: "... Kể từ khi đưa ra bản đồ đường lưỡi bò, các học giả Trung Quốc đã sử dụng nhiều thuật ngữ khác nhau để lý giải về ý nghĩa của đường này, trong đó đường lưỡi bò là đường thể hiện yêu sách của vùng nước lịch sử, của quyền lịch sử, hay của danh nghĩa lịch sử.
Lịch sử là sự thu thập, tập hợp những diễn biến của các sự kiện đã xảy ra trong quá khứ. Sự khách quan của lịch sử có thể được sử dụng làm bằng chứng cho nhiều ngành khoa học khác trong đó có luật pháp quốc tế.
Đối với một vùng lãnh thổ để biết được một vùng lãnh thổ đã thuộc về ai, được quản lý, kiểm soát như thế nào, đã xác lập được chủ quyền hay chưa, luật quốc tế áp dụng các nguyên tắc về thụ đắc lãnh thổ để phân định ý nghĩa pháp lý của các hành động thực thi chủ quyền của một quốc gia trong lịch sử. Những hành động đã diễn ra trong lịch sử có ý nghĩa pháp lý tạo ra chủ quyền của quốc gia được gọi là danh nghĩa lịch sử...".
Philippines kiện "đường lưỡi bò" do Trung Quốc tự ý vẽ ra là không có hiệu lực bởi vì nó vi phạm UNCLOS về "Vùng đặc quyền kinh tế" và "hải phận". Người Philippines cho rằng, bởi vì hầu hết các đảo ở Biển Đông cũng như hầu hết các đảo ở Trường Sa, không phải là nơi sinh sống, nên đây không phải là thềm lục địa như được định nghĩa trong công ước UNCLOS 1982. Điều này có nghĩa, không có bất kỳ quốc gia nào (kể cả Philippines) được phép coi đó là "của riêng".
Tuy Philippines thắng kiện vào năm 2016, nhưng Trung Quốc không chấp nhận phán quyết này.
"Giác Thư"
Trung Quốc luôn đưa ra cái gọi là "chủ quyền lịch sử" nhưng đều bị quốc tế bác bỏ, bởi những lập luận tối nghĩa và chứng cứ mơ hồ của họ.
Trong "Tuyên bố của Chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về lãnh hải" (xem ảnh), được biết là "thông qua kỳ họp thứ 100 của Ban Thường trực Quốc hội Nhân dân ngày 04/9/1958", có 4 điều, trong đó điều Một nói rằng:
Bề rộng lãnh hải của nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là 12 hải lý. Điều lệ này áp dụng cho toàn bộ lãnh thổ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc bao gồm phần đất Trung Quốc trên đất liền và các hải đảo ngoài khơi, Đài Loan (tách biệt khỏi đất liền và các hải đảo khác bời biển cả) và các đảo phụ cận, quần đảo Penghu, quần đảo Đông Sa, quần đảo Tây Sa, quần đảo Trung Sa, quần đảo Nam Sa và các đảo khác thuộc Trung Quốc.
Tuyên bố nói trên - một lần nữa - khẳng định "chủ quyền lịch sử" của phía Trung Quốc về Biển Đông.
Theo đó, thế giới thắc mắc và hoài nghi khái niệm "các đảo khác". Thật vậy, không thể biết 3 chữ này được diễn giải ra sao và những ai, những tổ chức nào của nước CHNDTH có đủ thẩm quyền diễn giải nó?
Cần khẳng định, bản "tuyên bố" nói trên là "tuyên bố" nhân danh quốc gia. Một tuyên bố quốc gia - vẹn toàn lãnh thổ - không được cắt rời. Vì thế, khẳng định phạm vi lãnh thổ một cách mơ hồ như vậy, tức là khẳng định điều vô nghĩa.
Vì vậy, Nhà nước CHNDTH buộc phải định nghĩa rõ:
"Các đảo khác" là "các đảo nào"? Và "các đảo khác" buộc phải có tên cùng với tọa độ trên biển cụ thể. Bởi không có 2 điều kiện tiên quyết (tên & tọa độ) thì tuyên bố vào ngày 04/9/1958 hoàn toàn vô giá trị. Như vậy, ngay lập tức, "chủ quyền lịch sử" của Trung Quốc đưa ra trở nên vô giá trị.
Thật khó để tin Nhà nước CHNDTH "tự nguyện, tự giác" giải thích những điểm mơ hồ nói trên. Vì vậy, Nhà nước CHXHCNVN cần phải phát hành "Giác Thư" để yêu cầu.
"Giác Thư" - một văn bản ngoại giao được toàn thế giới công nhận chính thức - là thư ngoại giao của một chính phủ gởi cho một chính phủ để trình bày quan điểm về một vấn đề cần đấu tranh - ở đây chính là đòi hỏi Trung Quốc giải thích về tuyên bố cái gọi là "các đảo khác".
Và không một ai ảo tưởng "Giác Thư" được Nhà nước CHNDTH phúc đáp một cách công bằng, công khai và bảo đảm tính khoa học, dù chắc chắn "Giác Thư" cũng cần gởi đến Hội đồng bảo an LHQ, cũng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc v.v...
Toàn thế giới cũng không huyễn hoặc, để trông đợi nhìn thấy một quốc gia "hùng cường & văn minh" như Trung Quốc sẽ "hồi tâm chuyển ý" để ngưng "Giấc Mộng Trung Hoa", dù chắc chắn họ không tài nào giải thích nổi "các đảo khác" ở đâu, tên gì, tọa độ bao nhiêu v.v...
Tuy nhiên, "Giác Thư" góp thêm một trong các chứng cớ khoa học, văn minh và quan trọng để buộc Trung Quốc phải bối rối trên trường quốc tế.
"Giác Thư" cần phải được phát hành trước khi Nhà nước CHXHCNVN có ý định "kiện" như các chuyên gia và học giả nêu lên và đề xuất trong nhiều ngày qua.
Kết Luận
Tất nhiên, không ai ảo tưởng "Giác Thư" là biện pháp duy nhất cho tình hình nguy ngập của Việt Nam hiện nay.
Ngoài việc phát hành "Giác Thư", "kiện", hủy bỏ chính sách "Ba Không" và nhiều biện pháp khác, người CSVN nên nhanh chóng thu hút các nhà đầu tư Hoa Kỳ và phương Tây ở lĩnh vực "kinh tế biển" như: đóng tàu, đánh bắt thủy hải sản, cải tạo môi trường biển v.v...
Cần những nhà đầu tư tầm cỡ và vốn lớn, bởi khi vốn càng đổ vào nhiều trong lĩnh vực này, tức "lợi ích quốc gia" của Hoa Kỳ & phương Tây gắn chặt với "lợi ích quốc gia" của Việt Nam theo thành ngữ "của đau con xót". Chắc chắn, Hoa Kỳ và phương Tây không thể khoanh tay đứng nhìn, một khi các nhà đầu tư của họ "bị cướp" (!)
Ngoài ra, khi Hoa Kỳ và phương Tây đầu tư vào lãnh vực "kinh tế biển", bên cạnh việc tạo nhiều công ăn việc làm cho người Việt Nam, thì ngư dân Việt Nam học hỏi rất nhiều và mau chóng tiếp thu cách "làm ăn hiện đại", từ bỏ dần cách "đi biển" "cha truyền con nối" vốn bấp bênh, đầy nguy hiểm và... "nghèo mạt rệp" hàng trăm năm qua!
Chú thích: