Hoàng Thủy Ngữ (Danlambao) - Hiện nay các quốc gia trên thế giới áp dụng những lý thuyết chính trị khác nhau để quản trị nhà nước và quản lý kinh tế. Hầu hết mọi người đều biết ít nhiều về các thuật ngữ liên quan và có thể cho biết ý nghĩa cơ bản của chúng. Tuy nhiên, có hai khái niệm chính trị thường hay bị hiểu lầm: đó là chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Chúng gây bối rối đến mức nhiều chính trị gia cũng nhầm lẫn. Hai thuật ngữ chính trị này cứ xuất hiện lẫn lộn do việc người dùng không lưu tâm nhiều đến nội dung thực sự của chúng.
Thực ra, chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội hoàn toàn khác nhau. Mục đích của bài viết này là muốn đưa ra những khác biệt cụ thể giữa hai chủ nghĩa đó.
Lý thuyết cộng sản
Lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản xuất phát từ việc chỉ trích chủ nghĩa tư bản trên thị trường. Ý tưởng cơ bản của chủ nghĩa này là nền kinh tế tư bản cho phép thiểu số tinh hoa thuộc tầng lớp có vị trí kinh tế, chính trị và xã hội cao hơn lợi dụng và bóc lột đại đa số quần chúng còn lại, những thành phần có vị trí kinh tế, xã hội thấp hơn. Karl Marx và Friedrich Engels, những người đặt nền móng cho ý tưởng cộng sản, đã đề xuất thay vào đó một xã hội, nơi tất cả các cá nhân đều bình đẳng về kinh tế và xã hội. Sự bình đẳng này chỉ có được bằng cách hủy bỏ tư hữu tài sản và tiền bạc và bằng cách làm việc chung như một cá thể. Ngoài ra, nó còn yêu cầu các cá nhân chỉ cần sản xuất hàng hóa và dịch vụ đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của quần chúng. Không ai sở hữu tư liệu sản xuất; nhà nước sẽ kiểm soát tất cả mọi phương tiện này. Cư dân trong xã hội cộng sản sở hữu chung các hàng hóa và dịch vụ đã sản xuất được. Chúng sẽ được phân phối theo nhu cầu thay vì trên số lượng sản phẩm một cá nhân đã làm được.
Xã hội cộng sản sẽ không có giai cấp kinh tế và tư hữu. Trong xã hội cộng sản lý tưởng hơn, chính phủ không cần phải tồn tại để quản lý kinh tế, mọi người sống và cùng hợp tác sản xuất, đáp ứng mọi nhu cầu chung.
Lịch sử chủ nghĩa cộng sản
Trong lịch sử thế giới hiện đại, chủ nghĩa cộng sản gắn liền với chính phủ của những người Bolshevik do Vladimir Lenin lãnh đạo vào đầu thế kỷ 20. Nhóm người này đã đẩy nước Nga vào cuộc nội chiến tương tàn và nạn đói thảm khốc trước khi nắm trọn quyền lực và thành lập Liên Bang Xô Viết kéo dài hơn 70 năm. Nhưng quốc gia này chưa bao giờ tiến tới được mô hình thuần túy của chủ nghĩa cộng sản. Giai cấp kinh tế và xã hội vẫn tồn tại và chính phủ không bao giờ bị giải thể. Khi bắt đầu cầm quyền, đảng Cộng Sản tuyên bố họ đang trên đường thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Suốt thời gian dài, giai cấp công nhân (giai cấp vô sản) bị đặt dưới sự cai trị của một chế độ độc tài và điều này được coi là cần thiết cho một trong những giai đoạn tiến đến xã hội cộng sản thật sự. Một số quốc gia khác như Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Hàn, Đông Đức... cũng áp dụng chủ thuyết này. Hậu quả là các nền độc tài toàn trị với một thiểu số tận hưởng quyền lực cùng lợi nhuận lớn đến từ các nguồn lực sản xuất của nhà nước.
Định nghĩa của chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa xã hội xuất hiện từ lâu, trước chủ nghĩa cộng sản nhưng cũng bắt nguồn từ mong muốn tạo ra một xã hội dựa trên sự bình đẳng và điều kiện sống tốt hơn cho tất cả cư dân. Mọi hành động hay quyết định, cả về chính trị và kinh tế, phải được tính toán và thực hiện với mục đích đem lại lợi ích cho tập thể quần chúng. Chủ nghĩa xã hội, ở dạng ban đầu, là ý tưởng mọi cá nhân nên cùng cộng tác để giải quyết các vấn đề luôn tồn đọng trong xã hội (như nghèo đói và áp bức) hơn là lối sống cá nhân ích kỷ. Ngoài ra, hệ tư tưởng này còn đề xuất các phương tiện sản xuất thông thường (như đất đai và cơ sở sản xuất) nên thuộc quyền sở hữu của toàn xã hội với chính phủ là đại diện thay mặt cho người dân. Trong bối cảnh này, chủ nghĩa xã hội có nhiều tiềm năng hơn chủ nghĩa cộng sản. Ví dụ, trong một xã hội theo chủ nghĩa xã hội, các phương tiện sản xuất có thể được chính phủ hay các tổ hợp (những nhóm người có cùng chí hướng, như nông dân, cùng làm việc để đạt mục tiêu sản xuất) điều hành. Nó cũng thúc đẩy ý tưởng phân phối lại quyền lực và sự giàu có như phương tiện để đạt được sự bình đẳng.
Lịch sử chủ nghĩa xã hội
Chủ nghĩa xã hội bám rễ sau khi thế chiến thứ Hai kết thúc. Nó chủ yếu tập trung tại các khu vực phía Tây Âu Châu và tại các quốc gia mới giành được độc lập, hậu thuộc địa ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. Các quốc gia ở Tây Âu như Anh, Pháp, Ý và ở Bắc Âu như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy nghiêng về chủ nghĩa xã hội, thực hiện các chương trình phúc lợi nhà nước và mở rộng chính sách thuế khóa. Ngoài ra, các chính phủ này còn tìm cách phân phối lại phúc lợi, các chương trình cải cách xã hội và quốc hữu hóa các dịch vụ công. Bằng cách áp dụng ý tưởng của chủ nghĩa xã hội, thuế khóa được hỗ trợ, y tế miễn phí cho toàn dân và chính phủ tài trợ các chương trình giáo dục và nhà ở cho tầng lớp lao động.
Trong thời gian gần đây, nhiều phong trào và chính phủ đã sử dụng hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa để hình thành các điều kiện trong khuôn khổ tổ chức của họ. Các phong trào giải phóng, phong trào nữ quyền, phong trào dân quyền v.v... đều có một số yếu tố của chủ nghĩa xã hội để hỗ trợ lý tưởng của mình.
Sự khác biệt giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản
Một trong những khác biệt chính giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản là làm cách nào để có thể đi đến những mô hình kinh tế này.
Theo lý thuyết nguyên thủy, chủ nghĩa cộng sản chỉ có thể đạt được khi giai cấp công nhân đứng lên lật đổ tầng lớp trung lưu và thượng lưu bằng bạo lực. Các nhà lý luận cộng sản tin rằng bạo lực cách mạng là biện pháp duy nhất để xóa bỏ chủ nghĩa tư bản.
Ngược lại, chủ nghĩa xã hội chủ trương việc thành hình thông qua quá trình bầu cử. Khi tham gia cuộc bầu cử, công dân có thể chọn đảng phái để thay mặt mình lãnh đạo chính phủ. Phương pháp cải cách này chậm hơn nhưng duy trì được một số trật tự nhất định trong lãnh vực chính trị và pháp lý của quốc gia.
Ngoài ra, hai chủ nghĩa này còn khác nhau về các nguyên tắc sở hữu. Trong chủ nghĩa cộng sản, hàng hóa và dịch vụ được phân phối dựa trên nhu cầu cá nhân thay vì trên nỗ lực đóng góp của cá nhân vào quá trình sản xuất. Trái lại, chủ nghĩa xã hội cho phép việc phân phối hàng hóa và dịch vụ dựa trên sự đóng góp công sức của cá nhân vào sản xuất.
Mặc dù hai hệ tư tưởng chính trị này rất khác nhau, không một quốc gia nào trên thế giới ngày nay có thể tuyên bố là thuần túy cộng sản hay xã hội chủ nghĩa. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hầu hết các chính phủ kết hợp các yếu tố từ nhiều mô hình kinh tế để phát huy sức mạnh và cung cấp các dịch vụ xã hội. Ngay cả ở Hoa Kỳ, quốc gia đề cao chủ nghĩa tư bản, người ta cũng tìm thấy ý tưởng xã hội chủ nghĩa trong chương trình an sinh xã hội Medicare và Medicaid của Lyndon B. Johnson hay chương trình cải cách kinh tế New Deal của Franklin D. Roosevelt và ông đã thành công: nền kinh tế Mỹ dần phục hồi sau cuộc Đại Suy Thoái Kinh Tế thế giới những năm 1930.
Rất nhiều đảng phái tại các quốc gia Tây Âu hiện nay tự nhận là dân chủ xã hội (social democracy), chẳng hạn như Sveriges Sosialdemokratiska Arbetareparti ở Thụy Điển, Arbeiderpartiet ở Na Uy hay British Labour Party ở Anh. Mục tiêu không phải để tạo ra bất kỳ một nền kinh tế kế hoạch hóa nào nhưng là một nền kinh tế hỗn hợp với hầu hết các hoạt động kinh tế nằm trong thị trường tư bản tự do, đồng thời đặt nặng các lãnh vực y tế, giáo dục và phúc lợi xã hội lên vai nhà nước.
Bằng cách kết hợp hệ tư tưởng của chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa tư bản và thể chế dân chủ, các quốc gia như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Canada, Anh, Pháp... đã tạo ra được một xã hội hài hòa giữa mục tiêu lợi nhuận của xã hội tư bản và lợi ích của chủ nghĩa xã hội cùng với một nền dân chủ vững mạnh.
*
Tham khảo:
- Snl.no
- Sassoon Donald, One Hundred Years of Socialism: The West European Left in the Twentieth Century.
20.08.2019